Phảm ở đời này, sống cho vừa lòng người khó lắm. Các cụ nhà ta tổng kết lại bằng câu ca dao:
Ở sao cho vừa lòng người.
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn.
Béo chê béo trục béo tròn.
Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.
Chê chán thì chửi. Ấy là thói đời vưỡn thế! Chửi thì cũng có cung bậc từ thấp đến cao – từ Đồ đến Sí. Chửi cũng có nhiều loại: Chửi phong long, chửi đổng, chửi té tát, chửi vuốt mặt không kịp, chửi sa sả, chửi chữ, chửi tục, chửi thề..vv…..Nội cái chửi không thì cái văn hóa Việt này cũng tỏ ra ưu việt hơn nhiều với các nền văn hóa khác trên thế giới. Có một học giả khả kính – Ông Trần Ngọc Thêm – đúc kết được hẳn một cái gọi là “Văn hóa chửi”. Nhưng cái nhà ông học giả này chỉ đề xướng lên vậy thôi. Cái “văn hóa chửi” của ông nó không có tính ứng dụng, vốn là điều kiện cần để kiếm chứng tính khoa học của một lý thuyết. Nên cái ý tưởng tập hợp các loại chửi của ông học giả trong “văn hóa chửi”, đã vội vã hy sinh trên mặt trận văn hóa.
Ngẫm ra thì thấy đời cũng buồn cười: Ông Trần Quốc Vượng đề xướng cái gọi là “Văn hóa ăn”, mà ông gọi là “Văn hóa ẩm thực” – Các cụ nhà ta thì bảo: Miếng ăn là miếng nhục – nhục thì ắt bị chửi, thế là “văn hóa chửi” ra đời để đối lập với “văn hóa ăn”. Điều lạ một cái là ông Vượng thì minh chứng cái cội nguồn Việt tộc 300 năm ở trần đóng khố. Còn ông kia thì minh chứng Việt sử văn minh hơn người.
Ấy vậy mà cũng có người chọc cho chúng chửi đấy! Bởi vậy Thiên Sứ tui mới lấy cái câu thành ngữ dễ thương này của người Nam bộ làm đề cho bài viết này. Trong lịch sử văn hóa Việt có một chuyện chọc cho chúng chửi, mà những người lớn tuổi “quá niên trạc ngoại lục tuần” như Thiên Sứ tôi chắc còn nhớ – Chuyên Ba Giai Tú Xuất.
Chuyện kể lại rằng:
Hai đại lão tiền bối của làng cười Việt là Ba Giai, Tú Xuất một hôm rách việc ngồi bàn thi xem ai là người được chửi nhiều nhất. Ngài Tú Xuất xung phong làm trước. Từ sáng , cụ đến con mẹ bán cá ở chợ Bắc Qua, trả giá rồi chê mắc không mua. Mở hàng mà thế thì chỉ có nghe chửi. Ối giời ơi, cứ gọi là chửi sa sả. Cụ đi qua mặt một bà quí phái ngoài đường, rồi bịt mũi la toáng lên”mùi hôi nách chịu không nổi”. Lại bị chửi…cứ thế cả ngày cụ chọc được hơn chục người chửi. Cụ Ba Giai, lắc đầu “Bị chửi như thế chưa ăn thua. Ngày mai xem ta đây này”.
Sáng hôm sau, cụ Ba Giai lập một bàn thờ ở bến sông Cái. Đỉnh đồng khói nhang nghi ngút. Cụ mặc cái áo thụng, đội mũ tế rất ư là nghiêm chỉnh. Đợi chuyến phà đông người bắt đầu rời bến, cụ cầm bó nhang đến trước bàn thờ khấn vái và kêu lớn:
– Cầu xin Hoàng thiên, Hậu thổ chứng giám lời cầu nguyện chí thành của con. Xin hiển linh cho đám người đi trên phà kia ra giữa sông gặp sóng to gió lớn chìm cho chết hết!
Ối Giời đất ơi! Thôi chửi ơi là chửi. Cả vạn đò cùng xúm vào chửi…
Cho đến ngày nay, người ta cứ đinh ninh rằng: Chỉ mình cụ Ba Giai là quán quân đoạt danh hiệu “Chọc cho chúng chửi” ở xứ Việt Nam ta.
Ấy là đời nó vẫn thế!
Mèo tha miếng thịt thì đòi.
Hùm tha con lợn thì ngồi trơ trơ.
Trong cái “văn hóa chửi” ở xứ Việt Nam ta thì cái chửi chữ là thâm thủy nhất. Chửi mà cứ như thơ. Người nghe chửi lại gật gù tâm đắc thế mới quái chứ. Cái này chưa thấy công trình của cụ Thêm ghi nhận. Ấy là ngày xưa giới quý tộc thường vi von những kẻ đồng hạng mà không vừa ý bằng cách hạ cấp xuống qua những câu chửi: “Đồ ăn mày”, “đồ khố rách áo ôm”. Đám đấy tớ thì cứ cung cúc, im re. Đúng là “khố rách” , nghèo khổ thì mới phải đi làm thuê để bị chửi chứ. Nặng hơn tý nữa thì – với một ông chủ nóng tính thì là: “đào mả cha mày lên xem là cái giống gì?”.
Ấy là thời xa xưa, thời chế độ phong kiến kia. Chứ bây giờ mà chửi thế ở quán bia có mà uýnh nhau to. Bây giờ thì cần phải nhẹ nhàng hơn, câu chữ hơn một tý. Thay vì chửi “khố rách, áo ôm” thì nên thay bằng “Ở trần đóng khố”. Thay vì “đào mà bố” thì gọi là “tìm di vật khảo cổ”.
Ấy cứ chửi chữ như vậy thiếu gì thằng tâm đắc, gật gù nghe chửi. Thậm chí còn khen hay. Có khi có cả vỗ tay nữa mới ghê chứ. Cách chửi thời hiện đại thì nó cũng phải “khoa học” một tý. Chứ cứ chửi “toạc móng lợn” một cách cổ điển như cụ Chí Phèo thì chỉ có cụ Chí Phèo mới làm được.
Nguồn: http://www.lyhocdongphuong.org.vn/diendan/index.php?showtopic=5643