Chúng tôi lên Lào Cai vào tối ngày 15. 9 bằng tàu hỏa. Có một độ phong thủy ở đây. Đã lâu rồi tôi mới lại đi tàu hỏa. Đúng là lắc lư con tàu đi, nhưng là tàu hỏa chứ không phải tàu thủy. Chẳng may chúng tôi đi đúng vào một toa tàu cũ kỹ, WC và tất cả các phương tiện phục vụ hành khách đều bị hỏng. Nhưng ở các toa khác hiện trạng vệ sinh và chất lượng cũng chẳng khả quan. Con tàu đó có tên SV7 và chúng tôi ở giường 11 & 9. Lạy Chúa! Loa phóng thanh báo tàu gặp sự cố, tôi lỡ leo lên gường nằm sát nóc. Điện mất! Nóng wá. Nhưng tôi cứ nằm lì vì mỏi mệt. Tôi tập trung vào hơi thở, người thư giãn hoàn toàn và ngủ quên luôn. Những thời gian vô tích sự như vậy, tôi hay giành cho việc thiền định theo kiểu của tôi. Cuối cùng chuyến tàu đêm 20g 35 cũng xuất phát sau hai tiếng chờ đợi. Sáng hôm sau tàu về đến ga Lao Cai, thân chủ ra đón việc đầu tiên là chúng tôi vào khách san 3 sao nghỉ ngơi. Đó là một khách san sang trọng ở đây có tên Thiên Hải. Đúng nghĩa khách sạn ba sao. Tiên nghi rất hiện đại và sự phục vụ chu đáo. Có điều là khâu ăn sáng hơi dở. Sáng hôm ấy tôi xem phong thủy cho gia đình và cũng là trụ sở Cty của thân chủ tôi. Những thân chủ cũ của tôi nghe tin tôi đến đã đón tiếp ân cần. Trưa ăn nhậu xong , tôi làm một giấc để chiều đi thăm bãi đá cổ Sapa.
Chúng tôi vượt vài chục cây số đường đèo quanh co để lên Sapa. Không gian trong lành, hơi se lạnh….
Trên miền Tây Bắc núi non chập chùng, mây ngàn mênh mông, khí núi ngút trời khiến cảnh quan thêm hùng vĩ….
Những khu ruộng bậc thang nổi tiếng như sự điểm xuyết của con người tô điểm cho vẻ đẹp của núi rừng.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi vào lúc 16g 30. Nhưng thực tế đã làm cho tôi hoàn toàn thất vọng:Những vết khắc trên đá đã phai mờ nhanh chóng theo thời gian…..Không còn gì gọi là Bãi đá cổ Sapa ngày ấy. Ngày mà tôi đến thăm nơi đây 12 năm về trước….
Đó đây trên phiến đá là vài dấu vết mờ nhạt phủ rêu phong nham nhở…..
Phía bên phải con đường Pò Lùng Chải, sâu dưới thung lũng là hòn đá ông. Đây chính là nơi khắc họa bằng hình ảnh một lời tiên tri nổi tiếng…….
Mặc dù qua một đêm vượt hàng trăm cây số trên con tàu nằm hạng ….bét, người mệt nhoài và đau nhức vì dấu ấn thời gian trên con người tôi, nhưng tôi cũng ráng xuống xem lại hòn đá ông với những kỷ niệm những ngày đầu minh chứng Việt sử…..
Nếu 12 năm trước , tôi phải leo trèo qua những gò đất và bụi rậm để xuống xem hòn đá này thì bây giờ tôi xuống với con đường lát đá. Cảnh quan không như xưa, nó đẹp hơn nhiều. Nhưng đó chỉ là phần xác……
Nơi đây không còn linh hồn của đá. Tất cả đã nhạt nhòa với thời gian……
Đây đó trên tảng đá này còn vài nét khắc như cố hắt ra những hơi thở cuối cùng của những di sản thuộc về nền văn hiến Việt...
Ai đó đã khắc lên đây dòng chữ “Đá vớ vẩn”.
Có thể đây là một gã thanh niên mới lớn, cũng gọi là quan tâm đến những gì thuộc về di sản văn hóa Việt. Nhưng hắn đã chẳng tìm thấy cái gì ở nơi đây cả, nên đã “comment” vào đây những dòng chữ này thể hiện quan điểm của gã…..Đấy chính là thực tại mà hắn nhìn thấy ở đây. Chẳng còn gì cả…..
Tôi ngao ngán buồn cho sự xuống cấp của một di sản lừng danh của nền văn hiến Việt. Nhưng dù nó còn nguyên vẹn thì cũng không ít kẻ nhất thời đắc chí phỉ báng tổ tiên, xuyên tạc nền văn hiến huyền vĩ Việt, bằng cách hạ thấp những gía trị của nó.
“Đá vớ vẩn” như một giọng cười đểu giả trước mắt tôi. Nó muốn hắt vào mặt tôi rằng:
“Còn gì nữa mà cố gắng minh chứng nền văn hiến Việt. Tất cả đã tàn phai theo thời gian. Mọi cố gắng của bay đều vô ích!”…..
Còn đâu dấu ấn người xưa với trí tuệ siêu việt ghi nhận ở nơi đây?
