Trung Quốc: Từ cường quốc lục địa tới tham vọng biển xa

Tác giả: Andrew Erickson, Lyle Goldstein, và Carnes Lord
Tuanvietnam.vn
Bài đã được xuất bản:  6 giờ trước

Nỗ lực chuyển sức mạnh từ lục địa ra biển đã được thường  xuyên tiến hành qua các thời đại, nhưng hiếm có trường hợp nào thành  công. Những bài học quá khứ là tiền đề cho Trung Quốc phát triển lực  lượng hải quân nước này.

Trong khi Hải quân Mỹ tiến hành cắt giảm về số lượng,  Trung Quốc lại đang đẩy mạnh công cuộc tiến ra hướng biển. Thực tế này  là một mốc đánh dấu sự kết thúc của một xu hướng đã bắt đầu diễn ra từ  cách đây 6 thế kỷ, mà khi đó Trung Quốc thu mình vào trong nội địa còn  châu Âu mở rộng sự ảnh hưởng của phương Tây ra khắp thế giới.

Giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, một đề tài thu hút được sự tham  gia luận bàn sôi nổi của đông đảo nhiều người dân Bắc Kinh là: Trung  Quốc là cường quốc lục địa, cường quốc trên biển, hay cả hai? Địa chính  trị, địa chiến lược và văn hoá chiến lược đại lục vốn đã tồn tại từ lâu  sẽ ảnh hưởng Trung Quốc như thế nào trên con đường trở thành cường quốc  biển.

Khảo cứu lịch sử

Những người Ba Tư cổ đại không có truyền thống đi biển, nhưng những  người đứng đầu đất nước lại luôn sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới.  Thuở ban đầu khi còn coi biển là một trở ngại, họ lựa chọn sử dụng nó  như là một tuyến đường liên lạc và phát triển các kinh nghiệm hàng hải.  Thông qua những khoản đầu tư tài chính lớn, cuối cùng họ đã xây dựng  được một lực lượng hải quân thực sự lớn mạnh đầu tiên trong lịch sử. Quy  mô và động lực kinh tế của những nỗ lực này là những gợi ý tương tự cho  Trung Quốc.

Đế quốc Ottoman nổi tiếng là hùng mạnh như vậy nhưng cũng không vượt  qua khỏi gianh giới của lục địa. Các biên giới trên bộ của Ottoman tiếp  tục là một mối đe doạ. Việc người Ottoman sử dụng các thuyền galê dùng  mái chèo để vận chuyển lực lượng là điều hoàn toàn phù hợp với biển Địa  Trung Hải, nhưng không phù hợp chút nào với khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn  hơn. Do không thể bắt kịp được với quá trình toàn cầu hoá kinh tế,  người Ottoman đã đánh mất cơ hội thống trị thị trường toàn cầu đầu tiên.

Khi tâm điểm của cuộc cạnh tranh phát triển lực lượng hải quân chuyển  sang Đại Tây Dương và một số khu vực khác, một vài cường quốc đã có  những nỗ lực nhất định để vươn ra hướng biển nhưng chỉ thu được những  thành công hạn chế. Pháp là một ví dụ. Nước này đã bốn lần nỗ lực tiến  hành những cải cách lớn đối với lực lượng hải quân và lần nào cũng bị  thất bại. Sự yếu kém và tính không thống nhất ở cấp độ chính quyền trung  ương là những vấn đề kinh niên; một hệ thống tài chính yếu kém không đủ  khả năng đáp ứng nhu cầu đóng mới các con tàu và tiến hành các hoạt  động cung cấp hậu cần; và những mối quan hệ qua lại giữa hải quân và lục  quân thường là không tồn tại hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ hết  sức hạn chế.

