Kính thưa quí vị quan tâm.
Thuyết Âm Dương Ngũ hành được đặt vấn đề và chứng minh là một lý thuyết thống nhất vũ trụ. Nhưng vậy về – nguyên tắc – nó phải thỏa mãn tiêu chí của một lý thuyết thống nhất và tiêu chí của một lý thuyết khoa học là:
Thống nhất tất cả mọi quy luật vũ trụ. Một siêu công thức bao trùm mọi định luật của thiên nhiên, hoàn toàn có thể giải thích được từ sự hình thành vũ trụ, từ những hạt vật chất cực nhỏ đến những thiên hà khổng lồ và mọi hành vi bao quanh con người.
Những vấn đề lý giải đến từng hành vi cá nhân đã được chứng tỏ qua các môn dự báo và đã được trình bày trong tiểu luận “Định mệnh có thật hay không?”. Nhưng các qui luật chi phối cả lịch sử xã hội thì môn Thái Ất, Đôn giáp…vv…chính yếu nói về điều này – và chưa có điều kiện nghiên cứu chu đáo để kết luận về nội dung của nó. Tuy nhiên, ít nhất thuyết Âm Dương Ngũ hành phải giải thích được một vấn nạn được nhiều người quan tâm hiện nay. Đó chính là nạn tham nhũng.
Vấn đề
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, chúng ta đều nhận thấy một vấn nạn của xã hội loài người chính là nạn tham nhũng. Tham nhũng xảy ra ở mọi thời gian và mọi không gian với các thể chế chính trị khác nhau. Tất nhiên, cả nhân loại đều lên án những hành vi tham nhũng và nó vẫn xảy ra.
Nếu không tìm được bản chất đích thực – nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng thì tất nhiên nó sẽ mãi mãi là một vấn nạn không thể triệt bỏ, dù đó là điều con người mong ước.
Vấn đề được đặt ra trong tiểu luận này và sẽ được lý giải với cái nhìn của Lý học Đông phương – từ chủ quan của tôi – là:
Sự phân biệt giữa “hiện tượng tham nhũng” và “sự phổ biến của hiện tượng tham nhũng”.
Về hiện tượng tham nhũng.
Trong lịch sử nhân loại người ta đã đặt vấn đề về nguyên nhân của hiện tượng tham nhũng: Một kết luận được coi như đúng nhất là:
Tham nhũng xuất phát từ lòng tham của con người.
Nếu lý giải này đúng thì thực tế lại cho thấy rằng: Có lúc tham nhũng trở thành phổ biến, có lúc không. Vậy thì không lẽ có lúc con người ít tham lam và có lúc con người tham lam hơn chăng?
Lòng tham của con người lúc nào cũng có và nó được thể hiện giữa nhiều hình thức trong quan hệ xã hội – trong tiểu luận này tôi chỉ bàn tới yếu tố tiêu cực của lòng tham và không bàn tới yếu tố tích cực của lòng tham – đó là:
Trộm cắp, lừa đảo, tranh chấp, cướp giật….và hiện tượng tham nhũng cũng chỉ là một trong những hình thức thể hiện lòng tham tiêu cực mà thôi. Bởi vậy, lòng tham chỉ là một yếu tố cấu thành hiên tượng tham nhũng và không phải là yếu tố duy nhất cấu thành nên hiện tượng tham nhũng. Khi điều kiện thể hiện lòng tham trong tham nhũng hoàn toàn khác với các điều kiện khác – lừa đảo, trộm cắp….vv….Bởi vậy vấn đề đặt ra với hiện tượng tham nhũng là:
Điều kiện nào để con người thể hiện lòng tham trong hành vi tham nhũng?
Về sự phổ biến của hiện tượng tham nhũng
Hiện tượng tham nhũng thường xuyên xảy ra, nhưng không phải lúc nào cũng phát triển và trở thành phổ biến. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, chúng ta thấy rằng: Có những giai đoạn lịch sử hiện tượng tham nhũng trở thành phổ biến, có những giai đoạn chỉ là những hiện tượng cá biệt. Chẳng một thể chế nào trong lịch sử phát triển của xã hội loài người thừa nhận hành vi tham nhũng cả. Nhưng nó vẫn xảy ra, có lúc trở thành phổ biến và thành một vấn nạn xã hôi.
Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào làm sáng tỏ vấn đề này.
Viết tiểu luận này, tôi hy vọng đưa một cái nhìn về nguyên nhân của hiện tượng tham nhũng và sự phổ biến hiện tượng tham nhũng trong xã hội loài người – từ phương pháp luận của lý học Đông phương được kiến giả trong xã hội hiện đại.
Tham vọng của tiểu luận này là:
Xóa bỏ nạn tham nhũng trong xã hội loài người không cần đến nhà tù.
Xin cảm ơn sự quan tâm của quí vị.