Tôi hân hạnh là kẻ hậu sinh được gần gũi người trong những năm tháng triết gia dưỡng bệnh tại tu viện Đồng Công. Tôi xin được chân thành viết những giòng chữ sau đây để tưởng nhớ một nhà ái quốc, một nhà chân tu và một nhà văn hóa đã dành trọn cả đời đóng góp xây dựng văn hóa làm người, và nhất là đi tìm và khai quật thực chất gốc rễ Triết Việt cũng như đặt nền tảng xây dựng cơ cấu Triết Việt cho các thế hệ.
Trong suốt các thập niên 1960 tới nay, người Việt khắp nơi đều được biết triết gia Kim Định qua 42 cuốn sách triết giới thiệu những tư tưởng bộc phá với những tựa đề thu hút như Việt Lý Tố Nguyên, Chữ Thời, Vũ Trụ Nhân Linh, Loa Thành Đồ Thuyết, Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên, Triết Lý Cái Đình, Nhân Chủ và Sứ Điệp Trống Đồng.
Những sách này có thể đọc trên mạng của Mạng lưới Dũng Lạc, Việt Nam Thư quán, An Việt toàn cầu. Đồng thời ông đã sáng lập ra tổ chức An Việt và tạo những phong trào văn hóa về nguồn rộng lớn và ảnh hưởng ở hải ngoại.
Từng là giáo sư tại các đại học Đà Lạt, Văn Khoa, Vạn Hạnh, triết gia Kim Định đã gây ấn tưởng mạnh trong giới sinh viên với những tư tưởng người Việt có nền triết lý sâu sắc và nền văn hóa đặc thù khác biệt nền tảng triết lý văn hóa Trung Hoa. Ông cho rằng nền triết lý Việt có từ lâu đời và có thể là trước cả Trung Hoa.
Triết gia Kim Định luôn nhấn mạnh “Đạo mất trước, nước mất sau”. Đạo đây là triết lý. Đối với ông, triết lý lúc nào cũng cần y như cái lái con thuyền. Mặc dầu hầu hết người ngồi trong thuyền không nhận thức thấy sự cần thiết của bánh lái, nhưng thiếu lái thì thuyền sẽ phiêu bạt theo gió bốn phương. Một nước thiếu triết cũng sẽ trôi dạt như vậy.
Ngoài công trình giới thiệu Việt lý trong thể loại Việt Nho và đưa ra thuyết lý An Vi, Triết gia Kim Định còn đặt lại vấn đề nguồn gốc. Ông đưa ra giả thuyết để xác định chính tổ tiên người Việt là người Viêm Việt, xưa kia đã từng ngự trị ở giữa vùng châu thổ sông Dương Tử và đã làm nên văn hóa Việt Nho, một nền văn hóa tinh thần, lấy nhu thuận làm cốt lõi, đại biểu cho văn minh nông nghiệp.
Sau này Hoa tộc, một giống người du mục từ phía bắc tràn xuống, với tinh thần thượng võ, đã đẩy lui Viêm Việt xuống mãi phía nam, phân hóa thành nhiều chủng tộc ở Đông Nam Á hiện nay.
Hơn 45 năm sau khi đưa ra những tư tưởng mới lạ này, tiến bộ khoa học trong các ngành khảo cổ và nhất là nghiên cứu nhiễm sắc thể (DNA Fingerprinting) về nguồn gốc con người đã cho chúng ta thấy rằng dân sinh ở Đông Nam Á phát xuất từ một chủng tộc khác người Trung Nguyên.
Theo bản đồ di dân qua nhiễm sắc thể, con người hiện đại (Homo sapien) phát xuất từ Phi châu và di dân đi khắp thế giới. Có những nhánh đi qua Tây Tạng, có những nhánh đổ từ miền bắc tới Mông Cổ và cả hai nhánh gặp nhau ở vùng châu thổ Hoàng Hà và lập ra nền văn minh Trung nguyên, khởi thủy tiền thân của nền văn hóa Trung hoa bây giờ.
