Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.
Đền cũ, lâu đài bóng tịch dương
Biết tôi về Hanoi, có hai người một là thân chủ, một là học trò rất quý tôi, đã mời tôi đi dạo Hanoi và chụp ảnh. Tất nhiên tôi không từ chối. Trong tôi có hai nơi kỷ niệm lớn về Hanoi là Hồ Hoàn Kiếm và nơi tôi ở. Đương nhiên tôi chọn nơi này để chụp ảnh, như một hoài niệm về quá khứ.
Phố Hàng Phèn, nơi tôi lớn lên và sống hầu hết thời thơ ấu với một cuộc đời sóng gió phủ hết tuổi thanh niên cũng bắt đầu từ đây. Đây là một trong những phố cổ nhất của Hanoi. Thời tôi còn nhỏ, lác đác còn vài nhà bán phèn và các loại diêm sinh, diêm tiêu, hồng hoàng….Ngày xưa nữa nó chuyên bán phèn và các loại khoáng chất. Đây là một khu phố toàn những nhà khá giả thời xưa. Trong cuốn tiểu thuyết “Phất” của nhà văn Bùi Huy Phồn viết vào thời đánh tư bản Hanoi thì một trong những nhà tư bản gạo côi trong tiểu thuyết ở phố Hàng Phèn. Cụ thể là nhà số 11 Hàng Phèn. Còn nhà tư bản giàu xụ và là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết có tên Cự Phát thì chính là nguyên mẫu chủ nhà thuốc Hồng Khê ở phố Hàng Bồ nổi tiếng một thời. Đây là cuốn tiểu thuyết viết theo phong trào. Nên khi nền kinh tế thị trường lên ngôi thì giá trị cuốn tiểu thuyết cũng theo thời thế lùi vào dĩ vãng. Chắc tôi nói ra cũng chẳng ai biết đến cuốn tiểu thuyết này. Nhưng cũng cần phải nói rằng cái nền tiểu thuyết văn học Việt Nam cả hơn nửa thế kỷ qua chẳng có cuốn nào ra hồn. Ít nhất là cảm quan cá nhân tôi, còn các vị văn học từ gạo cội đến bình dân tán kiểu gì thì tôi không biết. Hình như cả cái thế giới này nó cũng thế. Giải nobel văn học thì cũng khá ầm ĩ. Nhưng có lẽ sự ầm ĩ của nó được qui ra thóc là điểm chính gây chú ý – hơn một triệu dollar tiền thưởng – còn nội dung của nó có lẽ cũng chẳng phục vụ được gì cho văn hóa nhân loại. Nên rút cục nó cũng chìm đâu mất ở xó xỉnh nào đó trong những ngôi biệt thự xa hoa, giàu có, hoặc những ngôi nhà đầy đủ tiên nghi. Những giá trị vật chất sáng chói với những tên tuổi lớn trong nền kinh tế, đã làm mờ nhạt những sản phẩm của tâm hồn. Tôi ngậm ngùi nghĩ đến những tiểu thuyết huyền vĩ của nền văn hiến Việt như Mỵ Châu Trong Thủy, ca ngơi tình yêu, phủ nhận chiến tranh, hận thù; hoặc như chuyện tình Trương Chi, ca ngợi một tình yêu thật sự, đậm chất thiên thần qua những tâm hồn đồng cảm……So với những tiểu thuyết nổi tiếng của nền văn minh đương đại như “Romeo& Juliet”, hoặc “Thằng gù trong nhà thờ Đức Bà” thì chẳng là nghĩa lý gì với những câu chuyện của nền văn hiến Việt về tính lãng mạn, sự cao thương và nhân bản của nó.
Đâu rồi những con người tâm đắc với những áng văn chương trác tuyệt ấy?
Những người muôn năm cũ.
Hồn ở đâu bây giờ….
Tôi sinh ra ở số 3 phố Hàng Ngang , ấy là dưỡng mẫu tôi và u tôi bảo thế. Nhưng tôi lớn lên ở đây: Số nhà 5 phố Hàng Phèn. Đây là căn nhà hiện đại nhất phố này hơn nửa thế kỷ trở về trước.
Tôi đã đi xa nơi này gần nửa thế kỷ. Nay trở về, mọi thứ đều khác xưa. Thân chủ tôi khuyên có thể xin phép chủ nhà để vào hẳn trong nhà chụp ảnh cho tôi. Nhưng tôi thấy không cần thiết.
Nhà Phúc Bảo số 4 phố Hàng Phèn.
