Người đầu tiên đặt vấn đề liên quan hữu cơ giữa khoa học và chính trị có lẽ là ông Lưsenko – Viện sĩ viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Ông ta đã phát biểu trước hội đồng khoa học toàn liên bang có sự tham dự của Stalin: “Khoa học phải có tính giai cấp”. Quan điểm này của ông Lưsenko được Stalin ủng hộ. “Tính giai cấp” là một phạm trù triết học và trở thành một tư tưởng chính trị. Một trong những hệ quả của quan điểm này khi người ta phủ nhận thuyết di truyền của Mendel, mà nội dung học thuyết này bắt đầu từ một giả thuyết về tính di truyền trong cấu trúc phân tử mỗi loài. Bởi vậy khi mới xuất hiện nó có vẻ như phản biện thuyết Tiến hoá của Daruyn, một lý thuyết khoa học được thừa nhận là chính thống thời bấy giờ. Và chính trị đã can thiệp, khiến hầu hết các nhà khoa học Liên Xô hồi đó nghiên cứu về thuyết di truyền đều bị coi là bị tâm thần hoặc tệ hơn là bị gán vào tội chống đối. Kết quả của sự can thiệp chính trị lên nghiên cứu khoa học này như thế nào thì tất cả mọi người quan tâm trên thế giới ngày nay đều biết.
Về mặt nguyên lý tương tác giữa các hiện tượng thiên nhiên, xã hội và con người thì tất cả mọi hiện tượng đều có sự tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau.
“Một con cá quẫy đuôi ảnh hưởng đến tam thiên, đại thiên thế giới”. Đức Phật đã phát biểu như vậy.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nói:
“Để giải thích một hiện tượng dù rất nhỏ cũng phải viện dẫn đến toàn bộ lịch sử hình thành vũ trụ”.
Huống chi là những giá trị tư tưởng. Cụ thể hơn là giữa khoa học – chính trị và lịch sử. Tất nhiên chúng phải có sự tương tác.
Nhưng đây chỉ là sự tương tác mang tính tự nhiên, khách quan chứ không phải là một tương tác chủ quan, mà điển hình chính là việc ngăn cản các nhà khoa học nghiên cứu thuyết di truyền của Men del.
Bởi vì bản chất của khoa học là tìm hiểu chân lý là yếu tố cần cho sự phát triển tự nhiên của xã hội con người. Nhân danh khoa học tức là nhân danh đi tìm chân lý, chứ không phải vì nhân danh khoa học nên mọi kết luận đều là chân lý. Còn chính trị là sự thể hiện một hệ tư tưởng lên toàn thể xã hội theo hoàn cảnh lịch sử của xã hội đó. Khoa học – lịch sử và chính trị là những phạm trù hoàn toàn khác nhau, mặc dù chúng có tương tác mạnh mẽ.
Có những hiện tượng về sự mất tích hàng loạt những nhà khoa học nước ngoài tại Anh quốc dưới thời bà Thủ tướng Thatchơ. Với kết luận điều tra độc lập theo thông tin đại chúng thì có thể họ bị giết vì nhân danh bảo vệ bí mật quốc gia. Kết luận điều tra này nếu đúng thì là một thủ pháp chính trị nhằm bảo vệ sự tồn tại của một quốc gia khi đặt vấn đề bí mật quốc gia bị đe doa, chứ không phải là sự áp đặt tư tưởng chính trị lên nghiên cứu khoa học. Hiện tượng này và việc nghiên cứu khoa học về thuyết di truyền ở Liên Xô cũ là hoàn toàn khác nhau.
Từ những luận đề này, chúng ta xem lại mối quan hệ giữa chính trị và khoa học liên quan đến quan điểm lịch sử về cội nguồn lịch sử dân tộc Việt. Khi không ít các nhà nghiên cứu lịch sử trong nước nhân danh khoa học phủ nhận những giá trị văn hoá sử truyền thống của dân tộc Việt, tức là họ nhân danh đi tìm chân lý, chứ không phải khẳng đính tính chân lý cho quan điểm này là không thể bác bỏ – cũng nhân danh khoa học.
