LÝ HỌC VIỆT VÀ NGUỒN GỐC THÁNG CÔ HỒN

Chúng ta đang sống trong tháng Bẩy, năm Canh Tý Việt lịch 2020. Trong dân gian quen gọi là tháng “Cô hồn”. Rất nhiều truyền thuyết mang tính tôn giáo và tâm linh, mô tả cho nguyên nhân của Tháng Cô Hồn này. Trong đó có cả truyền thuyết liên quan đến Phật Giáo, về Ngài Mục Kiều Liên xuống Địa Ngục cứu mẹ. Trong Phật Giáo gọi là lễ Vu Lan, báo hiếu các bậc sinh thành. Trong dân gian Việt còn gọi là ngày lễ “Xá tội vong nhân”, tức là ngày mà các linh hồn người chết bị đọa dày dưới Địa Ngục được tha tội để về nơi Dương thế. Có thể nói, hầu hết các dân tộc Đông phương đều có những nghi lễ cúng bái trong “Tháng Cô Hồn” này với những cách giải thích khác nhau tùy theo tín ngưỡng và tôn giáo. Nhưng có một điểm chung cho các truyền thuyết về những nghi lễ thực hiện trong rằm tháng Bảy này, là liên quan đến vong linh của những người đã chết.

Do đó, vấn đề được đặt ra sẽ là bản chất thật của “Tháng Cô Hồn” này xuất phát từ đâu?
Chúng ta đặt vấn đề rằng: nếu nó xuất phát từ một tín ngưỡng, thì đó phải là một tín ngưỡng phổ biến rộng rãi thuộc về nền văn minh này. Từ đó, nó mới có thể phổ biến thành truyền thống về tháng Cô Hồn trong di sản của nền văn minh Đông phương, gồm nhiều quốc gia.

Một trong những cách giải thích khá phổ biến về nguồn gốc của tháng Cô Hồn có nguyên nhân từ Phật giáo, qua các sự tích về Lễ Vu Lan, báo hiếu của ngài Mục Kiều Liên xuống Địa Ngục cứu mẹ, và sự tích về ngài Anan cúng Ngã Quỷ. Xét về tính phổ biến thì Phật Giáo là một tôn giáo xuất phát từ Đông phương hơn 2500 năm trước và phổ biến trên toàn thế giới. Cho nên giải thích nguyên nhân từ Phật giáo với tính phổ biến của Phật giáo và tính phổ biến của tín ngưỡng liên quan đến “Tháng Cô Hồn” là khả thi. Nhưng no chỉ có tính hợp lý cục bộ. Vấn đề được tiếp tục đặt ra là: Những điều kiêng cữ trong lễ Tháng Cô Hồn” không hoàn toàn thuộc về hệ thống Phật pháp. Bởi vậy, truyền thuyết về ngài Mục Kiều Liên xuống Địa Ngục cứu mẹ, hoặc ngài Anan gặp ngã quỷ – để giải thích cho nguyên nhân của  quan niệm về “Tháng Cô hồn”, chỉ có thể được hình thành rất lâu sau khi Phật pháp trở thành phổ biến trong xã hội Đông phương. Nó không hề có trong kinh điển chính thống của Phật giáo.

Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đi tìm nguyên nhân của quan niệm “Tháng Cô hồn” từ một cách giải thích khác.

Những dấu ấn còn lại của quan niệm về tháng “Tháng Cô hồn”, cho thấy nó liên quan đến Lý học Đông phương. Một trong những dấu ấn đó chính là từ “Quỷ Môn quan” – được coi là nơi xuất phát của ma quỷ lên trần gian vào tháng Bảy này. “Quỷ Môn quan”, hay còn gọi là “Quỷ Môn”, là một khái niệm trong Địa lý Phong Thủy mô tả trục Đông/ Tây trong Phong thủy Đông phương nói chung và trục Đông Bắc/ Tây Nam theo Địa Lý Lạc Việt (Sẽ được trình bày rõ hơn ở phần sau).

Trong lịch sử nền văn minh Đông phương, cũng đã ghi nhận một tôn giáo phổ biến ở Nam Dương tử, đó chính là Đạo Giáo. Tôn giáo này có thời điểm xuất xứ tương đương sự xuất hiện của Phật giáo – từ 2500 năm cách ngày nay. Tôn giáo này đã bị mai một cùng với sự sụp đổ của nền văn hiến Việt, từ 300 năm trước CN. Nó chỉ còn lại những dấu ấn qua những truyền thuyết về tiên thánh trong tính ngưỡng dân gian, ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Riêng ở Việt Nam thì di sản của Đạo Giáo còn trong tục thờ Mẫu, Ngũ phủ công đồng, các vị thánh…vv…

Trong Đạo Giáo, hầu hết mọi phương tiện hành pháp đều liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành. Từ đó, tôi nhận thấy rằng: Hoàn toàn có cơ sở xem xét cội nguồn của “Tháng Cô Hồn” từ Lý học Đông phương.

Bây giờ, chúng ta bắt đầu với mô hình Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt. Quý vị và anh chị em xem hình dưới đây:

 HẬU THIÊN LẠC VIỆT PHỐI HÀ ĐỒ

Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng: Trong mô hình Hà Đồ (và cả Lạc Thư) đều có 9 ô. Các ô trên Hà Đồ đều phối với Thiên Can tích hợp với độ số của nó, gồm: Giáp 1, Ất 2, Bính 3, Đinh 4, Mậu 5 (Mậu thuộc Thổ) , Kỷ 6, Canh 7, Tân 8, Nhâm 9, Quý 10 (Quý thuộc Thủy). Riêng ô giữa – Trung cung của Hà Đồ có hai Thiên Can phối là “Mậu/ Quý” với độ số 5/ 10, phù hợp với độ số Trung cung của Hà Đồ.

Và điều này liên quan gì đến “Tháng Cô Hồn” với tháng Bảy Việt lịch hàng năm?

Chúng ta đều biết rằng: Trong truyền thống văn hóa Việt, ông cha ta thường gọi tháng 11 Việt lịch là tháng Một; Tháng 12 là tháng Chạp; tháng 1 là tháng Giêng…Sau đó mới thuận tự theo số đếm phổ thông. Do đó, tháng thứ 5 tính từ tháng Một – theo cách gọi dân gian Việt – tức cũng là tháng Ba Việt lịch. Đây cũng chính là tháng kỷ niệm giỗ Tổ Hùng Vương 10/ 3 Việt lịch. Hay nói cụ thể và rõ hơn là: ngày giỗ Tổ Hùng Vương của Việt tộc vào ngày mùng 10, tháng thứ 5 Việt lịch, tính từ tháng Một (11). Đây chính là con số của Trung cung Hà Đồ, thuộc Mậu/ Dương Thổ.

Vậy tháng cô hồn liên quan gì đến mô hình Hà Đồ này?

Đây chính là tháng thứ chín, tính từ tháng Một (11) Việt lịch. Cho nên theo chu kỳ Cửu cung, tháng này nhập trung cung Hà Đồ, tương ứng với độ số 10 của Thiên Can Quý thuộc Thủy. Tháng này vì do Thiên Can Âm Thủy là Quý quản trung cung, nên Âm khí – theo Lý học Việt rất vượng. Cho nên nó thể hiện bằng thời tiết phổ biến trên trái Đất là mưa gió sụt sùi (Mưa Ngâu), hoặc bão tố, lũ lụt…vv…..với sự tích Ngưu Lang Chức Nữ nổi tiếng của nền văn minh Đông phương. Trong truyền thuyết này thì nước mắt vì cuộc tình ngang trái của vợ chồng Ngâu trên Thiên Đình, đã làm nên mưa gió sùi sụt trong tháng Bảy ở trần gian.
Nhưng tại sao nó lại được mô tả là “Tháng Cô Hồn”? Để giải thích vấn đề này, chúng ta xem tiếp mô hình dưới đây:

MÔ HÌNH LA BÀN ĐỊA LÝ LẠC VIỆT.

Trên mô hình này, chúng ta thấy rằng tháng Bảy Âm lịch hàng năm là tháng Thân, bắt đầu từ tháng Giêng là tháng Dần; tháng 2 Mão; tháng 3 Thìn; tháng 4 Tỵ, tháng 5 Ngọ; tháng 6 Mùi, tháng Bảy Thân…. Nếu theo mô hình “Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư”  thì Vị trí cung Khôn ở Tây Nam. Xin xem mô hình dưới đây:
MÔ HÌNH LA BÀN THEO HẬU THIÊN VĂN VƯƠNG PHỐI LẠC THƯ.

MÔ HÌNH LA KINH DÙNG TRONG ĐỊA LÝ PHONG THỦY TÀU & LẠC THƯ.

Rất rõ ràng: Nếu theo mô hình “Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư” thì cung Khôn Tây Nam phối Cấn Đông Bắc, sẽ là trục “Sinh Khí”. Và cũng theo mô hình “Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư” thì chúng ta sẽ có bốn trục như sau:
1/ Trục Phúc Đức – Bắc Nam, tức Khảm phối Ly (Chỉ có ở người Đông Tứ Trạch).

