Tôi ngậm ngùi khi nhận thấy những di sản văn hóa ngày càng bị hủy hoại bởi thời gian và bởi sự vô minh của chính con người. Muốn duy trì nền văn minh của nhân loại thì việc thiết yếu chính là bảo tồn những giá trị văn hóa. Cá nhân, hoặc một nhóm người có thể không cần đến những giá trị văn hóa. Nhưng cả một cộng đồng, hoặc một dân tộc và tương lai của cả nhân loại thì cần và rất cần. Không có văn hóa thì con người chỉ tồn tại như tạo hóa đã sinh ra trên thế gian này.
Đây là ví dụ:
(Trích)
========================================
Có còn di tích nữa không để trùng tu?
Tác giả: Ngọc Nguyễn
Tuanvietnam.vn
Bài đã được xuất bản.: 01/03/2011 06:00 GMT+7
Thành Sơn Tây: Thêm 2 lần thất thủ
“Sẽ chẳng cần phải quá lo lắng về thực trạng trùng tu các di tích lớn nữa đâu, vì cứ đà này sẽ chẳng còn nơi nào còn gọi di tích để mà lo lắng nữa…” – câu nói vui đó của nhà thơ Nguyễn Trung Sơn – nguyên Uỷ viên BCH Hội nhà văn Hà Nội, có lẽ thái quá, nhưng nó là sự chua xót, cám cảnh trước Thành cổ Sơn Tây qua các đợt trùng tu lớn nhỏ.
Toà thành này không tính lần thất thủ hơn 100 năm về trước dưới tay giặc Pháp, thì đã trải qua hai đợt trùng tu mà người dân vẫn tếu táo “thêm 2 lần thất thủ nữa”.
|
Kết quả trùng tu: đoạn tường thành mới toanh (trái) và gốc si cổ thụ vừa bị đốt (phải). Ảnh: Tuổi trẻ |
========================================
Trùng tu tôn tạo thành nhà Mạc (Tuyên Quang):
Dantri.com.vn
Đổi hơn 400 năm cổ lấy cái “lò gạch”
Gạch rêu ố, chỗ đỏ au, tường thành nứt toác, cây dại phong kín, những chùm thân rễ si cổ thụ uốn lượn như mãng xà. Người Tuyên Quang có phong trào chụp ảnh cưới bên trăm năm cổ thành, nhiều hoạ sĩ, nghệ sĩ đã đoạt nhiều giải thưởng qua các tác phẩm “sáng tác” bên vẻ đẹp bể dâu hiếm có đó. Nay, bỗng dưng, hai cái cổng cũ của thành Tuyên Quang bị “gọt bỏ rêu phong”, đắp điếm gạch mới và bêtông sắt thép vào, đỏ son, mới tinh. Nhiều người yêu lịch sử, văn hoá, kiến trúc bày tỏ quan điểm rõ ràng: Việc “khoác tấm áo mới” cho cổ thành hôm nay đã khiến toà thành từng là “pháo đài thép” bên bờ sông Lô kia đã… “thất thủ” vĩnh viễn. Nó thất thủ sau ngót nửa thiên niên kỷ trụ vững trước bao nhiêu là binh lửa, giặc giã, mưa dập gió vùi.
Bởi vậy, trước Tết, Thế Trung cho tôi biết về đình Chu Quyền ở Sơn Tây là một ngôi đình cổ được phục chế một cách hoàn hảo và UNESCO công nhận là công trình phục chế bảo tồn đạt tiêu chuẩn quốc tế khiến tôi rất mừng. Nhưng rất tiếc, những tháng cận Tết Thế Trung bận, nên không đưa tôi đi tham quan được. Đợt ra Hanoi lần này, Thế Trung có thời gian đưa chúng tôi đi tham quan đình Chu Quyến. Cùng đi tham quan đình Chu Quyến với gia đình Thế Trung còn có vợ chồng Hoàng Triều Hải và Trung Nhân.
Thế Trung cầm đầu phái đoàn…….
Chúng tôi ngồi chung xe với gia đình Hoàng Triều Hải.
Tất nhiên “trời nắng đẹp để chụp ảnh và se lạnh để có thể mặc ves….”. Đây là câu thành ngữ trong ngôn ngữ của tôi
.
Đình Chu Quyến
Trung Nhân và tam quan đình Chu Quyến.
