KỶ NIỆM XƯA

Tôi về Bến Tre, ăn đám giỗ bên vợ tôi. Khi thắp nhang bàn thờ tôi bất giác nhìn xuống bàn thờ ông Địa. Một kỷ niệm về một đoạn cuộc đời trong qúa khứ đang cười với tôi. Đó chính là ông Địa mà tôi đã tạc từ gần 30 năm trước. Vâng, đó chính là một “di sản văn hóa vật thế” xác định một mảng trong cuộc đời nhân vật chính trong truyện ngắn được giải nhất “Người đàn ông mặc áo nâu” của nhà văn nữ Phạm Thị Ngọc Diệp. Nhân vật có “bàn tay đã tạc nên thần thánh”. Nhà văn nữ này đã lấy nguyên mẫu trong cuộc đời tôi làm nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng của cô. Trong tác phẩm của mình, cô ấy đã sáng tạo nên cái bóng của tôi: Một ông sư binh xập xám điệu nghệ như khi gõ mõ tụng kinh. Ông sư cũng mặc nâu sồng. Câu chuyện thật hay, nhưng khiến tôi không khỏi đượm buồn. Khi tôi dùng bàn tay  tạo nên thần thánh thì đó chính là thời bi đát nhất của cuộc đời tôi.
Ngày ấy, tôi đi làm công cho một người chủ có 4 thửa vườn. Tôi chỉ làm ăn cơm và thuốc lá rê hút. Vậy thôi. Không có tiền công. Lúc tôi vét mương, trồng rau, bồi đất siêng năng thì cơm canh đầy đủ. Nhưng lúc nào tôi hơi chưa hoàn chỉnh thì cháu nó quên mang thức ăn xuống cho cậu, chỉ có gạo và thuốc lá.. nước mắm cũng không có.
Tôi nhớ có một lần, ông chủ gửi xuống cho tôi một xị rượu và hai quả trứng thối. Dân nhậu chuyên nghiệp rất thích nhậu với trừng thối và đó được coi là thứ đặc sản quý của dân nhậu miệt vườn Nam Bộ. Không biết nhậu với trứng thối là chưa có đẳng cấp giới ăn nhậu thứ thiệt. Vì quý tôi và nghĩ đến tôi, anh ấy gửi tặng cho tôi khi đang ăn nhậu. Nhưng tôi lại không biết điều đó, nên ứa nước mắt. Sau này tôi mới hiểu được tấm lòng của anh ấy khi lang thang vùng sông nước Bến Tre với dân nhậu.
Lúc bấy giờ, tôi chợt nhớ đến tôi có khả năng tạc tượng và sản phẩm đầu tay của tôi chính là tượng ngài Hồ Chí Minh bằng thạch cao và là một trong hai tượng thạch cao lớn nhất miền Bắc. Tôi đã tạc vào năm 75 cho một bảo tàng của một Trung Đoàn lập chiến công trong đợt tấn công vào Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến. Tôi làm thuê cho một người bạn: Anh Nguyễn Ngọc Thuận, hồi ấy ở 64 Ngọc Hà – Hanoi.
Trong mảnh vườn mà tôi tá túc, có nhiều đất sét. Thế là tôi nảy sinh ra ý tưởng tạc tượng ông địa, thần tài đem bán. Bên cạnh nơi tôi sống có một lò bánh mỳ. Tạc xong cái tượng nào tôi phới khô và nhờ cho vào lò bánh mỳ khi họ hết ca làm việc để nung thành gạch non, hoặc đất già. Xong tôi mang cái tượng đất già ấy ra chỗ sơn sửa xe đạp , xin sơn căn của họ và tô lên tượng. Tôi chẳng có tiền mua bút lông, tôi mượn cọ vẽ của ông chủ tiệm sơn sửa xe đạp để tô những mảng lớn như quần áo ông Địa, còn để vẽ mắt tôi lấy cái tăm tre cắn dập làm bút vẽ những chi