Trường hợp của nước Pháp có thể có nhiều điểm tương đồng với Trung  Quốc. Nó chỉ ra rằng đoàn kết nội bộ là điều kiện tiên quyết để phát  triển lực lượng hải quân. Giống như Pháp, Trung Quốc sở hữu các cảng  biển tốt và đã sẵn sàng vươn ra hướng biển. Tuy nhiên, do thủ đô Bắc  Kinh và hệ thống giao thông đường thuỷ của nước này lại nằm sâu trong  lục địa nên đã làm giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thương mại  đường biển. Giống như Pháp, Trung Quốc có ba đường biên giới trên biển  tương đối tách bạch nhau, và sự phối hợp cực tốt giữa các hạm đội ở trên  mỗi đường biên giới, giúp nước này giành được nhiều thắng lợi trong các  trận hải chiến. Lực lượng hải quân của cả hai quốc gia này đều có một  lịch sử phát triển không lấy gì làm suôn sẻ. Cùng với đó là sự hoài nghi  hay thái độ mâu thuẫn rõ ràng giữa các nhân vật chủ chốt trong đội ngũ  lãnh đạo đất nước đối với vấn đề trở thành một cường quốc biển hay bành  trướng ra hướng biển.

Sự tiếp cận các đại dương của đế quốc Đức bị cản trở bởi những điểm  nút thuộc quyền kiểm soát của các cường quốc đối địch với nước này.  Không giống như Nga, Đức phát triển quá dàn trải lực lượng hải quân bằng  cách thông qua quá trình cải cách hải quân để thay thế, chứ không phải  bổ sung, sức mạnh trên bộ. Chỉ riêng lực lượng hải quân thôi thì không  thể giúp nước Đức đương đầu với thách thức đến từ hai đầu chiến tuyến  trên đất liền.

Trường hợp của Đức có vài điểm tương đồng với Trung Quốc, và một khác  biệt lớn. Ở cả hai nước đều có truyền thống đi biển từ thời xa xưa,  nhưng họ lại là những người đến sau nếu xét trên khía cạnh địa chiến  lược. Cả hai nước đều sử dụng công cụ tổng hợp (kinh tế, công nghệ, và  giáo dục) để hỗ trợ cho quá trình cải cách lực lượng hải quân. Cốt lõi  của công cuộc này là quá trình công nghiệp hoá do chính phủ điều hành  với sự hậu thuẫn của một nền kinh tế biển tư bản chủ nghĩa. Do đó, cho  đến nay, nhờ một phần vào các bài học quá khứ, Trung Quốc đã tránh không  bị xô đẩy vào một cuộc chiến tranh giành quyền lực thảm khốc.

Những dấu mốc trong lịch sử hàng hải Trung Quốc

Các nhà lịch sử đã sai lầm khi cho rằng người Trung Quốc không quan  tâm gì đến biển. Triều đình nhà Tống ở phía nam (1127-1279) đã chọn Hàng  Châu, một cảng biển trên sông Dương Tử, làm nơi để định đô. Các xưởng  đóng tàu lớn hỗ trợ cho một lực lượng hải quân hùng mạnh là những thứ  người Mông Cổ được thừa hưởng khi nhà Nguyên (1271-1368) lật đổ được nhà  Tống. Người Mông Cổ đã tiến hành các chiến dịch đổ bộ lớn nhất (mặc dù  không thành công) trong thời kỳ Trung Cổ – tiến công Nhật Bản, Việt Nam,  và Java. Vào những năm 1300, người Trung Quốc đạt được những tiến bộ  quan trọng trong kỹ thuật đóng tàu và phát minh ra la bàn.

Nhà Minh từ khi bắt đầu lên nắm quyền lãnh đạo đất nước cho đến lúc  bị diệt vong đã xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Điều này  trước hết được khẳng định qua việc họ đánh bại các nước thù địch ở phía  nam chủ yếu bằng sử dụng lực lượng hải quân. Các trận hải chiến trong  lịch sử thì có nhiều nhưng nổi bật trong số này có trận đánh quyết định ở  hồ Bà Dương (tỉnh Giang Tây Trung Quốc ngày nay – ND) diễn ra vào năm  1363 liên quan đến hàng trăm chiến thuyền của cả hai bên.

