CON GÁI TUỔI DẦN CÓ THỰC SỰ CAO SỐ KHÔNG?

Tình yêu của loài cọp
Lý học đông phương là học thuyết chủ đạo của nó là thuyết Âm Dương Ngũ hành đã thất truyền, chỉ còn những mảnh vụn rời rạc, rải rác khắp nhân gian. Cho đến tận ngày hôm nay, các nhà nghiên cứu có tên tuổi vẫn còn nghi hoặc: Thuyết Âm Dương Ngũ hành có phải là một học thuyết hoàn chỉnh hay không? Chính vì sự mơ hồ này, mà không thiếu những quan niệm sai lệch khiến thế nhân dở khóc dở cười. Trong hôn nhân thì phán tuổi này tuổi kia không thể lấy nhau được, khiến bao giọt nước mắt chia ly góp vào bể khổ trần gian. Trong quan hệ xã hội thì nào là “Trai Đinh Nhâm Quý thì tài. Gái Đinh Nhâm Quý lấy hai đời chồng”. Đến nay lại có vấn nạn “Con gái tuổi Dần cao số”, lấy con gái tuổi Dần thì nào là “Con hổ ăn thịt con Lợn”, nếu chẳng may chú rể là “lợn”, Hoặc “Con hổ giết con trâu” nếu chẳng may chú rể là con trấu…Phán cứ như thánh. Nhưng đâu biết rằng sau lời phán không hề xuất phát từ sự hiểu biết căn nguyên đó là những giọt nước mắt chia ly. Lý học Đông phương mà chủ đạo là thuyết Âm Dương Ngũ hành, bản chất là một học thuyết nhân bản, nó phát hiện ra những quy luật của vũ trụ, tự nhiên và của con người nhằm phục vụ cho cuộc sống của chính con người, đâu có phải mang lại kết quả bi thương cho con người như vậy. Trong Ngũ Đức – tương ứng với sự phân loại của Ngũ hành thì chữ Nhân đứng đầu. Tượng của Nhân là hành Thổ, nơi quy tập của Ngũ hành.
Bởi vậy sự phán dựa trên những hệ quả của thuyết Âm Dương Ngũ hành (Xem tuổi theo can chi là hệ quả của học thuyết này) để mang lại đau buồn cho thế nhân là đi ngược lại với ước muốn hạnh phúc của con người và là sự xa lạ với học thuyết này.

