TỔNG BIÊN TẬP BÁO TUỔI TRẺ RA ĐI.

TỔNG BIÊN TẬP BÁO TUỔI TRẺ RA ĐI
magnify


Mãi đến hôm nay, tôi mới biết tin ông Lê Hoàng, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ rời khỏi chức vụ của mình từ 31 tháng 12 năm 2008. Hay là tôi đã có xem lướt qua, nhưng không để ý và chỉ cho đến hôm nay vào Blog của Triều Âm mới thấy được sự ồn ào này. Nói chung đấy cũng là tại cái tính của tôi. Tôi ít để ý đến cái gì xảy ra chung quanh tôi. Tất nhiên bù lại, cái xung quanh tôi cũng chẳng quan tâm gì lắm đến việc tôi làm. Nhưng ấn tượng của bài viết trên blog Triều Âm, khiến tôi nghĩ lại một kỷ niệm liên quan đến Nxb Trẻ đã gần 10 năm rồi. Tất nhiên nó liên quan đến ông Lê Hoàng. Nếu không thì tôi cũng chẳng viết bài này.

Hôm ấy, cụ Lê Gia – tác giả của cuốn Dịch Học giản yếu – mời tôi đến dự buổi họp mặt thân mật với người bạn già của cụ từ Hoa kỳ về. Cụ giới thiệu bạn của cụ là người tâm huyết với văn hóa dân tộc. Tôi đi. Một buổi gặp mặt nhạt nhẽo với gần 10 người có mặt. Mỗi người gượng gạo góp câu chuyện của mình vào cho xôm tụ. Tôi cũng đang bức xúc về truyền thống văn hóa sử dân tộc bị phủ nhận. Tôi nói về thời Hùng Vương và cội nguồn Kinh Dịch. Tôi khoe có viết một cuốn sách về vấn đề này. Một vị khách mời đã gặp tôi và giới thiệu là biên tập viên của Nxb Trẻ, anh ta hứa hẹn sẽ in cuốn sách của tôi ở Nxb này. Lúc ấy, Nxb Đại học Tổng hợp T/p HCM đã từ chối in cuốn sách “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch” của tôi. Như chết đuối vớ được cọc, tôi hẹn sẽ đem đến ngay. Và cách một ngày sau tôi đã đem tập bản thảo hoàn chỉnh đến Nxb Trẻ. Một ông già tự giới thiệu là bảo vệ cho biết người hẹn tôi đã đi vắng và khuyên tôi cứ đưa bản thảo cho ông ta. Vài hôm sau tôi lại đến, vẫn ông già ấy cho tôi biết người tôi cần gặp vẫn đi vắng và nói đã đưa cho ban biên tập, khuyên tôi nên chờ một thời gian. Thế rồi tôi lại chờ. Rồi tôi lại đến. Cả ba lần tôi chỉ vừa lách qua chiếc cửa chính hai cánh và ngồi ngay phòng đầu tiên và cả ba lần vẫn ông già ấy tiếp tôi. Lần thứ ba, ông già đưa tôi một cái phong bì lớn giấy vàng nâu và nói tôi cầm bản thảo về, Nxb Trẻ không in cuốn sách này. Trên phong bì có ghi chú của người biên tập, không phải là người mà tôi gặp trong buổi họp mặt. Tôi còn nhớ trong lời đề nghị của người biên tập có một đoạn như sau:

Theo từ điển của Từ Nguyên thì Kinh Dịch do vua Phục Hy tìm ra – tất nhiên nó thuộc về văn hóa Trung Hoa – cuốn sách này coi Kinh Dịch là của Việt Nam là điều không có cơ sở. Đề nghị không in cuốn sách này. Ký tên.

Phía trên lời chú của biên tập viên là lời ghi của bà trưởng ban biên tập: Đồng ý với ý kiến của biên tập viên, Đề nghị không in cuốn sách này. Ký tên.

Góc trên cùng bên trái của cái bì thư màu vàng nâu có dòng chữ: Đồng ý! Không in cuốn sách này. Trả bản thảo cho tác giả. Ký tên: Lê Hoàng.

Tôi buồn bã ôm bản thảo cuốn sách đi ra. Vừa ra đến cổng thì gặp ngay anh biên tập viên đã gợi ý tôi đem bản thảo đến Nxb, đúng lúc tôi chẳng cần gặp anh ta. Anh ta hỏi tôi đi đâu vậy? Tôi trả lời “Tôi đến lấy bản thảo về anh ạ. Người ta từ chối không in cuốn sách của tôi”. Anh ta có vẻ trách móc: “Sao anh không đưa bản thảo cho tôi?”. Tôi cười ruồi, chào và ra về.

Đến nay tôi không còn nhớ tên anh biên tập viên đã đề nghị không in cuốn sách của tôi và cả tên anh biên tập viên rủ tôi mang sách đến để in. Tôi cũng chẳng nhớ tên bà trưởng ban biên tập là ai. Tôi chỉ nhớ mỗi tên ông Lê Hoàng. Và đấy là kỷ niệm duy nhất của tôi với ông ta.

Sau này, anh Chinh Nhân, một cựu biên tập viên của Nxb Trẻ đã về hưu, tình cờ biết tôi ghé nhà. Tôi nói với anh chuyện này. Anh xem bản thảo và nói: Trình độ của biên tập Nxb Trẻ không đủ khả năng để biên tập cuốn sách này. Híc! Biết thế!

Sau khi qua ít nhất cũng 15 Nxb lớn nhỏ, chịu chơi và không chịu chơi theo lời đồn của dư luận. Cuối cùng, trở lại Nxb Đại học quốc gia T/p HCM đã in nó. Tất nhiên cũng không đơn giản.

Cho đến nay, tôi cũng không hiểu vì sao một cuốn sách chỉ thuần nghiên cứu học thuật mà lại khó được in như thế. Híc! Tất cả là Định mệnh. Vâng. Tôi chỉ còn cách giải thích như vậy và tôi tin điều này. Việc ông Lê Hoàng ra đi, tất nhiên cũng là tại cái số nó thế.
Những chai bia Heineken kia là để tôi cúng sao giải hạn cho ông Lê Hoàng và cho cả cái thằng tôi.

Bài này đã được đăng trong Chuyện đời. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.