Đồng thời, theo nghiên cứu thì có những nhánh di chuyển theo ngã Ấn Độ và dừng lại vùng châu thổ sông Hồng và khai lập nền văn minh mà sau này gồm có nền văn hóa Hoà Bình (20,000 – 5,000 TCN). Từ đó họ đã di dân lên vùng ven sông Dương Tử và động thời đổ ra biển định cư tại những bán đảo thuộc về Đài Loan, Nam Dương và Mã Lai bây giờ.
Là một người nghiên cứu trong ngành nhiễm sắc thể khoa biotechnology hơn 20 năm nay, tôi không khỏi khâm phục triết gia Kim Định với sự khám phá vượt thời gian của ông không bằng khoa học mà bằng phương pháp đối chiếu, so sánh và gạn lọc các tư tưởng triết học, huyền sử cổ học và sử chép.
Tôi khởi biết triết gia Kim Định qua những tấm poster trống đồng được in lớn và thật đẹp với lời chú dẫn về nền tảng triết lý và đạo sống của dân tộc cách đây 2500 năm qua những hình ảnh tạc trên mặt và tang trống. Tấm poster được đồ đệ của ông sáng tạo và phổ biến vào đầu thập niên 1980 tại San Jose đi khắp nơi và đã gây một sự định hướng mới về nguồn gốc dân Việt. Đây là lần đầu tiên trong trong ngót hơn 700 năm có một người giới thiệu lại trống đồng để cho các thế hệ biết đến di sản vô giá của tổ tiên Việt. Không những vậy triết gia Kim Định còn dùng hệ thống triết lý để nói lên ý nghĩa tiềm tàng trong trống. Cuốn Sứ Điệp Trống Đồng là tác phẩm đặt biệt trong nền triết học Việt.
Cố học giả Linh mục Vũ Đình Trác tưởng niệm về triết gia Kim Định:
“Nhờ công phu mở đường trở về Triết Ðông của Linh Mục Giáo Sư Bửu Dưỡng và Linh Mục Giáo Sư Nguyễn Văn Thích cũng như tâm huyết của Giáo Sư Nguyễn Ðăng Thục, chương trình Triết Học Ðông Phương được khai giảng tại Ðại Học Văn Khoa Saigon năm 1958. Sẵn đường trở về Ðông Phương, Linh Mục Giáo Sư Kim Ðịnh tiện đường, đơn thương độc mã, xông lên một bước táo bạo, mở đường đi vào Triết Lâm Việt Nam.
Trong suốt 16 năm trời, tại giảng đường Ðại Học Văn Khoa Saigon, Giáo Sư Kim Ðịnh đã ảnh hưởng sâu rộng cho cả một thế hệ thanh niên và sinh viên. Mặc dầu bao chống đối, Giáo Sư Kim Ðịnh đã im lặng xây dựng một hệ thống Việt Nho khá trung thực và hấp dẫn. Không ai có thể chối cãi công phu xây dựng và ảnh hưởng sâu rộng của ông trong lãnh vực văn hóa dân tộc. Từ Ðại Học Văn Khoa Saigon, Giáo Sư Kim Ðịnh mở rộng mặt trận tới các đại học khác: đại học Ðà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Ðức, Thành Nhân và An Giang. Chính trong giai đoạn này Giáo Sư Kim Ðịnh đã sáng lập ra chủ thuyết An Vi và Việt Nho.
