MAI HOA VIỆT DỊCH KHÓA II.

 MAI HOA VIỆT DỊCH KHÓA II.


Lớp Mai Hoa Việt Dịch khóa II sẽ khai giảng sau khóa Địa Lý Lạc Việt và sau khi tôi hoàn chỉnh 4 bài còn nợ các học viên khóa I của tôi, vì lý do sức khỏe.
Có thể nói đây là khóa học độc đáo nhất, mô tả những quy luật của thiên nhiên, vũ trụ và con người giữa nền Lý học Đông phương – nhân danh nền văn hiến Việt – và liên hệ đối chiếu với những tri thức khoa học hiện đại nhất> Kể cả Vật Lý Lượng Tử. Nó là một con đường tiếp theo hai tiền đề, được mô tả trong cuốn sách”Tìm Về cội nguồn kinh Dịch” & “Minh triết Việt trong văn minh Đông phương”, để dẫn tới sự hoàn chỉnh thuyết ADNh& kinh Dịch với tư cách là một Lý thuyết thống nhất vũ trụ.
Những hệ luận mô tả sự khởi nguyên của vũ trụ sau giây O đến trước Trần Thời gian và quy luật vũ trụ phát triển trong lịch sử vũ trụ, nhân danh nền văn hiến Việt, được giảng trong khóa MHVD, tuy chưa được phổ biến và công nhận rộng rãi. Nhưng nó lại phù hợp một cách logic, có tính hệ thống, nhất quán và hoàn chỉnh với những di sản còn lại của Lý học Đông phương và của cả các nền văn minh cổ đại trên thế giới – đã được mô tả trong cuốn “Minh triết Việt trong văn minh Đông phương”. Không chỉ dừng lại ở đấy, sự mô tả lịch sử vũ trụ từ giây “O” trong khóa MHVD I & II, còn là một sự mô tả phù hợp với tất cả những hiện tượng quan sát được của nền Vật Lý Thiên Văn học hiện đại với các lý thuyết khoa học hiện đại nhất. Điều này, cho thấy một hệ luận có tính hợp lý bao trùm, từ tổng thể đến chi tiết, xuyên không gian và thời gian với nhận thức vũ trụ của nền văn minh Atlantic.
Trong khóa MHVD này, mô tả một các rõ ràng hơn, nhắm xác định rằng: Thuyết ADNh & Kinh Dịch chính là LÝ THUYẾT THỐNG NHẤT, thuộc về nền văn minh Atlantich, được phục hồi nhân danh nền văn hiến Việt.
Có thể nói: Khóa Mai Hoa Việt Dịch, không nhằm mục đích đào tạo những thày bói. Mặc dù học xong, cũng có thể xem bói. Trong khóa này, chủ yếu tôi mô tả những quy luật vũ trụ từ khởi nguyên> Giây O và sự vận động tương tác mang tính quy luật hình thành vũ trụ này, thông qua những ký hiệu của hệ Nhị Phân – chính là những quẻ Dịch.
Sự phục hồi nhân danh nền văn hiến Việt về lịch sử vũ trụ từ giây O, được trình bày trong khóa MHVD, đã phản bác thuyết Big Bang, trong việc mô tả trạng thái khởi nguyên của vũ trụ. Có thể nói: Tôi không phải là người duy nhất phản bác thuyết Big Bang. Có không ít các nhà khoa học tinh hoa, cũng hoài nghi và không tán thành học thuyết này. Nhưng họ không đưa ra được một lý thuyết khác thay thế.
Nhưng trong khóa MHVD này, quý vị và các bạn sẽ tiếp xúc với cả một sự trình bày mang tính hệ thống của một lý thuyết nhân danh khoa học, mô tả toàn bộ lịch sử vũ trụ từ giây “O”, được phục hồi nhân danh nền văn hiến Việt, thay thế cho Big Bang và giải thích những bí ẩn của các quẻ Dịch, liên quan đến những quy luật vận động và tương tác từ vũ trụ với khả năng tiên tri.
Các nhà khoa học tinh hoa của Hoa Kỳ đã đề nghị chính phủ Mỹ chi 10 tỷ Dollar để đóng góp cùng thế giới xây dựng cỗ máy LHC đi tìm Hạt của Chúa với Lý thuyết Higg. Họ đã viết: “Chúng tôi sẽ đưa Thượng Đế đến cho các ngài”.
Nhưng họ đã thừa nhận thất bại vào năm 2016 . Một thất bại đã được báo trước của tôi, từ năm 2008 trên diễn đàn Lý học Đông phương. Nhưng trong khóa MHVD này, quý vị và các bạn sẽ không chỉ dừng lại ở sự mô tả bản thể của Thượng Đế, mà còn biết đến quyền năng của Ngài.
Có thể nói: Nếu hai cuốn sách “Tìm về cội nguồn kinh Dịch” và “Minh triết Việt trong văn minh Đông phương” của tôi là hai hệ tiên đề, để giới thiệu một Lý Thuyết Thống nhất, mà những tri thức tinh oa của nhân loại đang mơ ước – thì khóa học MHVD chính là con đương dẫn đến Lý thuyết đó.
Quý vị và anh chị em thân mến.
Để học các môn thuộc về Lý học Đông phương, đòi hỏi phải chịu suy ngẫm, tư duy rất sâu sắc. Khả năng tư duy trừu tương phải rất phát triển. Chúng ta đã chứng nghiệm từ bản thân, rằng: Ngay khi ngồi trên ghế nhà trường Phổ Thông, để tiếp thu những tri thức thuộc về nền văn minh hiện đại. Rất nhiều học sinh cũng không tiếp thu nổi. Mặc dù về nhà thì các bậc phụ huynh, bạn bè đều có kiến thức phổ thông tương ứng có thể giảng lại bài. nhưng vẫn có người lưu ban, hoặc không thể tiếp thu, phải nghỉ ngang…Huống chi, học những môn > dù chỉ là ứng dụng của Lý Học Đông phương > là tri thức thuộc về một nền văn minh khác. Tất nhiên sẽ khó khăn hơn nhiều. Nhưng tôi hy vọng quý vị và anh chị em đủ tự tin và quan tâm đến những bí ẩn của nền văn minh Đông phương huyền vĩ, sẽ tham gia khóa học này. Đây cũng là khoa học đầu tiên có giấy chứng nhận của tôi.
Quý vị và anh chị em quan tâm đăng ký tham gia, xin liên hệ với Mai Nguyen và chỉ đóng học phí khi có công bố khai giảng.
Cảm ơn sự quan tâm chia sẻ của quý vị và các bạn.

Đăng tải tại Các Đề Tài Khác | Để lại phản hồi

CẢM TÁC NHẠC PHẨM TRƯƠNG CHI CỦA VĂN CAO

CẢM TÁC NHẠC PHẨM TRƯƠNG CHI CỦA VĂN CAO
Thiên Sứ
“Mai ta chết dưới cội đào.
Khóc ta, xin nhỏ lệ vào thiên thu.
Phạm Thiên Thư.
*
Chiều xưa, trăng nước hững hờ.
Từ trong trầm lắng…khúc tơ bên trời
Heo may, thu đến ru người.
Nét buồn hoa Yến, chợt cười trăng thu.
*
Lưng trời tiếng sáo phiêu du.
Ai tri âm đó, tiếng thu thở dài…
Bên song the, chốn trang đài…
Một trời thơ, vướng gót hài bâng khuâng.
*
Chân trời, góc biển lâng lâng.
Vàng rơi, thu ngập mấy tầng mây xanh.
Người đi, tơ liễu buông mành.
Tiếng xưa đã tắt bên cành hoa mai.
*
Người tri âm, ai nhớ ai?
Ngàn thu ôm tiếng sáo ai ngậm ngùi?
Hồn thành chén ngọc dâng người.
Lênh đênh sóng nhạc, chơi vơi bên đời.
*
Tiêu xưa réo rắt bên trời.
Ai dâng ngấn lệ, tiễn người Thiên Thu…
TRƯƠNG CHI - Văn Cao & Thái Thanh - HXT 131
Đăng tải tại Các Đề Tài Khác | Để lại phản hồi

HOÀ CẢ LÀNG

HOÀ CẢ LÀNG

Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

(Ca dao)

Vào năm Nhâm Thìn bão lụt, thời Bảo Thái nguyên niên, dưới triều Lê Trịnh, có anh cu Đẹt làm mõ làng Vũ Đại. Quanh năm suốt tháng, anh mõ đầu tắt mặt tối phục dịch cho việc làng việc xã, nhưng vẫn nghèo xơ xác. Mặc dù địa vị xã hội thuộc vào hàng dưới hạ đẳng và bần cùng, nhưng anh mõ vẫn chắt chiu, dành dụm nuôi được con lợn, áng chừng non tạ. Không may cho anh, vào chiều tối ba mươi Tết năm ấy, trong khi lo chạy việc làng, con lợn xổng chuồng, phóng chạy sang bếp nhà ông xã nhiêu.