Đỉnh cao trong lĩnh vực hàng hải của triều đại nhà Minh được thể hiện  ở việc họ thực hiện được bảy chuyến đi biển dưới sự chỉ huy của đô đốc  Trịnh Hòa (1405-1433). Được sự ủng hộ của Hoàng đế Vĩnh Lạc, Trịnh Hòa  đã tiến hành các cuộc hành trình với sự tham gia của hàng trăm tàu  thuyền và hàng vạn người trên những con tàu bằng gỗ lớn nhất trong lịch  sử, một số con tàu có lẽ dài hơn 130m và trọng tải lên đến 20.000 tấn.  Những hành trình vượt biển này là nhằm mục đích phát triển việc buôn  bán, thiết lập hoặc tái lập mối quan hệ với các nước chư hầu, chứng tỏ  sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, và đưa lá cờ của nhà Minh đi qua Eo biển  Malacca vượt qua Ấn Độ Dương đến tận vùng Vịnh và khu vực Đông Phi.  Nhưng do các chuyến đi biển đầy tốn kém của Trịnh Hòa ít mang lại lợi  ích cụ thể cho triều đình nên đã bị giới quan lại phản đối. Họ coi việc  làm này vừa nguy hiểm lại vừa tốn kém. Sau khi Hoàng đế Vĩnh Lạc băng  hà, Trịnh Hòa chỉ thực hiện một chuyến đi khác.
Ảnh BBC

Vào những năm 1500, các chỉ dụ của nhà vua không khuyến khích thương  nhân Trung Quốc buôn bán xa và đã đẩy các nhà buôn Trung Quốc và nước  ngoài vào con đường cướp biển. Mặc dù vẫn là một cường quốc biển nếu xét  trên khía cạnh tiềm lực và hoạt động kinh doanh buôn bán nói chung,  Trung Quốc dưới triều đại nhà Minh đã không còn duy trì được vị trí dẫn  đầu trong lĩnh vực công nghệ hàng hải và phải mất nhiều năm sau đất nước  này mới bãi bỏ được các lệnh cấm và tiễu trừ nạn hải tặc hoạt động ở  dọc theo bờ biển vốn đã phát triển nở rộ trong suốt giai đoạn diễn ra  các xung đột với cướp biển Oa Khấu của Nhật Bản trong những năm  1540-1580.

Định hướng địa chiến lược của Trung Quốc dưới thời nhà Thanh  (1644-1912) là một chủ đề bàn luận chính giữa Lý Hồng Chương, người đứng  đầu lực lượng quân Bắc Dương; và Tả Tông Đường, chỉ huy lực lượng viễn  chinh khôi phục Tân Cương. Nhà Thanh đã lựa chọn phát triển tiềm lực  trên bộ, và cả Đại tướng Lý Hồng Minh và đất nước này đã phải gánh chịu  hậu quả.

Ngoài những vấn đề chính trị nội tại, nhà Thanh bất ngờ phải đương  đầu với mối đe doạ đến từ các cường quốc biển đang trỗi dậy như Anh,  Pháp, và Nhật Bản. Trung Quốc dưới triều đại nhà Thanh tỏ ra không có  khả năng đối phó với các thách thức trên biển của các lực lượng hải quân  hiện đại của các cường quốc phương Tây. Trong cuộc Chiến tranh nha  phiến lần thứ nhất (1839-1842), một hạm đội của Anh thâm nhập vào tận  trung tâm của mạng lưới đường sông của Trung Quốc đe doạ cắt đứt hoạt  động thương mại bên trong của nước này, khiến triều đình buộc phải yêu  cầu nghị hoà; Anh chiếm Hồng Kông.

Nhà Thanh cuối cùng cũng mua tàu của nước ngoài nhưng hoặc là không  có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng thích hợp hoặc là hải quân nước này không  có khả năng điều khiển những con tàu chiến hiện đại, dẫn đến những kết  cục thảm hoạ. Trong những năm 1880, sự thất bại của hạm đội non trẻ của  Trung Quốc dưới tay của Hải quân Pháp đã chấm dứt vai trò ảnh hưởng  truyền thống của nước này ở Đông Dương. Đến thập kỷ cuối cùng của thế kỷ  này, bất chấp việc được sở hữu tiềm lực hải quân mạnh, người Trung Quốc  tỏ ra không phải là đối thủ xứng tầm của quốc đảo láng giềng có lực  lượng hải quân đang được hiện đại hoá nhanh chóng và phải hứng chịu thất  bại nhục nhã trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895, dẫn đến việc  mất Đài Loan và quyền bảo hộ Triều Tiên vào tay Nhật Bản.