Nhưng rất tiếc! Họ đã khẳng đính tính chân lý của họ bằng số đông, khi cho rằng: “Quan điểm này được hầu hết những nhà khoa học trong nước và cộng đồng khoa học thế giới ủng hộ”. Chân lý không phụ thuộc vào số đông! Và khoa học chứ không phải là chính trị để có thể bắt buộc phải nghe theo một cái được số đông các nhà khoa học coi là chân lý. Khoa học chỉ có thể thuyết phục bằng chính tính chân lý của nó. Bởi vậy, nếu họ nhân danh danh khoa học để tìm chân lý thì sự tranh luận một cách khách quan, công bằng để tìm chân lý là cần thiết. Còn nếu nhân danh chính trị thì cái số đông đó đã đủ khẳng định tính chính trị cần thiết trong một cuộc bỏ phiếu thuần tuý và lúc này họ có quyền thống trị tư tưởng lịch sử của dân tộc Việt theo quan điểm của họ.
Nhưng đây họ lại nhân danh khoa học và khẳng định tính khoa học mà họ nhân danh này trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Tất nhiên Thiên Sứ tôi cho đến nay tin tính nhân danh khoa học được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng này.
Tuy nhiên, sự nhân danh số đông của cái quan điểm phủ nhận những giá trị truyền thống lịch sử văn hiến Việt trải gần 5000 năm, mang tính đặc thù chính trị hơn là khoa học thật sự, đã khiến Thiên Sứ tôi hoài nghi. Đến nay, ông chủ tịch Hội nghiên cứu lịch sử Việt Nam là Phan Huy Lê lại phủ đầu giáo sư Lê Mạnh Thất là ““bất kính như vậy với các bậc học giả tiền bối của dân tộc”. Như vậy ông ta đã nhân danh những giá trị đạo lý để phê phán chứ không phải là một luận cứ khoa học (Sự nhân danh đạo lý trong trường hợp này có đúng hay không chưa bàn vội).
Theo tôi hiểu một trong những điều luật xuất bản là cấm xúc phạm các danh nhân văn hoá lịch sử của dân tộc. Phải chăng giáo sư Lê Mạnh Thát theo phát biểu của ông Phan Huy Lê đã phạm pháp theo luật xuất bản?
Đây là vấn đề chính trị hay khoa học thật sự?
Bản chất giữa khoa học và chính trị đã có sự tương tác tất yếu và tự nhiên. Khoa học lịch sử lại là một tương tác gần gũi hơn với chính trị so với sự tương tác của các ngành khoa học khác. Và trong trường hợp đặc thù này: Nhân danh khoa học tìm chân lý cho cội nguồn lịch sử dân tộc Việt lại là một việc rất nhậy cảm và tế nhị với các nhà hoạt động chính trị, cho dù sự hoạt động đó nhân danh cái gì, hoặc họ đang đứng ở địa vị lãnh đạo, hay đang có tham vọng lãnh đạo dân tộc này.
Bởi vì, đây là vấn đề cội nguồn của dân tộc Việt. Nó quyết định một quá trình phát triển của cả một dân tộc, chứ không phải là một hiện tượng lịch sử riêng lẻ, như việc xác định Tần Thuỷ Hoàng là một bạo chúa hay một anh hùng thống nhất đất nước Trung Hoa.
Tính khách quan của lịch sử văn hoá truyền thống Việt không phụ thuộc vào tư tưởng chính trị của bất cứ thời đại nào và chỉ phụ thuộc vào chân lý. Trước đây nó là truyền thống và bây giờ nó được đặt vấn đề nghiên cứu khoa học và chưa bao giờ tự thân vấn đề truyền thống này nhân danh tính chính trị. Nhưng tính truyền thống sẽ quyết định tính chính danh của hệ thống lãnh đạo chính trị, khi hệ thống lãnh đạo chính trị đó nhân danh truyền thống. Nếu những tri thức khoa học chứng minh cho truyền thống thì không có gì để bàn. Không gian đất Việt vẫn yên bình.
Nhưng vấn đề phức tạp ở đây là: Sự phủ nhận những giá trị truyền thống văn hoá sử Việt lại nhân danh khoa học. Tức nhân danh việc đi tìm chân lý cho cội nguồn lịch sử dân tộc Việt. Bởi vậy, đây là vấn đề hết sức nhậy cảm với các nhà chính trị và các quan điểm chính trị liên quan đến dân tộc Việt.