Nhờ công khai thác và biên khảo, sáng tác của Giáo Sư Kim Ðịnh, những bậc thức giả khắp nơi đã suy tôn Giáo Sư là Triết Gia Việt Nam. Ảnh hưởng Việt Triết và Việt Nho của Giáo Sư Kim Ðịnh đã gây ý thức cho người Việt khắp nơi nhìn lại thực tại văn hóa của mình. Các đồ đệ của Giáo Sư Kim Ðịnh đã đáp ứng nguyện vọng của Thầy để khai thác và phổ biến Việt Lý của Thầy qua tổ chức An Việt. Các nhóm An Việt được thành lập khắp nơi: San Jose, Orange, Houston, Louisiana, Washington, D.C., Philadelphia, Seattle và tại Canada, Úc Châu, Anh, Pháp, Ðức, v.v… AN VI đã như luồng gió dân tộc bùng lên khắp nơi có người Việt định cư”.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (1), đại học Georgetown, Washington D.C. viết về Giáo sư Kim Ðịnh trong báo Ngày Nay số 121:
“Trong nỗ lực đi tìm một con đường Việt Tộc, nhân chủ, tự do, thì chúng ta phải kể ở hàng đầu công trình đồ sộ của Giáo Sư Kim Ðịnh. Ở đâu ông cũng thế, không phải sang Mỹ ông mới tìm “về nguồn”. Việc làm của ông trong tình cảnh mất mát vô biên, chẳng qua cũng chỉ là tiếp nối công việc của ông đã bắt đầu khi còn ở trong nước, khi còn ở miền Nam tự do. Từ 1962 tới 1975, ông đã hoàn tất được 23 cuốn triết học, tương đương với khoảng 7,000 trang một mảng tư tưởng mà không dễ mấy triết gia có thể so sánh được. Sự độc đáo ở nơi ông cũng đã là một chuyện quá rõ – dầu ta có đồng ý với ông hay không, thì ta cũng không thể phủ nhận được tính cách độc đáo của tư tưởng ông.
Ngày nay tham vọng cuối cùng của Giáo Sư Kim Ðịnh là sẽ dựng xong một bộ Kinh Việt (hiểu theo nghĩa “bible”) cho dân tộc ta. Ðể thực hiện tham vọng này, ông đã cho in lại hoặc đang in năm cuốn thuộc bộ “Ngũ kinh khải triết”, đó là: Hùng Việt Sử Ca, Kinh Hùng Khải Triết, Pho Tượng Ðẹp Nhất Của Việt Tộc, Sứ Ðiệp Trống Ðồng, Văn Lang Vũ Bộ (số lớn do nhà in H.T. Kelton xuất bản). Nếu ai hỏi tôi rằng có nên đọc hay không, thì tôi xin thưa ngay: dứt khoát là có. Tại sao – Tại vì nếu ta không nhất thiết đồng ý với hết cả ý kiến của ông, ta cũng sẽ được làm thân với một trong những bộ óc triết lý lớn nhất nếu không của nhân loại thì cũng của Việt Nam. Tôi nói điều này trong sự cân nhắc, cũng không khác gì câu tôi sẽ trả lời cho người nào hỏi: có nên đọc Platon hay Aristote không? Ðã nhất thiết gì ta đồng ý với Platon trong tác phẩm La république, nhưng ai không đọc tác phẩm đó, thì chắc chắn là mất đi một mảng hiểu biết rộng lớn về triết học Tây Phương. Cũng như vậy, ai không đọc Giáo Sư Kim Ðịnh cũng không sao, ông sẽ từ tốn mà “an vi”, để chờ một ngày kia người nọ sẽ tỉnh mộng mà trông thấy hết cả cái mất mát của mình.”
Trong bộ Tự điển Bách khoa Văn học ấn bản năm 2003 – 2004 tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Viện Văn học Quốc gia tại Hà Nội nhận định về triết gia Kim Định:
“Vậy thì những cuốn sách nói trên đã đến lúc cho phép chúng ta xác nhận lại thật rõ ràng một số đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Viêm Việt, một “bản quyền” vô giá của dân tộc Việt Nam mà người Trung Hoa giai đoạn du mục chưa thể có:
1. Đây là nền văn hóa nông nghiệp gắn liền với thiên nhiên, thời tiết, mùa màng, là sự hợp nhất giữa người và trời (thiên nhân hợp nhất), suy rộng ra là lòng yêu hòa bình, ghét chiến tranh, đặt văn lên trên võ, đặt nhân trị và lễ trị lên trên pháp trị.
