BẢN CHẤT CỦA VẤN ĐỀ

Có nhiều cách giật “tit” khác nhau giữa các tờ báo mạng chính thống. Nhưng có điều chắc chắn rằng không có tờ báo tiếng Việt nào có hàng chữ “Cuộc gặp mặt lịch sử giữa hai cường quốc Hoa – Mỹ đã thành công tốt đẹp” và nó không nằm ngoài nhận xét của tôi. Cuộc đón tiếp long trọng nguyên thủ Trung Hoa tại Nhà Trắng chẳng qua nước Mỹ muốn tỏ ra tử tế và tính thiện chí hòa bình trước bàn dân thiên hạ qua những cử chỉ thân thiện, thể hiện ở những buổi đón tiếp và chiêu đãi hoàng tráng. Nhưng rất tiếc, các nguyên thủ lại không gặp nhau để gầy độ ăn nhậu như Thiên Sứ tôi. Những vấn đề gọi là “nhân quyền” thực ra chỉ là nghi lễ ngoại giao về nội dung, bàn cho vui. Nó cũng giống như bàn về cái bắt tay theo lối Tây tỏ ra thân thiện hơn, hay cúi chào theo lối Nhật Bản long trong hơn vậy! 45 tỷ dol ký kết thương mại tuy to thật, nó khiến cho những kẻ sống giang hồ, không nhà không cửa như Thiên Sứ tôi trợn tròn  mắt, lùng bùng lỗ tai thật, nhưng chỉ là muỗi so với sự vênh nhau về thặng dư giá trị xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia này. Nhưng ngay cả vấn đề này cũng chỉ là mấy nốt nhạc dạo cho bản nhạc quyền lực thế giới.
Bản chất của vấn đề của cuộc gặp này chính là sự biết điều với nhau và ai là kẻ được ăn to nói lớn trước bàn dân thiên hạ. Bởi vậy, vấn đề không phải là trên bàn tiệc nhậu với món gì mà là Hoa Kỳ có phải là siêu cường bá chủ hay không? Về bản chất nó cũng giống như cuộc họp bí mật nhất thế giới giữa tổng thống Liên Xô và Hoa Kỳ trước đây ở Địa Trung Hải và sau đó thì Hoa Kỳ giữ địa vị siêu cường số một thế giới. So với bí mật này thì những cái gọi là bí mật của cái trang web Wiki Leaks 
chỉ là bí mật hạng bét, mà người ta có thể gọi là bị lộ khi nó có lợi cho sự hướng dẫn dư luận. Bản chất cốt lõi thì giống nhau, nhưng thời thế mỗi lúc một khác. Bởi vậy cuộc họp trước đây nó mới không có quốc lễ 21 phát đại bác và những bữa tiệc hoàng tráng, mà chỉ có hai nguyên thủ trực tiếp nói chuyện với nhau trong khoang tàu kín mít, không có phiên dịch (Không biết họ có được phục vụ nước khoáng tinh khiết không nhỉ

). Còn bây giờ thì khác hẳn. Rất hoàng tráng, phóng viên đông như kiến, cả thế giới đều biết món mặn trên bàn tiệc có vừa ăn không và ngài Obama mời ngài Hồ Cẩm Đào dùng món gì trước. Nhưng rất tiếc! Cái bản chất của vấn đề nó không nằm ở nước khoáng tinh khiết hay quốc tiệc hoàng tráng. Mà là ở sự biết điều với nhau, mà Lý học Đông phương gọi là “biết mình, biết ta”. Ngài nguyên thủ Trung Hoa tuyên bố “Trung Quốc không có tham vọng làm bá chú thể giới”. Rất thiện chí! Ít nhất Thiên Sứ tôi ủng hộ nhiệt liệt phát biểu của ngài Hồ Cẩm Đào. Nhưng vấn đề không phải là Thiên Sứ tôi vỗ tay ủng hộ phát biểu của nguyên  thủ Trung Hoa, mà là ngài Obama nghĩ thế nào.
Phàm chơi cờ, ai là kẻ tính được nhiều nước hơn sẽ là kẻ chiến thắng cuối cùng. Những nước đi của bàn cờ thì đơn giản – nó chỉ xấp xỉ 30 nước là kết thúc một ván cờ tướng cho những cao thủ thực sự. Người giỏi chơi cờ có thể đoán được khi đã vào thế. Nhưng 
“Mẹo cờ bạc không dùng được việc quân cơ. Cựa gà trống không đá thủng được áo giáp”, chuyện thế giới thì không đơn giản như chơi cờ.   Bởi vậy, việc biết trước quả là điều quan trọng vậy.
Rồi đây cái gì sẽ xảy ra cho thế nhân? Có ai biết được điều này? Thật là một điều buồn. Nhà tiên tri Vanga cho rằng chiến tranh thế giới thứ ba sẽ xảy ra. Nhưng Thiên Sứ tôi vốn lạc quan – Người Việt vốn lạc quan, ít nhất có bài báo hẳn của Tây alo như vậy – nên không nghĩ rằng sự việc sẽ buồn như bà Vanga nói. Nếu chẳng may bà Vanga nói đúng thì rầu quá nhỉ?
========================================================


Nhìn hình thấy ngài Obama bóp trán suy tư mà buồn quá! Chắc không phải vì trên bàn tiệc thiếu món gà rán Kentucky!

========================================================
Trung, Mỹ vẫn ‘cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt’?

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :6:01 AM, 22/01/2011
Kết quả chuyến đi mang tầm vóc lịch sử của Chủ tịch Trung Quốc đến Mỹ dường như không khả quan như những tuyên bố “hoa mỹ” của hai nhà lãnh đạo.

>> ‘Tuần trăng mật’ chớp nhoáng trong quan hệ Trung – Mỹ?

Nghi thức hào nhoáng

Với 21 phát đại bác chào mừng, quốc tiệc hoành tráng và nhiều lễ nghi long trọng, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào được Mỹ đón tiếp một cách trang trọng nhất.

Đích thân Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đón lãnh đạo Trung Quốc khi máy bay chở ông Hồ Cẩm Đào tới căn cứ quân sự ở bang Maryland. Quốc ca hai nước vang lên khi ông Hồ Cẩm Đào và ông Biden đứng trên thảm đỏ tại đường băng ở phi trường quân sự.

Chủ tịch Trung Quốc sau đó được đưa tới Nhà Trắng tham dự một bữa tiệc riêng hiếm hoi do chính Tổng thống Obama chủ trì. Ngoại trưởng Hillary Clinton và cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon cũng tham dự.

 

Ông Hồ Cẩm Đào được đón tiếp long trọng tại Nhà Trắng.

 

Sau Washington DC, ông Hồ Cẩm Đào tới Chicago, gặp các lãnh đạo và doanh nhân địa phương. Ông cũng sẽ đi thăm một trung tâm tiếng Hoa ở một trường trung học và thăm một cơ sở sản xuất phụ tùng ô tô của người Trung Quốc.

Một ngày sau đó, lễ đón tiếp hoành tráng, trọng thể và đầy đủ nhất được dành cho Chủ tịch Trung Quốc. Không chỉ vậy, một quốc yến long trọng cũng được giới chức Mỹ chuẩn bị chu đáo để thết đãi Chủ tịch Trung Quốc.

Đây là quốc tiệc thứ 3 Tổng thống Obama tổ chức trong nhiệm kỳ của mình và là quốc tiệc đầu tiên dành cho một nhà lãnh đạo Trung Quốc trong vòng 13 năm qua.

Đại yến tiệc 19/1 quy tụ đến 225 khách mời, trong đó có những nhân vật cao cấp trong giới chính trị, kinh doanh và cả những người nổi tiếng gốc Trung Quốc như diễn viên Thành Long, nhà thiết kế Vera Wang, nghệ sĩ đàn cello Yo-Yo Ma…

Lời lẽ bóng bẩy

Tổng thống Obama nhấn mạnh khi chúc rượu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong quốc tiệc: “Dù thật dễ nhìn vào sự khác biệt giữa chúng ta về văn hóa hay quan điểm, chúng ta đừng bao giờ quên những giá trị chung của hai dân tộc”.

Đáp lại, ông Hồ Cẩm Đào cũng cảm ơn lòng mến khách của Mỹ và khẳng định: “Mục đích chuyến thăm của tôi là nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy tình hữu nghị, làm sâu sắc sự hợp tác và đưa quan hệ Trung – Mỹ phát triển theo hướng tiến lên tích cực, hợp tác toàn diện sâu rộng trong thế kỷ 21”.

Những lời lẽ “tung, hứng” hoa mỹ đó cũng xuất hiện “dày đặc” trong cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo trước đó.

 

Hai nhà lãnh đạo dành cho nhau những lời lẽ bóng bẩy.

Tổng thống Obama đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, coi đây là một cơ hội để đặt nền móng cho mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc trong vòng 30 năm tới.