Thế Trung bên cạnh cột đình Chu Quyến. Đằng sau là Trung Nhân đang chụp ảnh.
Vợ chồng Thế Trung.
Trước đây, vào năm 1988, một cao thủ trong làng Bốc Dịch đã tặng tôi một bộ Kinh Dịch và khuyên tôi nền nghiên cứu bộ sách này. Anh nói: “Sau này tôi sẽ nổi tiếng liên quan đến kinh Dịch”. Đến năm 1991 anh khuyên tôi nên học tiếng Anh. Ngày ấy, tôi không hiểu vì sao tôi lại nổi tiếng liên quan đến kinh Dịch. Nhưng sách anh ấy cho thì tôi vẫn nhận và ….để đấy. Tiếng Anh thì tôi không hiểu học để làm gì? Tôi không có tiêu chuẩn tiếp xúc với Tây vào năm 1991
. Sau này, khi cuốn sách “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch” ra đời vào năm 2001. Anh ấy lại phán: “Sau này sẽ có một tiến sĩ giúp anh làm sáng tỏ các luận điểm của anh”. Lúc ấy tôi không thể tin được. Tiến sĩ khoa học thì liên quan quái gì đến Lý học Đông phương nhỉ? Nhưng bây giờ tôi nhận thấy rằng chính Thế Trung đã giúp tôi nhiều mặt làm sáng tỏ những mối liên hệ giữa khoa học hiện đại và một số vấn đề liên quan đến luận điểm của tôi về thuyết Âm Dương Ngũ hành. Trong giới bốc Dịch, tôi thực sự vì nể ba người mà tôi biết. Đó là Thiên Cơ, Dương Tường và anh bạn tôi. Đây là lời khuyên tiếp theo của bạn tôi: “Sau này anh sẽ được mời tham quan và nghiên cứu Kim Tự Tháp. Nhưng không nên đi. Anh sẽ chết sau khi trở về!”. Tôi sẽ cứ đi, tất nhiên là khi chấp nhận….chết sau đó.
Thiên Sứ và Thế Trung trong đình Chu Quyến
Vợ chồng Hoàng Triều Hải và Thế Trung.
Gia đình Thế Trung và hai con trai
Thằng bé vô tình làm sút cái thùng múc nước rơi xuống giếng. Thế Trung dẫn con vào xin lỗi các cụ từ đình. Thế Trung dạy con rất kỹ ngay từ hồi còn thơ ấu. Nền giáo dục của cả một quốc gia cần phải bắt đầu từ những đứa trẻ.
Trung Nhân
Trung Nhân vốn là giám đốc một Cty chuyên về mạng, là học viên lớp Phong Thủy Lạc Việt nâng cao. Có thể coi đây là lớp Trung Cao về Phong thủy Lạc Việt. Trung Nhân theo tôi ra Hanoi đợt này. Đi đâu tôi cũng cùng đi với Trung Nhân và giảng giải cặn kẽ những điều liên quan đến Phong Thủy Lạc Việt từ Âm trạch đến Dương trạch….
Thiên Sứ
Vợ chồng Hoàng Triều Hải.
Lãng mạn đấy chứ! Tình ra phết. Hi. Vợ Hoàng Triều Hải, cô bé Ngọc nấu ăn thuộc hạng xuất sắc.
Cung Thê của Hải là một trong những cung tốt nhất của lá số Tử Vi. Tôi khuyên Hải nên phát huy tác dụng của cung Thê bằng cách chiều bà xã. Hải xác định chiều trên mức trung bình. Hi.
Lại chụp ảnh…..
Chuyến đi rất thú vị. Có thể nói rằng việc phục chế lại đình Chu Quyến đã được thực hiện một cách xuất sắc. Hoàn toàn khác hẳn cách làm dốt nát và mang tính phá hoại một cách vô trách nhiệm. – có lẽ dùng từ này chính xác hơn – như những gì mà ai đó đã làm với các di sản khác.Có lẽ tôi cần phải lưu ý rằng: Vô trách nhiệm là sự tự vô hiệu hóa quyền lực.
Những chiếc cột đình gỗ lim to bằng hai người ôm vô cùng quý hiếm, trải qua nhiều thế kỷ đã bị mọt ăn rỗng ruột. Với sự sáng tạo và kỹ thuật tiên tiến và tâm huyết, những nhà phục chế tài ba đã giữ lại cái vỏ bên ngoài của những cây cột đình quý hiếm có từ hàng thế kỷ trước xác định sự cổ kính của nó bằng cách lồng vào trong ruột những cây cột này chất liệu bảo đảm cho sự tiếp tục tồn tại với chức năng của nó.