Đây là căn nhà duy nhất ở phố này còn cái bảng hiệu từ hơn nửa thế kỷ. Nhà Phúc Bảo. Đây cũng là nơi tôi có người bạn đầu tiên khi bước ra ngoài ngôi nhà số 5 phố hàng Phèn để chơi với bọn trẻ con cùng phố trạc tuổi tôi. Thằng Nguyễn Hòa Bình – bây giờ là ông Nguyễn Hòa Bình.
Ngày ấy là một ngày mưa, tôi ngồi trước cửa nhà và còn mặc quần giải yếm. Tôi hát: “Bà còng đi chợ trời mưa. Con tôm, con tép nó đưa bà còng”. Tôi cứ hát đi hát lại như thế vì tôi cũng chỉ biết hát mỗi bài đó. Thằng Bình ở bên nhà số 4 đối diện vẫy tay gọi tôi sang. Tôi chạy sang với nó và thế là nó thành thằng bạn đầu đời trong phố của tôi.
Căn nhà số 4 này vốn trước có ông giáo Lâm ở. Năm 54 ông đi Nam. Ông giáo Bỉnh về. Ngày ấy, các cụ đi đâu toàn áo the khăn xếp. Ông có người con là ông Nguyễn Văn Cung đi kháng chiến – tức là bố thằng Bình. Ông còn có bút danh là Trần Thư, một thời làm phó chủ nhiệm báo Quân đội nhân dân và sau đó là một cuộc đời cực kỳ gian khổ của ông. Cuộc đời thật oái oăm! Tôi còn một thằng bạn rất thân nữa hồi còn nhỏ và ba đứa chúng tôi chơi với nhau vì học cùng lớp. Thằng này là Nguyễn Việt Hải. Nhà nó ở 28 Lý Nam Đế. Tôi với thằng Hải chơi với nhau rất thân từ hồi lớp 1. Nó hay bênh vực tôi mỗi khi tôi bị bắt nạt. Thằng Hải là con trai trưởng của ông Nguyễn Kính Chi. Toàn là những nhân vật lịch sử. Còn thằng Bình toàn chơi với tụi con gái. Sau này lớn lên, thằng Bình áo bỏ trong quần, chơi đá cầu với tụi con Lan, con Ngọc nhà số 2 Hàng Phèn, nó coi tôi như trẻ con không biết gì. Nó thì đá cầu bằng chân, bắt chấp tụi con Lan, con Ngọc chơi bằng tay. Thế mới oai chứ. Thằng Bình khi học hết lớp 4 với tôi thì chuyển về phố Bà Triệu ở. Còn thẳng Hải học với tôi hết lớp 7 đi thiếu sinh quân.
Bẵng đi vài năm, khi nghe tin tôi bỏ học, thằng Hải từ trường đạp xe về và mắng tôi: “Mày phải đi học đi!”. Hình ảnh thằng Hải la lối nhắc tôi tìm mọi cách đi học, để sau này giúp ích được gì đó cho đời ở trước cửa nhà tôi là hình ảnh ấn tượng nhất của tôi với nó, cho đến tận bây giờ. Tôi bỏ học để đi học nghề. Thật ra tôi cũng rất đau buồn, nhưng ý thức giúp gia đình đã sa sút khiến tôi quyết định như vậy. Đã 46 năm trôi qua rồi….
Sau này, thằng Hải mang quân hàm Đại Tá, Viện trường một viện tin học gì đó của quân đội ở đường Cộng Hòa, T/P HCM. Nhưng sau đó nghe thằng Bình nói nó bị đi tù vì chuyện sổ sách tiền bạc với đối tác. Khổ thân thằng bạn tôi. Tôi không tin nó lại tham ô. Có thể nó bị sơ xuất gì đấy. Còn thằng Bình khi lớn lên cũng học trường sĩ quan Nguyễn Văn Trỗi, rồi đi bộ đội sang Lào và bị thương nhẹ ở chân. Nó có vào Nam sống với tôi một thời gian để tìm việc làm khi vợ tôi quạt bánh tráng, nhưng tôi vẫn lo cho nó chu đáo…..