Trước sức ép của người Nga đến từ phía bắc cũng như của các cường  quốc biển phương Tây, triều đình buộc phải nhượng bộ trước các yêu sách  ngày càng tăng về thương mại và lãnh thổ. Năm 1905, Trung Quốc bị thiệt  hại nặng nề nhưng không thể cầu viện được nước nào bởi Chiến tranh  Nga-Nhật diễn ra ngay trên lãnh thổ của nước này và trên các vùng biển  lân cận, một phần lý do của cuộc chiến là tranh giành quyền kiểm soát  cảng Arthur nằm ở một vị trí chiến lược.

Tất cả những bước phát triển này đã làm suy yếu nghiêm trọng nền tảng  cũng như tính hợp pháp của triều đình. Sự sụp đổ của nhà Thanh vào năm  1911 đã dẫn đến một quá trình bất ổn kéo dài ở đất nước này. Các thất  bại của hải quân Trung Quốc dưới triều Thanh do đó bắt nguồn từ việc  nước này không toàn tâm toàn ý tiếp thu các kỹ thuật của hải quân phương  Tây sau khi diễn ra cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất – trái  ngược hoàn toàn với đối thủ cạnh tranh Nhật Bản.

Chiến tranh Lạnh lấy phát triển lực lượng trên bộ là trung tâm

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phát triển của hải quân Trung Quốc bị  kìm hãm bởi sự thống trị của Mỹ ở khu vực Đông Á và sau này là những  thất bại về mặt chính sách trong nước và tình hình xấu đi trong quan hệ  với Liên Xô. Hải quân Trung Quốc chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ cho Lục  quân, và thậm chí còn không có một chiến lược cho riêng bản thân lực  lượng này cho đến tận khoảng năm 1988.

Quan điểm của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc được hình  thành từ kinh nghiệm của nước này trong chiến tranh trên bộ; rất ít các  nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng này có hiểu biết đôi chút về chiến tranh  trên biển hoặc công nghệ tiên tiến thiết yếu trong tác chiến hải quân  (hoặc không quân) thời kỳ hiện đại. Mặc dù Mao Trạch Đông đã đưa ra các  kế hoạch thôn tính Đài Loan trong giai đoạn năm 1949-1950, người ta  nhanh chóng nhận thấy rằng việc này nằm ngoài khả năng cho phép của  những tiềm lực hiện có của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Sự dính líu của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên đã khiến các  nguồn lực và sự quan tâm của giới lãnh đạo bị chuyển hướng sang tác  chiến bộ. Chiến tranh biên giới với Ấn Độ diễn ra năm 1962 mà Trung Quốc  đã giành được thắng lợi to lớn (trước một Quân đội Ấn Độ không được  chuẩn bị trước cho tác chiến trong điều kiện địa hình cực kỳ khó khăn)  là một ví dụ khác cho thấy chính sách hướng vào lục địa của Trung Quốc  dưới thời Mao Trạch Đông. Những tiến bộ của Bắc Kinh trong việc xây dựng  một lực lượng hải quân hiện đại gần như bắt đầu từ con số không có lẽ  chỉ có thể đạt được với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên Xô. Tuy nhiên, sự hỗ  trợ này cũng kết thúc nào năm 1960.

Một sự thực hiển nhiên trong giai đoạn những năm 1960 là nguy cơ đe  doạ lớn nhất đến an ninh của Trung Quốc lại bắt nguồn từ chính Liên Xô.  Năm 1969, hai cường quốc có vũ khí hạt nhân này đã tiến hành hàng loạt  các cuộc giao tranh nhỏ lẻ ở khu vực Siberia mà xuýt nữa đã châm ngòi  cho một  cuộc xung đột quy mô lớn (thời đó, người Liên Xô dường như được  cho đã tính toán đến khả năng tiến hành một cuộc tiến công phủ đầu vào  lực lượng hạt nhân và các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc). Đến khi Chiến  tranh Lạnh kết thúc, cả hai nước đều duy trì một lực lượng thông thường  lớn ở dọc theo biên giới giữa hai nước. Do nền kinh tế của Trung Quốc  cực kỳ chậm phát triển, nên các nguồn lực giành cho quân sự bị câu thúc  nặng nề; và lực lượng lục quân phải được ưu tiên hàng đầu.

