Kiều Chinh – người chị họ tôi.

scan0007.jpg picture by lacvietdontoan

Nữ sĩ Ngân Giang với chị Kiều Chinh

Khi tôi phiêu bạt vào Sài Gòn năm 1976, tôi biết mình có một bà chị họ, con người bác ruột chị của ba tôi – bà Kiều Chinh. Nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng lúc ấy bà đã đi Canada. Tôi chỉ biết đến bà là một thành viên trong dòng họ và là người thành đạt, nổi tiếng. Cuộc đời thăng trầm với những bươi chải đầy gian khổ, khiến tôi không còn kịp nghĩ đến quá khứ và cả tương lai của chính tôi.

scan0008.jpg picture by lacvietdontoan

Cha tôi và chị Kiều Chinh ở Gia Lâm quê tôi

Rồi khoảng cuối những năm 90, tôi có dịp ra Hanoi bán những cuốn chuyện tranh bị ế. Gia đình tôi có nói bà Kiều Chinh về thăm ba và cả mẹ tôi. Nghe nói lúc ấy bà Kiều Chinh về làm từ thiên và có dự án xây dựng trường học ở Việt Nam. Ở Hanoi vài ngày tôi về lại Sài gòn. Anh chị em tôi khuyên tôi đến gặp bà, cho tôi cả địa chỉ khách sạn và số điện thoại để liên lạc. Nhưng tôi đã không đến. Lý do rất đơn giản là tôi không có một kỷ niệm nào với chị Kiều Chinh trong quá khứ dù là một kỷ niệm mong manh nơi quê nhà. Cộng với một nguyên nhân quan trọng là lúc ấy tôi đang là một kẻ nghèo mạt rệp. Vợ tôi quạt bánh tráng bán ở vỉa hè, để kiếm vài ngàn đồng bạc lời. Tôi không thể đến gặp bà, mặc dù có thể vì thế mà tôi có vài trăm USD.

Từ đó – khi cha mẹ tôi đã trở thành người thiên cổ và để lại đằng sau những sự nghiệp đáng được người đời tôn trọng – thì hình ảnh một người chị họ tài sắc một thời chỉ còn là một hoài niệm trong tôi. Dòng họ tôi đã sản sinh ra nhiều người đẹp và nổi danh như bà nghệ sĩ Quách Thị Hồ. Nhưng hình như tất cả không thiếu gian truân trong thuở thiếu thời, như lời than thở của mẹ tôi:

Một cười trăng nước như nghiêng ngả
Ngày bước chân đi, ấy đoạn trường.

Hôm nay lên mạng tình cờ gặp được bài báo của Thanh Niên Online viết về bà. Tôi ghi lên đây để giữ lại một hoài niệm về một người nổi tiếng của dòng họ tôi.