Cột đình sau khi được phục chế.
Tài năng của người phục chế đình Chu Quyến đã giữ lại được những hình ảnh cổ xưa trang trí trong đình mang một nội dung bí ẩn của nền Lý học Đông phương cần tiếp tục khám phá. Hai hình minh họa trên đây là một ví dụ. Tham quan đình Chu Quyến xong, chúng tôi đế đình Tây Đằng gần đó. Có thể nói những ngôi đình cổ vùng Kinh Bắc này đang cất giữ một phần những bí ẩn của nền văn minh Đông phương.
Trân trọng cảm ơn tác giả đã phục chế ngôi đình Chu Quyến này…..
GIỚI THIỆU ĐÌNH CHU QUYẾN
Để đến di tích có thể đi theo đường sau: từ Hà Nội, theo đường quốc lộ 32 đến thị xã Sơn Tây, theo hướng Trung Hà đến km số 9 (phố Nả) rẽ phải đi vào khoảng 500m là tới đình Chu Quyến.
Đình thờ Nhã Lang Vương, con trai của Lý Phật Tử và bà Lã Thị Ngọc Thành. Ông là một trang tuấn tử, văn võ song toàn, chí lớn thông minh, đức độ hơn người. Ông có công lớn thống lĩnh hai đạo quân thuỷ bộ đánh tan sự xâm lăng của nhà Tuỳ. Để nhớ công ơn của ông, nhân dân đã lập lăng thờ gọi là lăng Cấm (lăng Thánh Hoá) vẫn còn tồn tại là một ngôi đình tám mái ở Chu Quyến hiện nay.
* Đặc điểm kiến trúc:
Đình Chàng có cấu trúc theo hình chữ “Nhất” có một toà Đại đình. Đại đình là một kiến trúc đồ sộ gồm 3 gian 2 chái lớn, một tầng bốn mái với các đao cong vút. Đại đình có mặt bằng hình chữ nhật với diện tích 395m2. Thành phần chịu lực chính của Đại đình là hệ khung gỗ. Bộ khung kết cấu kiểu 6 hàng cột đều bằng gỗ lim, dựng theo kiểu thượng thu hạ thách, 4 cột cái gian giữa có đường kính tới 81cm. Tiếp đến là các cột cái gian bên có đường kính 60cm, các hàng cột quân và cột hiên có đường kính tương đối đồng đều nhau 50cm. Hệ thống cột được đặt trên các chân tảng bằng đá được đục đẽo kỹ lưỡng.
Cột đình Chàng nổi tiếng từ xưa, được thể hiện trong các truyền thuyết, ca dao, tục ngữ dân gian và trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân làng Chu Quyến mà còn của cả vùng. Tương truyền xưa có cây gỗ to trôi dọc theo sông Hồng về đây, nửa gốc làm cột đình Chàng còn nửa ngọn làm cột đình Bom (hay đình Kiêng thuộc thôn Quang Húc, xã Đồng Quang). Sự bề thế to lớn của ngôi đình Chàng còn được lưu truyền trong dân gian với câu ví von “to như cột đình Chàng”, hay nhắc đến cùng với các vật phẩm nổi tiếng trong vùng: “cột đình Chàng, trống Vật Lại, mõ Cổ Đô”. Trong xã hội xưa, để gắn tình cảm gia đình với tình cảm quê hương trong sự tin cậy, người xứ Đoài còn nói: “con một như cột đình Chàng”.
Đại đình có 4 bộ vì chính liên kết bởi các thanh xà dọc tạo thành các bước gian với các vì mái theo kiểu chồng rường.
Câu đầu là những thân gỗ lớn đường kính tới 60cm vươn gối lên hai đầu cột cái đỡ vì nóc. Liên kết giữa dạ câu đầu với hai đầu cột cái qua đấu vuông thót đáy.
* Nghệ thuật điêu khắc trang trí:
Không chỉ có một phong cách kiến trúc độc đáo mà nghệ thuật điêu khắc trang trí ở đình Chu Quyến cũng không kém phần đặc sắc. Thể hiện qua điêu khắc trang trí trên đất nung và trên cấu kiện gỗ. Theo các nhà nghiên cứu, đình Chàng là một trong số ít những ngôi đình còn lưu giữ được các con giống bằng đất nung trên bờ nóc con xô, kìm nóc, đầu đao . . . Con xô tại hai đầu hồi mái có dáng phủ phục hướng về phía trước, hình tượng giống với con lân, thân mảnh các đao lửa từ thân hướng thẳng lên trời.
Một loạt các con giống bằng đất nung khác rất đẹp nằm trên bờ guột đầu đao, đang bò quay lưng về phía đầu đao, miệng há rộng ngậm bờ guột hoa chanh. Hình tượng đầu rồng bằng đất nung ở các đầu đao, đầu rồng mảnh thanh thoát, mắt to trợn tròn, miệng há rộng hướng về phía các đao lửa trên bờ guột. Mái của đình là nơi tập trung nhiều trang trí điêu khắc bằng đất nung và đắp vữa. Trên bờ nóc, đầu đao, vỉ ruồi đều có các mảng trang trí thể hiện hình ảnh các mây lửa mềm mại. Kỹ thuật trang trí bằng đất nung ở đình Chu Quyến có giá trị nghệ thuật khá đặc sắc.
Một trong những nét đặc sắc của đình Chu Quyến đó là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên cấu kiện gỗ mà trước hết phải nhắc tới hình tượng rồng. Rồng là đề tài chủ đạo ở đình Chàng và được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Rồng thường được nhìn từ phía bên với các đặc điểm: miệng rộng, hàng răng đều, tai như tai thú to, thân mập và vảy rõ ràng, thân rồng chìm trong đao mác, với các vân xoắn lớn làm gốc đao được thể hiện mềm mại như mây, nước . Trên các đầu dư đỡ câu đầu, ở các bức cốn, là các nét chạm khắc rồng đang há miệng đớp viên ngọc, mũi nhô cao, hai mắt mở to tròn, trên trán và đuôi mắt có các đao mác vuốt dài ra phía sau. Trong nghệ thuật trang trí kiến trúc đình làng hình tượng rồng luôn là chủ đề xuyên suốt, xuất hiện trên hấu hết các mảng chạm của đình.
Ngoài đề tài rồng, phượng, nghệ thuật điêu khắc ở đình Chàng còn có các đề tài khác về con người. Hình tượng người thể hiện trên các bức chạm với khuôn mặt tròn đều đặn, đầu búi tó (ở mảng chạm trên ván gió cung thờ), qua các hoạt cảnh người cưỡi hổ, cưỡi voi, tướng cưỡi ngựa (các điêu khắc gỗ được gắn trực tiếp lên thân các cột cái hai gian bên), đấu vật (ở bức cốn vì nách phía sau gian giữa) hay cảnh mả táng hàm rồng (ở bức cốn vì nách trước gian bên phía nam) với nét chạm mềm mại: đầu to, mặt tròn, môi dày, mắt nhỏ, tai to, dáng mập.
Những mảng trang trí chạm khắc gỗ mẫu mực ở đình Chu Quyến mang phong cách nghệ thuật của những thế kỷ trước. Các đề tài phong phú với nét chạm khắc tinh xảo thể hiện sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân thời xưa. Đình Chu Quyến là một trong số ít các di tích kiến trúc gỗ cổ hiện còn tồn tại và còn bảo tồn khá đầy đủ các thành phần gốc từ kiến trúc đến trang trí. Trong đình hiện tại còn lưu giữ những thần tích và các di vật cổ có giá trị lịch sử to lớn, đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn phong thần cho Nhã Lang Vương. Bên cạnh đó đình còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của người dân trong làng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là nơi hội họp, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa – xã hội của cộng đồng làng xã, đúng như chức năng là trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo của người dân từ bao đời nay.
Tất cả cho thấy đình Chu Quyến là công trình kiến trúc tín ngưỡng tiêu biểu của vùng cũng như của cả nước. Với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và các hiện vật còn lưu giữ được tại đình đã góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu lịch sử vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa – vùng đất cổ xứ Đoài.
Bài viết này tôi đã biên tập lại từ nguồn baotangvietnam. Tôi cho rằng đình Chu Quyến có từ rất lâu trước thế kỷ XVII. Khi rảnh tôi sẽ viết lại bài khác, thay thế cho bài này.
BÀI CHƯA HOÀN CHỈNH.