Một nhân tố thứ ba là việc Bắc Kinh ký hiệp ước thân thiện với Mỹ  trong suốt giai đoạn này. Điều này khiến Trung Quốc không phải quá bận  tâm đến mối đe doạ tiềm tàng của Hải quân Liên Xô ở các vùng biển châu  Á.

Bước ngoặt

Dưới thời kỳ của Đặng Tiểu Bình và xa hơn là sau này, có phải Trung  Quốc đang vượt qua được những khó khăn lịch sử của nước này để đạt được  sự phát triển lâu dài đối với lực lượng hải quân? Quỹ đạo phát triển của  lĩnh vực thương mại đường biển chỉ ra rằng điều này có thể thực sự đang  diễn ra. Quá trình này được thực hiện dưới sự dẫn dắt của lĩnh vực đóng  tàu và thương mại đường biển đang phát triển cực kỳ năng động. Lĩnh vực  đóng tàu và thương mại đường biển đến lượt nó lại tạo ra những động lực  mạnh mẽ cho công cuộc phát triển lực lượng hải quân. Đây là một nền  tảng quan trọng cho quá trình chuyển đổi ra biển mà các cường quốc lục  địa khác thường không có.

Không giống như các ngành công nghiệp đóng tàu của các cường quốc lục  địa khác như Đức hoặc Nga, ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc  được thúc đẩy bởi “sức hút” của lợi nhuận thương mại thay vì bởi “sự áp  đặt” của nhà nước. Trung Quốc đang dần vượt qua Hàn Quốc để trở thành  nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực đóng tàu (xét trên tổng khối lượng  đóng mới), và chiếm khoảng 50% thị trường thế giới. Tuy nhiên, Trung  Quốc còn lâu mới có khả năng cạnh tranh với các cường quốc biển khác như  Hà Lan, Anh, và Mỹ – tất cả các nước này đều đã từng thống trị mọi cấp  độ trong lĩnh vực đóng tàu thương mại trên con đường trở thành cường  quốc biển. Để đạt đến cấp độ này, Trung Quốc sẽ phải tăng không chỉ thị  phần của nước mình, mà còn về chất lượng con người và khả năng sáng tạo –  mặc dù quá trình toàn cầu hoá trong lĩnh vực đóng tàu mở ra những cơ  hội mới để đạt được tiến bộ công nghệ.

Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc đang phát triển một lực  lượng hải quân hiện đại có khả năng tác chiến thực sự. Đây là sản phẩm  của ba thập kỷ phát triển thuận lợi. Với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc  và sự sụp đổ của Liên Xô, Trung Quốc không còn phải đương đầu với mối đe  doạ đến từ biên giới trên bộ. Thay vào đó, những vấn đề an ninh đáng  quan tâm chủ yếu của nước này được thể hiện rõ trong quá trình chuyển  hướng ra biển. Một là, tranh chấp lãnh thổ trên biển với các nước láng  giềng được cho là có những diễn biến phức tạp, mở đầu bằng tranh chấp  giữa Trung Quốc với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông diễn ra  vào năm 1974. Hai là, xu hướng chính trị dân chủ ở Đài Loan đang đe doạ  chính sách một nước Trung Quốc, đẩy nước này vào tình thế phải chấp nhận  hiện trạng hoặc thậm chí độc lập của Đài Loan. Đồng thời, việc Mỹ sẵn  sàng bảo vệ Đài Loan, nhất là trong cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan  năm 1995-1996, buộc Trung Quốc phải tính toán đến nguy cơ đối đầu với  các lực lượng của Hải quân Mỹ trong một cuộc xung đột ở vùng biển Đông  Á. Cuối cùng, tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc  mà khởi đầu là công cuộc cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng và được  thực hiện bởi những người kế tục ông ta sau này giúp việc hiện đại hoá  toàn diện các lực lượng hải quân Trung Quốc lần đầu tiên trở thành một  mục tiêu có thể thực hiện được của chính sách quân sự của Đảng Cộng sản  Trung Quốc.