Trong Lý học Đông phương không hề có một văn bản cổ nào xác định con gái năm Dần cao số hoặc “Trai Đinh Nhâm Quý thì tài. Gái Đinh Nhâm Quý qua hai lần đò” cả. Tất cả chỉ là những câu phú dân dã lưu truyền một cách lệch lạc vì tính thất truyền của cả một hệ thống lý thuyết miêu tả đầy đủ những yếu tố tương tác làm nên số phân con người theo quan niệm của nền văn hóa cổ xưa.
Trước hết nói về năm Dần. Đó chỉ là một khái niệm về giai đoạn thời gian của chu kỳ năm có liên hệ quy ước với sao Mộc với Trái Đất. Sao Mộc quay một vòng quanh mặt Trời gần bằng 12 năm chu kỳ quay của Trái Đất. Chúng tôi có quan niệm với giả thuyết cho rằng: Vị trí tương ứng khác nhau sẽ có sự tương tác khác nhau trong cấu trúc vị trí của các hành tinh trong Thái Dương hệ lên Địa Cầu và ảnh hưởng đến tính cách con người sinh ra trong cấu trúc đó. Nhưng với khái niệm thời gian của một Năm thì chỉ là một trong những yếu tố cấu thành tính cách và không phải là yếu tố duy nhất – Với điều kiện giả thuyết trên đúng. Trong quãng thời gian một năm đó, Trái Đất quay quanh Mặt trời, Với những vị trí khác nhau của Trái Đất tương ứng trong Thái Dương hệ, chúng lại có những hiệu ứng tương tác khác nhau, mà điển hình là thời tiết của bốn mùa. Bởi vậy, tháng sinh lại là một yếu tố tương tác quan trọng vì vị trí của Trái Đất trong tương quan mặt trời. Mối quan hệ của tháng lại phụ thuộc vào ngày trong mối liện hệ phức tạp hơn với vị trí tương quan của mặt trăng. Sự tương tác với mối liên hệ từ cac 1hànnhh tinh trong Thái Dương hệ, với mặt trời và mặt trăng (Âm Dương), nên yếu tố ngày sinh được coi là yếu tố trung tâm quan trong nhất. Nhưng không phải duy nhất. Một yếu tố quan trọng nữa chính là do ảnh hưởng của Trái đất tự quay quanh trục của nó chính là giờ sinh. Vị trí bề mặt trái Đất hướng về đâu là sự ảnh hướng tương tác cụ thể trong giờ đó.
Như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng: Hầu hết những khoa dự đoán Đông Phương đều gồm đủ bốn dữ kiện là: Năm, tháng, ngày và giờ sinh.
Như vậy, năm sinh – dù là năm nào, cũng chỉ là một trong bốn yếu tố dữ kiện theo quan niệm của Lý học Đông phương tạo nguyên nhân đầu tiên định hình tính cách của con người sinh ra vào thời điểm đó và phát triển trong quy luật tuần hoàn của vũ trụ.
Nhưng cũng theo chính quan niệm của Lý học Đông phương lại qui ước làm ba yếu tố khác. Đó là: Thiên Can, Địa chi và vận khí của năm. Thiên can gồm thập Thiên can từ Giáp đến Quý; Địa chi gồm 12 năm trong đó có năm Dần, mà các thày rùa dùng hình ảnh con Cọp để hù dọa nhưng chàng trai yếu bóng vía và các bậc phụ huynh nhà trai tin một cách mù quáng. Cuối cùng là vận khí mỗi mà người ta quen gọi là mạng gì phân theo Ngũ hành.
Như vậy, ngay cả đến năm Dần – dù chỉ là một trong bốn yếu tố dữ kiện gồm năm, tháng, ngày giờ – thì với ngay yếu tố năm đó nó cũng không phải là thành tố duy nhất cấu tạo nên tính cách, mà nó còn gồm ba thành tố khác. Thí dụ, cũng là năm Tỵ, nhưng Tân Tỵ sẽ khác Ất Tỵ….
Cũng với sự phân tích như vậy thì chúng ta cũng nhận thấy câu khẩu quyết:

Trai Đinh Nhâm Quý thì tài.
Gái Đinh Nhâm Quí qua hai lần đò.

Cũng chỉ phản ánh một trong nhiều yếu tố tương tác hình thành tính cách theo quan niệm của văn hóa cổ Đông phương và không phải yếu tố quyết định.
Như vậy, chúng ta cũng thấy rằng: Khái niệm năm Dần để xác quyết yếu tố tạo nên sự cao số của của người nữ là một quan niệm hoàn toàn lệch lạc, khi nó chỉ là một trong những yếu tố hình thành tính cách, theo quan niệm của Lý học.
Trên thực tế chúng ta cũng thấy rằng rất nhiều người nữ – chưa muốn nói là hầu hết – sinh năm Dần thành đạt và hoàn toàn hạnh phúc trong gia đình. Nếu chúng ta có thể làm được một sự thống kê những hoàn cảnh rủi ro cho các cô gái đã được đăng tải trên báo chỉ, thì chúng tôi có thể xác định rằng: Tỷ lệ rơi vào người tuổi Dần rất thấp. Điều này, thực tế quanh ta cũng có thể tự kiểm chứng.
Bài viết này, chúng tôi hy vọng rằng, những bậc cha mẹ và những vị hôn phu sẽ thấy rằng tuổi Dần chỉ là một khái niệm phân loại thời gian trong Lý học Đông phương, phản ánh một trong những yếu tố tương tác không có tính quyết định trong việc hình thành tính cách theo quan niệm của nền văn hóa cổ này.

Mùng một Tết Canh Dần 2010.

Bài này đã được đăng trong Lý Học Đông Phương. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.