Những suy tưởng của Thiên Sứ tôi bắt đầu từ sự chứng minh Việt sử 5000 năm văn hiến, đã dẫn đến Lý học Đông phương và cuối cùng là chỉ thẳng đến Lý thuyết thống nhất vũ trụ. Tất cả những suy tưởng ấy tuân thủ theo tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học. Tôi đang chứng minh cho một lý thuyết đã hình thành và tồn tại trong lịch sử của một nền văn minh đã chìm sâu trong quá khứ. Một lý thuyết – trong lịch sử hình thành nên nó – có đầy đủ những yếu tố cấu thành theo tiêu chí khoa học, chứ không phải tôi xây dựng một học thuyết trên cơ sở những nhận thức trực quan và là sự tổng hợp những tri thức nền tảng có sẵn của thời đại. Bởi vậy, tôi không cần thiết phải minh chứng những gì mà những khái niệm, những quy ước, nguyên lý của lý thuyết đó đã ghi nhận mà tôi không phủ nhận nó. Tôi không bắt buộc phải làm điều này. Tôi chỉ có trách nhiệm phải chứng minh những gì tôi phủ nhận hoặc hiệu chỉnh. Thời đại lịch sử hình thành thuyết Âm Dương Ngũ hành không phải thời kỳ lịch sử phát triển của văn minh hiện đại. Cho nên, ngôn ngữ và khái niệm mô tả thực tại khác nhau. Nhận thức thực tại của người xưa khác người thời này. Có những cái người xưa nhận thức được, người thời nay thì không. Nhưng một lý thuyết khoa học phản ánh thực tại khách quan với khái niệm của nó tất yếu vẫn phải thể hiện đầy đủ tính khách quan, tính quy luật, tính hệ thống, nhất quán và khả năng tiên tri với sự giải thích hợp lý bằng khái niệm của nó hầu hết những hiện tượng và vấn đề liên quan. Hay nói rõ hơn, nó sẽ phải phù hợp với tiêu chí khoa học cho một lý thuyết được coi là khoa học.
Thuyết Âm Dương Ngũ hành – phục hồi nhân danh nền văn hiến Việt một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử với quốc hiệu Văn Lang – quốc gia đầu tiên của dân tộc Việt – đã đáp ứng đầy đủ những tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học và tiêu chí cho một lý thuyết thống nhất.
Một lý thuyết vượt trội đến mức huyền vĩ một cách kỳ bí so với tri thức khoa học hiện đại và vượt ra ngoài tất cả các niềm tin tôn giáo, vượt qua mọi không gian lịch sử văn hóa của nhân loại tồn tại đến ngày nay. Chỉ riêng sức sống bền bỉ đó, đã thấy được sự vĩ đại của nó. Tri thức khoa học hiện đại nhất, tiên tiến nhất cũng chỉ có thể chứng minh cho từng mảng kiến thức của nó và mơ hồ nhận thấy sự vĩ đại của nó.
Lý thuyết đó phản ánh một thực tại khách quan – tất cả mọi lý thuyết khoa học đều phải phản ánh thực tại khách quan – Đó chính là sự vận đông và tương tác của cả vũ trụ bao la và vô tận này, mà thuyết Âm Dương ngũ hành phản ánh bằng những ngôn từ và khái niệm của nó.
Hãy thử tưởng tượng một chút: Trái Đất này chỉ là hòn bi so với mặt trời như quả bóng đá. Trong không gian Thái Dương hệ, mặt trời chỉ là hòn bi so với cái lồng bàn đậy mâm cơm. Cả Thái Dương hệ này so với dải Ngân Hà lại chỉ là một hòn bi so với tòa cao ốc. Cà cái Ngân hà vĩ đại này với bao nhiêu điều huyền bí so với vũ trụ này lại chỉ là một hạt cát trên sa mạc lớn nhất mà con người có thể tưởng tượng ra được. Và cuối cùng là cả cái sa mạc các Thiên hà ấy lại nằm gọn trong một không gian vô tân. Tất cả vũ trụ bao la ấy đang tương tác với nhau trong sự vận động của nó. Nếu như chúng ta lấy một hòn bi với tất cả đám vi trùng lúc nhúc bám trên bề mặt hòn bi ấy và phóng to bằng kích thước trái Đất thì những con khủng long thời cổ đại thật là bé nhỏ.
Vậy con người trên trái Đất này quả là quá bé nhỏ so với cả vũ trụ mênh mông. Nếu Ngân Hà này thu nhỏ bằng hạt cát thì có thể nói rằng: Con người biến mất.
Cả cái sa mạc vũ trụ mênh mông ấy đang tương tác ảnh hưởng xâu chuỗi với nhau trong từng hạt cát Thiên Hà. Và cái hạt cát Ngân Hà đang chịu sự ảnh hưởng của những tương tác của cả cái sa mạc vũ trụ lên nó. Chỉ một sự vận động bất thường của một hạt cát nào đấy thì quy luật tương tác sẽ thay đổi lên cái hạt cát Ngân Hà này và nó sẽ ảnh hưởng đến một phần tử nhỏ bé trong hạt cát Ngân Hà đó là Thái Dương hệ và cả những gì có trên trái Đất này. Số phận con người mới mong manh làm sao trong vũ trụ bao la này.