2. Là nền văn hóa bắt nguồn từ cuộc sống định cư nên sớm định hình tình cảm yêu nhà yêu nước, trong khi du mục là cuộc sống lang thang nên chỉ biết có người đứng đầu. Vì thế giữa hai vế kết hợp về sau của đạo Nho là “trung quân ái quốc” thì trung quân vốn của Hoa tộc, ái quốc vốn của Việt tộc.
3. Là nền văn hóa đã trường kỳ chống lại sự xâm lăng của văn hóa du mục nên cũng là nền văn hóa sớm có sự cố kết về mặt tinh thần dân tộc; dân tộc tính là một tiêu chí định tính quan trọng của văn minh Lạc Việt và văn minh viễn Đông.
4. Là nền văn hóa mềm mại uyển chuyển (Nho = nhu), biết coi trọng âm hơn dương, coi trọng nữ giới hơn nam giới hay ít ra cũng thừa nhận nữ giới có những quyền, những ưu thế hơn nam giới – “lệnh ông không bằng cồng bà”.
5. Là nền văn hóa trọng “chiêu” hơn “mục”, trọng “tả” hơn “hữu”, tức là hướng về phương Đông và phương Nam, về nữ giới, về số lẻ, về hiền triết, về văn học nghệ thuật, về dân chúng, tóm lại hướng tới thuận hòa.
6. Là nền văn hóa sinh thành trên cơ sở cố kết đơn vị làng, coi làng là một thứ liên bang uyển chuyển mở rộng phần tự trị trong xã hội phong kiến, nơi đề cao vai trò người mẹ và người trưởng thượng, nơi hình thành những lễ tục dân gian cùng trường tồn bên cạnh luật lệnh của nhà nước như một kiểu văn hóa lưỡng nghi; làng cũng là tổ hợp của dân chúng đứng ra đương đầu với nhà vua khi cần thiết – “phép vua thua lệ làng”.
7. Là nền văn hóa tôn trọng thể chế gia đình như một giải pháp trung hòa giữa hai thái cực: muốn xóa bỏ tự do cá nhân vì lợi ích của công quyền và ngược lại, muốn phớt lờ mọi nghĩa vụ xã hội để đạt được tự do cá nhân. Tôn trọng thể chế gia đình khiến con người sống có tình và có lý, có quyền lợi và có nghĩa vụ, có trung và có hiếu.
Ý kiến của Kim Định thường được trình bày dưới dạng những giả thuyết làm việc mà không phải là những định đề áp đặt hoặc coi như đã giải quyết trọn vẹn. Mặt khác, vào những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, ông đã sớm có sự nhạy cảm trong việc tiếp nhận các phương pháp mới của triết học Âu Tây, chẳng hạn cấu trúc luận, phân tâm học, cả học thuyết tương đối của Albert Einstein nên có được cách lập luận đa dạng, với những thao tác không một chiều, cứng nhắc, giúp độc giả soi nhìn đối tượng từ nhiều phía, và làm cho luận thuyết của mình có sức hấp dẫn. Nhưng những điều ông đề xuất cũng như các luận điểm được ông chốt lại có những chỗ không tránh khỏi cực đoan, do không đủ cứ liệu, kể cả do thiên kiến, đã gây ra những phản ứng sôi nổi trong học giới, khiến nhiều người tin theo và cũng nhiều người bác bỏ. Mặc dầu thế, nhìn chung không thể không thừa nhận đấy là những tìm tòi đầy tâm huyết và có sức gợi mở không nhỏ, về một hệ thống vấn đề không kém quan trọng đang là ẩn số cần được tiếp tục giải đáp trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam”.
