Hôm nay tôi có buổi nói chuyện theo chương trình hàng tháng của Câu Lạc Bộ Thăng Long dịch học nghĩa kỳ. Nó không phải là một lễ tồng kết, cũng chẳng phải một buổi hội thảo. Nó chỉ là một buổi nói chuyện về một chuyên đề nào đó do Câu lạc bộ Thăng Long tổ chức vào Chủ Nhật tuần thứ ba hàng tháng, do một nhà chuyên môn được mời. Lần này là tôi. Thế thôi. Nhưng tôi đã bay từ Sài Gòn ra để nói chuyện về đề tài do anh Hoàng Sơn đề nghị: Về khả năng dự báo và dự báo động đất, đồng thời nói về việc giải mã những di sản văn hóa truyền thống Việt.
Đó là chủ đề buổi nói chuyện của tôi. Tôi rất có cảm hứng với chú đề này và cũng nể Hoàng Sơn. Thế là tôi bay ra. Mặc dù mới chỉ hôm qua, tôi bị ốm đến mê man….Thực ra với chủ đề này tôi viết rất nhiều và chi tiết trên mạng và trong sách. Nhưng với không gian mở của một buổi nói chuyện nó sẽ mang một sinh khí khác. Tôi hy vọng rằng: Mọi người sẽ hiểu hơn.
Tài liệu tôi đem theo chỉ có một cuốn “Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam” và “Lời tiên tri 2011 ” đồng thời là bài nói chuyện của tôi cuối năm ngoái cũng ở Câu Lạc bộ này. Tôi đến đúng giờ, nhưng 8g30 mới bắt đầu, tôi tranh thủ xem tư liệu của Câu lạc bộ.
Tiến sĩ Hoàng Sơn, mở đầu chương trình. Một điều rất đáng chú ý là học viên lớp Tứ Trụ đề nghị cho nghỉ buổi học sáng hôm nay để tham gia buổi sinh hoạt với chủ đề của tôi. Hoàng Sơn đã quyết định cho nghỉ. Trung Tâm nghiên cứu văn hóa Đông phương của Hoàng Sơn phát triển rất nhanh. Hiện nay anh có văn phòng đại diện ở nhiều tỉnh. Hôm nay, Hoàng Sơn giới thiệu vị trưởng đại diện của Trung tâm ở Bắc Giang. Còn Trung tâm Lý học thì ngay tai Hanoi, sinh hoạt cũng rất èo uột, gần như muốn đóng cửa. Một phần do sự hoài nghi của tha nhân với luận cứ của tôi, phần do ngay chính học trò của tôi chưa đủ tầm để minh chứng sắc sảo nền minh triết Việt – ít nhất là lúc này. Bởi vậy, nhiều lúc tôi cũng buồn. Tôi chỉ tự an ủi theo kiểu AQ là: Nếu một lý thuyết thống nhất mà con bò cũng hiểu được thì chắc không cần đến tôi phải diễn giải. Trên thực tế, có lần tôi nói với Trung Nhân: Nếu ai đó mà nói rằng hiểu được lý thuyết của tôi trong lúc này thì tôi phải xem người đó có mắc bệnh hoang tưởng không?
Anh Sung – cựu bí thư Đảng Ủy một nhà máy ở Bắc Giang, đã về hưu – trưởng đại diện Trung tâm nghiên cứu văn hóa Đông phương ở Bắc Giang. Sau khi nghiên cứu phong thủy và chứng nghiệm anh ấy thật sự ngạc nhiên về tác động của khoa phong thủy. Một số người bạn cùng tuổi anh ta bị bạo bệnh, hoặc tai nạn. Nhưng riêng anh ta do sửa phong thủy nên thoát nạn. Bởi vậy anh lao vào khám phá. Tất nhiên anh ta làm theo phong thủy có nguồn gốc từ cổ thư chữ Hán. Trong ứng dụng, phong thủy theo cổ thư vẫn có hiệu quá, nếu nó không rơi vào những điểm sai lệch. Chính những hiệu quả đó khiến cho nó tồn tại đến bây giờ. Có lẽ anh ấy chuyên về Huyền Không. Bởi sau buổi nói chuyện của tôi, anh hỏi về Huyền Không Lạc Việt rất kỹ.
