Đừng biến tín ngưỡng thành cuồng si

Tác giả: Khánh Linh
Tuanvietnam.vn

Bài đã được xuất bản.: 16/03/2010 06:00 GMT+7 

Vấn đề phức tạp trong thực hành tâm linh ở nước ta hiện nay có phải do điều kiện kinh tế thị trường, hàng hoá quy định hay trước hết do nhận thức không đầy đủ ở mỗi người? – PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đặt câu hỏi.

LTS: Gần đây, những lễ hội vốn quy mô làng xã hoặc của một vùng như Bà Chúa Kho, Đền Trần, Phủ Giầy… có tiếng là “thiêng”, đột nhiên mở rộng đến… tầm quốc gia. Quan chức khắp nơi công khai đánh xe công về “dự lễ”, dân chúng thập phương thấy thế càng đổ dồn về “ăn mày lộc thánh”. Quan niệm “dương sao âm vậy” gần như đã bị thay bằng “quan sao dân vậy”.
Nhưng quan chức cấp cao công khai đến lễ hội có nhằm gửi “một thông điệp” nào đó cho dân chúng? Dù là cố ý hay vô tình thì họ cũng đã góp phần làm biến tướng lễ hội và đang chi phối đời sống tín ngưỡng dân gian.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học VN.

Lẫn lộn giữa tư cách cá nhân và nhà nước
– Tôi rất băn khoăn việc hàng loạt lãnh đạo nhà nước, từ cấp cao nhất đến các quan chức các bộ ngành, các địa phương thực hành việc khai ấn ở Lễ khai ấn đền Trần hay làm lễ tịch điền từ vài năm nay. Chưa kể người thực hiện nghi lễ khai ấn lại là những lãnh đạo cấp cao (năm ngoái là Chủ tịch nước, còn năm nay là Phó thủ tướng).

Ai cũng biết lễ Khai ấn đền Trần là nghi lễ mang tính tâm linh, tín ngưỡng trong dân gian. Nhiều đền – chùa – phủ khác cũng có những nghi lễ đầu năm của họ. Dù có rất thiêng thì, theo tôi, đây cũng không phải là câu chuyện khai ấn của cơ quan nhà nước, của việc thực hành một động tác cụ thể là đóng dấu khai ấn của bất cứ vị quan chức nào đại diện cho nhà nước. Đó hoàn toàn là công việc của nhà đền. Với sự tham gia của hàng loạt quan chức không phải với tư cách cá nhân mà với tư cách nhà nước phải chăng là đang can thiệp quá sâu vào hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo; vô hình chung tạo ra sự khuyến khích, thúc đẩy người dân trong toàn xã hội, biến tín ngưỡng thành một phong trào cầu xin chức vị ở ngôi đền này.

Lễ tịch điền xưa là nhà vua với tư cách là thiên tử của đất nước nông nghiệp, là con trời nên ông ta mở luống cày đầu năm mang ý nghĩa giao hòa Trời- Đất, cầu cho những mùa vụ bội thu, sinh sôi nảy nở. Thái Lan, Campuchia là nước quân chủ, còn vua nên vẫn giữ lễ này. Ở Việt Nam, Lễ này đã mất từ lâu, ý nghĩa và bối cảnh không còn nữa, nay lại phục hồi như một di sản văn hoá có đúng không? Nếu muốn thực hành khuyến nông thì có lẽ có nhiều cách làm hay hơn. Cho nên rất cần xem lại một cách cơ bản câu chuyện ranh giới giữa tín ngưỡng, tôn giáo và nhà nước hiện nay.


PGS Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Khánh Linh

– Theo PGS thì cá nhân các nhà lãnh đạo không nên có hành vi khuyến khích việc thực hành tín ngưỡng?

