Cập nhật lúc 15:20, Thứ Bảy, 19/06/2010 (GMT+7)
– Sau một cuộc biểu quyết “nghẹt thở” với kết quả 37,53% tán thành, 42,19% nói “không”, chiều nay (19/6), cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước đã thống nhất sẽ lùi dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam
>> Nóng bỏng kỳ họp thứ 7
>> Bỏ phiếu kín về đường sắt cao tốc để tạo đồng thuận
>>“Siêu dự án” và trách nhiệm của Quốc hội
>> Hôm nay (19/6) có nhiều người nín thở…
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nói, do Quốc hội kỳ này không tán thành nên sẽ giao Chính phủ tiếp tục chuẩn bị dự án kỹ hơn.
![]() |
Suy nghĩ kỹ trước khi ấn nút |
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH đọc báo cáo tiếp thu ý kiến ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Nghiêm Vũ Khải đã đọc bản dự thảo Nghị quyết về dự án và Quốc hội bấm nút.ĐIều bất ngờ đã xảy ra, khi có tới 208/427 (42,19%) ĐBQH bấm nút không tán thành thông qua chủ trương đầu tư xây dựng siêu dự án – chủ đề của các phiên thảo luận nóng bỏng ở Hội trường cũng như họp tổ Quốc hội những ngày qua.Trong tổng số 427 ĐBQ tham gia biểu quyết cho điều khoản tán thành hay phản đối chủ trương xây dựng tuyến đường, chỉ có 185 ĐB (chiếm 37,53%) tán thành.Có tới 34 vị ĐBQH, chiếm 6,9% không biểu quyết.Đáng chú ý, khi biểu quyết dự thảo Nghị quyết 66 trước đó, trong Hội trường có 440 đại biểu trên tổng số 491. Nhưng, đến khi biểu quyết về đường sắt cao tốc, tỷ lệ đại biểu liên tục thay đổi.
![]() |
Biểu quyết |
Cụ thể, bấm nút lần thứ nhất, biểu quyết về điều 1 – “trong thời gian tới, cần huy động mọi nguồn lực để cải thiện hạ tầng giao thông”, phòng máy QH thông báo, chỉ có 439 đại biểu có mặt trên tổng sĩ số 491.Trong lần bấm nút thứ hai trực tiếp vào điều khoản “có tán thành hay không tán thành thông qua chủ tương đầu tư xây đường sắt cao tốc”, có 427 đại biểu.Đến lần bấm nút thứ ba, số đại biểu có mặt chỉ còn 409.Như vậy, trong cả ba lần bấm nút cho ba điều khoản trong dự thảo Nghị quyết, thì tỷ lệ đều không quá bán.Dự thảo Nghị quyết đưa ra hai phương án đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM và cả hai đều không nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu.Theo đó, phương án một không nói gì cụ thể về việc đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc. Chỉ nêu, so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cơ sở hạ tầng giao thông còn rất hạn chế về số lượng, thiếu đồng bộ và lạc hậu về công nghệ… Trong thời gian tới cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của nhà nước và xã hội, trong và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như trong từng vùng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển đất nước nhanh và bền vững.42,3% đại biểu đồng ý, 38,74% không tán thành.
![]() |
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tuyên bố bế mạc kỳ họp |
Phương án hai, tán thành chủ trương đầu tư xây đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM theo lộ trình. Đầu tiên là giao Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước, quy hoạch hệ thống giao thông Bắc – Nam.
Hai là Quốc hội giao Chính phủ lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM, trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội – Vinh hoặc TP HCM – Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư.
Cuối cùng, từ kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, Quốc hội giao Chính phủ tiến hành đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo.Tuy nhiên, chỉ 37,53% đại biểu đồng ý và 42,19% phản đối.Đầu tuần này, QH đã phát phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH về dự án đường sắt cao tốc. Chỉ có 148/474 người tán thành hoàn toàn với đề xuất của Chính phủ.Có 271/474 đại biểu (57,17%) đồng ý ra nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án này, 192 vị không đồng ý, 3 ý kiến khác, còn lại là phiếu trắng.
Chủ tịch QH: “Có sự đóng góp của báo chí”
Tổng kết kỳ họp QH chiều nay, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói, “Dự án đường sắt cao tốc là dự án lớn, tác động nhiều mặt, được cử tri và người dân đặc biệt quan tâm. Với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở báo cáo và tờ trình Chính phủ, lắng nghe ý kiến cử tri và nhân dân, Quốc hội đã thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, thận trọng dự án”.Ông Trọng đánh giá, kỳ họp lần này là một trong những kỳ họp sôi động, chất lượng cao, nội dung đi thẳng vào các vấn đề khó. Không khí thảo luận thẳng thắn, dân chủ. Có trao đi đổi lại, qua đó có sự thống nhất trên nhiều vấn đề. Chủ tịch QH nhấn mạnh: “Kết quả của kỳ họp còn có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí. Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam tôi xin cảm ơn và nhiệt liệt chúc mừng đội ngũ những người làm báo“.Câu chúc đã nhận được những tràng pháo tay của ĐBQH phía dưới Hội trường. Lê Nhung- Ảnh: Lê Anh Dũng |
– Trả lời báo chí ngay sau khi có kết quả biểu quyết của Quốc hội chưa thông qua dự án đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nói ông không quá buồn.
