Tháng 12 – 2005. Báo Kinh tế Nông thôn cuối tuần có bài phỏng vấn tôi với tư cách là người quản lý Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương. Nguyên văn tựa báo là:
“Chúng tôi muốn xóa bỏ mặc cảm của sự mê tín dị đoan dành cho lý học”.
Phong thủy, tử vi, kinh Dịch… gọi chung là lý học phương Đông, từ xưa đến nay vẫn còn là điều huyền bí và gây nhiều tranh cãi: Nó là trò mê tín hay môn khoa học cho con người. Vì thế, Trung tâm nghiên cứu lý học Đông phương, được thành lập theo quyết định 459/QĐRTWH của trung ương Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á – Việt Nam, ra đời nhằm nghiên cứu và minh giải vấn đề đó. Nhân dịp ra mắt, Phó giám đốc thường trực trung tâm, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, đã thành cho KTNT cuối tuần một cuộc trò chuyện.
P/V: – Xin anh cho biết nguyên nhân của sự hình thành Trung Tâm ?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh:
Ý định thành lập Trung Tâm này đã được nung nấu từ lâu. Riêng cá nhân tôi, tôi cho rằng môn lý học Đông phương ( gồm phong thủy, tử vi, kinh Dịch, Đông y…) là một khoa học thât sự. Bởi vì hiệu quả của nó đã tồn tại hàng nghìn năm nay. Cụ thể nhất là khoa Đông y. Ở Hà Nội có trung tâm nghiên cứu và phát triển Kinh Dịch Việt Nam, cũng thuộc hội nghiên cứu ĐNA – Việt Nam, đang hoạt đông. Nhưng chỉ nghiên cứu về kinh Dịch, nên phạm vi và đối tượng nghiên cứu hạn hẹp. Nhân đấy, tôi và bạn bè mới nghĩ đến việc hình thành trung tâm này với đối tượng và phạm vi rộng hơn. Nền y học Đông y cũng lấy và dựa trên nguyên tắc, nguyên lý của thuyết Âm Dương Ngũ hành như các bộ môn khác của lý học Đông phương. Vậy tại sao Đông y thì được coi là khoa học và được công khai thừa nhận, trong khi đó, phong thủy và tử vi…, lại bị coi là trò mê tín?
Chúng tôi muốn xóa bỏ mặc cảm mê tín xưa nay vẫn dành cho lý học Đông phương.
PV: Cụ thể Trung Tâm sẽ chọn lĩnh vực và phương pháp gì để nghiên cứu?
Nguyễn Vũ Tuấn Anh:
Lý học Đông phương bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Từ thiên văn, địa lý đến phong thủy, Đông y, lý số…, Tóm lại là những gì mà trước nền khoa học hiện đại xuất hiện thì nền văn hóa cổ Đông phương, cụ thể là những nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… đã tồn tại và chi phối đời sống tinh thần của xã hội, đất nước đó. Bằng chứng: Kinh Dịch là một ví dụ và một phần của Khổng giáo (thuộc trong Tứ thư, Ngũ kinh, gồm kinh Lễ, kinh Thi, kinh Xuân thu, kinh Nhạc và kinh Dịch của Nho giáo). Thực ra, theo sử Tàu, kinh Dịch có từ lâu, thời vua Phục Hy, Vũ Vương, nghĩa là trước Khổng Tử rất lâu. Nhưng Khổng tử được coi là người san định, hệ thống, biên soạn lại kinh Dịch và phổ biến nó. Sỡ dĩ ngày xưa các sĩ tử không thi kinh Dịch là vì nó khó quá.
Lý học Đông phương đã để lại cho hậu thế những phương pháp ứng dụng rất hiệu quả trong nhiều lĩnh vực: phong thủy, đông y, lý số… Hiệu quả dễ nhận thấy là yếu tố tiên tri trong các lĩnh vực đó, như trong phong thủy, bốc Dịch, Đông y… Từ những hiệu quả đó, chứng tỏ rằng đằng sau phương pháp ứng dụng đó phải là một nguyên lý được tổng hợp từ những tri thức nhận thức một thực tại. Nhưng nguyên lý này thì hiện nay rất mơ hồ do thất truyền. Vì thế, để nghiên cứu, chúng tôi dựa trên cơ sở tiêu chí của khoa học hiện đại để khám phá trở lại nguyên lý lý thuyết đứng đằng sau nó.
Tiêu chí cho một lý thuyết hoặc một phương pháp khoa học , là:
Một giả thuyết khoa học được coi là đúng thì nó phải giải thích được hầu hết những hiện tượng và vấn đề liên quan đến nó một cách hợp ly. Có tính nhất quán, hoàn chỉnh, tính quy luật, tính khách quan và có khả năng tiên tri.
Hệ thống lý thuyết này phải là sự đúc kết từ một thực tại. Và phương pháp của chúng tôi là tìm sự hợp lý trong các mối quan hệ tương quan. Theo chúng tôi, chính sự tương tác của vũ trụ là thực tại làm nên thuyết Âm Dương ngũ hành.
PV: Anh có thể nói về cách thức hoạt động của trung tâm?
Nguyễn Vũ Tuấn Anh:
Lĩnh vực nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu khoa học về nền lý học phương Đông và các vấn đề liên quan trong việc dự trắc thiết kế xây dựng nhà cửa và đô thị. Tức là tư vấn theo phong thủy. Ngoài ra còn có thêm các dịch vụ khoa học và tư vấn như: tư vấn dự trắc, thiết kế nhà cửa và đô thị, y học theo lý học phương Đông; hỗ trợ phát triển, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống, phổ biến kiến thức, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, tố chức hội nghị, hội thảo khoa học phương Đông. Tuy nhiên, do điều kiện, hiện nay vấn đề đào tạo chúng tôi chỉ mới dự kiến chứ chưa dám đưa vào hoạt động.
PV: Trước đây, phong thủy và nói chung là lý học, được coi là trò mê tín và bị cấm. Nhưng gần đây, một số tờ báo và một số sách viết về phong thủy, lý học đã được in ấn. Vậy phải chăng nó đã được thừa nhận như là một môn khoa học?
Nguyễn Vũ Tuấn Anh:
Như trên tôi đã nói, tại Hà Nội đã có một Trung tâm nghiên cứu về Kinh Dịch và thậm chí còn có một Câu lạc bộ nghiên cứu kinh Dịch Thăng Long. Và hiện nay thì có thêm Trung tâm của chúng tôi nữa: Nghĩa là phong thủy, lý học đã được thừa nhận như là một đối tượng của khoa học. Hiện nay sách viết về phong thủy xuất hiện rất nhiều. Riêng cá nhân tôi thì xem chúng ta là khoa học. Bởi vì nếu như dựa vào tiêu chí khoa học nêu trên thì phong thủy và nói chung là các phương pháp ứng dụng thuộc Lý học Đông phương đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí khoa học. Chẳng hạn, phong thủy dùng la bàn làm công cụ định hướng…, tức là căn cứ vào lực từ trường mà người đó đang sống. Nghĩa là nó sử dụng công cụ, phương pháp của khoa học. Chẳng hạn, hiện nay trong phong thủy người ta chia và tôi tạm gọi đó là 4 trường phái. Đó là trường phái Loan đầu, còn gọi là hình thể: nghiên cứu và xem xét yếu tố cảnh quan môi trường liên quan đến vị trí căn nhà hoặc huyệt mộ của người đó. Phái Bát Trạch: lấy phương hướng để tính sự tương tác với con người trong nhà, mà chủ yếu là chủ nhà. Phái Huyền không: dựa vào các sao, các khái niệm rất mơ hồ để tính đến sự tác động, bị ảnh hưởng của căn nhà đó như thế nào. Phái Dương Trạch: xem xét đến kết cấu hình thể của ngôi nhà liên quan thế nào đến vận mệnh ngôi nhà đó. Qua những phân tích từ 4 trường phái này, chúng ta thấy rằng: phong thủy đặt quan niệm ảnh hưởng tương tác của môi trường lên con người. Đó là một trong những yếu tố khoa học.
Riêng Tử vi, trước nay vẫn được coi là mê tín. Nhưng việc sử dụng, căn cứ vào phương pháp khoa học để tính toán còn được thể hiện rất rõ trong tử vi. Trong tác phẩm Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt mà tôi dự định xuất bản, thì tôi thấy rằng: phương pháp của tử vi hoàn toàn mang tính quy luật và không mang tính thần quyền ở bên trong. Cụ thể các ngôi sao trong Tử vi dựa trên dữ kiện ngày giờ và tháng năm sinh và được phân bố theo một quy luật và khách quan theo dữ kiện đó. Tính khoa học của nó thể hiện rõ trong phương pháp an sao tử vi hoàn toàn trùng khớp với quỹ đạo chuyển động đạo biểu kiến của các ngôi sao khi nhìn từ trái đất. Phương pháp an sao Tử vi và phương pháp tính vận hạn hoàn toàn trùng khớp với chuyển động biểu kiến này. Cái thứ hai, nếu chúng ta hiệu chỉnh lại nguyên lý trong sách Hán là lấy hậu thiên bát quái liên quan của Hà Đồ thì chúng ta thấy trục Thìn Tuất trong 12 cung của Tử vi chính là đường Hoàng Đạo mặt phẳng của trái đất và là nơi hội tụ tập của các thiên hà quanh thái dương hệ… Điều này chứng tỏ, Tử vi là một thực tại là những hiệu ứng của vũ trụ được tương tác bởi những vì sao quanh trái đất làm ảnh hưởng lên con người. Nhưng để phát triển điều này lên cao hơn thì cần có sự góp sức của các nhà thiên văn học hoặc vật lý vũ trụ để nghiên cứu xem tại sao vào giờ này người này sinh ra lại có tính cách như vậy…
PV: Nhân vật Tả Ao có thể được coi là ông tổ và là một trường phái phong thủy của Việt Nam. Theo anh ở Việt Nam hiện có bao nhiêu trường phái phong thủy?