Nói rõ hơn là:
Nếu những nhà hoạt động chính trị ủng hộ truyền thống thì đó là những nhà chính trị khôn ngoan, nhưng bị coi là kém hiểu biết, nếu chẳng may quan điểm phủ nhận truyền thống nhân danh khoa học được chứng minh đúng. Nhưng những nhà hoạt động chính trị tỏ ra có tư duy khoa học mà ủng hộ một trong hai luận điểm phủ định nhau giữa chứng minh truyền thống và phủ nhận truyền thống thì chính là sự can thiệp vào nghiên cứu khoa học – mà trường hợp đặc thù rất nhậy cảm này là can thiệp vào việc tìm hiểu cội nguồn văn hoá Việt. Hệ tư tưởng chính trị nào can thiệp vào việc đi tìm chân lý cho cội nguồn dân tộc Việt sẽ bị thất bại khi chân lý tự nó chứng minh cho quan điểm khoa học nào đúng. Và oái oăm thay. Chính chân lý lịch sử mà hệ thống tư tưởng chính trị nào can thiếp sẽ bị loại trừ, hoặc được chứng minh tính chính thống và sáng suốt của hệ thống tư tưởng chính trị can thiệp một chiều đó.
Sự can thiệp của chính trị vào việc nghiên cứu thuyết di truyền ở Liên Xô cũ tuy mắc sai lầm, nhưng nó không mang tính phủ nhận truyền thống văn hoá sử của các dân tộc Nga. Đây là yếu tố đặc thù của trường hợp này.
Nhưng trong trường hợp này sẽ đặc biệt nhậy cảm và nghiêm trọng hơn rất nhiều do tính văn hoá sử truyền thống của dân tộc Việt – hoặc bất cứ của dân tộc nào – và khoa học tức nhân danh chân lý sẽ quyết định tính chính thống của hệ tư tưởng chính trị. Những nhà hoạt động chính trị đang ở địa vị lãnh đạo dân tộc hoặc đang có tham vọng lãnh đạo dân tộc này, họ đều có khả năng can thiệp bằng cách trực tiếp hay gián tiếp về quan điểm lịch sử nhân danh khoa học chúng minh cho cội nguồn dân tộc Việt này.
Quả là rất nhậy cảm và tế nhị.
Chính vì tính truyền thống và khoa học này sẽ khiến cho bất kỳ một nhà chính trị nào can thiệp vào việc nghiên cứu khoa học tìm về cội nguồn lịch sử dân tộc Việt thì không khác gì đã đem tính chính thống của hệ tư tương chinh trị của mình đặt cọc vào khả năng của những nhà khoa học với những quan điểm khác nhau về cội nguồn dân tộc. Ngược lại, nếu quý vị tạo điều kiện khách quan và công bằng cho những quan điểm khác nhau nhân danh khoa học đi tìm chân lý cho cội nguồn dân tộc – Việc tạo điều kiện này là lợi thế của những nhà chính trị đang trong vị trí lãnh đạo – thì đây chính là sự sáng suốt của quí vị.
Hãy để các nhà nghiên cứu tự giải quyết một cách khách quan việc này.
Còn nếu quí vị can thiệp thì nó sẽ quyết định tính chính thống của hệ thống tư tưởng chính trị mà quí vị nhân danh.
Đây chính là tính đặc thù và rất nhậy cảm của trường hợp đặc biệt này.
Tất nhiên hy vọng quí vị có thể suy ngẫm và quyết định.
Nhưng tôi cho rằng ý tưởng dưới đây của ông Nguyễn Khoa Điềm là sáng suốt.
Nguồn Thanh Niên Online
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm nói về những phát hiện lịch sử của Thiền sư Lê Mạnh Thát:
“Tôi hoan nghênh loạt bài của Thanh Niên đã hâm nóng một thời kỳ lịch sử…”
23:57:53, 14/03/2008
Nguyễn Khoa Điềm
|
||
Sau khi đọc loạt bài “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử“ và những ý kiến trao đổi đăng trên các báo, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Khoa Điềm đã gọi điện thoại hoan nghênh Báo Thanh Niên về loạt bài này. Tiếp đó, trong cuộc gặp gỡ trực tiếp với Báo Thanh Niên, ông đã chính thức bày tỏ quan điểm của mình.