Lúc này, ông Mít – mới gom góp của cải dành dụm được trong nhiều năm, mua chân xã nhiêu để được mang danh chức dịch trong làng – đang hí hửng bổ củi, nấu nồi bánh chưng ăn Tết. Trong ánh lửa bập bùng, nhập nhoạng với trời tối mịt của đêm ba mươi, chợt thấy con vật lạ xộc vào chỗ mình, xã nhiêu hoảng hồn. Sẵn rìu bổ củi trên tay, ông xã phang một cái trời giáng vào đầu con vật. Con lợn khốn khổ của anh mõ “hự” lên một tiếng rồi lăn ra chết. Cầm thanh củi cháy đỏ lại gần, giơ lên coi, xã nhiêu giật mình: con lợn của thằng hàng xóm – thằng mõ – kẻ hạ đẳng và bần cùng nhất làng Vũ Đại. “Chết mẹ!” Xã nhiêu nghĩ bụng “Thằng mõ nó biết mình giết lợn nó, mà lại giết ngay tại nhà mình, nó bảo mình ăn trộm, nó ăn vạ la làng thì còn gì là danh giá ông xã nữa! Bây giờ chỉ còn cách quăng mẹ nó con lợn này sang vườn nhà lão lý cựu là chắc ăn hơn cả”. Nghĩ sao bào hao làm vậy, xã nhiêu lặc lè vác con lợn băng qua cánh đồng, lén đến vườn nhà lý cựu.

Ông Ổi cũng mới mua chân lý cựu ngót trăm quan tiền và một tiệc khao cả làng cũng cỡ đó. Ông thấy thật là danh giá – “Không như cái thằng Mít mới làm ăn khá lên đây, ti toe có mấy hột, mà cũng bày đặt mua chức xã nhiêu!” Vừa nghĩ, lý cựu vừa chắp tay sau đít đi đi lại lại trong vườn, vừa gật gù tỏ vẻ đắc chí. Bỗng lý cựu đứng sựng lại, mặt mày tái mét: bên bờ rào, một bóng đen lù lù xuất hiện đang nhìn ngó. Lý cựu định thần coi kỹ – xã nhiêu – vừa nghĩ tới nó, nó đã hiện ra, mình mẩy mặt mày máu me bê bết, trông cứ như một oan hồn hiện lên đòi mạng. Lý cựu lập cập la lên, tiếng eo éo vì lạc giọng:

– Bớ làng nước ơi! Cứu tôi với!

Tiếng la chưa dứt thì “huỵch”; một con gì cũng bê bết máu quăng ngay trước mặt làm lý cựu sợ đến cứng họng, lăn quay ra đất, run lẩy bẩy. Người nhà nghe tiếng la chạy túa ra vườn. Ánh đuốc bập bùng, lý cựu mắt trợn trắng chỉ tay ra bờ rào, răng đánh vào nhau lập cập “Xã nhiêu”ナ Một tay người nhà tỏ ra can đảm, mạnh bạo cầm đuốc đi tới coi:

– Bẩm cụ lý! Con lợn ạ!

– Nó! Xã nhiêu, không phải lợnナ

Thấy cụ lý đã mất hồn vía, đám đầy tớ bèn khiêng lý cựu vào nhà chạy chữa.

Hoàn hồn, ông lý bàn với bà lý:

– Sách nho có câu: “Họa phúc bất tường, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nó làm ông hết vía thì ông được con lợn. Vậy bu nó sai pha thịt ra, nhà ta lấy một góc tư ăn Tết. Còn bao nhiêu, mai tôi với đầy tớ gánh ra đình bán lấy tiền, bù chút đỉnh vào cái khoản lo chân lý cựu cho tôi!

Bà lý khoái chí cười toe toét:

– Lạy thánh mớ bái, nhờ ơn đức ông bà tổ phụ, nên năm hết Tết đến, nhà ta vẫn có lộc Trời cho!

Sáng mồng một Tết, lý cựu khăn đóng, áo dài, quần chúc bâu, giày da láng, phe phẩy chiếc quạt cùng anh lực điền gánh thịt lợn ra chợ đình bán. Nửa đường, cụ lý gặp trương tuần Hách – người phụ trách an ninh trong làng, đang ve vẩy tay thước đi cùng với một tuần phu. Trông thấy lý cựu, trương tuần Hách cười toe toét, khom lưng vái:

– Bẩm cụ lý, năm mới kính chúc cụ vạn thọ khang ninh.

Lý cựu cũng toe toét cuời ra dáng hỉ hả:

– Không dám! Không dám! Năm mới xin chúc ông trươngナ

Chợt nhìn thấy thịt lợn, trương tuần Hách đổi giọng:

– Ai cho phép ông phạm lệ làng?

Lý cựu xám mặt ngơ ngác. Tuần Hách tiếp:

– Ông sát sinh ngày mồng một là một tội, hai nữa là ông không có nuôi lợn, sao lại có thịt lợn bán, đích thị đồ gian, tôi phải bắt ông ra làng phạt vạ.

Lý cựu mặt tái mét:

– Bẩm ông trươngナ

– Không bẩm báo gì hết! Ông là lý cựu, chỉ có cái danh do làng đặt ra, để bán cho kẻ có tiền như ông, để ông khỏi mang tiếng bạch đinh, khỏi phu phen tạp dịch, để ông được ăn trên ngồi trước mỗi khi có đình có đám. Nhưng ông không có quyền gì sất, tôi mới có quyền! Biết chưa? Đi!

Người tuần phu vung tay thước. Lý cựu run lập cập:

– Bẩm ông trương! Thật ra thì…

Lý cựu thuật lại câu chuyện, rồi nói:

– Xin ông cũng thương tình, sự thật chỉ có thế. Ông có làm lớn chuyện thì chẳng bõ dân làng nó cười đám đàn anh. Chẳng gì chúng ta cũng cùng trong chức dịch với nhau!

Trương tuần Hách nghĩ bụng: “Nếu việc thật chỉ có thế thì cũng đếch làm gì được thằng lý cựu keo kiệt này. Thằng này có bóp cổ thì nó lè lưỡi, chứ không chịu lòi tiền cho mình, chi bằng lựa cách lấy mẹ nó chỗ thịt lợn có lẽ dễ hơn!”. Nghĩ vậy, trương tuần Hách dịu giọng:

– Nếu ông biết điều thì thôi! Vả lại cũng tình chòm xóm, lại trong chức dịch với nhau. Thôi thì tôi bàn thế này: công ông đã khó nhọc gánh ra đến đây, ông đã lấy một góc tư thì lấy thêm bộ đồ lòng nữa là quá phải. Lợn cũng không biết là của ai, chỗ thịt này ông cứ đưa cho tôi, mặc tình tôi lo liệu, êm chuyện thì thôi. Ông thấy thế nào?

Lý cựu mừng húm, vâng dạ rối rít. Ông lý đưa mắt lườm anh đầy tớ. Thầy trò chộp bộ đồ lòng rồi lập cập ra về. Vừa đi lý Cựu vừa tâm đắc: “Họa phúc bất tường, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”.

Trương tuần Hách lấy thịt về nhà, nghĩ nuốt cũng khó trôi. Chú bèn pha lấy một góc tư, còn bao nhiêu đem trình lý trưởng.

Lý trưởng làng Vũ Đại đang khề khà uống rượu thì trương tuần Hách đem thịt lợn đến trình việc. Bực mình, cụ lý mắng:

– Tháng Giêng là tháng ăn chơi, lại là mồng một Tết. Chú trình việc định phá ta hả? Sao không để ra Giêng hãy trình?

Trường tuần Hách, kể lể sự việc, rồi nói:

– Dạ bẩm cụ lý! Để ra Giêng e thịt lợn ôi, phạm tội phí của trời. Nên con cũng mạn phép lấy một góc tư, còn bao nhiêu đem trình cụ lý, tuỳ chỗ cụ định liệu.

Nghe nói lý trưởng gật gù:

– Thôi được, thầy nói cũng có lý. Vậy cứ để thịt đây cho tôi lo!

Trương Hách về rồi, lý trưởng nghĩ bụng: “Tiên sư cái thằng trương Hách thế mà khôn, nó đẩy việc cho mình. Xử thì Tết nhất rộn làng rộn xóm, tiếng oán để cho ta, không xử để ra Giêng thì lợn ôi cũng uổng, lợn thì không biết của ai, mà cũng chẳng còn nguyên con lợn!”. Cụ lý chắc lưỡi: “Thôi thì nó góc tư, ta đây cũng góc tư cho khỏi phí của trời”. Nghĩ vậy, cụ bèn sai đầy tớ xẻ thịt. Chỉ một lát sau, cụ lý đã áo the khăn xếp chỉnh tề cùng đầy tớ bưng quả thịt, đem trình ông chánh tổng. Nghe lý trưởng là Vũ Đại trình sự việc, ông chánh phán:

– Thằng trương Hách nó đùn việc cho ông, ông lại đùn cho tôi hả?

Lý trưởng khom lưng:

– Dạ, bẩm cụ chánh, nhà con đâu dám. Thôi thì cụ chánh thương tình xín xái. Dầu gì cụ cũng xuất thân từ làng Vũ Đại. Kể như làng Vũ Đại con tết cụ chút đỉnh thịt lợn!

Chánh tổng ra chiều suy nghĩ rồi gật gù:

– Nể tình thầy, tôi cũng chiếu cố lấy một góc tư, chứ chẳng dám ăn hơn các ông. Còn cái đầu lợn, để tôi sai đem biếu quan phụ mẫu tri huyện, nói là của làng Vũ Đại các anh tết quan. Như vậy, sau này các anh xin xỏ gì nó cũng dễ, có phải không?