Tôn giáo, tín ngưỡng là sự lựa chọn của mỗi người. Nhà nước cần có thái độ rõ ràng, bình đẳng giữa các tôn giáo, chứ không thể thiên về tôn giáo này trong khi lại bỏ quên hay xem nhẹ tôn giáo khác. Hơn nữa một lãnh đạo cơ quan nhà nước dù ở cấp nào có thể tham gia một nghi lễ với tư cách cá nhân, không tiền hô hậu ủng, không quay phim chụp ảnh, mà chỉ như một “tín đồ”, thì đó là câu chuyện của cá nhân vị lãnh đạo ấy. Như Tổng thống Hoa Kỳ George Bush khi đến Hà Nội dịp APEC cũng đi lễ nhà thờ Cửa Bắc như một tín đồ, chứ không phải với tư cách tổng thống.

Còn ở ta đang có sự lẫn lộn giữa tư cách cá nhân và tư cách đại diện nhà nước. Khi lãnh đạo nhiều cấp cùng có mặt tại Lễ khai ấn đền Trần thì phải phân chia thứ bậc: thẻ đỏ mới được vào trong, thẻ vàng chỉ ở vòng ngoài; rồi ai được có ấn trước, ai phải chờ sau… Thứ bậc của hệ thống chính trị lại trở thành thứ bậc trong một nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Lãnh đạo được ưu tiên sắp xếp vào trong, ai cũng sẽ có ấn, thì làm sao trách việc người dân chen lấn xô đẩy ở ngoài?

Quá nhiều lãnh đạo có mặt ở các sự kiện Phật giáo, những người của các tôn giáo khác sẽ cảm thấy thế nào? Tôi vẫn cảm thấy có chuyện gì đó chưa ổn nếu không suy xét lại câu chuyện này một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ vô tình làm mất đi sự bình đẳng văn hóa trong đời sống tâm linh.


Quang cảnh một lễ Khai ấn đền Trần. Ảnh: TTXVN

Làm ăn với thần thánh?
– Bản thân PGS nhìn nhận thế nào về Lễ khai ấn đền Trần nói riêng, và các nghi lễ tín ngưỡng nói chung?

Mùa xuân này tôi đi hội Đền Sóc, cũng mang cành lộc “hoa tre” vàng về cắm ở nhà, vừa như một kỷ niệm đẹp của một dịp đi hội, vừa có ý đặt niềm tin ở lộc Thánh – Thánh Gióng. Nhiều đền, chùa, phủ cũng phát “lộc” theo hình thức này hay hình thức khác. Chính điều này góp phần tạo ra những nét riêng cuốn hút. Tại sao tất cả phải dồn về đền thờ Bà Chúa Kho, chùa Hương hay đền Trần trong thời điểm cao điểm nhất? Phải chăng chỉ giờ khắc ấy mới là linh thiêng như dân gian vẫn quan niệm? Thế những thời điểm khác cũng ở đền ấy, chùa ấy thì sao?
Tôi cho rằng rất cần làm cho xã hội nhận thức đúng đắn về tâm linh, để không vượt quá ngưỡng cần có, nếu không sẽ trở thành cuồng si. Niềm tin tâm linh có thể cho con người thêm sự quân bình, thanh thản trong cuộc sống, chứ không phải lên đền, chùa, phủ chỉ để cầu chức vụ, cầu tiền bạc bằng mọi giá. Nhìn cách người ta chen chúc ở các đền, chùa, phủ hiện nay ở nhiều nơi ở đồng bằng Bắc bộ, dễ có cảm giác đây là chốn để làm “kinh tế” với thần thánh, nó khác với truyền thống xưa kia và khác cả với nhiều nơi khác ở nước ta. Đó cũng là điều suy nghĩ.
Một vấn đề rất cần đặt ra, không lẽ niềm tin tín ngưỡng của người Kinh lại lớn hơn, mạnh mẽ hơn so với niềm tin tín ngưỡng của người Khmer, người Chăm… cùng trên đất nước ta? Họ cũng có đền, chùa nhưng họ giữ được cốt cách, lề lối mà không bị lôi cuốn “ào ạt”, bị “tha hóa” như ta thấy. Cùng một môi trường xã hội như nhau nhưng tại sao trong nhà thờ Công giáo lại giữ được kỷ cương, không có những biến tướng thiên về “kinh tế’ như ở nhiều đền chùa hay tín ngưỡng dân gian (như đạo Mẫu…).
Còn xin nhìn ra nước ngoài, những nước Phật giáo phát triển mạnh như Ấn Độ, Thái Lan, Lào và cả Trung Quốc nữa… cũng hoàn toàn không có cách ứng xử như người Việt? Nhiều nước phát triển trước chúng ta về kinh tế thị trường nhưng mà họ lại vẫn giữ được niềm tin trong sáng hơn, thuần tuý tâm linh hơn? Họ đến đền chùa để cầu mong đạt được hạnh phúc, bình an, phát đạt hay thăng tiến một cách rất trân trọng, rất văn minh mà không quá phụ thuộc vào tiền bạc và lễ vật dâng cúng. Cho nên vấn đề phức tạp trong thực hành tâm linh ở nước ta hiện nay có phải do điều kiện kinh tế thị trường, hàng hoá quy định hay trước hết do nhận thức không đầy đủ ở mỗi người? Đây là những câu hỏi cần phải nghiêm túc đặt ra.


