Ngày 24, tôi và Hải đến TW Hội Đông Nam Á đóng lệ phí. Tôi đi hơi muộn vì còn chơi nốt ván game. hơn 10g tôi mới lọm khọm ra xe.
Trên đường đi thấy một cái nhà thuộc loại “lộ cốt” điển hình. Tôi vội chụp ảnh làm tài liệu để dạy học sinh các lớp Phong thủy sau này. Ấy là tôi cứ tưởng tượng thế. Chứ nếu gặp chỉ cần một chút rắc rối là tôi không dạy. Trong lớp phong thủy do tôi trực tiếp dạy, có một học viên phản biện tôi là tháp Eiffel ở Paris cũng lộ cốt sao vẫn nổi tiếng. Tôi biết ngay học viên này bị kẻ nào đứng đằng sau xúi bẩy, lập tức tôi cho suy nghĩ ba ngày để tìm hiểu, sau đó tôi giảng cho anh em và cả anh học sinh kia về tính năng của Tháp Eiffel và nhà ở khác nhau, rồi cho anh ta ra khỏi lớp. Tính tôi vậy. Tôi sẵn sàng tranh luận bảo vệ quan điểm có tính nguyên lý, lý thuyết. Còn ứng dụng tôi không tranh luận.
Hải thừa nhận với tôi là ngày xưa có thuê Cty làm việc ở đây, nhưng sau đó không thành công phải don đi. Xem Phong thủy thì phải xem từ đại cục rồi mới đến chi tiết. Nếu đại cục đã hỏng thì chi tiết có tốt cũng không bền. Bởi vậy ở nơi đông người, sinh khí vượng thì ở trong cái lều cỏ cũng bán được hàng là vậy. Nhưng tính chi tiết cũng rất quan trọng, tùy vị trí của nó. Thí dụ như cái đinh đóng thuyền nằm dưới đáy bị rỉ chẳng hạn. Bởi vậy, môn phong thủy rất phức tạp, rất cần một kiến thức phong phú.
Tối hôm ấy, Trạng Bờm, và hoangbr mời tôi đi ăn tối, tôi đã hẹn mà quên mất. Lại hẹn với Thế Trung. Thế là tôi lại mời luôn hai vị đi nhậu chung luôn. Tất nhiên Thế Trung khổ chủ. Lần trước tại nhà hàng Nhật Bản, có phong cách Sumo. Lần nay cũng lại nhà hàng Nhật Bản, nhưng phong cách Samurai. Bởi vậy, đồ ăn ít béo hơn.
Lần này Hải Phượng không đi được, chồng cô bé vẫn chưa khỏi hẳn. Cô bé mắc đưa chồng về quê, vì nhà bị đòi lại. Nhưng sức khỏe của chồng đã tiến triển tốt. Anh ta đã nhận được người thân của mình. Thật là may mắn. Tôi thích lao vào những việc khó khăn. Vì chỉ như vậy mới chứng tỏ được tính ưu việt của Phong thủy Lạc Việt thuộc về nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm bên bờ Nam Dương Tử. Vợ chồng Hải Phương bị xe lửa đụng, sống thực vật, y học hiện đại bó tay. Bệnh viện trả về. Đáng nhẽ ra theo tính toán của tôi thì anh ta khỏi lâu rồi. Nhưng vì lúc thì bà mẹ ở quê lên thay đổi toàn bộ cấu trúc phong thủy; lúc thì chủ nhà không cho thuê vì bán nhà…Lạy Chúa! Làm tôi rất hồi hộp. Việc tôi dùng Phong thủy Lạc Việt chữa bệnh cho chồng Hải Phương công khai trên mạng. Nếu thất bại, chắc không thiếu gì lời đàm tiếu. Đời nó vậy! Nhiều lúc tôi cũng buồn.
Hoàngbr và Trạng Bờm – người giới thiệu Hải Phương với tôi.
Ngày hôm sau 25. 1. 2011
Đáng nhẽ anh em chúng tôi đi sớm xuống Hướng Dương thăm mộ mẹ tôi. Nhưng cũng tại tôi loay hoay mãi, nên đi trễ. Trời có nắng ấm. Anh tôi bảo “Mẹ phù hộ đấy!”.
