Hôm nay, mùng 7 tháng Giêng, các anh em lớp Phong thủy Lạc Việt, nhiều người ở quê mới lên ghé thăm chúc Tết tôi. Hôm nay cũng là ngày hạ nêu hết Tết theo tục Việt. Anh chị em đề nghị đến lễ đền Quốc tổ Lạc Long Quân. Tôi đồng ý ngay.
Uy nghi Quốc tổ Lạc Long Quân
Ngôi đền này tọa lạc tại 94 đường Nguyễn Thái Sơn, do cụ Sơn Hồng Đăng quản đền. Đây là ngôi đền mà 13 năm trước, khi tôi viết cuốn sách đầu tiên – “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại” – tôi đã gặp ông Trần Thanh Lê ở đây. Ông đã viết lời tựa cho cuốn sách này và nó đã được in. Ngày ấy, nhờ có cụ Sơn Hồng Đăng giúp đỡ gia đình tôi, lúc chục gạo, lúc vài chục ngàn rau dưa mà tôi đã vượt qua được những khó khăn của cuộc đời và hoàn tất cuốn sách đầu tiên này. Tôi luôn nhớ ơn cụ.
Anh chị em chờ tôi ở dưới nhà. Tôi phải tiếp khách. 11g mới xuống đến nơi.
Thành kính trước anh linh tổ tiên
Khi đến nơi tôi thay mặt anh chị em vào chào cụ Sơn Hồng Đăng và xin phép được dâng lễ lên Tổ Tiên. Ngoài bó nhang trầm đặc biệt, chúng tôi chuẩn bị từ nhà, chúng tôi không có lễ vật gì khác ngoài tấm lòng chí thành của chúng tôi.
Thành kính trước anh linh Tổ Mẫu Âu Cơ.
Chân lý là sự tự chứng ngộ của mỗi cá nhân. Tùy tâm và duyên chứng ngộ, mỗi người chúng tôi tự nguyện đến với anh linh tổ tiên bằng sự chí thành của chính mình.
Đây không phải nhà bảo tàng, nhưng cũng có những câu, liễn nhắc nhở con dân đất Việt hướng tới tổ tiên và cội nguồn với những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha để lại.
Hình Hà Đồ và Lạc Thư được tôn thờ ở đây như một báu vật tinh thần của nền văn hiến Việt. Những hình này được thờ ở đây từ lâu, trước khi tôi đi tìm sự bí ẩn của nó qua huyền thoại vốn gán cho nền văn minh Hán. Đây chính là đồ hình biểu tượng cô đọng nhất cho những quy luật vận động của vũ trụ. Nó không phải đơn giản chỉ là một cái ma phương chết không phản ánh một thực tại nào.
Một họa sĩ tài hoa đã vẽ bức tranh lụa miêu tả cảnh chia tay của Tổ Phụ Lạc Long Quân và Tổ Mẫu Âu Cơ trong huyền thoại Việt. Năm mươi người con trai theo Tổ Mẫu lên núi và năm mưới người con trai theo Tổ Phụ xuống biển. Đã có một nhà nghiên cứu Việt Nam giải mã nội dung truyền thuyết này tại Hội nghị phụ nữ quốc tế ở Hanoi, theo kiểu tổ tiên người Việt theo chế độ Mậu hệ và dòng giống Việt khởi nguồn từ một cuộc sống loạn luân nguyên thủy, khi chỉ có bà Âu Cơ là giống cái với 50 người con trai. Bài viết này tôi có trích dẫn trong sách in lần đầu của tôi. Đấy là cách giải mã để chứng minh cho quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt trải gần 5000 năm văn hiến của họ.
Còn tôi – họ chỉ trích sự giải mã của tôi là mơ hồ, là không có cơ sở khoa học, là siêu hình…vv….Nhưng tôi không bao giờ coi sự giải mã là bằng chứng khoa học. Tôi có thể cắt tất cả các đoạn giải mã trong tất cả các sách của tôi mà không ảnh hưởng gì đến nội dung. Có một lần, trưởng phòng biên tập của Nxb Đại Học Quốc gia đặt vấn đề về sự giải mã của tôi trong cuốn “Tìm Về cội nguồn Kinh Dịch”, Tôi trả lời ngắn gọn: “Anh cứ việc cắt tất, nếu thấy không phù hợp”. Nhưng họ đã không cắt. Bởi vậy, sau này có không ít người lợi dụng việc này, đồn lên rằng tôi dùng cách giải mã truyền thuyết để chứng minh luận điểm. Cũng may, tôi luôn xác định trên tất cả các trang mạng mà tôi tham gia rằng: “Tôi không bao giờ coi việc giải mã làm bằng chứng khoa học. Ít nhất trong lúc này”. Nói một cách lịch sự là: “Vì chưa có tiêu chí cho một sự giải mã văn hóa phi vật thể để xác định tính đúng đắn của nó”.