Hoàng Sơn đã giới thiệu về kết quả tiên tri của tôi mà mọi người có thể chứng nghiệm qua bài nói mang nội dung tiên tri cho năm 2011 của tôi hồi cuối năm ngoái (Được in trong tài liệu phát cho thính giả trong buổi nói chuyện này). Đặc biệt về động đất ở Nhật Bản và thiên tai xảy ra khắp nơi trên thế giới, mới tính đến nửa đầu năm nay. Buổi nói chuyện của tôi chia làm hai phần. Phần đầu nói về khả năng tiên tri. Phần sau nói về tính minh triết trong văn hóa truyền thống Việt.
Tôi rất mừng vì số lượng thính giả đông đảo. Họ đều là những người quan tâm , hoặc là những nhà nghiên cứu Lý học. Bởi vậy, họ dễ hiểu hơn với các thuật ngữ chuyên môn. Tôi trình bày với họ về sự phân loại dự báo: Loại dự báo dự báo thứ nhất mà tôi gọi là ” Cảm ứng tiên tri ” thí dụ như bà Vanga và những nhà ngoại cảm tìm mộ. Chủ đề của buổi nói chuyện hôm nay không đi sâu vào loại dự báo này. Loãi dự báo thứ hai mà tôi đề cập đến là ” Phương pháp dự báo “. Thí dụ như: Tử Vi, Bốc dịch và Phong Thủy, Đông y cũng có khả năng dự báo trong phạm trù của nó. Tôi xác định rằng: Những phương pháp dự báo này hoàn toàn khoa học vì sự phù hợp với tiêu chí khoa học: Tính khách quan, tính quy luật và khả năng tiên tri. Tất cả các phương pháp dự báo của Lý học Đông phương đều phải có một hệ thống phương pháp luận đó chính là thuyết Âm Dương Ngũ hành và đều có khả năng truyền đạt để lưu giữ và phát triển những gía trị tri thức của nó. Không có tính quy luật thì không có khả năng tiên tri – Tôi xác định điều này và đặt vấn đề rằng: Những phương pháp dự báo của Lý học Đông phương chính là sự tổng hợp những quy luật thiên nhiên, vũ trụ và con người, được hệ thống và ký hiệu hóa thể hiện trong các phương pháp dự báo. 64 quẻ dịch và Bát Quái chính là ký hiệu toán học siêu công thức của một hệ thống lý thuyết và một yếu tố cấu thành hữu cơ trong thuyết Âm Dương Ngũ hành. Hệ thống 64 quẻ Thiên Thiên và Hậu Thiên và Bát quái không phải là hệ thống ký tự miêu tả ngôn ngữ.
Chính căn cứ trên những phương pháp dự báo này tôi đã tiên tri từ hàng chục năm nay, trong đó có mảng liên quan đến động đất. Tôi cũng xác định rằng: Sự vận động và tương tác của những hành tinh trong hệ mặt Trời và những chòm sao gần gũi trong giải Ngân Hà là thực tại được hệ thống hóa trong các phương pháp tiên tri của Lý học Đông phương.
Tôi cho rằng: Hầu hết những người nghiên cứu về lý học đều nghiên cứu về tính ứng dụng với hiệu quả tiên tri và ít người quan tâm đến một hệ thống lý thuyết là tiền đề tất yếu của các phương pháp dự báo. Bởi vậy, cho đến nay khi hai nền văn minh Đông Tây hội nhập, những bí ẩn của nền văn minh Đông phương vẫn chưa được khám phá. Nhưng ngay cả những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về các mảng lịch sử, triết học….của chính Trung Hoa – vẫn tự nhận là cái nôi của Lý học Đông phương vẫn chưa thể xác định được thuyết Âm Dương Ngũ hành ra đời vào lúc nào trong lịch sử văn minh Trung Hoa. Thậm chí cho đến nay, những khái niệm của học thuyết này vẫn hàm chứa sự bí ẩn và chưa có một định nghĩa rõ ràng. Mọi nghiên cứu về học thuyết này đến nay đều bế tắc. ….