Trong lĩnh vực hải quân, Trung Quốc đang trở thành một cường quốc hải  quân khu vực sở hữu những tiềm lực tác chiến đáng kể. Nhưng nước này  vẫn chưa đầu tư các nguồn lực và con người cần thiết để đạt được khả  năng tác chiến ở trình độ cao ở những nơi ngoài vùng biển phụ cận.

Những bài học từ địa lý

Nghiên cứu những nỗ lực tiến ra biển của Trung Quốc và các cường quốc  lục địa khác cho chúng ta thấy nhiều bài học có giá trị. Một là, địa lý  là một trong những trở ngại lớn nhất – kể cả khi con người đạt được  nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ. Các cường quốc lục địa nhìn  chung đều có điều kiện địa lý bất lợi. Những cường quốc nào càng ở trong  tình trạng bất lợi thì đôi khi phải thực hiện những dự án chiến lược  đầy tham vọng nhằm mục đích thay đổi điều kiện địa lý không có lợi cho  đất nước họ (Trung Quốc tiến hành xây dựng Vạn lý trường thành, Kênh  Lớn, Đập Tam Hiệp, và hiện đang xây dựng một đường ống dẫn dầu chạy qua  Miama). Trung Quốc có khả năng tiếp cận đại dương ở mức độ vừa phải nếu  xét trên nhiều khía cạnh, nhưng nước này vẫn có những tuyên bố chủ quyền  trên biển chưa được giải quyết với tất cả các quốc gia láng giềng. Theo  quan điểm của nhiều nhà tư tưởng, nước này vẫn nằm trong vòng bao vây  của các “chuỗi đảo”. Các biên giới trên bộ đặt ra một thách thức tiềm  tàng với Trung Quốc. Trung Quốc đã giải quyết được tất cả mọi tranh chấp  với Ấn Độ và Bhutan, nhưng cũng vướng vào các cuộc chiến tranh biên  giới với Ấn Độ và Việt Nam, và có thể xảy ra những bất đồng trong tương  lai với Nga. Cuối cùng, với những ai có tư tưởng coi nhẹ các nguy cơ  trên bộ, họ hãy nhìn lại thách thức của các phong trào đòi độc lập hay  ly khai đang diễn ra của các nhóm dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây  Tạng.

Hai là, cải cách hải quân là một quá trình khó khăn và đầy rủi ro mà  chưa cường quốc lục địa nào hiện nay đã thực sự thành công. Cơ hội có  nhiều, và khả năng lấn át được các cường quốc khác là rất lớn. Trong  toàn bộ lịch sử nhân loại, những trường hợp cải cách lực lượng hải quân  thành công duy nhất là đế quốc Phổ và đế quốc La Mã. Tuy nhiên, kể cả  trong những trường hợp đó, các đế quốc này vẫn giữ những đặc tính của  cường quốc lục địa trước đây của họ – “đã là cường quốc lục địa, thì sẽ  luôn là cường quốc lục địa” – ít nhất trong chừng mực nào đó. Sẽ khó để  người ta đưa ra nhận định rằng quá trình cải cách hải quân sẽ được thực  hiện trọn vẹn. Người Phổ chưa bao giờ thực sự sử dụng lực lượng hải quân  của họ như là một công cụ để đi xâm chiếm; thay vào đó họ tập trung  phát triển cái mà ngày nay được gọi là các chiến dịch liên hợp trên  biển. Trong những chiến dịch này, các hạm đội của họ di chuyển dọc theo  bờ biển của đối phương để làm nhiệm vụ cung cấp hậu cần và bảo vệ bên  sườn cho những đội quân lớn của Phổ. Người La Mã cũng đã thành lập các  hạm đội thường trực (điều này chỉ xảy ra dưới thời đế chế La Mã) và một  cơ chế tuần tra trên biển; một trong những lý do dẫn đến việc này là nạn  cướp biển hoành hành nghiêm trọng ở khu vực tây Địa Trung Hải kéo dài  cho đến tận thế kỷ thứ nhất trước công nguyên.