Quang cảnh một Lễ tịch điền. Ảnh: tuoitre.com.vn

Quan trí bị dân trí tác động?

– Theo PGS, giữa những tín đồ của tôn giáo, tín ngưỡng và những người hành nghề tôn giáo tín ngưỡng ở nước ta, ai làm hỏng ai?

Tôi đã có dịp trò chuyện với một vài nhà sư tu nghiệp nhiều năm ở Thái Lan, Ấn Độ về, họ kể bên đó việc tu hành theo giáo lý nhà Phật rất nghiêm. Họ bày tỏ nỗi băn khoăn dường như là chuyện tu hành của ta có nhiều cái “hổng”, bị biến tướng, ở đâu đó mang nhiều màu sắc vừa “hàng hóa” vừa tà thuật.
Thực tế hiện nay nhiều quan chức không chỉ đi lễ hay cung tiến cho đền chùa, mà họ còn bị “điều khiển” bởi các vị hành nghề tín ngưỡng thông qua hệ thống phong thủy, từ cổng cơ quan nên mở hướng nào, từ chỗ ngồi, cửa ra vào hướng vào đâu, đến việc phải xuất hành giờ nào cũng có người tư vấn. Chính tác động này khiến nhiều người bị phụ thuộc, có cảm giác không làm chủ được tình thế, nếu năng lực bản thân không đủ thì càng phải dựa vào những “thế lực” thần linh, cùng với việc mua quan bán chức mà xã hội đang lên án chẳng hạn?

– Biết đâu nhiều lãnh đạo có mặt ở những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chỉ hoàn toàn vì vô tình? Theo PGS, lãnh đạo sẽ có vai trò gì trong việc chấn chỉnh sự nhộn nhạo ở các nghi lễ, lễ hội?

Quan trọng nhất vẫn là nhận thức của mỗi cá nhân dựa trên nền tảng văn hóa của chính mình và của xã hội. Muốn vậy vai trò của giáo dục là vô cùng quan trọng. Rất cần những người lãnh đạo sáng suốt, minh triết để dẫn dắt xã hội theo đúng hướng, kể cả trong văn hóa. Công bằng mà nói, quan trí cũng bị dân trí tác động. Lúc ban đầu thời Đổi mới, người dân đổ xô đến các đền phủ trước (như đền bà Chúa Kho, phủ Giày) thành phong trào, thành nhu cầu mới của xã hội, rồi mới lan đến quan chức. Nhưng khi quan chức cũng đua nhau có mặt thì lại tác động mạnh hơn nhiều đến đông đảo mọi người. Nếu lãnh đạo dùng thế mạnh dẫn dắt của mình để làm gương cho xã hội, ứng xử bình đẳng, chừng mực với mọi hoạt động tôn giáo tín ngưỡng thì chắc người ta cũng sẽ học theo.

———————————-

Nhời bàn của Thiên Sứ.