Nguyễn Vũ Tuấn Anh:
Theo tôi, Việt Nam không có trường phái phong thủy. Bởi vì phong thủy và các phương pháp ứng dụng thuộc Lý học Đông phương cùng một gốc, một nguyên lý. Nhưng nguyên lý đó đã thất truyền, chỉ còn lại phương pháp ứng dụng mà thôi. Vì vậy, khi thấy mỗi ông thầy phong thủy, mỗi người có một bí kíp riêng và đều hiệu quả, thì người ta lầm tưởng đó là trường phái. Quan điểm của tôi, Tả Ao không phải là ông tổ phong thủy của riêng Việt Nam. Bởi vì chính phong thủy của riêng người Việt cổ. Điều này có thể là táo bạo và khó tin. Vì không chỉ người Trung Quốc nhìn nhận là chủ nhân của kinh Dịch, mà cả người Hàn Quốc, người Nhật cũng tự nhận như vậy. Nhưng tôi đã nghiên cứu và phát hiện ra những minh chứng chứng minh người Việt là chủ thể của kinh Dịch, chứ không phải là người Trung Hoa. Cụ thể ai cũng biết, kinh Dịch do vua Phục Hy và vua Văn Vương viết ra và sau này Khổng Tử biên soạn lại. Nhưng, trong lịch sử hình thành của kinh Dịch giữa các giai đoạn không ăn khớp với nhau. Chẳng hạn, nguyên lý cơ bản của kinh Dịch là Hà Đồ do vua Phục Hy nhìn thấy một con long mã hiện lên trên sông Hoàng Hà và trên đó có những cái chấm. Từ những cái chấm đó ông ta vẽ ra tiên thiên bát quái. Còn Lạc Thư thì do vua Đại Vũ, hai ngàn năm trước đi tuần trên sông Lạc Thủy thấy con rùa mà làm ra Lạc Thư. Đó là hai hình tượng mơ hồ và mê tín. Thực ra nó không phải như vậy. Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã chứng minh rằng: Hà Đồ là sự hiệu ứng vũ trụ do sự vận động của năm hành tinh ( Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) gần với thái dương hệ của chúng ta, tương tác với Địa cầu. Điều này tôi đã nói trong cuốn Tìm về cuội nguồn kinh Dịch “ của mình. Và yếu tố thứ hai là quá trình hình thành của nó hoàn toàn bị đảo ngược. Các ký hiệu của kinh Dịch được vua Phục Hy phát hiện ra là vào 4.000 năm trước Công nguyên. Nhưng lý thuyết âm dương lại được Khổng Tử viết năm 500 năm trước Công nguyên. Điều này hết sức vô lý trong quá trình hình thành một lý thuyết. Trên nguyên tắc: Lý thuyết phải có trước rồi mới đến phương pháp ứng dụng. Thì đây, họ đã ứng dụng rồi. Vua Phục Hy đã làm ra tiên thiên bát quái và đã bói rồi. Nhưng 2.000 năm sau, họ mới tìm ra lý thuyết (âm dương) cho nó. Khổng Tử lại không hề nói đến thuyết ngũ hành. Trong khi đó, vua Đại Vũ lại tìm ra thuyết ngũ hành trước Khổng Tử 1.500 năm… Căn cứ để tôi chứng minh rằng người Việt cổ là chủ thể của kinh Dịch chính là những minh chứng phi vật thể và những di chỉ khảo cổ học. Cụ thể trong văn học dân gian Việt Nam có nhiều câu chuyện đầy tính minh triết về nguyên lý thuyết âm dương ngũ hành, như chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự tích Bánh chưng bánh dày… Ngoài ra là các giá trị văn hóa phi vật thể khác như: Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống đều thể hiện và ẩn dụ nguyên lý âm dương ngũ hành. Đó là bức tranh Ngũ hổ tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và qui luật vận hành nó. Đặc biệt trong bức tranh này có thêm một chòm sao tiểu hùng tinh gồm 7 ngôi sao. 7 ngôi sao này lại có sự tương ứng với 7 chấm trên mình con cóc trong một linh vật biểu tượng của thuật phong thủy. Chuyện chứng minh kinh Dịch là của người Việt cổ, tôi đã viết hẳn 6 cuốn sách. Trong một buổi nói chuyện như thế này không thể nào diễn giãi hết được. Có dịp, tôi sẽ nói riêng và rõ hơn trong một bài viết dành riêng cho độc giả KTNT cuối tuần.
Xin cảm ơn và chúc trung tâm ngày càng phát triển!
Báo Kinh tế Nông thôn cuối tuần
Một lý thuyết khoa học phải có khả năng tiên tri. Nếu những phương pháp dự báo thuộc Lý học Đông phương bị coi là mê tín dị đoan thì đó là ý Chúa và phi khoa học.
Thiên Sứ