Ba là, quan điểm địa chiến lược của các cường quốc được hình thành  không chỉ bởi yếu tố thuận lợi về mặt địa lý mà còn bởi các yếu tố kinh  tế. Tổng khối lượng của cải có được từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên  và một số lượng dân số nhất định (kết hợp với các nguồn lực tài chính và  công nghệ) sẽ được chuyển hoá thành tiềm lực quân sự. Người Phổ cổ đại  là những người đầu tiên chứng minh rằng, có tiềm lực kinh tế lớn thì có  khả năng xây dựng được các lực lượng hải quân lớn. Trung Quốc có các  nguồn tài nguyên thiên nhiên, và trình độ công nghệ đang ngày một phát  triển, để thực hiện đầu tư trong lĩnh vực này. Không giống như Liên Xô  hoặc các cường quốc lục địa khác trước đây, Trung Quốc thực sự có tiềm  lực quốc gia tổng hợp, với một nền kinh tế mạnh. Định hướng phát triển  lâu dài có tính toán lực lượng hải quân là hợp lý về mặt kinh tế. Vấn đề  ở đây là liệu việc Trung Quốc sở hữu những tiềm lực như vậy có là khôn  ngoan hay không khi tính đến việc nước này còn có những nhu cầu cấp  thiết khác cũng như những phản ứng không tốt có thể có của cộng đồng  quốc tế./.
Một nhân tố thứ tư hết sức quan trọng là quan điểm chiến lược của một  nhà nước. Điều này được hình thành bởi những tính toán quốc tế và trong  nước, chủ yếu để duy trì sự tồn tại của chế độ. Các nước thường sẽ cảm  thấy khó khăn trong việc cân bằng và ưu tiên các mục tiêu chiến lược khi  họ phải đương đầu với hàng loạt các thách thức xung đột có thể xảy ra.  Trong trường hợp của Trung Quốc, một quốc gia vốn có tư tưởng phát triển  trở thành cường quốc lục địa hiện đang ngày càng trở nên cân bằng giữa  mục tiêu phát triển kinh tế với việc nâng cao vị thế của một cường quốc  để xoá bỏ “Thế kỷ tủi nhục” và đưa đất nước Trung Quốc trở lại vị thế  xứng đáng của nước này.

Năm là, vai trò lãnh đạo có lẽ là yếu tố quyết định nhất trong việc  thúc đẩy (hay làm thất bại) quá trình cải cách hải quân. Đô đốc Lưu Hoa  Thanh, với sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình, tiến hành quá trình nâng cao  dần dần nhưng có giới hạn vị thế của Hải quân Quân giải phóng nhân dân.  Giới lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng là đánh giá cao tư tưởng của Alfed  Thayer Mahan liên quan đến bảo hộ thương mại và tầm quan trọng của các  tuyến đường giao thông trên biển. Dư luận chung hiện nay ở Trung Quốc  ủng hộ cải cách hải quân hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong suốt chiều  dài lịch sử của đất nước này. Nhưng các yếu tố bất lợi thì vẫn còn tồn  tại rất nhiều.

Những đặc điểm có một không hai, một quá trình cải cách hiếm thấy

Một quá trình cải cách muốn có được thành công thì phụ thuộc vào hai  yếu tố, chiến lược và nghệ thuật tác chiến hải quân. Các cường quốc lục  địa về cơ bản không thể sánh với các cường quốc biển, nên họ sẽ áp dụng  một hướng đi khác. Người Ottoman sử dụng các chiến dịch đổ bộ và tác  chiến ven bờ để đánh chiếm các đảo ở Địa Trung Hải. Hình thức này giống  với các chiến dịch của Trung Quốc tiến hành trong giai đoạn 1949-1955 để  đánh đuổi Quốc dân Đảng ra khỏi tất cả các hòn đảo ngoài khơi ngoại trừ  các đảo Đài Loan, Penghus, Kim Môn, và Mazu. Việc Trung Quốc phát triển  tên lửa đường đạn tầm ngắn/tầm trung (ví dụ, tên lửa đường đạn đối hạm  DF-21D) là một phần của phiên bản mới của định hướng này – “sử dụng đất  liền để kiểm soát biển”. Trung Quốc hiện đang gặp phải những hạn chế  nhất định nên nước này quy định những đặc tính phát triển có một không  hai đối với lực lượng hải quân nước này. Tác chiến hải quân của Trung  Quốc có thể khác với tác chiến hải quân của Mỹ, tuy nhiên nó có thể  không được thành công cho lắm khi áp dụng vào tình huống của chính Trung  Quốc.