Ông Obama khẳng định: “Dù hai quốc gia có quan điểm khác biệt liên quan đến nhân quyền và một số vấn đề khác, song sự khác biệt này không ngăn cản Mỹ và Trung Quốc hợp tác trong các vấn đề quan trọng”. Ông còn nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên giàu có và an ninh hơn nếu hai nước cộng tác với nhau.

“Hoa văn” không kém, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có “ý nghĩa chiến lược và ảnh hưởng toàn cầu”. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, trong hoàn cảnh mới, với thách thức mới, Trung Quốc và Mỹ cần chia sẻ các lợi ích chung và có trách nhiệm chung đối với các vấn đề nổi bật trên thế giới.

Người đứng đầu Trung Quốc cũng khẳng định, mối quan hệ Trung – Mỹ có lịch sử phát triển bền vững và thuận lợi vì cả hai quốc gia đều tôn trọng lợi ích của nhau.

Kết quả hạn chế

Tuy nhiên, hàng loạt tuyên bố hoa mỹ vẫn không thể che giấu những khác biệt rõ rệt trong quan điểm của hai nhà lãnh đạo.

“Dù hai bên cùng quan tâm tới việc tạo dựng hình ảnh tin cậy cho mối quan hệ chắp vá sau một năm đầy xung đột, song đều không muốn từ bỏ lập trường riêng của mình”, ông Michael Green, chuyên gia tư vấn của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W.Bush và hiện là nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington nhận định.

Theo ông Michael Green, dù ông Hồ Cẩm Đào tỏ ra nhượng bộ, công khai thừa nhận “vẫn còn nhiều việc phải làm về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc”, song khẳng định Trung Quốc có nhiều tiến triển trong lĩnh vực này. Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục đối thoại về nhân quyền nhưng phải trên cơ sở tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Thêm vào đó, vấn đề tỷ giá tiền tệ cũng vẫn tạo “hố sâu” ngăn cách hai cường quốc này. Tổng thống Obama nhấn mạnh, Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa để đánh giá lại đồng tiền của mình nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước.

Trái lại, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cho rằng, mất cân bằng cán cân thương mại hai nước do nhiều nguyên nhân. Nếu chỉ xuất hiện mất cân bằng cán cân thương mại thì không phải là vấn đề tỷ giá, mà là rào cản cũng như tự do hóa thương mại. “Mỹ cần dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư dễ dàng hơn vào Mỹ”, ông nhấn mạnh.

 

Hai bên vẫn còn quá nhiều bất đồng.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đa số người Mỹ vẫn coi nền kinh tế Trung Quốc là mối đe dọa cho việc làm ở Mỹ, hơn là cánh cửa cho các khoản đầu tư mới, một quan niệm mà Tổng thống Obama tìm cách thay đổi bằng cách ca ngợi các thỏa thuận vừa đạt được. Ông cho rằng, các thỏa thuận này có thể giúp tăng xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc thêm khoảng 45 tỷ USD và tạo thêm 235.000 việc làm cho người Mỹ. 

Tuy nhiên, ông Scott Paul, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà chế tạo Mỹ, người luôn phê phán các chính sách của Trung Quốc nhận định: “Các thỏa thuận kinh doanh, dù quan trọng, cũng không thể thay thế được cam kết của Trung Quốc trong việc chấm dứt thao túng tiền tệ và trợ cấp bất hợp pháp cho nền công nghiệp của mình”.

Hơn nữa, “phản pháo” lại cam kết “không bành trướng” của Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Obama quả quyết, Washington muốn thấy việc trỗi dậy của Bắc Kinh được thực hiện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp củng cố an ninh và hòa bình quốc tế thay vì trở thành nguồn gốc của xung đột tại châu Á hay những nơi khác trên thế giới.

Về phần mình, ông Hồ Cẩm Đào cam kết “Trung Quốc sẽ tiếp tục con đường phát triển hòa bình và thực hiện chiến lược mở cửa các bên cùng có lợi” trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều lời hứa hợp tác như vậy giữa hai nguyên thủ trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Obama tháng 11/2009 đi vào quên lãng. Khi nhậm chức, ông Obama cũng nói nhiều tới triển vọng hợp tác Mỹ-Trung trong xử lý các vấn đề của thế giới, song chính quyền của ông lại ngày càng đối đầu với Trung Quốc hơn trong các vấn đề thao túng tiền tệ, thương mại…

Vì vậy, giới chuyên gia đánh giá, chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa thể hạn chế được những “điểm vênh” cơ bản trong “bản hợp xướng Mỹ – Trung”.

Trà My (tổng hợp)
Bài này đã được đăng trong Bình luận. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.