Đoạn trên thì tôi chẳng có ý kiến gì. Nhưng có đoạn này tôi thấy hơi khó hiểu:

Nội dung trích dẫn
Thực tế hiện nay nhiều quan chức không chỉ đi lễ hay cung tiến cho đền chùa, mà họ còn bị “điều khiển” bởi các vị hành nghề tín ngưỡng thông qua hệ thống phong thủy, từ cổng cơ quan nên mở hướng nào, từ chỗ ngồi, cửa ra vào hướng vào đâu, đến việc phải xuất hành giờ nào cũng có người tư vấn. Chính tác động này khiến nhiều người bị phụ thuộc, có cảm giác không làm chủ được tình thế, nếu năng lực bản thân không đủ thì càng phải dựa vào những “thế lực” thần linh, cùng với việc mua quan bán chức mà xã hội đang lên án chẳng hạn?

Như vậy, với vị phó giáo sư này thì phong thủy trở thành một hệ thống tín ngưỡng? Tôi không hiểu được vị này suy nghĩ như thế nào khi cho rằng: Cổng cơ quan mở hướng này thì mê tín dị đoan và tín ngưỡng hơn mở chỗ khác, ngồi hướng này thí là tín ngưỡng còn hướng khác thì không? Nản quá nhỉ?
Phong thủy là một khoa học căn cứ vào tiêu chí khoa học cho một phương pháp hoặc lý thuyết khoa học. Có lẽ vị giáo sư này kiến thức hơi không đồng bộ. Thảo nào, vào cái viện bảo tàng do vị này quản lý chẳng có gì để xem.
—————————————-
II – “Lên đồng” có phải là mê tín dị đoan?

Tác giả: Khánh Linh
Bài đã được xuất bản.: 2 giờ trước
Chúng ta không chống tôn giáo tín ngưỡng, chúng ta chống những kẻ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng. Vấn đề ở đây là chúng ta phải bằng cách nào đó để hạn chế dần (chứ khó mà cấm hết được), tạo nên sự thăng bằng của xã hội. Ngăn chặn hạn chế những biểu hiện lợi dụng trong đời sống, chứ không phải là cấm bản thân hoạt động đó.

LTS: Bộ VH – TT – DL đang soạn thảo Thông tư để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý lễ hội. Trong những điều cấm của Dự thảo, có việc cấm tổ chức hoạt động “lên đồng”. Để làm sáng tỏ vấn đề này, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa.

Đừng để người dân phản ứng tiêu cực

– Là người đã nghiên cứu Đạo Mẫu nói chung và “lên đồng” nói riêng nhiều năm, GS có đồng tình với việc “cấm” này không?

GS Ngô Đức Thịnh: – Vấn đề cốt lõi phải bàn trước tiên là nhận thức cho đúng về bản chất của những cái mình định cho phép, hay định cấm. Bởi nếu không hiểu sẽ có cách ứng xử không nhất quán, bình thường thì cho làm, khi có chuyện rộ lên lại cấm. Khi nghe về dự thảo thông tư này đã có người phản ứng với tôi theo kiểu “kệ luật, có cấm thì chúng tôi vẫn cứ làm”.

Ta cấm không đúng thì sẽ tạo ra một kẽ hở cho một lớp người lợi dụng và trục lợi. Từ những năm 1980, khi “lên đồng” còn bị cấm, tôi vào TPHCM để nghiên cứu về “lên đồng”. Mình cứ lo mất công thuê máy quay phim đến ghi hình, lỡ có ai đến bắt dừng lại vì không được phép thì sao? Nhưng người dân họ bảo cứ yên tâm, họ đã lo hết rồi. Họ lo theo cách của họ, mà không nói ra thì ai cũng hiểu.

Đừng để người dân phản ứng tiêu cực, coi thường pháp luật nếu luật của chúng ta chưa đầy đủ và hoàn thiện. Đã đến lúc phải bàn cho rốt ráo xem “lên đồng” có là hoạt động văn hóa không?

Nhiều người vẫn quan niệm “lên đồng” là mê tín dị đoan?