Ngày ấy, sau khi lang thang quán xét bãi đá cổ Sa Pa tôi đã viết lá thư về cho cụ Sơn Hồng Đăng, cự thủ từ đến Quốc tổ Lạc Hồng ở Sài Gòn. Trong thư có đoạn viết đại ý như sau: Cho dù tôi dừng lại ở đây thì Việt sử 5000 năm văn hiến sẽ có ngày sáng tỏ. Những trí tuệ huyền vĩ của tổ tiên sẽ được công nhận. So với những trí tuệ siêu đẳng của tổ tiên Lạc Việt thì những tên lửa đạn đạo, vệ tinh nhân tạo và cả bom nguyên tử đều chỉ là trò chơi của trẻ con. Chỉ cần một trận động đất làm ví dụ thì tất cả những giá trị của nền khoa học hiện đại chẳng có nghĩa lý gì cả…..Bãi đá cổ Sapa với những bí ẩn huyền vĩ chính là cảm hứng cho tôi viết tiếp “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch”…..
Một ví dụ sắc sảo chính là trận động đất ngày 11. 3. 2011 ở Nhật Bản. Tôi đã dự báo trước ít nhất 8 tiếng khi trận động đất xảy ra. Tôi đã trừ nước Nhật ra khỏi trận động đất này, một cách chủ quan. Nhưng tôi đã sai vì chủ quan của mình. Suy cho cùng thì Tạo Hóa luôn luôn đúng.
Nhưng chẳng còn gì nữa.
J.W. Goethe đã nói: “Tất cả lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”……
Trong đó có cả hoa Cứt Lợn…….
Goethe đã nói đúng một nửa. Nửa còn lại chính là con người vẫn cố gắng tìm hiểu thiên nhiên.Thuyết Âm Dương Ngũ hành, một mảng màu xám xịt, một hố đen lớn nhất và vô cùng huyền vĩ của vũ trụ, đã miêu tả tất cả các quy luật vũ trụ. Đó chính là lý thuyết thống nhất mà con người đang tìm kiếm.….
Sự tàn phai nhanh chóng của những di sản văn hiến Việt trên bãi đá cổ Sa Pa thực chất không nằm ngoài sự tiên tri của tôi. Đâu đó trong một bài viết liên quan đến bãi đá cổ này trên web lyhocdongphuong, tôi đã xác định Bãi đá cổ sẽ phai tàn theo thời gian vì đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó…..Nó đã cho cả thế giới biết rằng: Nơi đây đã từng có những nét chạm khắc của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước. Nơi đây chính là một trong vài nơi trên thế giới còn giữ lại những hòn đá với những nét chạm khắc huyền bí.
Nhưng không phải vì thế mà tôi không khỏi chạnh buồn cho một di sản văn hiến Việt ngày càng mai một. Rồi đây với thời gian sẽ không còn gì nữa. “Đá vớ vẩn” như một miệng cười nham nhở trước mắt tôi…..Tôi thầm cảm ơn một cách chua chát những học giả Tây Phương đã khám phá và ghi lại những linh hồn của đá….
Thời gian vẫn tiếp tục trôi đi với những con người sinh ra, lớn lên, già đi và chết trên mảnh đất này. Đối với họ, những hình khắc trên bãi đá cổ rất quen thuộc và không có gì là lạ. Họ chẳng cần biết những vạch vẽ trên hòn đá có từ thời xa xưa ấy đang muốn nói cái gì với họ.
Những con người chất phác và sống với thiên nhiên nơi đây lại rất tôn trọng sự thiêng liêng huyền vĩ của những tảng đá này. Họ đã tôn thờ một hòn đá tổ ở nơi cao vút trên thung lũng này…..
Một em bé bán sản phẩm thủ công của dân tộc em cho du khách….
Đừng vội cười nhé! Chính các em bé này và tất cả những trẻ em của Việt tộc – những con người đang sống trên mảnh đất cư trú cuối cùng của cư dân Văn Lang xưa, tức đất Việt ngày nay – mới chính là những người đang gìn giữ những bí ẩn huyền vĩ của nền văn minh Đông phương.
Chi chi chành chành….
Cái đanh thổi lửa….
Ngày xưa. xưa lắm rồi, vào những năm cuối cùng của vị vua cuối cùng vào thời Hùng Vương thứ XVIII. Các trí giả Lạc Việt có trách nhiệm với nền văn hiến Việt đã tìm cách bảo tồn những gía trị văn hiến Việt để đời sau tìm về với cội nguồn. Đã có hai phương pháp được đề cử với Đức vua. Theo Đức Ngài Dương Thái công thì sẽ ghi lại những giá trị văn hiến huyền vĩ Việt trên những tảng đá để lưu lại cho đời sau. Theo Đức Ngài Tản Viên Sơn Thánh thì sử dụng những truyền thuyết, huyền thoại, ca dao tục ngữ phổ biến trong dân gian và các trò chơi trẻ em để lưu truyền.
Trăm năm bia đá thì mòn.
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ…..
Nếu không có một tầm nhìn vượt thời gian tính bằng Thiên Niên kỷ thì không thể viết được câu ca dao này.
Đức Ngài Tản Viên Sơn Thánh đã được coi là một trong bốn Tứ trụ Thiên Vương Hộ quốc chính vì công lao bảo tồn những giá trị văn hiến Việt. Ngài đã đúng trong việc bảo vệ và giữ gìn những gía trị văn hiến Việt…..
Tôi chỉ viết đến đây như những lời tâm sự. Những tâm sự của tôi có thể được chia sẻ bới những tâm hồn đồng cảm. Nhưng nó không phải là những luận cứ để tranh luận với đám tư duy “Ở trần đóng khố”. Đó là lý do mà blog của tôi không có comment.
Hoặc là thế gian này bế tắc trong sự phát triển của nền văn minh văn hóa và tri thức; hoặc Việt sử 5000 năm văn hiến phải được tôn vinh.
(Còn tiếp)