Lý trưởng hớn hở cười toe toét, vái dài:

– Bẩm cụ chánh! Cụ thật cao kiến, thôi thì trăm sự làng Vũ Đại chúng con trông cậy cả vào cụ!

*

Quan phụ mẫu đang phấn khởi, vì đầu năm có người đem biếu cái thủ lợn. Thực ra, quà Tết quan chẳng thiếu gì, nhiều cái còn đắt giá hơn. Nhưng quan cho đó là điềm lành. Con ngài năm nay lại đi thi để lấy cái tú tài. Trước đây nó đã mấy lần thi không đậu. Nó tuổi Hợi tức là lợn, ứng vào điềm đầu lợn, chắc hẳn phen này sẽ đậu thủ khoa. Chỉ tiếc cái tai trái đầu lợn lại rách mất một miếng, e có điều gì không được trọn vẹn…

Bỗng lính lệ chạy vào báo:

– Bẩm quan lớn! Có thằng mõ làng Vũ Đại xin được vào hầu. Bẩm nó láo quá, cửa quan mà nó làm như cái gì của nó ấy ạ!

– Thôi được! – quan phụ mẫu đang phấn khởi, ngài tỏ ra độ lượng – Chốn công đường ai có việc thì tới, vậy mới gọi là công đường chứ! Cho nó vào đây!

Chú lính há miệng ngạc nhiên: lần đầu tiên quan tỏ ra độ lượng, một anh mõ hạ đẳng mà cũng được gặp quan. Cảm động đến rưng rưng nước mắt, chú lính cúi rạp người:

– Xin tuân lệnh quan lớn!

Anh mõ bước vào.

– Có việc gì? Quan hất hàm, oai vệ hỏi. Anh mõ chắp tay vái, rồi mếu máo kể lể:

– Dạ! bẩm quan lớn! Cái thân con nghèo hèn, dành dụm chắt chiu mới nuôi được con lợn. Nhưng không may đêm ba mươi Tết có kẻ ăn trộm lợn của con!

Quan quắc mắt, ngài quát:

– Sao không báo tuần! Tao còn nhiều chuyện lớn phải lo, thì giờ đâu mà lo cái chuyện vặt của mày!

Anh mõ nghe quan nổi giận thì mặt tái xanh, nói lắp bắp:

– Dạ bẩm quam lớn! Con lợn của quan thì nó nhỏ, nhưng con lợn của con thì nó lớn lắm ạ! Dạ bẩm, con cũng đã báo ông trương tuần; ông trương tuần chỉ lên cụ lý; cụ lý chỉ lên cụ Chánh; cụ Chánh chỉ lên quan lớn. Con hết hơi mới lên đến đây, kêu xin quan lớn đèn trời soi xét cho phận cùng đinh này!

– Con lợn của mày có dấu tích gì không?

– Dạ bẩm quan lớn! Con lợn của con nó bị gai tre móc phải, nên rách tai trái từ bé ạ!

Quan phụ mẫu giật mình, tái mặt. Ngài thét lớn:

– Lệ đâu! Bảo thầy lục sức giấy, gọi tất cả chức dịch làng Vũ Đại với chánh tổng Vũ Nhai lên hầu ngay!

Chú lệ khúm núm:

– Dạ bẩm quan lớn! Chức dịch làng Vũ Đại với chánh tổng Vũ Nhai đang tề tựu trước công đường để mừng tuổi quan lớn.

Quan khoát tay ra hiệu cho anh mõ và chú lính đi theo, rồi hầm hầm bước ra cổng.

Thấy quan thăng đường, đám chức dịch quỳ mọp:

– Bẩm quan lớn! Năm mới…

Quan gạt phắt:

– Không năm mới năm me gì hết! Chúng mày làm ăn thế nào mà để Tết nhất thằng mõ lên tận đây kêu ca là nó mất lợn?

Quan quay lại hỏi anh mõ:

– Con lợn của mày ra sao?

Anh mõ sợ quá, quỳ xuống lắp bắp:

– Dạ bẩm quan! Lợn con bị rách tai trái ạ!

Quan quắc mắt nhìn chánh tổng. Chánh tổng vội nói:

– Dạ, bẩm quan! Thủ lợn con biếu quan, do lý trưởng làng Vũ Đại đem cho ạ! Dạ! Chỉ có cái thủ và một góc tư!

Lý trưởng vội nói:

– Dạ, bẩm quan! Lợn ấy anh trương Hách đem lại cho con chỉ có một nửa ạ!

Trương Hách vội nói:

– Xin quan minh xét! Con đi tuần gặp anh lý cựu gánh thịt ra đình, nhờ con trình làng. Lợn thiếu một góc tư ạ!

Lý Ổi run lập cập:

– Dạ, bẩm quan! Anh xã Mít đêm ba mươi, quăng lợn chết vào nhà con ạ!

Xã nhiêu quì mọp kể lại sự việc, sau đó lạy như tế sao:

– Bẩm quan! Xin quan đèn trời soi xét.

Quan phụ mẫu ngẫm nghĩ: “Đúng là thủ lợn rách tai sinh điềm gở! Biết đâu nó ứng vào việc kiện cáo này, còn con ta vẫn lãnh thủ khoa!”. Nghĩ vậy, quan khoái trá, ngài phán:

– Như vậy thì nay ta xét thấy: lợn chạy vào bếp xã nhiêu, bị nó đập chết nhưng lại quăng vào vườn lý cựu, chứng tỏ xã nhiêu không có lòng tham. Đập lợn chỉ là hành động tự vệ chính đáng, nó không có tội gì, bản chức tha cho!

– Xã nhiêu hớn hở vái dài:

– Dạ. Bẩm quan lớn minh lắm ạ!

Quan quay qua lý cựu:

– Còn thầy lý cựu! Lợn quăng vào nhà thầy, thầy có lấy hết cũng phải mà chỉ lấy một góc tư, rồi đem trình làng. Bản chức xét thấy thầy cũng vô tội!

Lý Ổi quỳ mọp hớn hở:

– Bẩm quan lớn dạy chí phải!

Quan nhìn sang trương Hách:

– Với trương Hách, Tết nhất còn mẫn cán với công việc thật đáng khen. Lợn lý cựu đưa cho không biết của ai, lại chỉ lấy một góc tư rồi đem trình lý trưởng là phải phép, ngươi không có tội gì!

Trương Hách hí hửng:

– Dạ bẩm quan lớn dạy thật chí lý!

– Còn lý trưởng làng Vũ Đại! – quan phán tiếp – con lợn đến thầy cũng không còn nguyên vẹn. Không lẽ gọi cả làng ra nhận lợn trong ngày tư ngày tết làm rộn làng rộn xóm, trong khi cũng không biết lợn ở đâu ra. Ông xung công rồi đem biếu chánh tổng là phải phép. Như thế là người biết làm việc.

Lý trưởng vui vẻ vái dài:

– Tạ ơn quan lớn, xét thật công tâm!

Quan ngó qua chánh tổng:

– Còn ông chánh! Thầy lý biếu ông, ông có quyền nhận và còn có bụng trên nghĩ đến ta, dưới nghĩ đến làng Vũ Đại. Như thế là trên dưới trọn đạo, vẹn tình. Xử thế thật đáng khen.

Chánh tổng vái dài:

– Dạ bẩm quan! Xưa nay con vẫn đúng như lời quan dạy!

– Còn ta! – quan gật gù – ta vốn thương người, lấy quá thì khổ dân, mà không lấy thì phụ tình người biếu ta. Ta nhận vì thuận lòng người, chớ cái đầu lợn thì vơi ta có gì đáng kể!

Đám chức dịch vái dài:

– Dạ bẩm quan! Quan thật nhân đức. Đúng là “Phụ mẫu chi dân”!

Anh cu Đẹt quỳ mọp, mếu máo:

– Dạ bẩm quan lớn! Bẩm các cụ! Cái phận con nghèo, nên cái thân con ngu. Con thấy quan dạy thật chí lý, việc các cụ làm thì phải cả. Nhưng con lợn của con thì nó đi đàng nào? Thật khốn khổ thân con!

– Đối với thằng mõ! Quan gật gù độ lượng, ngài phán:

– Ngươi vô ý để lợn xổng chuồng, lại kêu rêu là mất trộm khi không có chứng cớ rõ ràng, gây hoang mang, hoài nghi trong bà con, làng xóm. Đúng ra ta phải trừng trị. Nhưng xét ra thì “của đau con xót, một mất mười ngờ”, lại thấy thân phận ngươi nghèo hèn cũng đáng thương. Bậc thánh nhân xưa lấy lòng nhân làm gốc, lấy hoà khí làm đầu! Nay ta xử: “Hoà cả làng!”.

Đám chức dịch nảy giờ nín thở, nay mừng rỡ la lên:

– Bẩm quan lớn! Chí phải! Chí phải! Lợn đã xổng chuồng. Hoà cả làng! Hoà cả làng! Ha ha ha!

Anh mõ tiu nghỉu, mếu máo trở về nhà. Thế là câu chuyện từ miệng anh mõ lan ra khắp làng Vũ Đại, rồi ra hết tổng Vũ Nhai, lan cả huyện Thọ Xương, rồi khắp trấn Kinh Bắc, rồi ra cả nước. Đến nay trải đã mấy trăm năm, “Hoà cả làng” đã trở nên câu thành ngữ dân gian.