Giáo sư Ngô Đức Thịnh

Phải quay lại định nghĩa lại thế nào là mê tín dị đoan. Nếu xem lại Pháp lệnh Tôn giáo tín ngưỡng năm 2001, sẽ thấy rất ít cụm từ này. Pháp lệnh chỉ nhấn mạnh: “Nhà nước ngăn cấm những người sử dụng những hình thức tôn giáo tín ngưỡng để mưu cầu những lợi ích bất chính, làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe danh dự của người khác, tới an ninh xã hội…” Tức là trước đây người ta gọi là mê tín dị đoan, nhưng giờ người ta đã không gọi như thế nữa.Bởi trong rất nhiều trường hợp, bản thân hoạt động, hiện tượng ấy không phải là mê tín dị đoan, nhưng  chức năng của nó trong bối cảnh xã hội, đã bị những con người cụ thể lợi dụng nó như thế nào. Từ bàn thờ vào tới hậu cung của một một ngôi đền, ngôi chùa… là những bức tượng, những bài vị của những người biểu trưng cho cái thiện, hay những anh hùng dân tộc, đáng để chúng ta cung kính họ.

Chỉ có từ phía chân bàn thờ ra tới xã hội, đó là do chúng ta đứng trước họ để mưu cầu cái gì, ước vọng cái gì, cầu xin cái gì. Đó mới là chỗ có vấn đề.

Có tôn giáo tín ngưỡng nào dạy con người làm điều ác không, hay chỉ có con người lợi dụng nó để làm điều ác.

Ở đây phải quay lại tư tưởng của Bác Hồ, chúng ta không chống tôn giáo tín ngưỡng, chúng ta chống những kẻ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng. Vấn đề ở đây là chúng ta phải bằng cách nào đó để hạn chế dần (chứ khó mà cấm hết được), tạo nên sự thăng bằng của xã hội. Ngăn chặn hạn chế những biểu hiện lợi dụng trong đời sống, chứ không phải là cấm bản thân hoạt động đó.

“Lên đồng” là một hoạt động của đạo Mẫu

Vậy phải hiểu về “lên đồng” thế nào cho đúng? Thế giới ứng xử ra sao với hiện tượng này?

– Ở đây liên quan đến một hình thái tôn giáo thế giới là Saman giáo – hình thái nảy sinh trong xã hội bộ lạc sắp bước vào phong kiến, khi đã có sự phân hóa, khi con người đã hiểu không phải ai cũng tiếp cận được với thần linh, mà phải thông qua những người có khả năng đó, là những thầy Saman. Ở VN là những ông đồng bà đồng.

Để thực hiện việc nối thông đó thì các thầy Saman phải có khả năng tự đưa mình vào trạng thái ngây ngất, trong trạng thái như vậy thì thần linh mới nhập được hồn vào họ. Khi đó họ không phải là họ, nhưng có khả năng giúp bản thân họ hoặc giúp mọi người chuyển tải những ước vọng của con người đến với thần linh.

Saman giáo hiện nay có mặt trên khắp trên thế giới, điều đặc biệt là càng xã hội đô thị hóa, hiện đại hóa thì Saman càng phát triển, bởi con người phải chịu nhiều những dồn nén của xã hội.

Vậy trong “lên đồng”, đâu là tôn giáo tín ngưỡng, còn đâu là những biểu hiện lợi dụng?

– Tôi cũng đã từng nhận nhiều câu hỏi như thế. Có những người không hiểu “lên đồng” là gì mà chỉ nghe những lời đồn đoán. Bản thân tôi bắt đầu đi sâu nghiên cứu về “lên đồng” cũng vì băn khoăn tự hỏi, tại sao nhà nước cấm nhưng không được? Tại sao dù có thời kỳ bị cho là phạm luật, người ta vẫn tìm mọi cách để thực hiện, kể cả phải chịu đi tù, chịu tịch thu tài sản?

Sau đó tôi mới hiểu ra. Tôi đã đưa ra một quan điểm thế này. Có những người có căn số mà không ra “trình đồng” thì họ sẽ trở thành điên loạn. Việc họ ra “trình đồng” là cách giúp họ tái hòa nhập với cộng đồng.

