Một trăm bài thơ hay nhất Việt Nam!?

Trịnh Phong

Thuở nhỏ nghe người lớn luôn chứng tỏ lịch duyệt bằng cách ca ngợi Balzac, Voltaire, Stendal… tôi thầm mong có ngày được đọc tác phẩm của các vĩ nhân này. Thế rồi nhờ tính hiếu cổ của người Việt Nam ta cái ngày ấy cũng đến. Những năm sáu bẩy mươi thế kỷ vừa qua Balzac, Voltaire, Stendal được những người dịch rất tài hoa chuyển sang tiếng Việt, tưởng như văn học Pháp mãi mãi dừng lại với những nhân vật ấy. Nhưng mốt lịch duyệt đã sang hướng mới, người ta làm tăng tầm quan trọng của mình bằng trích dẫn lời những ông đômđốp, bà bômbốp nào đó. Tôi say sưa đọc Dostoiewski, Gogol rồi Gorki không biết rằng sách của họ chỉ còn chiếm lĩnh vị trí trang trọng trên những giá sách nước Nga. Có dịp sang Đức, tôi thử trích dẫn Goethe, Schiller… Không mấy người đối thoại nhận ra được các thi sĩ lừng danh này. Nhiều năm sau có dịp quen biết ông Yuan, một tiến sĩ hóa học người Trung Quốc có cửa hàng ở Berlin, tôi nhắc đến thơ Lý Bạch với lòng tin ngây thơ là người TQ nào chẳng tự hào về thi sĩ nổi tiếng của họ. Nhưng tôi đã nhầm to, tiến sĩ Yuan nói là ông không quan tâm lắm đến thơ cổ, vì TQ là một nước lớn khối lượng văn chương hiện đại đa dạng phong phú tìm hiểu qua loa cũng không nổi huống chi còn lục lọi cổ văn. Nghĩ lại, tôi thấy mình cũng như bao nhiêu người Việt khác, nói đến văn hóa nước ngoài toàn nghĩ đến thế kỷ trước. Lịch sử, địa lý thế giới thì còn biết chút ít nhưng chỉ có hai nước láng giềng sát nách lại trong cùng một cái liên bang thì chẳng biết gì hơn là cái tên Biển Hồ với Cánh đồng Chum! 
Ôi lại sa đà kiểu tùy bút mất rồi, cái tôi muốn nói là tôi không ưa được văn phong cả ba ông Pháp Lan Tây nổi tiếng nói trên. Cũng may là Alphonse Daudet đã an ủi tôi bằng mấy cái cối xay gió và những cánh đồng Lavendel tím ngắt xứ Provence. Từ đó tôi nhận ra rằng văn chương là món ăn tinh thần, hợp khẩu vị ai người ấy thích. Giải thưởng Nobel cũng chẳng là gì: Tại sao ta phải chạy theo mọi người vào quán phở khi mình chỉ muốn một gói xôi lạc thơm tho. Ông bạn thích và sành ăn phở gà, ông có dám cả quyết rằng món phở mình xơi là ngon nhất Việt Nam không? Ông có dám cả quyết bẩy món thịt chó nhà hàng ông Cả Khoèo lừng danh ga Vinh là ngon nhất Viêt Nam không? Không! Ông bảo ông có điên đâu mà nói thế: Ai thích cửa hàng nào cứ đến đấy mà ăn. Cụ Nguyễn Tuân còn sống cũng phải khen ông nói đúng. 
Thịt chó đã vậy, món văn chương thì sao.
Có người chọn ra được 100 bài thơ hay nhất Viêt Nam mới lạ chứ mà không phải chọn cho cá nhân mình. Họ chọn để hướng dẫn cái nhìn trong dư luận quần chúng – trong mắt họ – vốn rất ngu Thơ. Vậy chắc bài thơ thứ 100 dở xấp xỉ các bài còn lại không được chọn. Nhưng tại sao lại 100 bài kia chứ. Họ cố vơ vét cho đủ 100 bài là số lượng ấn định từ đầu hay là họ chọn ra vô số bài hay nhất nhưng chỉ trình làng 100 bài. Thôi được, cái đó cũng không có gì đáng kể. Người ăn món dồi chó dở khen ngon sẽ bị người khác mắng là đồ “Thực bất tri kỳ vị”. Người tuyển chọn ra được thơ hay nhất Việt Nam hẳn phải là người sành thơ am hiểu thơ nhất Việt Nam. Tìm được người sành thơ nhất Việt Nam thực ra cũng không khó vì chắc hẳn chỉ cần qua các cuộc thi như thi hoa hậu bấy lâu nay: thi ở địa phương, thi ở chuyên ngành, thi ở khu vực… Chắc hẳn quý vị sành thơ chọn thơ hay nhất Việt Nam đó đã từng khoác chéo qua vai dải nilông xanh đỏ trên đề danh hiệu cao quý chẳng hạn “Người sành thơ nhất xứ Mường Tè”, “Người sành thơ nhất trong số những nhà bình luận mặc quần bơi” hoặc “Người sành thơ nhất Liên hiệp Sản xuất mắm tôm” vv.
„Người mình không ai kiêu căng hợm hĩnh chọn thơ như thế đâu“, cụ Lý Toét ngán ngẩm lắc đầu. “Bọn khựa đấy!“ 
Tôi tán thành ý kiến cụ. Người biết điều chỉ chọn những bài thơ tiêu biểu cho từng tác giả khi làm tuyển tập. Nếu muốn bêu xấu một nhà thơ tồi, bài được chọn hẳn thuộc loại thối nhất.
Để đền bù bạn đọc mất thì giờ đọc chuyện tào lao trên đây, Trịnh Phong xin đền đáp bằng một bài thơ không kém phần dở hơi:

Xã Xệ:
Nàng ơi bỏ áo anh ra,
Để anh đi chợ kẻo mà chợ trưa!
Vợ anh không phải tay vừa 
Sai anh mua cá, mua dưa, mua hành,
Mua gạo, mua mắm, mua chanh,
Mua con chó cún về canh xó nhà.
Nàng ơi bỏ áo anh ra
Để anh đi chợ kẻo mà chợ trưa! 

Thị Mầu:
Chợ trưa thì mặc chợ trưa
Có em đừng ngại tay vừa nhà anh
Mụ kia có nổi tam bành
Em có xe máy lẩn nhanh sợ gì.

Trịnh Phong

Bài này đã được đăng trong Chuyện đời. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.