Nhưng con người lại đang đi tìm một cái tế vi hơn rất nhiều lần so với chính nó. Nó đi tìm “Hạt của Chúa”. Đi tìm cấu trúc nhỏ nhất tạo nên cả cái vũ trụ bao la. Một thứ cấu trúc vật chất đồng nhất trong toàn vũ trụ và tạo nên vũ trụ có định tính. Thật là một điều không tưởng. Con người muốn đến gần Chúa hơn khi nó chẳng hiểu Chúa là gì. Hay nói cụ thể hơn, tham vọng của các nhà khoa học chính là có cơ sở đặt ra vấn đề – “Hạt của Chúa”, chứ không phải là một lý thuyết đáng tin cậy đặt ra vấn đề này, khi nó vẫn chưa xác định được sự khởi nguyên của vũ trụ trước trần thời gian. Khoa học hiện đại chưa có một lý thuyết hoàn chỉnh mô tả vũ trụ từ trạng thái khởi nguyên đến tất cả những gì đang xảy ra và khả năng tiên tri. Điều này chỉ có ở thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Âm Dương là một khái niệm căn bản của thuyết Âm Dương Ngũ hành, nó vừa có tính minh triết vừa có tính phản ánh thực tại. Với thực tại nó là khái niệm so sánh đối đãi và có những nguyên lý xuyên suốt nhất quán cho nó. Trong trường hợp này nó phản ánh bản chất của vạn vật trong vũ trụ sau khởi nguyên – theo quan niệm của nó là Thái Cực – từ hạt vật chất nhỏ nhất cho đến cả vũ trụ bao la này. Chỉ với khái niệm Âm Dương này đã xác định không thể có “Hạt của Chúa” theo nghĩa là một cấu trúc vật chất nhỏ nhất cấu thành lên toàn bộ vũ trụ. Bởi vì, nếu quả thực tồn tại một dạng vật chất như vậy thì tự nó lại phân Âm Dương và tự nó sẽ phủ định nó là duy nhất và đầu tiên. Bởi vậy, cuộc thí nghiệm sẽ thất bại.
Lời tiên tri về sự thất bại của thí nghiệm đi tìm “Hạt của Chúa” đã được Rin86 và Hoàng Triều Hải dịch ra tiếng Anh gửi thẳng đến ban quản lý dự án này. Đây không phải là lời tiên tri theo quẻ bói của phương pháp tiên tri Đông phương. Nó cũng không phải là một cảm ứng mang tính một mặc khải tâm linh. Mà nó nhân danh một lý thuyết thống nhất vũ trụ mà tôi đã xác định – Đó là thuyết Âm Dương Ngũ hành nhân danh nền văn hiến Việt. Lý thuyết này là sự tổng hợp những nhận thức quy luật vận động và sự tương tác trong sa mạc vũ trụ thuộc về một nền văn minh cổ đại đã bị hủy diệt. Những qui luật và sự tương tác ấy đã được ứng dụng trong các phương pháp tiên tri chi tiết đến từng hành vi của con người – một thực tại vô cùng nhỏ bé trong vũ trụ – có tính định lượng. Nhân danh lý thuyết huyền vĩ ấy, xác định rằng: Cuộc thí nghiệm hoành tráng và đầy kiêu hãnh của tri thức nhân loại hiện đại đi tìm “Hạt của Chúa” phải thất bại. Bởi vậy, trong thư gửi các nhà khoa học chủ trì cuộc thí nghiệm, Thiên Sứ tôi đã khiêm tốn mà viết rằng: Chúng tôi sẵn sàng chỉ ra sai lầm của cuộc thí nghiệm này.
Cho đến này hôm nay, 22 / 2 – 2010, khi truy cập trên google tìm thông tin về cuộc thí nghiệm này thì tôi được bài viết sau đây.
LHC tiến gần đến “những hạt của Chúa”
Cập nhật lúc 17h59′ ngày 09/12/2009
Máy gia tốc hạt lớn LHC đã khởi động trở lại từ ngày 20 tháng 11 và hoạt động tích cực để bù lại thời gian đã mất của hơn một năm phải tạm ngừng để sửa chữa. Những kết quả đầu tiên đã được công bố, sớm hơn đã dự định khoảng 2 tuần.
Trong đợt va chạm của các chùm proton, dự án mang tên ALICE (viết tắt của cụm từ A Large Ion Collider Experiment) đã thu thập được kết quả đầu tiên và công trình nghiên cứu này vừa được công bố trên Tạp chí mạng European Physical Journal C.
Máy gia tốc hạt lớn LHC.
