ĐI LỄ ĐẦU NĂM

Sáng mùng một Tết, tôi và vợ tôi đến đền Hùng 93 Nguyễn Thái Sơn lễ Tổ tiên. Nơi đây thờ quốc tổ giống nòi Lạc Việt Quốc tổ Hùng Vương và Quốc Mẫu Âu Cơ. Khác hẳn với không khí nhộn nhịp mọi năm. Năm nay đền thờ Quốc Tổ vắng tanh. Bàn thờ nhang tàn, khói lạnh. Cụ thủ từ mệt mỏi ra tiếp tôi. Thấy tôi ngơ ngác nhìn không khí lạnh lẽo của ngôi đền, cụ thủ từ khoe: “Tối qua, dân chúng các tỉnh về cúng đông lắm. Họ về hết rồi”. Tôi biết cụ nói dối chỉ để tăng uy tín ngôi đền với tôi. Tôi ứa nước mắt, thương cảm và im lặng. Tôi không phải là người hùa theo số đông. Tôi đến đền Hùng vì tâm nguyện của tôi. Tôi cố tránh nói chuyện với cụ về lễ đền Hùng đầu năm để cụ không buồn.

Trước những năm 60, nơi đây thờ một tôn giáo khác, cụ thủ từ chính là người coi sóc nơi đây đã thay hết các tượng phật thánh bằng tượng vua Hùng và quốc mẫu Âu Cơ. Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ra đời từ đó. Đây cũng là nơi tôi có duyên gặp Thạc sĩ Trần Thanh Lê – người đã viết lời tựa cho cuốn sách đầu tay của tôi in năm 1998, cuốn ” Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại”. Ngày ấy, thế nhân tấp nập vào ra, những ngày lễ trọng trong năm đều đông đúc những con nhang đệ tử. Tôi cũng thường xuyên đến đây, chủ yếu để cầu nguyện. Tôi cũng chứng kiến những tâm trạng khác nhau của tha nhân. Người ta tranh chấp, so đo để giành một cái vị trí hão huyền là điều khiển các buổi lễ sau cụ thủ từ. Tôi chẳng quan tâm đến họ.

Ngôi đền ngày càng vắng vẻ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy sự suy tàn của ngôi đền này. Sự suy tàn của ngôi đền thờ Quốc tổ giống nòi Lạc Việt, ngay giữa nơi cư dân nhộn nhịp của thành phố đông dân bậc nhất nước Việt Nam.

Tôi ứa nước mắt ra về.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Bài này đã được đăng trong Chuyện đời. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.