“Tôi không phải là người nghiên cứu lịch sử, tuy nhiên tôi đã đọc bộ Lịch sử Phật Giáo Việt Nam và Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta của thiền sư Lê Mạnh Thát. Với cảm nhận của bản thân, tôi cho rằng những giả thiết mà thiền sư đặt ra là rất đáng trân trọng. Trước hết phải ghi nhận là thiền sư đã có một tinh thần dân tộc, luôn mong muốn làm sáng tỏ lịch sử nước nhà. Thiền sư đã cất công tìm tòi, dò sâu vào lịch sử, đọc những tài liệu, những công trình khoa học từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, nhất là trong các tạng kinh Phật. Đây là một cơ duyên mà không phải ai cũng có được. Trong bối cảnh mà nhiều nguồn tài liệu khác đã bị tiêu hủy, thì việc phát hiện những vấn đề lịch sử tiềm tàng trong kinh Phật là điều rất quý.
Riêng về mối quan hệ giữa Triệu Đà và An Dương Vương, đây là giai đoạn lịch sử cho đến nay vẫn còn nhiều điều lờ mờ. Trước đây các bậc tiền bối cũng đã có nhiều cách lý giải khác nhau. Ngô Sỹ Liên cho rằng Triệu Đà là tổ tiên của người Việt. Nhưng thái độ của Ngô Sỹ Liên cũng rất đáng để chúng ta suy nghĩ vì ông chỉ cho giai đoạn này là “ngoại kỷ”. Trong khi đó, Ngô Thời Sĩ lại cho rằng Triệu Đà không phải là tổ tiên nước ta. Quan niệm của Ngô Thời Sĩ đã được giới sử học thời Tây Sơn thừa nhận. Nay thiền sư Lê Mạnh Thát đặt vấn đề Triệu Đà hoàn toàn không liên quan gì đến lịch sử nước ta cũng là một kiến giải mới. Câu chuyện Trọng Thủy được cử sang làm rể An Dương Vương để đánh cắp bí mật quân sự, tôi cũng có nhiều suy nghĩ. Bởi trong bối cảnh hai nước ở cạnh nhau, thế lực Triệu Đà lại lớn mạnh hơn ta, nhưng lại cử con trai sang làm rể, việc này ít thấy xảy ra trong lịch sử. Tôi đã có dịp đến Bảo tàng Triệu Văn Đế (tức Triệu Hồ, con trai Trọng Thủy (?), gọi Triệu Đà là ông nội) tại Quảng Châu, Trung Quốc. Bảo tàng được xây dựng sau khi các nhà khảo cổ học tìm thấy ngôi mộ của Triệu Văn Đế. Đây là ngôi mộ của một bậc đế vương còn giữ được nguyên vẹn di cốt lẫn những hiện vật tùy táng. Xem những hiện vật tại bảo tàng, tôi ngạc nhiên vì nó chứng tỏ một nền văn hóa phát triển cao, tuy nhiên nó không hề giống với những gì của chúng ta trong cùng thời kỳ ấy.
Tôi tán thành ý kiến của tác giả Hà Văn Thịnh nêu trên Thanh Niên, ngày 12.3.2008. Tôi hoan nghênh loạt bài viết của tác giả Hoàng Hải Vân, đã hâm nóng một thời kỳ lịch sử còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Thực ra, sách của thiền sư Lê Mạnh Thát đã xuất bản từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề dường như đã bị chìm lắng. Loạt bài viết đã khơi dậy trong tất cả mọi người khát khao tìm hiểu và mong muốn làm sáng tỏ lịch sử của dân tộc.
Đây là một vấn đề lịch sử cần trao đổi cởi mở, rộng rãi để nhân dân được nghe, được biết. Qua đó, biết đâu chúng ta sẽ có thêm được nhiều nguồn thông tin mới khác nữa từ trong nhân dân”.
Nguyễn Khoa Điềm
(Bùi Ngọc Long ghi, đã được ông Nguyễn Khoa Điềm xem lại và đồng ý cho đăng báo)