…..Phải chăng người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai. Có thể nói rằng: Hầu hết những nhà nghiên cứu về Lý học Đông phương và lịch sử của nền văn minh này đã mặc định nó có nguồn gốc từ văn minh Trung Hoa, bởi hình thức thể hiện bằng chữ Hán qua những văn bản cổ. Chính sự mặc định này đã khiến họ cho rằng những gì có trong bản văn cổ chữ Hán là thành tựu của nền văn minh Trung Hoa và đó là tiền đề của mọi nghiên cứu diễn giải. Nhưng đó lại là một sai lầm.
Không ai có thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai.
Để xác định một học thuyết thuộc về nền văn minh nào cần có ba tiêu chí:
1/ Lịch sử hình thành học thuyết trong lịch sử văn minh đó.
2/ Nền tảng tri thức xã hội tạo dựng nên học thuyết đó.
3/ Tính hợp lý và tính hệ thống trong cấu trúc của học thuyết đó.
Xét theo ba tiêu chí này thì nền văn minh Hán chẳng thỏa mãn được tiêu chí nào – điều này nói tóm tắt trên blog như sau:
Tiêu chí 1: Chỉ cần xét cuốn Hoàng Đế nội kinh tố vấn thì phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành đã ứng dụng trước khi nó ra đời vào thời vua Đại Vũ cả 1000 năm?! Và các học giả của cả thế giới – trong đó có Trung Hoa – đến tận ngày hôm nay, chưa thống nhất được thời điểm xuất hiện của thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Tiêu chí 2: Chính những học giả Trung Hoa cả hàng ngàn năm nay không thể lý giải được thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Tiêu chí 3: Đến khi cả hai nền văn minh Đông Tây hội nhập thì tri thức của cả nhân loại vẫn chưa khám phá được những bí ẩn của học thuyết này.
Trên cơ sở này thì xác định Lý học Đông phương không có nguồn gốc từ văn minh Hoa Hạ. Nhưng phương pháp tiên tri – hệ quả của Lý thuyết này – vẫn tồn tại có hiệu quả. Điều này xác định tính vượt trội của Lý học Đông phương qua khả năng tiên tri bao trùm lên mọi lĩnh vực từ thiên nhiên, vũ trụ, xã hội, cuộc sống và con người. Nhưng nó thuộc về nền văn minh nào?
Tôi có hứa cuối buổi nói chuyện sẽ chừa 30 phút cho những ý kiến phản biện ; hoặc trả lời các câu hỏi của thính giả. Nhưng ngay giữa giờ giải lao, đã có một vị phát biểu rất hùng hồn và nêu cao quan điểm. Ông ta cho rằng: Trước tình hình xã hội hiện nay, cần tập trung giải quyết các mối quan hệ xã hội bức xúc, còn cứ nói chuyện trên trời như thế này thì vô bổ. Sau đó, ông ta còn cho rằng: Chính mối quan hệ nhân quả mới cần quan tâm, còn các quy luật khác không phải yếu tố quan trọng. Đại ý vậy. Câu trả lời của tôi được người điều hành đề nghị vào cuối buổi nói chuyện.
TÍNH MINH TRIẾT TRONG VĂN HÓA VIỆT
Giải lao không quá 10 phút. Tôi tiếp tục phần hai của buổi nói chuyện. Tôi xác định rằng: Chính nền văn hiến Việt một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương tử là chủ nhân đích thực của nền Lý học Đông phương và thuyết Âm Dương Ngũ hành. Từ những sinh hoạt xã hội: Áo cài vạt bên trái. ngôn ngữ phổ biến …đều mang dấu ấn của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Đặc biệt những di sản văn hóa còn lưu tryuền trong dân gian đều chỉ đến bản chất của nguyên lý căn để và mối liên hệ của nó trong việc phục hồi lại học thuyết này đến các phương pháp ứng dụng liên quan. Tôi dẫn chứng đồ hình Âm Dương trong những di sản văn hiến Việt cho thấy một nội dung minh triết khác hẳn đồ hình Âm Dương Hán. Sự khác biệt khi miêu tả đồ hình Âm Dương giữa hai nền văn minh Hán Việt, điều này cho thấy có một sự lý giải mang tính minh triết khác hẳn cách lý giải thuyết Âm Dương Ngũ hành từ các bản văn chữ Hán.