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi đi qua đám đánh cù, đánh đáo, thấy bọn trẻ thường la lên:

– Hoà cả làng! Hoà cả làng!

Và khi đó, thế nào cũng có thằng cười, thằng khócナ

Đăng tải tại Các Đề Tài Khác | Để lại phản hồi

CUỘC GẶP GỠ ĐẦU NĂM

CUỘC GẶP GỠ ĐẦU NĂM
Thiên Sứ Gàn.

Khoảng khắc ngắn ngủi gọi là giao thừa đã qua đi. Nhưng chính cái khoảng khắc ngắn ngủi đầu năm ấy, lại mang cái không gian xuân đầy nhựa sống chảy đẫm vào cuộc đời, làm cho nó nôn nao rạo rực. Thỉnh thoảng những tiếng guốc dép, tiếng giầy Tây, hay tiếng nói chuyện râm ran lại thảng thốt nổi lên trong màn đêm mệt mỏi, tĩnh lặng. Thanh âm do những người đang du xuân đón giao thừa tạo ra, như muốn níu kéo cái rạo rực trong khoảng khắc giao mùa đã mất. Trong không gian nhàn nhã và đặc quánh hy vọng đó, thời gian như nhích dần về quá khứ một cách khó nhọc. Mọi người như cũng theo dòng thời gian mệt mỏi, vì hy vọng quá nhiều. Họ đã thiếp đi trong giấc ngủ, trả lại cho màn đêm sự tĩnh lặng cố hữu của nó.

Nhưng đâu đây, trong giấc xuân mơ màng – hình như từ trong phòng bên cạnh hay gần hơn – có những tiếng ai đó còn nói chuyện râm ran, làm như họ đang tranh luận một cái gì. Âm thanh lớn dần và mỗi lúc một rõ hơn. Từ trong tủ sách (có lẽ thế), một người loạng choạng bước ra với cái đầu trọc lốc, được đắp ở phía trước là khuôn mặt đỏ gay, chằng chịt đầy sẹo. Miệng hắn nói oang oang, phả hơi rượu nồng nặc:

– Tôi! Tôi muốn làm người lương thiện. Tôi cần phải sống đạo đức. Tôi không thể như thế mãi được. Tôi không phải loại người như thế! Nhưng chúng nó không cho tôi được lương thiện! Thế thì tiên sư chúng nó! Tiên sư cả làng Vũ Đại!”.

Hắn hét lên, cái đầu trọc lắc lư, tay cầm chai rượu huơ huơ trong không khí. Một đoàn người rùng rùng kéo ra, hình như cũng từ trong tủ sách. Họ giữ tay Chí Phèo – Phải! hắn chính là Chí Phèo, một nhân vật đáng vì nể, từ lâu đã nổi tiếng trong giới văn chương – nên họ chỉ khuyên can an ủi. Một người đưa tay phân bua:

-Tại anh Chí Phèo quá nóng! Nhưng anh ấy nói đạo đức hả? Tôi không đồng ý! Để được cái gì? Tôi! Tôi đã đạo đức. Tôi đã sống lương thiện. Nhưng tôi cũng bế tắc và phải trở về quê với hai bàn tay trắng, sống bám vào mụ vợ khốn khổ, quanh năm lam lũ với bầy con nhếch nhác. Không! Không thể sống như thế được! Ta phải ác! Ta phải ác!”.

Một tiếng cười gằn nổi lên:

-Thôi đi ông Thứ ơi! Cái cỡ anh, một anh giáo khổ trường tư; “Sống mòn” mỏi dưới ngòi bút của Nam Cao; cơm không đủ mà ăn, quanh năm chật vật lo kiếm sống thì đếch làm gì được ai, mà cũng bày đặt ác với độc. Còn thằng Chí Phèo! Mày cũng chỉ là thằng lưu manh mạt hạng ở nhà quê, một thứ du đãng miệt vườn, chỉ giỏi bắt nạt mấy anh nông dân khốn khổ, đã thấm vào đâu mà mở miệng nói đạo đức. Hơ! Hơ! Mà mày đã đạo đức hồi nào đâu? Mày mới chỉ có ý nghĩ đó thôi thì đời đã vội vươn bàn tay lông lá, túm lấy mày và quẳng ra bên lề cuộc đời rồi! Hơ! Hơ! Như ta đây nè!  – Vừa nói, người đó vừa vỗ bồm bộp vào bộ ngực xăm trổ chằng chịt: “Năm Sài Gòn đây! Cuộc đời “Bỉ vỏ” ngang dọc của ta cũng đủ cho mấy người thấy rằng: mấy người chỉ có thứ triết lý rẻ tiền. Tốt nhất hãy câm mồm lại để người khác nói chuyện!”.

-“Thôi đi anh! – một người đàn bà mặt mũi chất phác, quê mùa, nhưng khá xinh xắn, kéo áo Năm Sài Gòn nói nhỏ – Nhắc làm gì cái quá khứ đó! Chúng mình hãy an phận, để em cố buôn thúng, bán bưng, đồng tấm, đồng cám rồi sống đạm bạc, nhưng hạnh phúc bên nhau là được rồi!. Tám Bính buồn rầu nói.

-“Các anh có cách sống như vậy là không được! – Đào Vân Hạc lắc đầu – con người sống phải có đức; phải biết tôn ti trật tự; phải đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và phải biết xuất xử tuỳ thời mới là bậc trí giả. Trong sách Luận ngữ, Đức Khổng tử có dạy… ”

– Thôi đi ông bạn ơi! Cái thứ Nho giáo cổ hủ, sản phẩm của xã hội phong kiến lạc hậu của các anh, mà đem ra bàn bây giờ thì không còn hợp thời nữa! Trí giả gì đâu? Xuất xử gì đâu? Mà sao anh cũng “Lều Chõng” đi thi. Cụ Ngô Tất Tố cũng đã cho anh đậu đến thủ khoa thi Đình rồi kia mà. Anh được cái gì? Hay là viết văn phạm huý, một thứ luật lệ khắt khe của chế độ phong kiến các anh. Rồi cũng tù, rồi cũng phải trở về quê với vợ như anh Thứ giáo khổ kia”.

Phú vừa nói vừa hăng hái bước ra trước đám đông. Anh ưỡn ngực, ngửa mặt đưa cả hai tay hướng lên trời, hùng hồn nói lớn:

– Theo tôi! Cuộc đời là một trường tranh đấu, chúng ta phải dấn thân!.

Một vài tiếng vỗ tay lộp độp nổi lên ủng hộ Phú. Đào Vân Hạc cau mặt tỏ vẻ bực mình. Anh bước ra trước mặt Phú:

-“Tôi xin hỏi anh. Anh được cái gì trên trường tranh đấu của anh? Văn minh Tây học như anh; đấu tranh như anh rồi cũng tù như tôi chứ gì; mà còn tệ hơn tôi nữa. Anh bị tra tấn đánh đập. Còn tôi thì không. Rồi anh cũng về quê sống với vợ chứ gì. Anh bảo tôi phong kiến khắt khe hả? Nhưng ở đó mọi chuyện còn rõ ràng. Tuy khắt khe, nhưng người ta còn biết thế nào là phạm húy để mà tránh. Còn cái thời gọi là văn minh Tây học của anh thì thiên địa tù mù, chẳng biết đằng nào mà lần. Ông đó, mà thằng cũng đó. Phải chi ông Vũ Trọng Phụng cho thêm một lần “Vỡ đê” nữa, thì cũng chẳng ai biết cuộc đời anh sẽ trôi dạt về đâu? Sợ rằng anh còn tệ hơn ông Thứ giáo khổ kia”.

Thứ gào lên:

– Thằng nào bảo Thứ tệ gì đâu? Dám nói lần nữa xem nào?

Năm Sài Gòn gằn giọng:

– Câm đi! Cấm thằng nào làm ồn ào mất trật tự. Đến thằng Chí Phèo cũng phải câm miệng nữa đấy!

Chí Phèo thét:

-“Thằng nào bảo ông câm đâu? Tiên sư chúng nó! Tiên sư cả làng Vũ Đại”

– A thằng này láo!. Năm Sài Gòn lao tới đá mạnh vào ngực Chí Phèo. Chí Phèo ngã dúi vào một người đàn bà ở phía sau.

“Choang!”, một thứ nước sền sệt đổ ra tung tóe. Tiếng Thị Nở tru tréo:

– Ối giời đất ơi! Ối làng nước ơi! Chúng nó làm bể tô cháo hành của tôi rồi.

Chí Phèo vớ ngay mảnh sành của bát cháo hành vỡ rạch mặt ăn vạ:

– Ối làng nước ơi! Ối! ông đội sếp ơi! Chúng nó giết tôi, cứu tôi với!.

Năm Sài Gòn điên tiết:

– A! Thằng này vừa ăn cướp vừa la làng! Anh em đâu? Cho nó một trận để biết mặt giang hồ.

Tư Lập lơ và Ba Dao bay cùng Năm Sài Gòn lao vào đấm đá Chí Phèo túi bụi. Tiếng ồn ào la hét vang động cả một góc trời, khiến mọi người nhốn nháo.