tiết như lông mày, mắt miệng….Thế là xong, tôi đem về chờ khô thì đi bán. Ngày ấy, là thời năm 1979 hay 80 gì đó, người ta không bán ông Địa đại trà như bây giờ, nên tôi cũng sống được. Tôi còn gặp may nữa. Vâng. Tôi gặp may. Bà chủ số đề gần nhà mua ông địa của tôi giá chỉ 5 đồng bạc, Vừa đưa lên bàn thờ buổi sáng thì buổi chiều người ta trả nợ bà 300 đồng. Bà ấy nói với mọi người rằng: “Cái thằng Bắc Kỳ ấy nó làm ông Địa thiêng lắm”. Vâng, thế là những con người khốn khổ và chẳng mấy giàu có, phải vật lộn với cuộc sống đua nhau đặt tôi làm ông Địa. Năm đồng một ông bằng đất sét nung, được nướng trong lò bánh mỳ và vẽ bắng sơn cặn. Đừng cho rằng tôi bán rẻ nha. Ngày ấy có hai đồng một keo chao, một đồng một ly cafe kho lọc bằng cái bí tất thì mới thấy ông Địa của tôi có gía như thế nào. Vâng tôi sống lay lứt như thế cho đến một hôm tôi chợt nhớ ra mình có nghề thợ tiện. Một tay nghề thứ xịn mà tôi tưởng chừng đã quyết tâm rời bỏ do những ngày làm việc cật lực với những ca thâu đêm đến sáng. Tôi đi tìm được một chỗ làm nghề này thế là tôi từ bỏ nghề làm Ông Địa.
Đây chính là thời mà tôi có một cái bằng khen cấp Tỉnh cho những sáng chế của tôi liên quan đến ngành cơ khí và là cái duyên để tôi tình cờ gặp nữ văn sĩ tài hoa Phạm Thị Ngọc Diệp. Chúng tôi biết nhau khi tôi đã có vợ và nàng thì có chồng. Bởi vậy tình cảm của chúng tôi có giới hạn, Tôi có cảm tình với nàng. Nhưng hoàn toàn không quá đáng như nàng miêu tả trong tác phẩm. Cũng không sao, tôi không phàn nàn gì về điều này. Văn chương thì phải có hư cấu chứ. Và thật tính tôi không biết nàng có cảm tình gì với tôi không, mà sau đó bao nhiêu năm xa cách, nàng lại viết được một tác phẩm hay như vậy với nguyên mẫu là con người tôi.
Khi tôi lấy vợ thì cũng là lúc tôi  lại giở cái nghề tạc tượng ông Địa đem bán để kiếm thêm. Lần này ông Địa làm bằng thạch cao chứ không bằng đất nung với sơn cặn như trước. Chính những ông Địa bằng thạch cao này là cơ duyên của mảng văn trong truyện ngắn của cô văn sĩ Phạm Thị Ngọc Diệp “bàn tay biến thạch cao thành thần thánh”. Một trong những ông Địa mang lại may mắn cho thế nhân còn lại ở nhà vợ tôi từ gần 30 năm trước. Ông Địa này tôi tạc không vừa ý lắm, nhưng không nỡ đập đi, nên đem thờ vậy. Nhưng cũng chính vì thế nên cũng chẳng sơn phết gì cả. Nguyên dạng thạch cao.

Tôi đã chụp ảnh ông Địa ấy và đưa lên đây như một kỷ niệm buồn. Nếu các bạn có vào đây xem được những dòng này và hãy nhìn kỹ ông Địa của tôi. Ông ấy vẫn cười như bao ông Địa trên thế gian ngắm nhìn cuộc sống tha nhân. Nhưng ông Địa của tôi trên khuôn mặt phảng phất một nét buồn ẩn chứa sau nụ cười nhân thế.

Bài này đã được đăng trong Chuyện đời. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.