2/ Trục “Tuyệt Mạng” –  Đông Tây, tức Đoài phối Chấn (Chung cho cả hai loại trạch mệnh).

3/ Trục Sinh Khí – Tây Nam Đông Bắc, tức Khôn phối Cấn (Chỉ có ở người Tây Tứ Trạch).
4/ Trục Họa Hại – Tây Bắc Đông Nam, tức Càn phối Tốn (Chung cho cả hai loại trạch mệnh)..
Trong đó, trục Đông Tây Tuyệt Mạng, còn một tên gọi khác là trục Quỷ Môn trong Địa Lý phong thủy. Và rất dễ dàng nhận thấy sự vô lý trong cấu trúc của mô hình “Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư” ứng dụng trong Địa Lý phong thủy:

Người Tây Trạch không có trục Phúc Đức và người Đông trạch không có trục Sinh Khí?!

Và với mô hình này thì chúng không thể có sự liên hệ lý giải liên quan, cụ thể trong bài viết này về bản chất “Tháng Cô Hồn”.

Ngược lại, với mô hình “Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ” – đổi vị trí Tốn Khôn – chúng ta sẽ nhân thấy ngay tính đồng đẳng của hai loại mệnh trạch như sau:

1/ Trục PhúcĐức: Người Tây Trạch – ở trục Tây Bắc Đông Nam, tức Cản phối Khôn, và người Đông trạch – ở trục Bắc Nam, tức Khảm phối Ly.
2/ Trục Tuyệt Mạng: Người Tây Trạch – trục Tây Nam Đông Bắc, tức Tốn phối Cấn, và người Đông trạch – trục Đông Tây, tức Đoài phối Chấn.
Đến đây, chúng ta thấy rằng: Trục Tuyệt Mạng còn gọi là trục Quỷ Môn.
Xin xem mô hình dưới đây:
MÔ HÌNH HẬU THIÊN LẠC VIỆT PHỐI HÀ ĐỒ –

Trong ứng dụng Địa Lý phong thủy với tính chất các trục trong Trạch mệnh.

Như phần trên, người viết đã trình bày: Trục Tuyệt Mạng trong ứng dụng Địa Lý phong thủy còn gọi là trục Quỷ Môn. Và như vậy, chúng ta sẽ nhận thấy ngay rằng: Vởi Hậu Thiên Lạc Việt phôi Hà Đồ thì Tốn ở Tây Nam phối Cấn Đông Bắc sẽ là trục Quỷ Môn, tức là cửa Địa Ngục. Và trục này lại gắn liền với sơn Thân của 12 Địa Chi, nằm trong cung Tốn Tây Nam.
Tổng hợp những yếu tố người viết đã trình bày, liên quan đến Thiên Can Quý Thủy nhập trung vào tháng thứ 9, tức tháng Bảy tháng Thân theo Việt lịch; và sự phối hợp vị trí liên quan của sơn Thân trong trục Quỷ Môn theo “Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ”, cho chúng ta thấy nguồn gốc thật sự của tháng “Cô Hồn”, từ chu kỳ tương tác của vũ trụ liên quan đến Địa Cầu trong năm. Và đó cũng chính là sự mô tả dưới dạng truyền thuyết về ngày rằm tháng Bảy là ngày mở cửa Quỷ Môn, để các vong hồn được trở lại trần thế, còn gọi là ngày “Xá tội vong nhân”. Thực chất đó chỉ là ngày Âm khí Thổ Vượng, có nguồn gốc từ vũ trụ vượng nhất trong năm, nên nó được mô tả bằng “Địa Ngục” (“Địa” là Đất/ Thổ; “Ngục” là hình tượng mô tả khí chất dưới đất) và nâng cấp thành những truyền thuyết liên quan đến “Tháng Cô Hồn” với những ma quỷ từ Địa Ngục chui lên, hoành hành trên thế gian.
SW Hawking đã phát biểu:
“Nếu quả thật chúng ta tìm ra được một Lý thuyết thông nhất, thì sẽ ứng dụng những quy luật vũ trụ để điều hành cuộc sống của chúng ta”.
Phải chăng, chính những quy luật vũ trụ được mô tả trong bài viết này, qua mô hình Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt, ứng dụng trong những nghi thức liên  quan đến Tháng Cô Hồn, chính là một sự thể hiện tính ứng dụng của quy luật vũ trụ trong cuộc sống?
Vài lời chia sẻ.

Bài này đã được đăng trong Các Đề Tài Khác. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.