Đoàng! Đoàng! Hai tiếng súng nổ rắn đanh, khiến tiếng ồn ào im bặt. Có hai người cảnh binh xuất hiện. Họ bước đến trước đám đông với nét mặt hầm hứ. Một người cầm khẩu súng lục, nòng súng vẫn còn bốc khói. Người kia tay lăm lăm cái dùi cui.

– Ê! Ai cho các người làm ồn ào gây mất trật tự ở đây hả? Tít đâu? Đưa hết cả đây xem!

Đám đông dúm dó, sợ hãi ngồi nép vào nhau. Người nào người nấy mặt tái xanh trước sức mạnh của công lực, họ nhìn nhau lơ láo. Tiếng ồn ào biến mất như có phép lạ. Một viên cảnh binh đưa đôi mắt ngầu ngầu đầy uy lực lướt qua đám đông đang rúm ró vì sợ hãi. Ánh mắt sắc lạnh dừng lại ở một người đàn ông mặt bộ đồ nâu vá chằng đụp, đội chiếc nón mê rách xùm xụp che kín mặt, dáng điệu rất khả nghi.

– Ê! Thằng kia! Bước ra đây! Tít đâu! Đưa đây coi?

Người đàn ông đứng dậy, thân hình lực lưỡng chật căng trong bộ đồ nâu rách. Anh khoanh tay trước ngực, tư thế ra vẻ thách thức. Người này từ từ tiến lên với ánh mắt đầy phẫn nộ, hắt ra từ sau vành nón phóng thẳng vào hai nhân viên công lực. “Anh Pha!” – Có tiếng xì xào. Mọi người nín thở, không biết điều gì sẽ xảy ra với anh Pha? Phải, người đó chính là anh Pha. Con người đang ở “Bước đường cùng”. Hai luồng kình lực từ ánh mắt phóng thẳng vào nhau. Thầy đội cầm súng bất giác lùi lại, người kia lăm lăm chiếc dùi cui thủ thế.

Khoảng cách giữa hai bên từ từ rút ngắn ,không gian nặng nề, căng thẳng. Đúng lúc ấy, bỗng xuất hiện một người đàn ông mặc bộ đồ Tây sang trọng bước đến. Ông đứng cản giữa anh Pha và hai nhân viên công lực. Với vẻ mặt nghiêm trọng và đầy uy quyền một cách giả tạo, ông ra hiệu cho anh Pha dừng lại. Rồi xoay người về phía hai nhân viên công lực, ông bình tĩnh đưa tay gạt chiếc dùi cui xuống.

-“Thôi đi, hai thầy Min deux và Min trois! Đây là một cuộc tranh luận. Đó là điều rất cần thiết cho nền văn minh và sự tiến hoá. Chúng ta không nên ngăn cản họ. Hai thầy hãy yên tâm về nhiệm sở. Ở đây sẽ không có chuyện gì!”.

Nói xong, người này đẩy nhẹ vào vai hai thầy đội, ra hiệu. Hai thầy đội hầm hầm, tỏ vẻ miễn cưỡng phải bước đi. Họ cũng không quên ném vào đám đông một cái nhìn sắc lạnh, như muốn cảnh cáo: sự việc này sẽ không thể xảy ra lần thứ hai. Người đàn ông vận đồ Tây sang trọng quay về phía đám đông. Ông khoát tay làm một cử chỉ như muốn nói một điều gì. Nhưng có lẽ thấy đám người bất lực đang dúm dó vì sợ hãi. Ông tỏ vẻ thương hại, nhún vai rồi bỏ đi.

Từ trong đám đông, một số người lục tục đứng dậy đi theo ông. Người ta nhận thấy đó là: vợ chồng ông Văn Minh, ông Tuyp – phờ – nờ, bà phó Đoan, cậu “em Chã” và cả ông thầy bói nữa.

Đợi mọi người đã đi khuất hẳn trong bóng đêm. Tiếng nguời lại ồn ào nổi lên. Chị Dậu thẽ thọt :

– Tôi hỏi cái này khí không phải. Vì “Tắt đèn” nên nom không rõ. Cái nhà ông vận đồ Tây là ai mà oai thế? Đến đội xếp cũng phải nể thế, hả thầy Năm Sài Gòn?

Năm Sài Gòn giật mình:

-“Suỵt! Nói khẽ chứ! Đội xếp nó biết tôi ở đây, chúng nó bắt tôi bây giờ”.

Năm Sài Gòn lấm lét nhìn xung quanh. Chẳng ai để ý đến hắn. Yên tâm, Năm Sài Gòn ghé sát vào tai chị Dậu, nói rất khẽ:

– Ông ấy chính là ngài giáo sư Xuân Tóc đỏ!

BếnTre 1991

Đăng tải tại Các Đề Tài Khác | Để lại phản hồi

THÂN CHỦ TÔI KHÔNG GIẾT NGƯỜI!

THÂN CHỦ TÔI KHÔNG GIẾT NGƯỜI!

Truyện khoa học giả tưởng

Hắn mở mắt ra, một thoáng cảm giác lạ xẹt qua người làm hắn nhớ lại: Đây không phải phòng riêng của hắn ở 27 đường Maxell mà là phòng giam. Một căn phòng hẹp téo, bề ngang chừng 2m5, dài cỡ 4m, đủ kê một cái giường cá nhân và một cái tủ con. Tường bê tông ba phía quét vôi xanh, cửa và mặt phòng giam quay ra hành lang làm bằng song sắt. “Rồi, ta bắt đầu một cuộc đời mới!”. Hắn lẩm baẩm, đầu vẫn choáng váng vì rượu và quả đấm của Dream: “Cái thằng chết tiệt!”. Mặc dù đã bị từ chối, vẫn năn nỉ đòi khiêu vũ với Mazda – người tình của hắn – khi nàng đã mệt đờ vì nhảy cả tiếng đồng hồ trước đó. Hắn đã cho Dream một bài học về phép lịch sự đối với phụ nữ, khiến cho nó không bao giờ có thể lặp lại hành đông bất nhã đó là lần thứ hai trong đời: một viên dạn vào giữa sọ làm thằng bợm đó chết ngay. Cảnh sát đã tống cổ hắn vào trại giam với cả lít Martell trong bụngナ. “Thế là hếtナ!” Nhưng hắn cũng chẳng còn kịp suy nghĩ gì hơn vì men rượu đã giúp hắn ngủ say đờ trên cái giường nệm mút cũ kỹ ở trong phòng giam nàyナ

Còn bây giờ thì hắn hối hận. Hình ảnh những người thân và những kỷ niệm bắt đầu hiện ra – những buổi vũ hội, những cuộc tắm biển và những đêm mùi mẫn bên người tìnhナ “Ôi! Mazdaナ”. Nàng chẳng hơi đâu chờ đợi một kẻ giết người như hắn mà cái giá hữu nghị nhất là hai năm tù.

Bỗng một tiếng nói trầm trầm, đều đều vang lên từ cái haut – parleur đặt ở đầu hành lang làm đứt dòng suy nghĩ của hắn: “Giám thị trực! Đưa ngay phạm nhân VB – 018 – E lên phòng điều tra!”. Hắn nhìn xuống ngực – số VB – 018 – E chính là hắn.

Có tiếng giày lộp cộp, một viên cảnh sát đi đến trước cửa phòng giam. Hắn xoay người đúng một góc chín mươi độ và đưa tay hướng về ổ khoá. Bộ điều khiển từ xa lắp trong bàn tay làm chiếc cửa tự động mở. “Một thằng “cớm sắt”!”. Giới giang hồ rất sợ loại cớm này: võ nghệ tuyệt hảo, bắn súng như trong phim, bất kể kẻ nào chống lại hoặc cố ý chạy trốn đều nằm ngay đơ vì bị đánh trúng huyệt, hoặc ăn một viên đạn thuốc mê vào bả vai cứ y như là nó đã nằm sẵn ở đấy từ trướcナ

– Đứng dậy! Đi theo tôi.

Hắn đừng dậy và buớc ra. Đằng sau hắn, tay cớm lầm lũi đi theo. Hắn thấy ghê ghê ở trên gáy. “Biết đâu, do một sự trục trặc kỹ thuật nào đó mà tay “cớm” này có hành động bất thường và giết hắn?”ナ Những chuyên viên khoa học ở Bộ Nội vụ bảo đảm rằng: Không bao giờ có sự cố và tất cả những cảnh sát máy đều được theo dõi chặt chẽ bằng computer, chỉ cần một hành động khác thường nằm ngoài chương trrình, lập tức sẽ bị vô hiệu hoá bằng vô tuyến điều khiển từ xaナ “Mẹ kiếp! Cái xã hội loài người ở thiên niên kỷ thứ IV này, đã sống trong một môi trường nhân tạo hoàn toàn và bị lệ thuộc vào những bộ nhớ điện tử. Nếu bị một trục trặc gì đó, mọi thứ sẽ đi đứt, cuộc sống rối loạn và nhân loại sẽ trở lại thời kỳ đồ đá!”. Hắn lẩm bẩm cầu xin Thượng đế toàn năng hãy ban phép lành cho những con virus điện tử ở trong các trung tâm siêu điện toán. Thế là xong! Mọi trung tâm điều khiển không còn hoạt động, những tội lỗi của hắn ghi trong bộ nhớ của các máy siêu điện toán sẽ được xoá sạch. Hắn sẽ quẹo phải, đi qua cổng trại giam về nhà và trở thành người lương thiện, còn tay “cớm sắt” lùi lũi đi sau lưng hắn sẽ quẹo sang tráiナ

Nhưng điều đó đã không xảy ra, vì hắn không phải là một nhân vật quan trọng đáng được Thượng đế chú ý, cho nên hắn vẫn phải bước vào phòng điều tra với tay “cớm sắt” đi sau lưng. Trong phòng điều tra không có một người nào. Hắn hiểu ngay: Người ta làm việc với hắn theo chương trình của những thủ tục pháp lý.