Ngay trong truyền thuyết con Rồng cháu Tiên nổi tiếng của Việt tộc cũng ẩn chứa trong đó một bí ẩn lớn nhất của một nguyên lý phản ánh quy luật vận động tương tác của vũ trụ, qua những khái niệmtrừu tượng của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Có thể nói rằng: Những truyền thuyết về Việt sử thời Hùng Vương là sự tuyệt vời đầy huyễn ảo của một trí tuệ siêu phàm.
Ông Phạm Công Thiện phát biểu:
=======================================
Ngoài ra cũng có thể nhắc đến những quan niệm của ông về tiếng Việt: “Không cần phải đọc Platon,Aristote, Kant, Hegel ……, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử, không cần phải đọc Upanishadsvà Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.” [6]
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_C%C3%B4ng_Thi%E1%BB%87n
=======================================
Đó là cách diễn đạt của ông Phạm Công Thiện. Còn tôi, tôi chỉ xin lưu ý quý vị là tính chặt chẽ trong cấu trúc những truyền thuyết và huyền thoại thời Hùng Vương khiến nó có khả năng xác định một chân lý rất minh triết. Mọi sự xuyên tạc đều mâu thuẫn với nội dung của nó. Nếu như người Ai Cập tự hào nói rằng: “Mọi cái đều sợ thời gian. Nhưng thời gian lại sợ Kim Tự Tháp” thì những truyền thuyết huyền thoại thời Hùng Vương chính là những tác phẩm vượt thời gian lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại mà vẫn giữ nguyên vẹn những yếu tố chính trong nội dung của nó. Nếu không phải là một trí tuệ cực kỳ siêu đẳng thì không thể làm được việc này. Nếu các bạn đối chiếu những bản văn – kể cả tầm cỡ quốc tế – cũng có thể bị hiểu lầm về ngôn từ, hiểu sai về nội dung…vv…thì bạn sẽ thấy được sự vĩ đại của tiền nhân Việt tộc đã sáng tạo những huyền thoại này và truyền lại một cách bền vững cho hậu thế trải hàng thiên niên kỷ.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến vào khoảng cuối những năm 90, nhà nước Hoa Kỳ bán bộ mật mã họ đang dùng. Các cường quốc tranh nhau mua với giá hữu nghị là hàng trăm triệu dol. Mà không phải ai họ cũng bán. Tất nhiên họ có bản mật mã khác. Nhưng tôi tin rằng: bản mật mã của Tổ tiên Việt tộc siêu đẳng hơn nhiều, khi nó trải qua hàng ngàn năm thăng trầm của Việt sử cho đến ngày hôm nay. Bản mật mã của Hoa Kỳ có thể bị lộ trước đối phương. Còn của Việt tộc thì không. Nếu nó dễ giải mã thì văn minh Đông phương không còn gì là huyền bí. Mặc dù tất cả mọi người biết đọc biết viết và có trí nhớ đều đọc thuộc lòng những câu truyện huyền thoại Việt này. Tức là nó sờ sờ trước mắt. Nhưng vẫn không ai giải mã được nó. Một kiểu giải mã – xin lỗi – thật sự không thể được gọi là đủ tính hợp lý tối thiểu – đó chính là vị học giả khả kính đọc tham luận trước đại hội phụ nữ quốc tế tại Hanoi về tính loạn luân quần hôn nguyên thủy của tổ tiên người Việt, mà tôi đã hân hạnh giới thiệu ở trên. Tính phi logic đến quái gở của sự giải mã này về ngôn ngữ toán học là sự không đồng đẳng giữa các đại lượng, hoặc tối thiểu là tính liên hệ do hình tượng phản ánh nội dung. Tôi chỉ nói đến đấy và không muốn nói gì thêm – khi chưa có một tiêu chí để xác định sự giải mã được coi là đúng! Tất nhiên, không thể vì thế mà bảo rằng người ta không thể chỉ ra cái sai của sự giải mã.
.
Chúng tôi vào chúc Tết cụ thủ từ Sơn Hồng Đăng và chào tạm biệt cụ. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, cụ tạo lập nên đền thờ Quốc tổ Lạc Hồng cho đến ngày nay. Nơi đây đã có những lúc rất thịnh vượng với nhiều người thành tâm cúng bái. Nhưng qua những thăng trầm, nay nhang tàn khói lạnh. Riêng cá nhân tôi, dù trong lúc nào cũng đến đây vào những ngày lễ trọng của nền văn hiến Việt.
Sau khi tạ từ cụ thủ đền, chúng tôi rủ nhau tìm quán bia vui vẻ tình thày trò, và anh em.
BÀI CHƯA HOÀN CHỈNH.