Về đây, những kỷ niệm xưa như sống lại trong tôi…..Nhưng chẳng biết bây giờ chúng nó ở đâu
Dọc phố Hàng Phèn
Những hàng cây trên con phố này trước đây không có. Sau hiệp định Paris người ta mới bắt đầu trồng mấy cây này. Lúc ấy chỉ nhỏ như cọng củi với mấy cái lá loe ngoe. Nay cây đã lớn, tàn lá xum xuê như muốn che phủ thời gian. Những người xưa ở trên con phố này chẳng còn ai. Chung quanh tôi toàn người xa lạ. Trên con phố tôi ở, có một hiệu phở nổi tiếng: Phở Cồ Chiêu ở số 5 Ngõ Hàng Phèn. Tôi chơi với hai đứa con ông hàng phở là Cồ Ninh, Cồ Đảm. Nay hàng phở ấy cũng không còn. Bây giờ, đi dạo trên phố Hanoi thấy nhiều hiệu phở mang tên Phở Cồ và ghi danh hiệu gia truyền. Hôm nào rảnh, tôi dự định sẽ vào một hiệu phở Cồ gia truyền và xác nhận rằng: Đúng là phở có từ thời ông nội Cồ Chiêu. Tôi ăn phở của ông Cồ Chiêu qua mọi thời kỳ lịch sử. Vâng! Từ thời trả tiền phở bằng 1 hào tiền Bảo Đại viền xanh, nền vàng.
Hồn xưa nơi phổ cổ mà tôi đã sống ở đây, như đã tan trong không gian Hanoi. Lang thang trên quê hương, tôi như kẻ tìm những mảnh vụn của quá khứ và chắp lại trong ký ức của tôi….
Ta về giữa cõi vô thường.
Đào trong kỷ niệm tìm hương cuối mùa….
Bờ hồ
Trên các bản đồ hành chính, người ta ghi tên là Hồ Hoàn Kiếm, trên báo chí, sách vở đôi lúc gọi là Hồ Gươm. Nhưng người Hanoi xưa nhiều người chỉ gọi tắt là Bờ Hồ. Với tôi cái tên Bờ Hồ có nhiều kỷ niệm. Ngay từ ngày thơ ấu, Dưỡng phụ của tôi mỗi ngày chủ nhật lại dẫn tôi lẫm chẫm đi chơi Bờ Hồ. Khi tôi bập bẹ biết nói thì tôi hay nhõng nhẽo đòi người dẫn tôi đi chơi Bờ Hồ. Sau này khi lớn lên, tôi có thể đi chơi một mình với đám bạn trẻ con cùng phố thì Bờ Hồ vẫn là một điểm đến của chúng tôi. Hồi đó, cứ đến Chủ Nhật là tôi có 5 trăm tiêu chuẩn của tôi để đi chơi. Tiêu chuẩn này là hậu quả của sự tích cha tôi dẫn tôi đi chơi Bờ Hồ. Thay vì mỗi chủ nhật, người dẫn tôi đi chơi một vòng Bờ Hồ và ăn bất cứ cái gì tôi thích thì bây giờ khi tôi đã lớn, tôi được 5trăm. Năm trăm hồi ấy có thể mua được hai bát phở tương đương phở 24 bây giờ. Buổi tối tôi còn tiêu chuẩn 2 trăm nữa. Lúc ấy, trong con mắt của bọn trẻ con mặc quần giải yếm thì tôi là một “dân chơi”. Chúng nó tung hô tôi và phong tôi làm “Đại tướng” trong các trò chơi trận giả. Bởi vì tôi có thể gây ngạc nhiên cho bọn trẻ con hàng phố bằng cách mua hẳn một gói táo ngọt năm chục cho một thằng “lâu la” trung thành. Đấy là một hành vi “dũng cảm”, vì bọn chúng nó ngay cả con chủ hãng dệt cũng chỉ có một trăm ăn sáng. Còn tôi, tiêu chuẩn của tôi đến ba trăm lận – sau này đổi tiền vào năm 1958 tính thành ba hào – chưa nói tiền ăn buổi tối. Ấy là chưa kể tôi có hàng đống truyện các loại cho bọn chúng nó xem. Sách truyện của tôi mua nhiều hơn sách truyện của cả thư viện thiếu nhi một phường vào lúc bấy giờ.
Thời ấy đã qua rồi….Nhưng Bờ Hồ vẫn là một kỷ niệm trong tôi.
Nhà Thủy Tạ.