Chúng ta so sánh hai đồ hình Thái Cực miêu tả nội dung Âm Dương giữa Việt và Hán dưới đây.
Qua hai đồ hình Âm Dương này, cho thấy một nền minh triết giải thích thuyết Âm Dương Ngũ hành từ nguyên lý căn để của nó từ văn hiến Việt khác hẳn cách hiểu của văn hóa Hán. Đây chính là một yếu tố rất quan trọng để phục hồi toàn bộ thuyết Âm Dương Ngũ hành – một lý thuyết thống nhất mà những trí thức hàng đầu của nhân loại đang mới chỉ tồn tại trong mơ ước.
Chưa hết tôi giới thiệu những di sản khác được giải mã dẫn đến sự hiệu chỉnh lại nguyên lý căn để của Lý học là Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ – khác hẳn nội dung này từ bản văn chữ Hán – Hậu thiên Văn vương phối Lạc Thư. Tính hợp lý và phù hợp với tiêu chí khoa học của nguyên lý căn để Hà Đồ phối Hậu thiên Lạc Việt đã chứng tỏ tính chân lý của nó.
========================================
Nhân đây, tôi muốn nói đền những sự phản biện không công khai của những người cố gắng một cách tuyệt vọng bảo vệ cho nền văn minh Trung Hoa vĩ đại là: Họ cho rằng: Người Trung Quốc có thể tạo ra những sản phẩm khảo cổ giả để xác minh Lý học Đông phương thuộc về họ. Tôi trả lời ngay trên blog này rằng: Tôi thách họ làm điều này và họ không cần làm di vật khảo cổ giả, mà cho là họ tìm được những di vật khảo cổ thật hẳn hoi cũng không thể chứng tỏ được nền văn minh Hán là chủ nhân của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Thí dụ: Họ có đào được ngay một di vật trong đó xác định chính vua Văn Vương đã làm ra Hậu Thiên Bát quái Văn Vương thì cũng chẳng nói lên điều gì. Hoặc họ đào ngay trong cung điện nhà Chu một đồ hình giống hết Hậu Thiên Lạc Việt thì cũng đồng nghĩa với việc xóa sổ tất cả giá trị lịch sử của các bản văn chữ Hán liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành từ hàng ngàn năm nay. Hoặc trước đây, cũng có người cho rằng: Chính các triều đại Trung Hoa đã cố tình giấu những bí mật của thuyết Âm Dương Ngũ hành, cho nên những bản văn lưu hành đều sai lệch, còn bản chất thuyết Âm Dương Ngũ hành vẫn thuộc về văn minh Hán. Cách lập luận này là sự phủ định những giá trị lịch sử của các bản văn cổ chữ Hán liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành và kinh Dịch còn nhanh hơn cách lập luận nói trên.
Đúng là tầm nhìn của thứ tư duy ” Ở trần đóng khố”.
========================================
Cuối buổi nói chuyện, tôi trả lời những câu hỏi, trong đó có câu ” Nâng cao quan điểm ” của vị thính giả nói trên. Nhìn chung, không có câu hỏi nào đáng chú ý và tôi phải bận tâm. Có thể nói rằng: Buổi nói chuyện thành công và các thính giả đều bày tỏ nội dung buổi nói chuyện đã đem lại cho họ một cái nhìn hoàn toàn mới về lịch sử và nội dung của thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch. Tôi hơi buồn vì điều này chứng tỏ cho đến hôm nay, ngay cả những người quan tâm đến Lý học Đông phương vẫn chưa hề tiếp cận với những luận điểm của tôi: Nó hoàn toàn mới mẻ với họ. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Vì dù sao tôi cũng chứng tỏ được những giá trị của nền văn hiến Việt trước những người quan tâm đến nó. SW. Hawking đã nói:
Nếu quả thật có một lý thuyết thống nhất thì chính nó sẽ quyết định chúng ta tìm ra nó hay không?