Kinh nghiệm của các cường quốc lục địa trước đây mà đã từng nỗ lực  phấn đấu trở thành cường quốc biển nhìn chung là không có mấy giá trị.  Vì vậy, Trung Quốc đang chèo lái con thuyền trong cơn gió ngược. Quy mô  của một quá trình cải cách như vậy hiện vẫn đang được Bắc Kinh bàn bạc.  Tuy nhiên, một điều rõ ràng là Trung Quốc đang vươn ra hướng biển.

Nước  này có một vài lợi thế mà các nước khác trước đây không có:

– Một nền kinh tế biển phát triển mạnh

– Một ngành công nghiệp đóng tàu năng động

– Các biên giới trên bộ gần như được hoạch định xong với các quốc gia láng giềng

– Một hệ thống lãnh đạo ủng hộ phát triển lực lượng hải quân như là một hiện tượng tự nhiên và không muốn áp đặt việc này.

Trung Quốc rất có thể sẽ làm thay đổi phương thức chuyển đổi truyền  thống tồn tại từ thời xa xưa. Nếu chứng tỏ được thành công, đây sẽ là  một sự kiện nổi bất – nếu không muốn nói là duy nhất – trong lịch sử  trong hai thiên niên kỷ qua. Trung Quốc sẽ học được những bài học của  lịch sử nhưng sẽ không bị chỉ trích nếu lặp lại những bài học đó./.

Hà Anh dịch từ Proceedings số 4/2011

=================================

Bình luận của Thiên Sứ

Trong bài này có một đoạn văn viết như sau:

“Vào những năm 1300, người Trung Quốc đạt được những tiến bộ quan trọng trong kỹ thuật đóng tàu và phát minh ra la bàn”.

Chỉ nội câu này đã thấy sai lầm về lịch sử. Năm 1300 Trung Quốc mới phát minh ra La Bàn, trong khi đó thì môn phong thủy được coi là có từ 200 năm BC. Một thầy phong thủy từ hạng bét đến cao cấp cũng thừa hiểu rằng: Nếu không có La bàn thì không thể ứng dụng phong thủy.

Nhưng từ ngàn xưa – trước BC, người Hán vốn ở Bắc Dương tử và không hề có kinh tế biển phát triển. Điều này chỉ có ở dân Lạc Việt – còn gọi là Bách Việt, dân tộc đông nhất của nước Văn Lang xưa – là có kinh tế biển phát triển.Nhưng sự thống trị trên mặt biển không phải là điều kiện để trở thành quốc gia hùng mạnh – như bài báo này đặt vấn đề. Lịch sử đã chứng minh điều này. Thí dụ: Mông Cổ vào thế kỷ thứ XII AC. Hoặc một thí dụ khác – có tính chất phản đề – như Nhật Bản vốn là một quốc gia giữa biển. Nhưng trong lịch sử thì họ chưa bao giờ là một quốc gia hùng mạnh với tư cách là cường quốc biển. Kể cả trong chiến tranh thế giới thứ II. Sự thất bại của người Nhật trong thế chiến không phải vì họ bị khống chế trên biển. Biển và cảng biển chỉ là một phương tiện vận chuyển và kiếm sống của một bộ phận dân chúng, chứ không phải là nguyên nhân tạo nên sự hùng mạnh của một quốc gia. Bởi vậy, người Trung Quốc sẽ rất sai lầm nếu muốn tỏ ra là một cường quốc biển và diễu võ dương oai. Bởi vậy, nếu họ có tầm nhìn khôn ngoan thì hãy long trọng thừa nhận trước thế giới về chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.

Cường quốc biển. Đấy chỉ là cái tên gọi cho vui. Vào thời kỳ mà một đầu đạn có thể bắn qua nửa vòng trái đất và bắn chính xác một vật đang di dộng nhanh như xe tăng thì khái niệm “cường quốc biển” chẳng có nghĩa gì cả.

Bài này đã được đăng trong Các Đề Tài Khác và được gắn thẻ , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.