Y PHỤC THỜI HÙNG VƯƠNG (2)

NHỮNG DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ, BẢN VĂN CỔ VÀ KHẢO CