Vào năm 1991. Lúc ấy đã có không ít những tri thức nửa mùa có xu hướng xem xét lại những giá trị văn hóa truyền thống Việt. Những cái nhìn đầy tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống Việt từ ngàn xưa, đã bị họ xem lại với lăng kính khác. Họ chê bai, dè bửu tìm mọi cách để nhận thấy nền văn hóa ấy không ra cái gì. Họ nhìn thấy nó tầm thường hạ cách. Những bài viết loại này của họ là dấu hiệu khởi đầu cho một xu hướng phủ nhận những giá trị lịch sử văn hiến trải gần 5000 năm của dân tộc Việt, thành một dân tộc chỉ có xuất xứ vào khoảng thế 7 trước Công nguyên và thời Hùng Vương huyền vĩ trong sử Việt chỉ còn là một liên minh 15 bộ lạc với những người dân ở trần đóng khố. Bài thơ “Đối thoại với Mỵ Nương” của Lê Nguyên Hàm Luông dưới đây là một thí dụ tiêu biểu cho xu hướng này. Khi bài thơ này được đăng trên tờ Văn Nghệ Bến Tre, Lê nguyễn Hàm Luông có ý định viết tiếp một bài khác nói về sự bất công của vua Hùng khi đưa ra đồ sính lễ chỉ toàn các con thú trên cạn để có lợi cho Sơn Tinh và thiệt cho Thủy Tinh.
Sau bài thơ này, tôi viết bài đăng trên tờ Văn nghệ Bến Tre để cân bằng lại.
Bài thơ
Đăng trên báo Văn số 1 – Hội văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre.
Trích: …
Trương Chi – Mỵ Nương đâu phải chuyện đá vàng
Mà là chuyện thói đời đen bạc
Nàng quý Trương Chi, quí lời ca tiếng hát
Quý tiếng sáo vi vu, đâu có quý con người!
Ngẫm chuyện thế nhân nhiều lúc cũng nực cười
Tán tụng mãi chuyện mối tình thơ mộng
Để vùi lấp một niềm đau cháy bỏng
Trương Chi trong mắt nàng là một thứ đồ chơi!
Giọt nước mắt nàng, khủng khiếp, Mỵ Nương ơi!
Đã rơi xuống vỡ tan tành chén ngọc
Là nước mắt của một loài sấu độc
Hủy diệt đi hình ảnh của Trương Chi.
Sự trả lời của Thiên Sứ
GIỌT LỆ THIÊN THU
Bài đăng trên báo Văn Nghệ Bến Tre 1991
Mẹ nằm trên võng ôm con và ru bằng một giọng kể chuyện đều đều nhỏ nhẹ. Chiếc võng đưa kẽo kẹt, buông những thanh âm đơn điệu như từng giọt buồn nhỏ vào chốn không gian mênh mông. Cô bé nằm trong lòng Mẹ, mở to đôi mắt thơ ngây, thả hồn bay, bay mãi vào thuở cội nguồn xa xưa. Mẹ cô đã kể và Mẹ kể rằng:
“Ngày xửa ngày xưa, có anh Trương Chi đi lái đò ngang. Người chàng thật xấu xí, nhưng giọng hát thì thật là hay. Chàng lại có tài thổi sáo tuyệt vời…”.
Đó là chuyện ngày xưa! Xưa lắm rồi! Còn bây giờ, cha cô bé đã ngã xuống cùng với những người lính của dân Lạc Việt. Họ đã chết, xác nằm chồng chất bên nhau cùng với xác kẻ thù của họ. Họ đã chết đến người lính cuối cùng, sau khi đã chiến đấu với tất cả sự căm thù cuồng nộ. Chủ tướng của họ đã tự tử trên giòng Hát Giang. Họ đã chết hết, để lại một giang sơn gấm vóc bị tàn phá bởi đoàn quân bách thắng của tướng Mã Viện. Bên cạnh xác của những người lính Lạc Việt là những chiếc trống đồng – một thời âm vang hùng tráng – nay bể nát, nằm lăn lóc giữa chốn sa trường.
Chiếc võng vẫn đưa nhè nhẹ, Mẹ vẫn kể cho con nghe với một giọng buồn. Mẹ kể rằng:
“Mỗi khi trời tạnh, trăng trong, tiếng sáo của chàng lại theo gió bay tới tòa lâu đài bên sông. Ở đấy có nàng Mỵ Nương xinh đẹp tuyệt trần.
Hàng đêm mỗi khi trăng sáng, nàng lại lên lầu để được nghe tiếng sáo Trương Chi. Hồn nàng say sưa, ngây ngất như hòa quyện rồi tan trong tiếng sáo réo rắt, nỉ non!”.
Đó là chuyện ngày xưa! Xưa lắm rồi! Còn bây giờ Mẹ con nàng đang sống trong nổi vất vả, tủi hờn. Cha nàng đã chết, vùi thây đâu đó cùng đống xương của những người dân Lạc Việt, nằm rải rác trên rừng thiêng nước độc hay dưới biển sâu lạnh lẽo. Khi lớp lớp người của dân tộc này phải lên rừng kiếm sừng tê, ngà voi hay xuống biển mò san hô, ngọc trai cho kẻ thù ngoại bang đang giày xéo một giải giang sơn.
Mẹ nằm trên võng đưa nhè nhẹ. Bên cạnh Mẹ là cô bé có khuôn mặt tròn xinh xắn, cột tóc trái đào, trên cổ mang chiếc khánh bằng bạc, sắc trắng ngời như tô thắm thêm màu cho cái yếm điều che ngực. Cô mặc chiếc quần lụa vàng phủ xuống đôi bàn chân nhỏ nhắn mang dép lá đa. Cô đang say sưa nghe Mẹ kể chuyện, mắt như sáng lên, miệng như mỉm cười khi nghe Mẹ kể rằng:
… Trương Chi đã thả hồn chàng vào tiếng sáo. Và trái tim Mỵ Nương rung lên hòa nhập vào tiếng sáo của chàng. Nàng mơ đến một chàng trai tuấn tú, tài hoa có tiếng sáo tuyệt vời.
Đó là chuyện ngày xưa! Xưa lắm rồi! Còn bây giờ, cha, anh của nàng đang tung hoành với đoàn quân chiến thắng. Quân thù gục ngã, thây trôi lớp lớp, máu loang đỏ Bạch Đằng giang. Lưỡi gươm oanh liệt của cha, anh nàng đã rửa mối hận ngàn thu.
*
Chiếc võng vẫn đu đưa kẽo kẹt, Mẹ vẫn kể cho con nghe với giọng buồn buồn, mệt mỏi của quãng đời lặn lội nắng mưa, vất vả nuôi một đàn con thơ dại. Nàng ngồi nép bên Mẹ, chăm chú nghe Mẹ kể. Mẹ kể rằng:
Thế rồi Mỵ Nương khỏi bệnh khi lại được nghe tiếng sáo của chàng. Nhưng khi nhìn thấy Trương Chi, nàng đã thất vọng: chàng có bộ mặt xấu xí, không như mộng tưởng của nàng. Từ đó nàng không còn mơ ước một cuộc sống bên chàng. Nhưng cũng từ đó; từ lúc nhìn thấy nàng Mỵ Nương xinh đẹp tuyệt trần – chàng Trương Chi đã đem lòng yêu Mỵ Nương tha thiết, trong mối tình vô vọng…
*
Mưa bụi giăng mờ trong chiều cuối đông lạnh lẽo, buông xuống phố phường Hà Nội một trời ào não thê lương. Đường phố vắng bóng người qua, lâu lâu lại có tiếng giày đinh khua lộp cộp của đám lính Tây đi tuần. Chập chờn theo từng cơn gió bấc, tiếng nhạc phát ra từ một cái máy hát chạy bằng dây cót của nhà ai đó – đang thả vào không gian một điệu nhạc Valse của bản “Dòng sông xanh”…
Có người con gái lặng lẽ bước đi trong cõi không gian ấy.
Thân hình nàng mềm mại, duyên dáng trong chiếc áo tứ thân may bằng lụa xứ Hà Đông, tà áo bay bay vấn vương trong gió. Năng chít khăn vuông mỏ quạ nhuộm màu nâu gụ ôm lấy khuôn mặt trái xoan xinh xắn. Trên đầu nàng, chiếc nón quai thao nghiêng nghiêng che một trời mưa bụi não nùng. Gió thoảng đem đến bên nàng điệu nhạc Valse của bản “Dòng sông xanh”.
Một dòng sông xanh xanh
Một vầng trăng mông mênh
Một dòng còn quyến luyến…
“Từ nơi sâu thẳm trong tiềm thức của nàng, cũng có một dòng sông thơ mộng, cũng có một vầng trăng mông mênh. Ở đấy còn có con thuyền cô liêu theo trăng trôi hờ hững và đâu đây văng vẳng tiếng sáo Thiên Thai. Con thuyền ấy, dòng sông ấy, rồi vầng trăng mông mênh ấy, đã có tự lâu trong nàng; từ cõi xa xăm mơ hồ từ hàng ngàn năm về trước, từ trong tiền kiếp của nàng bây giờ đang ở đâu? Ở đâu?…”
Nàng vẫn lặng lẽ bước đi, vẻ mặt nàng phảng phất nét buồn mênh mang của người trinh nữ đang độ trăng tròn. Bỗng nàng nghe đâu đây tiếng hát xẩm xoan.
Đó là tiếng hát của ông lão ăn mày mù đang ngồi xếp bằng trên bậc thềm. Phố xá đóng cửa im lìm và vắng bóng người qua, chỉ còn tiếng giày đinh lạo xạo và bản nhạc “Dòng sông xanh” thoảng theo từng cơn gió bấc! Ông lão ngồi run rẩy với chiếc đàn cò cũ kỹ và ông hát. Ông hát với tất cả sự nhiệt tình mong kéo dài thêm cuộc sống khốn khổ của ông. Ông hy vọng trong cõi cô liêu ấy, còn có kẻ qua đường xót thương cho ông đồng xu bát gạo. Ông vừa kéo đàn cò vừa ư ử hát, Ông lão hát rằng:
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thật xấu, hát thì thật hay…
Tiếng hát của ông gợi trong lòng người thiếu nữ nỗi nhớ bâng khuâng từ độ thuở nào. Một cảm giác buồn tràn ngập trong tâm hồn nàng như từ cội nguồn hàng ngàn năm cũ. Bất giác nàng ứa nước mắt, rồi lần trong ruột tượng lấy hai đồng tiền chinh bỏ vào cái lon sữa bò đặt trước mặt ông lão.
Nàng lặng lẽ bước đi, bóng nàng cô liêu trên phố vắng. Tiếng hát buồn buồn, áo não của ông lão ăn mày mù vật vờ theo gió còn vương vấn bên nàng.
Ngày xưa có anh Trương Chi đi lái đò ngang
Có cô Mỵ Nương con quan tể tướng ở trên lầu vàng…
*
Mẹ mình gầy vóc hạc, mệt mỏi nằm trên võng đong đưa nhè nhẹ. Thời gian đi qua cuộc đời Mẹ đọng lại trên những nếp nhăn, trên nước da đồi mồi và mái tóc bạc phơ. Mẹ thôi không còn kể chuyện tình của Trương Chi nữa, vì Mẹ đã kể cho nàng nghe suốt một thời thơ ngây của nàng. Người con gái vẫn ngồi bên Mẹ. Đôi mắt nàng buồn thăm thẳm nhìn mông mênh vào hư không.
Trong tâm hồn nàng là hình ảnh một chàng Trương Chi tài hoa, bạc mệnh nhưng chung thủy, son sắt với người mình yêu. Trong nàng còn có một cô Mỵ Nương xinh đẹp tuyệt trần, đã ngây ngất với tiếng sáo của chàng. Mặc dù nàng từ chối hòa nhập xác thân với người chồng xấu xí, nhưng đó là quyền lựa chọn mà tạo hóa ban cho một đời con gái. Nàng vẫn dành cho tiếng sáo tài ba ấy sự rung cảm và hòa nhập tâm hồn, khi tiếng sáo ngày xưa vọng đến bên nàng.
Trong tâm hồn nàng còn ghi dấu ấn một trái tim Trương Chi chất ngất yêu thương – giọt tinh huyết cô đọng cả một cõi hồn chàng, mà lúc sống duyên kiếp đã không cho mang lại với nàng – thì khi chết, chàng đã dâng cho nàng trọn vẹn. Hình hài đã trả về nơi cát bụi, chàng vẫn yêu nàng. Chàng tìm thấy ở nàng sự rung cảm đồng điệu tuyệt vời của con tim, cùng hòa quyện trong tiếng sáo ngày xưa của chàng. Từ chối hòa nhập xác thân với một ngoại hình xấu xí; nhưng phải chăng, những rung cảm tuyệt diệu từ cõi trời trinh trắng từ thuở “trăng nước chưa thành thơ” ấy, vẫn dành cho chàng?… Trái tim Trương Chi hóa đá, như sẵn sàng thách thức với thiên thu chờ đợi câu trả lờ từ cõi huyền vi sâu lắng của nàng…
Rót nước vào, chợt thấy bóng Ngư lang
Quanh chén trà, thuyền trôi theo tiếng đàn…
Nàng khóc! Giọt lệ đài trang trào dâng từ nơi sâu thẳm, mênh mang của cả cõi trời trinh trắng trong hồn nàng, rớt vào chén ngọc. Hai tâm hồn yêu thương chất ngất hòa nhập vào nhau – chén ngọc tan thành huyết…
Giọt lệ thiên thu ấy đã đưa mối tình Trương Chi – Mỵ Nương trở thành huyền sử bi tình trác tuyệt, rồi đi vào nơi bất tử của người dân Lạc Việt!”…
Nàng khóc!
Khi có người nói với nàng và muốn nàng phải hiểu rằng “Nước mắt Mỵ Nương là của loài sấu độc!” Ôi! Đâu còn là tình yêu thiên thần mà Mẹ đã kể cho nàng câu chuyện tự ngàn xưa.
Người đời bây giờ có kẻ coi chuyện tình Trương Chi – Mỵ Nương chỉ còn là câu chuyện của gã si tình bạc mệnh, tầm thường nhan nhản trên thế gian, bị lừa dối bởi dại khờ vì giọt nước mắt cá sấu của giai nhân.
Nàng hỏi Mẹ với sự xót xa nuối tiếc: “Nếu ngày sau, khi con làm Mẹ, thì con có kể lại câu chuyện tình Trương Chi – Mỵ Nương cho đàn con của con nghe nữa không hả Mẹ?”.
Tiếng nàng nức nở, nước mắt dâng hoen mi. Mẹ nhắm nghiền đôi mắt. Nàng chờ đợi giọt nước mắt đồng cảm lăn trên gò má của Mẹ… Mẹ vẫn im lặng như trong cơn mê.
Giọt nước mắt thiên thần của Mẹ đã nhỏ vào tận cõi thiên thu…
Bến Tre, ngày 06 – 10 – 1991
Thiên Sứ