Đồ lễ, giấy tiền vàng bạc, em gái tôi là Ngân Hà nó lo chu đáo, chúng tôi chỉ việc mua hoa. Gần đến mộ, chúng tôi gặp một chỗ bán hoa tươi. Hoa tươi đúng nghĩa vừa mới hái từ trong vườn ngay cạnh chỗ bán hoa.
Nhìn mấy bông cúc đẹp quá, tôi chụp ảnh đưa lên đây để chia sẻ với các bạn ghé trang blog này.
Cổng nghĩa trang làng Hướng Dương.
Làng Hướng Dương là nơi mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Làng này nổi tiếng về nghề thêu. Mẹ tôi một thời gian dài sống bằng nghề này. Các chị em gái tôi đều rất giỏi thêu thùa, kể cả ông anh kế tôi. Chỉ có tôi và ông anh cả là không biết thêu thôi. Tranh thêu vốn là nghề thủ công nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng nghề thêu chắc cũng từ từ lui vào dĩ vãng, vì những giá trị nghệ thuật hiện đại và một cuộc sống hiện đại làm nó bị nhạt nhòa dần với thời gian.
Đầu cột nghĩa trang làng Hướng Dương. Đây là một nét của nghệ thuật trang trí, kiến trúc cổ đặc thù văn hóa Việt. Đó là những con chim Phượng được cách điệu quay về tứ phương, chụm đuôi vào nhau, như những quầng lửa bay lên trời. Nó tạo ra một hình khối cân đối, đầy đặn với những đường nét từ bố cục tổng thể đến chi tiết đều rất sắc sảo và đầy tính sáng tạo. Motip nghệ thuật này có thể tìm thấy ở những đền chùa cổ Việt Nam.
Anh em chúng tôi kính cẩn thắp nhang ban thờ Quan thần linh quản trang, xin phép đi thăm mộ thân nhân.
“Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”; “Trần sao, Âm vậy”, ấy là các cụ bảo thế và nó trở thành một sinh hoạt văn hóa của người Việt. Cũng không ít người Tây học cho rằng đây là điều “mê tín dị đoan” và có thể họ không cần thắp nhang khấn vái. Nhưng cá nhân tôi thì quan niệm rằng đây là sinh hoạt văn hóa cần được tôn trọng. Tôi cũng chưa hân hạnh gặp Quan thần linh bao giờ.
Nơi thờ Quan thần linh quản trang do một gia đình dòng họ Đỗ hảo tâm bỏ tiền ra xây dựng. Việc làm từ thiện của họ đã giúp cho những người như chúng tôi có nơi thờ cúng khang trang. Tôi đưa hình ảnh này lên đây như một sự tri ân với tấm lòng của họ.
Lễ Quan thần linh xong, anh em chúng tôi ra viếng mộ cậu ruột chôn gần đấy. Đây là em ruột của mẹ tôi. Sinh thời ông sống bằng nghề làm đạn súng săn, nổi tiếng ở phố Lò Đúc. Bản thân ông cũng là một tay săn rất giỏi với ngón đàn ghita tài tử. Cậu tôi thọ 76 tuổi.
Trên khúc đường làng quanh co, tôi chợt nhìn thấy một bụi tre làng, như cô đơn đang lặng lẽ bên bờ ao, giữa mùa Đông lạnh. Ngày xưa, trong các làng thôn ở miền Bắc Việt Nam, cây tre nhiều vô kể. Những sản phẩm sinh hoạt làm bằng tre, nứa như gắn liền với cuộc sống của người Việt. Nó là một phần của linh hồn văn hóa Việt. Chẳng thế mà hình ảnh cây tre đã làm chất liệu tạo nên một tác phẩm nổi tiếng và gắn liền với tên tuổi nhà văn Thép Mới với tựa là “Cây Tre Việt Nam”. Ngày nay, ở những vùng sâu, cũng còn đây đó những bụi tre làng. nhưng nó chỉ rải rác và không còn nhiều như trước. Những sản phẩm bằng tre mà bao thế hệ Việt Nam sinh ra và lớn lên cùng nó như: Rổ, rá, rế…..Cuộc sống hiện đại đã khiến nó dần dần lùi vào lịch sử…… Bởi vậy, nhìn thấy sự cô liêu của một bụi tre quê nhà, tôi không khỏi ngậm ngùi. Chụp ảnh bụi tre cô liêu này để chia sẻ với các bạn.