– Mời anh ngồi!

Hắn ngồi xuống chiếc ghế trước bàn làm việc như một cái máy, mặc dù haắn là một con người thật sự. Giọng nói đều đều, lạnh lùng tiếp tục vọng ra từ máy siêu điện toán:

– Anh sẽ được tiếp xúc với ngài luật sư Organ để biểu lộ sự đồng ý hay không đồng ý nhờ luật sự can thiệp cho vụ án của anh ! Xin mời ngài Organ Yamaha!

Cánh cửa tự động mở ra. Một người đứng tuổi, dong dỏng cao, khuôn mặt sáng sủa dễ mến, cắp chiếc cặp bước vào trong phòng. Ông nhã nhặn bắt tay hắn và ngồi xuống ghế đối diện:

– Anh là Sonyl – Pho?

– Thưa ông, vâng!

– Tôi là luật sư tiến sĩ Organ Yamaha, được gia đình anh đề nghị bào chữa cho anh trong vụ án Dream, anh có quyền từ chối hoặc chấp nhận sự bào chữa của tôi theo luật định!

Vừa nói ông vừa lấy trong túi áo vét một cái thẻ luật sự đưa cho hắn.

– Tôi đồng ý! Hoàn toàn đồng ý! – Hắn nói một cách vội vã, nét mặt tỏ ra sung sướng – Được một người như ông giúp đỡ, chắc chắn tôi sẽ có một mức án hữu nghị!

– Được rồi! – Luật sư Organ gật đầu tỏ vẻ hài lòng. – Bây giờ anh hãy trả lời một số câu hỏi của tôi: Anh thừa nhận có bắn vào Dream?

– Đúng thế thưa ông! Nhưng lúc đó tôi say rượu, tôi đã uống cạn cả lít Martell, không tin ông có thể hỏi thằng bồi, tôi không cố sát!

– Anh bắn vào nó trong trường hợp nào?

– Nó đánh tôi một cú rất mạnh vào đầu – Hắn chỉ lên trán – Đây ông coi, nó còn sưng chù vù lên đây này!

Luật sư gật đầu, nhìn lên cái trán có một cục lồi tím xanh, tỏ vẻ thông cảm:

– Nhân chứng cho biết hai người có xô xát!

– Đúng vậy thưa ông! Vì nó xúc phạm đến người yêu của tôi, tôi cản trở, nó còn mắng tôi là: Đồ lợn ích kỷ. Thế là tôi choảng nó!

– Dream đánh anh nhiều không?

– Mới chỉ một cú vào đầu nhưng rất mạnh, khiến tôi bật ngửa. Tôi phải bắn hắn vì nếu để một cú thứ hai chắc tôi không sống nổi!

Luật sư Organ nheo nheo mắt nhìn hắn:

– Trường hợp này tôi khuyên anh nên thừa nhận mọi hành động gây án để hoàn tất hồ sơ và được ra toà một cách nhanh chóng. Tôi sẽ giúp anh có thể được trắng án!

– Trắng án? Hắn trố mắt ngạc nhiên.

Luật sư Organ gật đầu với một nụ cười bí hiểm đầy vẻ tự tin:

– Cảm ơn sự cộng tác của anh.

Ông đứng dậy, bắt tay hắn rồi lặng lẽ ra về.

* *

Toà đại hình xử vụ giết người được mở tại toà án tiểu bang Atlantic. Thực ra với một án giết người do say rượu và sĩ diện với gái cũng chẳng có gì đáng chú ý, nhưng vì là một vụ đại hình nên số người tham dự cũng khá đông đảo. Trong khi chờ đợi đến giờ xử án, họ bàn tán đủ mọi chuyện trên đời: từ chuyện bế tắc trong việc tìm một giá trị hối đoái tiền tệ, để có thể liên kết về mặt kinh tế với người ngoài hành tinh; cho đến chuyện đã có một loại vải thông minh, có khả năng thay đổi màu sắc và độ dày mỏng theo ý muốn, được tung vào thị trường để phục vụ các quí bà, quí cô ナ Bỗng tiếng chuông reo vang và ánh sáng trong phòng xử án đổi sang màu lá mạ khiến cho mọi người chú ý. Tiếng ồn ào bớt đi hẳn vì những câu chuyện phiếm được ngưng lại. Phiên toà sắp bắt đầu.

Các quan chức của phiên toà trịnh trọng với bộ lễ phục, lục tục bước vào vị trí của mình trong phòng xử án. Sau những nghi thức được tiến hành cho có lệ, phạm nhân được dẫn ra trước vành móng ngựa. Chỉ mới có ba ngày trong tù, khuôn mặt của Sony – Pho trông đã tiều tuỵ hốc hác, hắn bước đi như người mộng du. Các nhân chứng làm lễ tuyên thệ rồi thuật lại những gì họ đã chứng kiến. Tất cả đều chống lại Sonyl. Hắn hồi hộp chờ đợi bản cáo trạng.

Ngài đại diện Công tố viện, một người đàn ông trạc tứ tuần, mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao bọc lấy một dáng người đẫy đà. Với vẻ mặt lạnh lùng nghiêm nghị, ông lấy từ trong chiếc cặp da đen một cái đĩa nhỏ màu bạc, cho vào ngăn xử lý của máy siêu điện toán được gắn vào bàn làm việc. Ông nhấn nút, ra lệnh cho máy hoạt động. Một giọng đều đều lạnh lùng vang ra từ trong máy đọc bản cáo trạng: Tất cả mọi hành động của Sonyl được phân tích một cách rất chi tiết với những điều luật liên quan. Hắn chẳng hiểu chiếc máy nói gì với những danh từ chuyên môn của ngành tư pháp – ở cái thiên niên kỷ này, mọi lĩnh vực đều được chuyên môn hoá rất sâu, mỗi người chỉ có khả năng hiểu biết trong lĩnh vực của mình. Nhưng mặt hắn từ từ chuyển sang màu tái mét, những hình ảnh trước mắt hắn quay tròn và cảm giác có một vật gì đó đè nặng lên tim, khiến cho hắn phải nắm chặt lấy cái vành móng ngựa. Bản cáo trạng với sự tính toán chính xác của máy siêu điện toán vừa đưa ra đề nghị dành cho hắn mức án: bốn mươi năm tù.

Ông chánh án chống tay lên cằm ra vẻ suy nghĩ và tập trung tư tưởng nghe máy siêu điện toán đọc cáo trạng. Sự có mặt của ông ở phiên toà chỉ có ý nghĩa nghi thức, tất cả phần việc dánh cho ông đều do máy siêu điện toán làm việc, quyền hành thật sự của ông ở trong phòng nghị án. Cho nên, ông đã lợi dụng ánh sáng lóe phản chiếu từ mắt kiếng để tranh thủ ngủ. Tối hôm qua, ông đã đi nhảy đầm đến sáng với người bạn tình cũ, hơn mười năm nay mới gặp lại. Ông bồi thẩm biết điều đó, nên khi bản cáo trạng vừa dứt, liền đá nhẹ vào chân chánh án. Chánh án uể oải nhấn nút máy siêu điện toán. Một giọng trầm oai vệ thốt lên:

– Xin mời ngài luật sư Organ Yamaha.

Danh vị luật sư được nhắc đến như một dòng điện kích thích thần kinh khiến cho Sonyl – Pho tỉnh lại. Hắn ngước mặt về phía ông với cái nhìn van lơn, cầu cứu.

Luật sư bước hẳn ra khỏi chỗ ngồi, ông nói với một giọng từ tốn:

– Thưa quí toà! Vì những luận cứ để bào chữa của tôi không thể lập chương trình cho máy điện toán, cho nên căn cứ vào điều 432A, chương 27 của Luật Xử án, tôi xin phép được bào chữa bằng chính khả năng cá nhân!

Tiếng xì xào nổi lên trong phòng xử án. Đề nghị của luật sư làm họ ngạc nhiên. Ở thiên niên kỷ thứ IV này, một con người làm việc không cần đến sự hỗ trợ của máy siêu điện toán là điều không thể hiểu nổi. Ngài đại diện Công tố viện mỉm cười với ý nghĩ hài hước: “Có lẽ ông ta muốn thân chủ của mình hưởng nguyên xi mức án hoặc tù thêm”.

– Thưa quí toà! – Luật sư nói tiếp – Tôi xin phép được trình bày đoạn phim tư liệu có liên quan đến đời tư của nạn nhân – Ông Dream – Makeno – trước khi tiến hành bào chữa cho bị can.