Giáo sư Trần Văn Đoàn của Đại học Quốc gia Đài Loan chia xẻ cảm tưởng:
“Trong gần một thập niên từ 1983-1992, người ta có thể nói cụ Kim Ðịnh là làm việc như một siêu nhân. Gần chục tác phẩm liên tiếp ra đời. Hội An Việt được thành lập, khêu lên tinh thần ái quốc, yêu chuộng sự khôn ngoan cũng như suy tầm về nguồn dân tộc, giúp những bạn trẻ và trí thức cảm thấy hãnh diện về dân tộc Việt mình nơi nơi quê họ đất người.
Từ các tiểu bang bên Mỹ, cho tới các nước tại Âu Châu, từ Gia Nã Ðại cho tới Âu Châu, nơi đâu cũng có phong trào Hùng Việt hấp dẫn cả ngàn người. Thật là một hiện tượng chưa từng thấy.
Trong những năm nay, cụ thường gửi tặng tôi những tác phẩm mới cũng như những tin tức về phong trào Hùng Việt và Hội An Việt của cụ. Tôi cũng nhận thấy, có nhiều tác phẩm đã thấm nhuần ảnh hưởng của cụ (những bài của Linh mục Trần Cao Tường, các anh Vương Kỳ Sơn, vân vân). Có thể nói mà không sợ lịch sử chê bai, cụ Kim Ðịnh có lẽ là một người trí thức Việt duy nhất có thể gây lên một ảnh hưởng như vậy.
Như tôi từng khẳng định công lao của cụ tại Viện Triết học của Trung tâm Khoa học Xã hội, Hà Nội (18/01/1997), Kim Ðịnh vượt xa Trần Ðức Thảo trong lãnh vực suy tư và trong tinh thần ái quốc, cũng như sự nhiệt tâm của kẻ sỹ.”
Trong cuốn Thái Bình Minh Triết, một tác phẩm còn lại của triết gia Kim Định được Linh mục Trần Công Nghị và nhà văn Quyên Di xuất bản ngay sau khi ông mất, Linh mục Trần Công Nghị tưởng niệm bằng những giòng chữ sau đây:
“Kim Định ôm hoài bão cánh chim Việt một ngày sẽ tung bay lên thượng tầng trời cao xanh, nơi đó đàn Chim Việt với nền Triết Việt Minh Triết là nguồn khởi thủy của một triết lý sâu xa, tiềm tàng sắc thái An Vi. Kim Định vẫn miệt mài khám phá, đi tìm và không ngừng minh chứng cho ta thấy được nguồn gốc oai hùng của Đàn Chim Việt.”
Công trình khai quật, sáng tạo và giúp hệ thống hoá một nền tảng Triết Việt là một công trình đồ sộ của thế kỷ thứ 20 mà có lẽ ít ai dám đơn thân độc mã như triết gia Kim Định đã làm. Tuy vậy ông vẫn thường coi việc làm của ông là một đóng góp nhỏ trong nền văn hóa lâu đời của dân Việt.
Ông nhìn thấy Việt Triết sống động trong những ý thức thực dụng đã đi sát với đời sống hàng ngày của dân tộc, nó là những nếp sống, những tư tưởng nằm trong tiềm thức được thấm nhuần qua tiếng nói, ca dao, lời ru, phong tục, được thể hiện và phát huy qua những bước chân âm thầm của các bà mẹ Việt, những người bố Việt trên những nẻo đường mòn của dân tộc trong bao thế hệ.
Những bước chân nhân chủ này thoạt trông tầm thường vì nó không đi trên những đại lộ huy hoàng xán lạn nhưng lại tiềm tàng chất chứa những cái gì phi thường nhất của một dân tộc.
(1) Theo hồ sơ của Georgetown University có nhân viên tên “Bich, Nguyen Ngoc, DATE SPAN: [10/01/1980]? – [01/31/1987]?”. Nguồn: FACULTY PERSONNEL RECORDS – PROVOST’S OFFICE. Box: 13 Fold: 11