Đó là một nhu cầu có tính chất cơ học, rơi vào trạng thái đó họ không còn là người nữa, hành vi của họ lệch chuẩn. Kết quả nghiên cứu đã chỉ rõ, 100% những người có căn số “lên đồng” bị điên loạn, được “ra đồng” đều khỏi. Cái đó không có gì là mê tín dị đoan cả.Quan điểm của tôi, nhân tố quan trọng nhất của tôn giáo tín ngưỡng là niềm tin vào những thứ mang tính chất siêu nhiên, những cái con người không giải thích được mà đang tác động tới đời sống?

Tại sao chúng ta thờ cúng tổ tiên? Vì tình cảm cũng là một khía cạnh. Nhưng vì các cụ mất đi nhưng linh hồn các cụ vẫn còn, vẫn ngày ngày tác động tới đời sống con cháu nên người ta thờ, để tạo nên nối kết thông quan giữa con người và thần linh.

Thì “lên đồng” cũng là một cách để nối thông với thần linh. Đừng nhìn “lên đồng” tách biệt, bởi “lên đồng” là một hoạt động của đạo Mẫu.

Một buổi lên đồng

Nên dẹp “đồng đú”, “đồng đua”…Liệu có phải tất cả những người đang xưng là “ông đồng, bà đồng” đều có khả năng đó?

– Phải phân biệt hai loại, một loại là những người có căn số, phải “ra đồng”. Tôi cũng muốn nhấn mạnh là bản thân những “ông đồng bà đồng” không muốn vậy, mà họ bị đày, nếu không “ra đồng” thì thành điên loạn, ốm đau không chữa bệnh được. Còn khi đã “ra đồng” thì họ lại rất sướng, họ thành những “vị thần, vị thánh”(!)

Nhưng gần đây, có lẽ khoảng từ những năm sau đổi mới, có thêm một loại nữa là “đồng đú, đồng đua”… những người không có căn số, nhưng trong xu trào hiện nay thì họ cũng thành những “ông đồng bà đồng”.

“Lên đồng” là cách để họ giải tỏa, dù không phải chuyện sống chết, bệnh tật nhưng là nhu cầu giải tỏa dồn nén để có cân bằng. Ở Việt Nam cũng thấy rõ gần đây bùng phát chuyện “lên đồng”, thường ở tầng lớp giàu có, hay đô thị nhiều “ông đồng bà đồng” hơn nông thôn.

Đúng là trong xu hướng xã hội đang lao đi tìm kiếm những lợi ích vật chất thì cũng có nhiều người lợi dụng “lên đồng” để kiếm tiền, vì đến với Mẫu là để cầu mong sức khỏe, tài lộc, buôn bán có nhiều tiền, nên có thể cầu thăng quan tiến chức. Chính nhóm những “ông đồng bà đồng” không có căn này có chuyện biến chất, lợi dụng niềm tin của con người để thu lợi cho họ.

Phải chăng con người dù thuộc tôn giáo nào đều có nhu cầu nối kết với những thế lực siêu nhiên?

– Con người tìm mọi cách liên hệ với siêu nhiên là để giúp họ có được sự cân bằng. Mà muốn thông quan thì phải dùng phương tiện, phương sách, nghi lễ, những vật dụng, đồ cúng, hương khói, vàng mã… Bản chất của nó là như vậy.

Vấn đề là mức độ. Bao giờ giỗ Tết bố mẹ tôi, hay ngày rằm tôi đều mua một chút vàng mã. Tôi nghĩ rằng như thế ấm lòng hơn, tôi thấy làm việc đó rất hay. Nhưng cái đáng phê phán là chuyện đốt vàng mã như đống rơm đống rác như bây giờ, chứ không phải là bản thân việc đốt vàng mã.

Ở Hàn Quốc, trước đây mấy chục năm cũng cấm kut (giống “lên đồng” của ta), nhưng gần đây lại tôn vinh, bởi nhiều người đã khẳng định sẽ không thể hiểu được văn hóa Hàn Quốc nếu không hiểu Kut, ở đó chứa đựng bản sắc văn hóa của Hàn Quốc. Những “ông đồng bà đồng” được Hàn Quốc xem như những báu vật nhân văn sống.