– Tôi phản đối! – Ngài đại diện Công tô viện cau mặt – Công bố đời tư của một người không được sự đồng ý của họ là sai luật.

-Thưa quí toà! Đây chỉ là đoạn phim của giai đoạn bệnh án của ông Dream, có liên quan đến những yếu tố luật pháp và là chứng cứ cho những lời bào chữa của tôi.

– Toà án đồng ý – Chánh án phát biểu và che miệng ngáp. Ông chẳng muốn mất thì giờ vì tụi luật sư nói giai như đỉa này.

Luật sư Organ lấy từ trong cặp một cái đĩa nhỏ màu bạc đưa cho thư ký Toà án. Ông này cho vào ngăn xử lý của máy siêu điện toán. Lập tức sáu màn hình 150 inch được bố trí xung quanh phòng xử án, cùng lúc hiện lên những hình ảnh về những biến cố trong đời của Dream – Makeno:

Trên màn hình là cảnh dòng sông Danube chảy quanh co dưới những hàng thuỳ dương thơ mộng. Bên sông có một cái cối xay gió đứng im bất động, như suy tư cho những sự thăng trầm của cuộc đời. Đó là một di tích cổ được phục chế lại để nhắc nhở nền văn minh cổ xưa của loài người. Dream – Makeno đã sinh ra ở đây vào tháng 7 năm 3267.

Hình ảnh thơ mộng biến mất, thay vào đó là một thanh niên nằm quằn quại vì bị một chiếc xe hơi chạy bằng nệm không khí lướt qua đôi chân, khi anh ta té sấp xuống mặt đường. Mạch máu bể nát, xương ống chân nứt như mai rùa. Sự cố được ghi nhận vào tháng 2 năm 3289, lúc này Dream 22 tuổi. Anh ta được đưa vào bệnh viện thay bằng hai chân máy. Anh được xuất viện vào tháng 6 năm 3289 với tình trạng sức khoẻ tốt.

Tháng 10 năm 3296, Dream – Makeno tốt nghiệp đại học Oxford. Nhưng ngay sau lễ tốt nghiệp, trên đường về nhà, do một tai nạn xe hơi, Dream bị phỏng nặng. Màn hình chiếu cảnh một người bị cháy phừng phừng đang cố chui qua cửa kính xe hơi một cách tuyệt vọng. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện. Một ca giải phẫu tuyệt vời tiến hành dưới sự chỉ đạo của giáo sư Niq Vidi đã tách não và tim – hai bộ phận tự nhiên duy nhất còn hoạt động của bệnh nhân – vào một cơ thể nhân tạo giống hệt Dream về ngoại hình. Những hình ảnh sinh động của cuộc giải phẫu, được quay rất chi tiết và nó trở thành một bộ phim tư liệu nổi tiếng của ngành giải phẫu. Bệnh nhân xuất viện ngày 29 tháng 12 năm 3296 với một cơ thể yếu, không được hoạt động mạnh. Ra viện, bệnh nhân tiếp tục theo học chương trình cao học kỹ thuật tại Đai học Oxford. Lúc này Dream 29 tuổi.

Trên màn hình hiện lên cảnh mùa đông dưới chân dãy núi Alpes. Một màu trắng êm ái của tuyết phủ dày mặt đất, trên đó, đoàn người mặc quần áo thể thao, đầu đội mũ bảo hiểm đang chơi trượt tuyết. Họ đang bay từ độ cao 4m xuống và lướt đi trên mặt đất. Nhưng có một người vừa rơi xuống thì lăn đi vài vòng rồi giãy giụa. Đó là những hình ảnh được tái tạo trong phim tư liệu về tai nạn xảy ra cho Dream. Anh bị đứt mạch máu nối từ tim lên não, do chấn động khi rơi từ trên cao. Não tự nhiên của anh không còn khả năng phục hồi chức năng hoạt động. Người ta đưa não của anh vào phòng xử lý, mã hoá toàn bộ ký ức và chuyển sang bộ nhớ của óc điện tử. Bộ nhớ này hoạt động trên cơ sở những ký ức đã có của Dream và là một sự tiếp tục của những ký ức đó. Não nhân tạo được thay thế cho não tự nhiên trong cơ thể Dream. Trái tim được loại bỏ, vì không còn thích hợp cho một cơ thể nhân tạo và được thay bằng hộp năng lượng nguyên tử. Sự kiện xảy ra vào ngày 28 tháng 11 năm 3298. Hội đồng y học quốc tế coi việc thay thế não tự nhiên bằng não nhân tạo là thành tựu cuối cùng của ngành giải phẫu.

Hình ảnh Dream – Makeno tươi cười nhận văn bằng tiến sĩ kỹ thuật vào năm 3301, chứng tỏ cuộc giải phẫu hoàn hảo, não nhân tạo vẫn hoạt động tốtナ

Luật sư Organ ra hiệu tắt máy. Ông phát biểu:

– Thưa quí toà! Những hành động của Sonyl, tôi không có gì để bào chữa. Nhưng điểm quan trọng ở đây là: Dream thật sự đã chết vì tai nạn ngày 28 tháng 11 năm 3298 dưới chân dãy núi Alpes. Sự thay thế não, bộ phận tự nhiên cuối cùng trong cơ thể Dream bằng óc điện tử, chỉ là sự tái tạo hình ảnh của một con người thật sự đã chết bằng một người máy. Trong bộ luật về Người Máy đã định danh: “Người máy là sản phẩm do con người tạo ra bằng công cụ lao động, được mô phỏng theo hình thức và nội dung giống con người. Thưa quí toà! Trong Dream có cái gì không phải là sản phẩm của con người? Không có gì cả!.

Ông hăng hái nói tiếp:

– Điều 47B thuộc chương II của bộ luật này đã qui định: “Con người được quyền huỷ diệt hoặc vô hiệu hoá người máy, khi người máy có hành vi chống lại con người”. Dream đã tấn công Sonyl bằng sức mạnh cơ khí của anh ta và dấu vết còn để lại ngay trên khuôn mặt, mà tất cả những ai tham dự trong phiên toà này đều nhìn thấy. Thưa quí toà! Căn cứ vào những điều luật về quyền con người đối với người máy, thân chủ tôi hoàn toàn vô tội.

Phát hiện độc đáo của Organ khiến mọi người sửng sốt. Có những tiếng vỗ tay nổi lên hoan hô ông. Những người tham dự quan toà xì xào làm cường độ âm thanh vượt quá giới hạn cho phép, máy điện toán tự động rung chuông và yêu cầu im lặng.

Ngài đại diện Công tố viện đứng dậy bước ra khỏi chỗ ngồi và nói với một giọng điềm tĩnh:

– Ngài luật sư đã viện dẫn phần định danh về người máy một cách thiếu sót, vì còn một đoạn văn bản sau đây cho phần này: “Người máy hoạt động được, bởi sự điều khiển trực tiếp hay gián tiếp của con người thông qua chương trình đã được ghi trong bộ nhớ điện tử”! Thưa quí toà! Dream không hề bị điều khiển bởi bất cứ một con người nào trên hành tinh này, ngoại trừ sự diễn biến tư duy của anh ta. Hơn nữa về mặt luật pháp, Dream chưa hề có sự công nhận đã chết của một hội đồng giám định y khoa. Việc thay thế những bộ phận tự nhiên bằng bộ phận nhân tạo đã được thực hiện từ lâu trong lịch sử loài người, để đảm bảo sự sống tiếp tục của một con người là việc làm nhân đạo. Đối với Dream, khi não – bộ phận tự nhiên cuối cùng – được thay thế, anh ta đã sống với tất cả sự hiểu biết của bản thân anh ta. Môi trường gia đình và xã hội vẫn chấp nhận Dream như một con người thật sự. – Ngài đại diện Công tố viện nói mỗi lúc càng hăng hái; ông vung tay chặt xuống không khí với vẻ mặt phẫn nộ – Việc giết Dream phải được coi như một hành động giết người. Thưa quí toà! Ngay ở đây, quí vị có thể chứng kiến sự đau khổ tận cùng của một người mẹ mất con – Giọng ông trầm xuống với một nét mặt tỏ ra thương cảm, ông đưa tay chỉ hàng ghế dành cho thân nhân của Dream. Ở đấy có hai người đàn bà đang ôm mặt khóc nức nở, đó là mẹ và em gái Dream. – Phải chăng đây là tình cảm dành cho người máy? Nạn nhân chỉ thật sự được coi là đã chết bởi bàn tay của kẻ đang đứng ở kia, sau vành móng ngựa.

Luật sư Organ vội vã bước tới trước mặt mẹ và em gái của Dream. Ông nghiêng mình, nói với một vẻ mặt thông cảm:

– Tôi xin trân trọng bày tỏ sự chia buồn cùng bà và cô, vì đã mất đi hình ảnh sinh động của một người con trong gia đình.