>> Đường sắt cao tốc và những dấu mốc nghị trường
>>“Siêu dự án” và trách nhiệm của Quốc hội
Bộ trưởng Dũng cho biết cơ quan của ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, còn việc “có trình một lần nữa không thì Chính phủ sẽ quyết, tôi chưa thể nói được”.
“Tôi cũng không có gì quá buồn, chúng tôi sẽ tuân thủ quyết định hôm nay của Quốc hội”, Bộ trưởng nói.
“Hợp lòng dân”
Trao đổi với VietNamNet bên hành lang Quốc hội ngay sau khi biểu quyết, nhiều đại biểu bày tỏ cảm xúc khá bất ngờ với kết quả vào phút chót này.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho biết: “Bản thân tôi là người trong cuộc nhưng cũng bất ngờ với kết quả biểu quyết, Quốc hội quyết định được như thế là rất hợp với lòng dân”.
![]() |
ĐB Nguyễn Minh Thuyết: Trong kết quả biểu quyết của Quốc hội, rõ ràng báo chí đã đóng vai trò quan trọng |
Theo đánh giá của ông Thuyết, điều này đã thể hiện rõ sự nghiêm túc và độc lập của các đại biểu trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhân dân, trong đó có các nhà khoa học.
Ông Thuyết còn cho biết ngay chiều hôm qua, khi nhận được dự thảo Nghị quyết mới, ông đã ngồi ngay trong Hội trường viết thư tay gửi Chủ tịch Quốc hội, đề nghị xem xét lại việc sửa điều 1 sau khi đã xin ý kiến ĐB Quốc hội và đa số đã đồng ý với dự thảo cũ.
Sáng sớm hôm nay (19/6), Thường vụ Quốc hội đã họp và có dự thảo Nghị quyết mới.
Một đại biểu khác cũng đã gửi thư cấp tốc đến Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên điều 1 như trong phiếu thăm dò chứ không thay đổi như trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Dương Trung Quốc cũng bày tỏ cảm giác bất ngờ với kết quả biểu quyết vừa đạt được.
![]() |
ĐB Dương Trung Quốc và Nguyễn Lân Dũng trao đổi bên hành lang QH. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Quốc cho rằng “điều này là rất sòng phẳng, rất thoải mái và cũng thể hiện rõ không phải Quốc hội hoàn toàn bác bỏ Chính phủ mà đơn giản Chính phủ phải nghiên cứu kỹ càng hơn về dự án”.
Trước đó, ông Quốc từng nói nên để Quốc hội khóa mới nghiên cứu và quyết định dự án này.
“Chuyện này thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội mà có lẽ những người như tôi chỉ là bề nổi thôi, chứ thực ra có rất nhiều đại biểu cũng chia sẻ với những lo lắng mà dư luận đề cập”, ông Quốc nói thêm.
Chính kiến Quốc hội
Cũng là người bấm nút không thông qua nhưng đại biểu Nguyễn Lân Dũng tỏ ra không quá bất ngờ với kết quả biểu quyết.
![]() |
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Chúng tôi sẽ tuân thủ quyết định hôm nay của Quốc hội |
Theo ông, kết quả này biểu hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội và ý chí của nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cũng không quá bất ngờ với kết quả biểu quyết: “Đây là nghị quyết mà những người soạn thảo đã cố gắng có được một sự dung hòa nhưng cuối cùng đã không thành công”.
“Việc không thông qua Nghị quyết cho thấy đại biểu Quốc hội đã thể hiện và bảo vệ được chính kiến của mình”,ông Xuân nói.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết: Cám ơn các nhà báo
Trong kết quả biểu quyết của Quốc hội, rõ ràng báo chí đã đóng vai trò quan trọng khi truyền tải ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trong đó có ý kiến của các nhà chuyên môn, người Việt sống ở trong và ngoài nước.
Điều đó giúp cho các đại biểu Quốc hội cân nhắc cẩn trọng hơn.
Tôi cho đó là một đóng góp của báo chí với Quốc hội.
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đang đến, tôi xin gửi đến các nhà báo lời cảm ơn và chúc mừng.
————————————————————
Vậy là xong. Ối giời ơi ớn wá!
Mọi chuyện ngã ngũ, Sư Thiến mới dúm lạm bàn. Trong tương lai vài trăm năm nữa, có thể sớm hơn, khi nền kinh tế toàn cầu phân công xong vùng kinh tế chuyên ngành của nó thì biên giới quốc gia chỉ còn là vành đai bảo vệ văn hóa của những dân tộc sống trên trái Đất này. Lúc đó con người sẽ nhận ra rằng: Đường sắt cao tốc chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người – nó được manh nha trong thời kỳ mà đi máy bay là một phương tiện xa xỉ với quảng đại dân chúng. Không bao giờ nên đặt vấn đề này một lần nữa.