Proton là những hạt mang 1 đơn vị điện tích dương, đó chính là hạt nhân nguyên tử Hydro. Thiết bị tạo va chạm như LHC được thiết kế để những hạt này va đập mạnh vào nhau sao cho chúng bị “vỡ” ra thành những phần tử nhỏ bé hơn, cho phép các nhà khoa học tìm hiểu những thành phần cơ bản nhất cấu tạo nên vật chất.
Với những kết quả ban đầu của LHC, nhóm dự án ALICE nhận thấy rằng, sự va chạm proton-proton được ghi lại vào ngày 23 tháng 11 đã tạo ra một tỷ lệ chính xác các hạt vật chất và phản vật chất, đúng như lý thuyết đã dự đoán.
Sự va chạm ấy đã xảy ra ở mức năng lượng thấp nhất có thể của LHC – mỗi chùm có năng lượng 450 tỷ electron-volt (GeV), để tạo ra sự va chạm 900 GeV.
David Evans, nhà vật lý từ Trường ĐH Birmingham, đứng đầu dự án ALICE, cho biết: “Chỉ xác định được các proton và phản proton ở mức năng lượng 900 GeV. Chưa bao giờ thấy 2 proton”.
Ông nói thêm: “Kết quả cho thấy rằng chúng tôi đã hiểu rõ thiết bị phát hiện (detector) của chúng tôi. Vì thế, khi tạo được va chạm mức năng lượng cao hơn, chưa biết câu trả lời sẽ ra sao, thì chúng tôi càng tin hơn vào những kết quả của mình”.
LHC đang tiến gần hơn tới những “hạt của Chúa”.
Với mức độ hoạt động hiện nay của máy gia tốc LHC, các va chạm năng lượng cao sẽ được thực hiện trước tháng hai năm 2010 và có thể trước cả Lễ Giáng sinh, Evans cho biết.
LHC có khả năng tạo ra những va chạm ở mức năng lượng 14 nghìn tỷ electron-volt (TeV) nhưng đa số các phát minh nhờ thiết bị này sẽ được thực hiện ở mức năng lượng thấp hơn nhiều.
Ví dụ các nhà khoa học đã dự đoán rằng những hạt boson Higgs, đôi khi còn gọi là “những hạt của Chúa” đã tìm kiếm rất lâu mà chưa thấy có thể được phát hiện ra tại một trong số ba mức năng lượng TeV.
Evans cho biết: “Nếu như vào tháng hai, chúng tôi tạo ra được mức năng lượng cao hơn, thì đó là một cơ hội tốt để phát hiện boson Higgs”. Nhưng sau nhiều tháng trì hoãn vì LHC hỏng phần điện, Evans và những đồng nghiệp đón nhận những kết quả của đợt va chạm đầu tiên với niềm lạc quan dè dặt.
Ông đánh giá: “Đây là một bước tiến lớn và tôi cho rằng mọi người đều rất phấn khởi. Nếu là một phi công thận trọng, thì tôi có thể nói rằng, chúng tôi đã cất cánh an toàn. Nhưng cuộc du hành chưa kết thúc”.
Theo VietNamNet (National Geographic)
————————————————
Đây là bài viết cuối cùng bằng tiếng Việt nói về cuộc thí nghiệm này. Bài viết vẫn xác định rằng: Thí nghiệm sẽ có kết quả vào trước tháng hai:
“Với mức độ hoạt động hiện nay của máy gia tốc LHC, các va chạm năng lượng cao sẽ được thực hiện trước tháng hai năm 2010”.
Bây giờ là ngày 22 tháng hai – 2010. Thiên Sứ tôi sẽ chờ cho đến khi nó thất bại và chấp nhận thất bại. Nếu như họ không cấp nhận thất bại vì một số tiền kinh khủng lên đến hàng trăm tỷ USD thì thời gian sẽ xác minh điều này. Không thể lâu hơn được nữa. Lúc ấy, cho dù họ coi như không nhận được thư của Thiên Sứ tôi và quên đi, thì ít nhất những người biết tiếng Việt vào trang lyhocdongphuong.org.vn , hay vào blog này thì họ cũng sẽ mơ hồ nhận thấy rằng:
Nếu như cái sa mạc vũ trụ mênh mông này chỉ cầm một sự chuyển động bất định của một hạt cát thiên hà trong đó thì thế gian này sẽ không thể tồn tại.
Và lúc ấy, những cái đầu tương đối thông minh sẽ hiểu được câu nói nổi tiếng của SW. Hawking rằng:
Nếu quả thực có một lý thuyết thống nhất thì nó sẽ quyết định con người có tìm ra nó hay không?
Đó chính là điều mà Lý học Đông phương gọi là “Định mệnh” giành cho mỗi con người – Một sinh vật được coi là tạo ra theo nguyên mẫu của Chúa. Nhưng nếu cả giải Ngân Hà này thu nhỏ bằng hạt cát trong cái sa mạc vũ trụ mênh mông này thì con người sẽ không được nhìn thấy bằng kính hiển vi điện tử.