Ai mà chẳng biết phải gọi là Thủy Tọa. Nhưng cái tiếng Việt nó lắt léo thế. Người ta gọi tắt, nói lướt cho nhanh. Chẳng thế mà một triết gia nổi tiếng miền Nam trước 1975 là ông Phạm Công Thiện đem quăng tất cả mọi kinh điển, triết lý của thế gian trong lịch sử văn minh nhân loại mà ra sức ca ngợi tiếng Việt chính là sự minh triết cao cấp nhất của nhân loại. Tiếng Việt có thể dịch thoát tất cả mọi ngôn ngữ trên thế giới ra ngôn ngữ Việt. Nhưng tất cả ngôn ngữ của nhân loại khó dịch hết ý những bản văn tiếng Việt ra tiếng nước họ. Chỉ nội điều đó thôi chứng tỏ tiếng Việt là một ngôn ngữ cao cấp được thừa hường từ một nền văn hiến huyền vĩ. Làm gì có chuyện nền văn hóa Việt tiếp thu và phát triển từ nền văn hóa Hán. Những ý tưởng đó chỉ giành cho những thứ tư duy thuộc hạng “Ở trần đóng khố”, thứ tư duy nô lệ về văn hóa một cách vô liêm sỉ. Loại này bao giờ cũng chiếm số đông. Bởi vậy, số đông không phải tiêu chuẩn để xác định chân lý. Trong tiêu chí khoa học không có đoạn nào mô tả chân lý thuộc về số đông cả.
Tôi ngồi ở đây trong một chiều đầu đông buồn. Trong tôi những kỷ niêm dào dạt trào lên làm tôi chạnh nhớ đến lời bản “Nhạc Buồn” của Chopin. Thời tuổi trẻ của tôi ít có những bản nhạc tình lãng mạn. Nên tôi đến với những bản tình ca nước ngoài và Nhạc Buồn của Chopin là một trong những bản nhạc mà chúng tôi hay ngâm nga hồi đó. Không biết ai là tác giả của lời Việt cho bản nhạc này – có lẽ là Phạm Duy – nhưng lời Việt của bản nhạc này như chia sẻ với chúng tôi. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng vui…
Ôi. Đàn năm xưa.
Réo rắt buồn ngân.
Rung bao lời cũ, nhắc ta những ngày xa xôi….
Phút ấy xa rồi….
Ôi gió sớm reo buồn trong lòng người. Ôi réo rắt cung thương tiếng đàn năm xưa, khiến lòng ta tan nát cùng với gió….
Tiếc thương làm chi.
Gió xa xôi về đâu….?
Thôi. Buồn làm chi.
Luyến tiếc làm chi.
Bao nhiêu sầu nhớ, sẽ trôi theo cùng thời gian.
Lá úa hoa tàn….
Thế rồi một cuộc đời gian truân đầy cay đắng khi tôi ra đi và để lại đằng sau tất cả những quá khứ ở đây. Hoặc tôi sẽ chết, hoặc tôi sẽ về quê hương tôi trong sự thành đạt của cuộc đời. Tôi ra đi với hai bàn tay trắng và một sự đau khổ tận cùng….Tất cả những gì cay đắng nhất của tình người trên thực tế và cả những cái mà con người ta có thể nghĩ ra và viết trong tiểu thuyết đều có trong tôi. Tôi đã xem cuốn “Papilon người tù khổ sai”. Lời nói đầu của cuốn sách này giới thiệu một gã trung niên, ăn mặc bẩn thỉu vào hiệu sách và giở một cuốn tự truyện của một nữ văn sĩ đang bán chạy như tôm. Hắn lẩm bẩm: “Nếu ta viết lại cuộc đời của ta thì hay hơn nhiều!”. Thế rồi hắn đã viết tự truyện của hắn. Vâng đó chính là cuốn “Papilon người tù khổ sai” nổi tiếng trong nền văn học đương đại ở đầu thế kỷ trước. Người ta chẳng còn nhớ cuốn sách của nữ văn sĩ nổi tiếng một thời kia có tựa là gì – kể cả tôi. Còn tôi, nếu tôi viết lại cuốn tự truyện của tôi thì cuốn truyện nổi tiếng của “Con bướm vàng” này kể như không có trên trần gian. Nhưng tôi chưa rảnh. Nếu như bây giờ tôi viết một cuốn sách: “Bí ẩn của thời tiết trong 10 ngày Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hanoi” thì tôi cũng đủ nổi tiếng và sách bán chạy như tôm. Dịch ra đủ mọi thứ tiếng và dành cho tất cả mọi người từ các nhà bác học sừng sỏ cho đến thằng ăn mày. Tôi tin như vậy. 5 triệu dol ứng trước cho cuốn sách này, không được phép trả giá giành cho Nxb nào đủ can đảm. Cái trần gian này nó thế, mọi việc quy ra thóc cả. Sống ở trần gian này tôi phải biết cách hòa nhập với nó. Nhưng cũng tùy, cũng có thể tôi tặng không trên blog này, hoặc trên trang web của lyhocdongphuong.org.vn.