Tất nhiên, trong quá trình đến được nhận thức như bây giờ, họ đã nhấn mạnh khía cạnh di sản của kut, tiếp cận như một di sản văn hóa, chứ không nhấn mạnh khía cạnh tôn giáo tín ngưỡng.

Vừa rồi, một PV của VTV1 đưa tôi xuống chùa Láng, để làm tiền cảnh cho một cuộc phỏng vấn. Họ muốn tôi đốt một nén hương mang vào cắm để họ quay. Nhưng các sư thầy sư cô ở đó nhất định không đồng ý để tôi thắp hương trong nội tự. Nghĩa là nếu chúng ta muốn và có sự phối hợp tốt, hoàn toàn có thể giữ ở mức độ rất văn hóa. Ông cha ta bao đời đã giữ được những nét văn hóa rất đẹp, nhưng chúng ta lại đang phá vỡ nó. Vẫn quay lại đời sống con người thực ở xã hội, chứ không phải chuyện tâm linh xa xôi gì cả. Nếu cả xã hội cùng đồng lòng thì sẽ làm được.

Dọn dẹp để trả lại giá trị cho ngôi nhà thờ Mẫu

Bản thân “lên đồng” thời gian qua có quá nhiều biến chất, khiến nhiều người nghi ngại?

– Ngôi nhà thờ Mẫu có giá trị to lớn, nhưng ta đã làm vẩn đục nó, nay cùng nhau dọn dẹp để trả lại giá trị cho ngôi nhà. Trong những người đồng bóng, rất ít người hiểu biết về đạo Mẫu, đó cũng là nguyên nhân gây ra sự lệch lạc. Lẽ ra văn hóa phải là của cộng đồng, nhưng đã có một thời gian chúng ta cấm đoán khiến văn hóa dường như tuột khỏi tay những chủ nhân thật sự, khiến nhiều người nay chỉ biết thực hành một cách vô ý.

Tôi sắp tổ chức một câu lạc bộ, nơi các nhà nghiên cứu và những “ông đồng, bà đồng” ngồi lại với nhau để tạo mối liên kết. Nhà nghiên cứu sẽ có môi trường để tìm hiểu thực tế, “ông đồng bà đồng” thì có cơ hội hiểu về đạo Mẫu. Khi đã hiểu thì họ sẽ điều chỉnh hành vi của họ.

Rồi chính cộng đồng ấy sẽ đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc, lợi dụng.

Vậy theo GS, thông tư sẽ điều chỉnh mức độ như thế nào để giữ đúng bản chất của các hiện tượng tôn giáo tín ngưỡng mà không bị đẩy quá thành lệch lạc? Nhà nước có thể tác động đến đâu?

– Nhà nước hãy nghiêm cấm những việc làm, hành động lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để đi ngược lại lợi ích, xâm hại sức khỏe, danh dự, tính mạng của con người, ảnh hưởng đến an ninh của cộng đồng…

Luật pháp rất cần hiểu biết khoa học, và sự nhất quán, không thể cứ nay cấm, mai lại cho phép, tạo ra những kẻ hở.

—————————————————————

Nhời bàn của Thiên Sứ:

Chẳng cần phải thông minh lắm cũng nhận thấy rằng ngành nghề nào cũng có đồ giả và lừa đảo, kể cả nghề khoa học, nghề làm quan……Nhưng không thể vì cá nhân đồ giả đó mà phủ định cả cái nghề đó. Đồng cốt là một di sản văn hóa cổ truyền. Phủ định hiện tượng đồng cốt là một sai lầm. Tôi nghĩ đây là câu đúng nhất:

Luật pháp rất cần hiểu biết khoa học, và sự nhất quán, không thể cứ nay cấm, mai lại cho phép, tạo ra những kẻ hở.

Bài này đã được đăng trong Bình luận. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.