Anh em chúng tôi lau rửa ngôi mộ của mẹ tôi chu đáo.
Mẹ tôi đã thành người thiên cổ và sống với ngàn thu. Nhớ ngày xưa một thời tài sắc và bà đã để lại cho tha nhân những vần thơ trác tuyệt.
“Ải Bắc, quân thù kinh vó ngựa.
Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi”.
……
“Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá!
Trăng chếch. ngôi trời bóng lẻ soi”.
Ngân Giang Nữ sĩ
Thế nhân còn nhắc đến những bài thơ của bà. Nhưng rồi tất cả cũng tan vào hư không, bởi lẽ vô thường với sự lãnh lẽo của thời gian. Sự ấm lòng của người đã khuất chỉ còn là khói hương thành kính của những thế hệ con cháu của bà….
Một thời danh tướng, công hầu.
Giờ đây hương khói , lạnh màu thời gian….
Thiên Sứ
Em gái tôi không biết nó khấn cái gì mà lâu thế?
Con bé này cũng giầu tình cảm lắm. Hồi nhỏ, năm lên 10 tuổi, mẹ tôi dậy nó làm thơ. Nó làm một bài thơ cũng hay và giầu chất nhân bản.
Nhà tôi còn một con mèo.
Hai con kia chết vì nghèo mà thôi.
Thời gian vẫn lạnh lùng trôi.
Mà lòng tôi vẫn bồi hồi tiếc thương…..
Ngân Hà
Ngày xưa – chỉ cách đây hơn 50 năm trở về trước, làm giàu không dễ và ít người giàu. Còn bây giờ cơ hội làm giàu có thể đến với bất cứ ai. Thơ thẩn, văn chương hình như chỉ là sản phẩm của những thằng gàn. Có lần, một người bạn tôi khuyên tôi in thơ để bán. Tôi ngạc nhiên vì ý tưởng của cô bạn tôi siêu thực hơn cả “dị nhân đuổi mưa”. Đến thơ mẹ tôi – em tôi nó in bán mà còn ế thì thơ tôi mà đem bán thì thật không tưởng. Tôi in thơ chỉ để tặng cho các thân chủ. Họ nhận mà về xem cũng là may lắm rồi.
Đây là mộ thằng em tôi. Nó là bộ đội thuộc một đại đội trinh sát, bẩy lần dũng sĩ và là một trong số ít người lính của Trung Đoàn trở về sau chiến tranh. Nó là thương binh và mất năm 43 tuổi. Khi nó còn sống, anh em chúng tôi rất gắn bó với nhau. Ngày ấy, chúng tôi đều nghèo lắm. Bây giờ đỡ hơn, nhưng anh em chúng tôi cũng chẳng khá giả gì. Âu là cái số. Tất cả anh em chúng tôi đều biết xem Tử Vi. Mẹ tôi cũng vậy. Bởi vậy, chúng tôi chẳng phàn nàn gì với số phận cả.
Hồi còn trẻ, có lần tôi than với mẹ tôi: “Mẹ ah! Sao con thấy chán đời quá!”. Mẹ tôi đang xem sách, thấy tôi nói thế bà ngước nhìn tôi qua chiếc gọng kính, tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ơ! Cái thằng này lạ nhỉ? Tao lại cứ tưởng đời nó chán mày lâu rồi chứ?”.
Theo tục lệ viếng mộ, anh em chúng tôi thắp nhang cho những ngôi mộ xung quanh. Nhưng nếu chôn cất thì các cụ lại kiêng không được viếng mộ thân nhân, dòng tộc. Các cụ cho rằng làm như thế con cháu sẽ ly tán.
Trời lạnh, lại thêm âm khí nặng nề, anh em tôi mỗi người làm một hớp rượu.
Về đến nhà anh tôi, ông ấy giới thiệu một bài thơ của mẹ tôi làm từ thời xa xưa….Do một người yêu thơ là Lộc Vừng viết trên báo Phụ Nữ thì phải. Anh em chúng tôi đang cố gắng sưu tầm những bài thơ của bà để in một tập thơ đầy đủ nhất của Nữ sĩ Ngân Giang.