Còn bây giờ tôi sống bằng nghề xem bói và làm phong thủy. Hàng bao số phận con người đã đến và đi trong cuộc đời thường nhật của tôi. Cũng không thiếu những đại gia sung mãn tự tin vào khả năng của mình, để mà chẳng ai nằm trong tầm nhìn của hắn. Cũng không ít những kẻ có cuộc sống khốn khổ trên thế gian tìm đến để có một hy vọng trong cuộc đời qua những quẻ bói.Tất cả những đau khổ và hạnh phúc của họ đều có một phần trong tôi. Chỉ với kinh nghiệm từng trải của tôi cũng đủ để tôi chia sẻ với họ mà chưa cần đến khả năng tiên tri.
Cuối cùng tôi cũng về đây! Lễ vật mà tôi dâng tặng quê hương, xứ sở của tôi là sự minh chứng Việt sử 5000 năm văn hiến. Món đồ mà tôi trả nợ trần gian chính là Lý thuyết thống nhất vũ trụ. Dâng tặng là sự trân trọng của tôi, trả nợ cũng là việc của tôi. Còn thế nhân từ chối là việc của họ. Tôi không có trách nhiệm thuyết phục. Chẳng con nợ nào đi trả nợ mà phải thuyết phục chủ nợ nhận tiền cả. Từ chối nhận nợ là xong với món nợ trần gian này của tôi.
“Nếu quả thực có một lý thuyết thống nhất vũ trụ thì chính nó sẽ quyết định chúng ta tìm ra nó hay không?”. Một người thông minh ở thế gian này đã nói như vậy. Ông ta có gen trôi về trí tuệ và Thượng Đế lấy đi phần sức khỏe trong cơ thể ông ta. Ông ta ngồi trên chiếc xe lăn và tên là Setephen Wiliam Hawking. Chính vì vậy mà điều kiện tiên quyết phải là sự hiện hữu của “Định mệnh”, được hiểu theo nghĩa những qui luật vũ trụ chi phôí đến từng chi tiết nhận thức hay không nhận thức được của con người. Họ không thích nhận quà và món nợ của tôi, tôi coi như xong vì tôn trọng quyền tự do, tính dân chủ và quyền của họ. Đừng bảo tôi kiêu ngạo. Không! Tôi rất khiếm tốn và giản dị. Tôi không có gì để kiêu ngạo cả. Không tiền, không địa vị quyền lực, nói ra thì chúng chửi. Thế thì kiêu ngạo với ai.
Nhưng đấy là chuyện của thế nhân, trong tôi vẫn xác định một cách chắc chắn rằng: Việt sử 5000 năm văn hiến là một chân lý. Một lý thuyết thống nhất vũ trụ tiềm ẩn trong nền văn hiến của dân tộc Việt. Tôi không cố gắng thuyết phục mọi người công nhận thuyết Âm Dương Ngũ hành là lý thuyết thống nhất. Từng cá nhân với cuộc sống ngắn ngủi của đời người có thể không cần một lý thuyết thống nhất. Họ có thể cả một đời tin vào Đức Ala, Đức Chúa hoặc một lý thuyết nào đó mà họ cho là đúng; hoặc họ chẳng tin vào cái gì cả và chỉ có một ước mơ làm sao nuôi đàn con khôn lớn dạy dỗ cho nó nên người. Với một kiếp người đó cũng là mục đích rất cao thượng và đáng trân trọng. Nhưng với sự tiến hóa của cả một nền văn minh nhân loại thì một lý thuyết thống nhất rất quan trọng. Đấy là trách nhiệm của những bậc trí giả, của những nhà khoa học thật sự tầm cỡ quốc tế. Chứ không phải của đám tư duy “Ở trần đóng khố”. Họ có thể không công nhận thuyết Âm Dương Ngũ hành là lý thuyết thống nhất. Đó là chuyện của họ. Nhưng nếu không tìm ra một lý thuyết thống nhất nào đó thì có thể nói rằng sự phát triển của nhân loại trong tương lai sẽ bế tắc và rối loạn. Sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay là một ví dụ. Chưa nói đến thiên tai, vấn nạn biến đồi khí hậu toàn cầu…vv….Đấy là lời nhắc nhở của tôi.
Ngàn thu lá rụng mùa ly biệt.
Tháp đấy, người đây mải nghĩ gì?
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường.
Bà Huyện Thanh Quan
==============================
Cảm ơn Đời Vui đã chụp tặng những tấm ảnh này và tạo cảm hứng cho bài viết này của tôi.