Nói xong, ông cúi chào rồi quay lại phía quan toà:

– Thưa quí toà! Không ai có thể không xúc động trước những đau khổ của đồng loại, nếu tỏ ra là người có lương tâm. Tình cảm đối với Dream – người máy trong gia đình và cả trong xã hội – chỉ là một sự liên hệ tiếp tục với ký ức về một con người đã sống. Dream – người máy bị phá huỷ đã làm mất đi hình ảnh sống động liên hệ với kỷ niệm, tạo nên một cảm giác đau khổ vì mất mát thật sự. Nhưng không phải vì thế mà Dream – người máy phải được coi như là một con người. Đó là ý tưởng không nhân bản. Thưa quí toà! – Luật sư Organ nói một cách hăng hái – Chúng ta cũng không thể vì những thiếu sót có tính hành chính ở một bệnh viện mà đi đến kết luận về sự tồn tại của con người về mặt pháp lý. Ở Dream, người máy rõ ràng không có những giá trị sinh học của con người. Điều dễ nhận thấy ở đây là: anh ta không có tuổi sinh học như con người và bất tử cho đến ngày tận thế! – Nói đến đây ông ngừng lời nhìn phía những người dự phiên toà – Đối với con người đích thực – Ông nói tiếp – Tuy chưa có một sự định danh rõ ràng cho nó, nhưng ý niệm về con người vẫn hình thành bởi mối tương quan với đồng loại. Dream – người máy không phải là đối tượng nghiên cứu của mọi khoa học nhân văn. Nếu coi hành động của Sonyl là hành động của một kẻ giết người thì đó cũng là lúc người ta đã giết chết những ý niệm đích thực về con người.

Luật sư Organ dang rộng hai tay với vẻ mặt thất vọng và tiếc nuối:

– Ôi! Nhân loại sẽ đi về đâu, nếu người ta thừa nhận Dream – người máy, là một con người?

– Tôi phản đối – Ngài đại diện Công tố viện hầm hầm tức giận – Ông luật sư đã đưa ra những lời lẽ có tính ám chỉ đả kích cá nhân, chứ không phải tranh biện trên cơ sở luật pháp để làm sáng tỏ công lý.

– Tôi đang tranh luận với ngài đại diện Công tố viện tại toà án để làm sáng tỏ vụ án, chứ không phải hân hạnh tiếp kiến cá nhân ngài George – Malem.

– Rất tiếc, nếu nạn nhân không bị bắn chết bởi thân chủ của ông, chắc chắn anh ấy sẽ chứng minh với ông: anh ấy là con người thật sự.

– Điều may mắn cho ông là linh hồn con người chết không hiện về để báo cho ông biết: Anh ta đã thật sự chết trong cuộc trượt tuyết dười chân núi Alpes.

Tiếng chuông reo cảnh cáo những biểu hiện lệch hướng trong tranh luận. Máy siêu điện toán đã nhận được những tín hiệu âm thanh dồn dập.

Ngài đại diện Công tố viện quay về phía ông chánh án – với nét mặt bực bội – giành quyền phát biểu:

– Thưa quí toà! Con người không phải chỉ thay đổi những bộ phận tự nhiên trong cơ thể bằng những bộ phận nhân tạo, mà nó đã thay đổi luôn môi trường thiên nhiên đã sinh ra nó bằng một môi trường nhân tạo. Và đó là biểu hiện của sự tiến hoá của nền văn minh nhân loại. Phải chăng sống trong một môi trường nhân tạo, con người đã huỷ diệt mình? Sự tồn tại của Dream sau giải phẫu và thay thế bằng óc điện tử, chính là một thành tựu khoa học vĩ đại – cũng giống như con người đã tạo ra một môi trường của mình – ở đấy không phải sự sống kết thúc mà là tiếp tục phát triển dưới dạng khác. Nền văn minh của nhân loại sẽ đi về đâu, nếu không goi hành động của bị cáo là một hành động giết người – Vừa nói ông vừa ngẩng cao đầu nhìn mênh mang lên trần.

Luật sư Organ đưa tay lên xoa xoa cằm, đầu hơi cúi nhìn xuống đất, phải chăng ông đã tìm thấy ở nơi cát bụi – cõi cội nguồn và sự kết thúc của con người – một ý niệm đích thực về con người? Lúc này trông ông có dáng trầm ngâm của một triết gia. Bất ngờ, ông quay người về phía toà án, giơ tay như muốn nói ナ

Bỗng một tiếng nói trầm trầm hoà vào tiếng chuông reo vang: “Toà tạm nghỉ để nghị án.”

Tiếng ồn ào lập tức nổi lên, những người tham dự phiên toà tiếp tục cuộc tranh luận của luật sư và vị đại diện Công tố. Trong phía ý kiến ủng hộ Công tố viện có mẹ của Dream. Bà cảm nhận đứa con bà chỉ thật sự chết bởi viên đạn oan nghiệt của Sonyl. Bà sụt sùi khóc vì người ta nhắc tới con bà.

– Thưa bà! Mong bà hãy bớt phiền não, người ta có thể làm sống lại con bà bằng cách chế tạo lại một bộ óc điện tử khác với những dữ kiện ký ức của Dream còn lưu trữ trong máy siêu điện toán. Anh ấy sẽ trở về với tất cả tình cảm nồng hậu như xưa đối với bà! Một ông béo phị, hói trán, ngồi bên cạnh mẹ Dream – mà người ta nhận ra là ông chủ tiệm gà rán Hamberger ở đường Don Juan – đã an ủi bà. Cô Simili, em gái của Dream, lắc đầu buồn bã:

– Nhưng lúc đó anh tôi sẽ thật sự là một người máy. Đâu còn như anh Dream trước đây là sự sống tiếp nối của anh ấy! Nói xong, cô ôm mặt khóc nức nở. Ông chủ tiệm gà rán lắc cái đầu hói tỏ vẻ bất lực.

Trong số những người ủng hộ luật sư Organ, những người có tín ngưỡng đã đưa ra lập luận dựa trên giáo lý: “Thượng đế đã sinh ra con người, nhưng trong cơ thể của Dream không có cái gì thuộc về Thượng đế. Dream phải là người máy”. Một số người mộ đạo vội làm dấu thánh khi nghe nhắc đến danh vị Thượng đế. Có người lầm rầm: “Cầu xin Thượng đế toàn năng hãy tha tội. Thế gian này có cái gì nằm ngoài quyền năng của Ngài. Dream đã tồn tại trong hình ảnh của một con người, đó chính là ý muốn của Đấng Tối cao. Coi Dream như là một người máy chính là họ xúc phạm đến quyền năng của Ngài!”.

Cuộc tranh luận chắc chắn sẽ còn kéo dài, nếu không có tiếng chuông báo hiệu cuộc xử án tiếp tục. Mọi người đứng dậy hồi hộp nghe quan toà đọc bản án:

– Sau khi căn cứ vào các điều khoản luật pháp, căn cứ vào cáo trang của Công tố viện và những chứng cứ với sự thú nhận của bị can. Toà đã buộc tội bị can Sonyl – Pho, sinh năm 3267, ngụ tại số 27, đường Maxell thuộc tiểu bang Atlantic, bị pháp luật trừng phạt một năm tù giam vì tội danh: say rượu, sử dụng vũ khí phá rối trật tự nơi công cộng.

Những người tham dự phiên toà cùng “ồ” lên ngạc nhiên. Chính Sonyl cũng buột miệng thốt lên câu nói cuối cùng trước toà:

– Vậy còn tội giết Dream thì sao?

* *

Luật sư Organ rít thêm một hơi thuốc dài rồi dụi thuốc vào cái gạt tàn. Ông cầm tờ tin “Thế giới hôm nay” rồi ngả người trên ghế xích đu. Tờ báo được giở ra, ngay đầu trang hai, một hàng tít lớn chạy suốt tám cột báo với những chữ: “SỰ TIẾN BỘ CỦA KHOA HỌC KỸ THUẬT: CON NGƯỜI ĐÃ BIẾN MẤT HAY TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN?” Bài báo tường thuật lại phiên toà ngày hôm qua – mà chính ông là một thành viên quan trọng – như một hiện tượng xã hội để bình luận về vấn đề con người. Thay cho lời kết luận, tác giả bài báo đưa ra câu trả lời phỏng vấn của ông chánh án khi được hỏi: “Phải chăng ngài đã bất lực khi xử vụ án này?”. “Vụ án này đã đụng phải vấn đề mà nhân loại tìm kiếm: Con người là gì? Hay nói một cách chính xác hơn: Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã đặt lại vấn đề này. Tôi không thể lấy sự phán quyết của toà án để đặt ra một chuẩn mực xã hội!”.

“Còn lâu mới có một chuẩn mực xã hội cho nó!” Luật sư Organ lẩm bẩm. Bỗng có tiếng động nhẹ, bà Organ đến bên cạnh ông, nét mặt tỏ ra bực bội một cách dễ mến:

– Thần kinh của ông đã bị suy nhược vì làm việc căng thẳng quá độ rồi đấy. Tôi thấy ông cần phải bồi dưỡng và nghỉ ngơi cho khoẻ!

Nói xong, bà đặt lên bàn bên cạnh ông một ly sữa hột gà và hai cục pin điện tử.

Luật sư Organ hững hờ lấy ly sữa nhấp một ngụm rồi đặt xuống bàn. Sau đó, ông đưa tay lấy hai cục pin rồi từ tốn vén mớ tóc loà xoà sau gáy – ông ấn hai cục pin vào một cái khe nhỏ ở đó. Ông làm việc ấy như một thói quen, hai mắt vẫn không rời khỏi tờ báo.

Bến Tre 1992

Đăng tải tại Các Đề Tài Khác | Để lại phản hồi