Gặp diễn viên điện ảnh Kiều Chinh
14:28:08, 23/12/2005
Lê Nhược Thuỷ

Như Thanh Niên đã đưa tin, nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh từ Mỹ đã về thăm quê hương với tư cách là đồng Chủ tịch Hội Viet Nam Memorial Association. Ngày 25/4, tại sân bay Tân Sơn Nhất, P.V Thanh Niên đã có cuộc trao đổi ngắn với Kiều Chinh ngay sau khi chị từ máy bay xuống.
Nguồn tin Kiều Chinh , một diễn viên điện ảnh Việt Nam hiếm hoi có uy tín, được chú ý tại Hollywood, về thăm lại quê hương là từ đạo diễn Lê Dân. Anh cho biết Kiều Chinh gọi điện thoại về nói: “Lần đầu tiên trở về lòng nôn nao lắm, cứ lâng lâng…”.
Cách đây gần 40 năm, khi anh làm phó đạo diễn cho một đạo diễn Mỹ J.L Mankiewiez quay bộ phim Người Mỹ trầm lặng thì anh phát hiện một cô gái chừng 17 tuổi, có đôi mắt đẹp, khuôn mặt sáng đứng xem say sưa. Cô gái ấy là Kiều Chinh . Và anh đã mời cô đóng vai chính trong phim Hồi chuông Thiên Mụ (1958), cũng là phim đầu tay của anh. Như có duyên nợ điện ảnh với Kiều Chinh , anh lại chọn Kiều Chinh đóng trong phim Hồng Yến (1973), đó cũng là phim cuối cùng của Kiều Chinh ở Việt Nam… Chỉ đóng một vài phim nhưng Kiều Chinh đã sớm nổi tiếng và đã đoạt giải diễn viên xuất sắc châu Á (1974) cùng với nghệ sĩ Kim Cương…
Khi chúng tôi cùng đạo diễn Lê Dân, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, nghệ sĩ Kim Cương ra đến sân bay thì máy bay cũng vừa đáp xuống. Kiều Chinh ôm chầm những người bạn thân quen cũ, không có nước mắt, chỉ có những nụ cười tươi rói. Chị nói: “Ôi thật xúc động, 20 năm mới thấy giây phút hạnh phúc này. Nhớ quá chừng, sung sướng quá chừng !”
Chị chào tôi khi biết tôi là phóng viên báo Thanh Niên, chị nói:
– Lần đầu tiên tôi trở về quê hương với tư cách là đồng Chủ tịch của Vietnam Memorial Association. Chúng tôi đã xây tặng một ngôi trường 12 lớp học ở tại vĩ tuyến 17, Đông Hà và mới cắt băng khánh thành ngày hôm qua (24/4). Ý nghĩa của nó là để tưởng niệm trên 2 triệu người Việt Nam cùng những người mang quốc tịch khác đã chết trong chiến tranh đồng thời tặng các trẻ em Việt Nam, thế hệ của tương lai, của hy vọng. Kiều Chinh cũng có mục đích riêng trong chuyến về thăm VN lần này là gặp lại người anh trai duy nhất đã cách xa 41 năm và gặp lại những bạn bè thân quý trong ngành điện ảnh như anh Lê Dân, Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa, chị Kim Cương…
– Chị có thể cho biết một chút “không khí” của những diễn viên Việt Nam sống tại Mỹ?
– Suốt 20 năm sống ở Hoa Kỳ, tôi có may mắn hoạt động đều đều, lúc thì phim truyện, lúc thì phim truyền hình, cũng chỉ là những phim những vai nho nhỏ thôi. Chỉ mới đây với phim Phúc Lạc Hội thì được báo chí trên thế giới nói đến nhiều. Một số anh em khác như Đoàn Châu Mậu, Lê Quỳnh, Lê Tuấn, La Thoại Tân, Bùi Sơn Duân… thì hầu như không hoạt động gì về điện ảnh, giới trẻ thì cũng chỉ hoạt động lẻ tẻ ở mạng phim truyền hình. Nhiều người phải sống bằng nghề khác.
Khi ngồi trên xe để về khách sạn, Kiều Chinh kể lại những cảm xúc của mình:
– Đến Hà Nội, tôi không còn nhận ra Hà Nội của ngày xưa vì đã thay đổi quá nhiều, còn Sài Gòn thì rất nhiều nhà cao tầng, nhà ngói đỏ. Đặc biệt một ngày đi lang thang ở Huế, là cả “một trời” kỷ niệm. Thật xúc động khi đến chùa Linh Mụ, nơi tôi đóng phim đầu tiên, có ông già ngồi bán carte nhận ra tôi và nói: “Có phải cô là Kiều Chinh không, mấy chục năm trước tôi nhớ cô đóng phim ở đây”. Ông già vẫn còn ngồi đấy, mình thì về đây, lòng thì cứ nôn nao với từng gốc cây, bậc đá, con người…
Bất chợt Kiều Chinh nói:
– Kim Cương ơi, mình thấy như là chưa hề rời đây. Bên trái là Kim Cương, bên phải là Lê Dân, là Lê Mộng Hoàng… tưởng chừng như đang đi quay phim.
Có lẽ một thoáng bất chợt thấy mình chưa hề rời đất nước của Kiều Chinh cũng là nỗi niềm tiềm ẩn trong tâm thức của biết bao người Việt Nam đang sống xa quê hương.

Lê Nhược Thuỷ(TN 29/4/1995)

Bài này đã được đăng trong Chuyện đời. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.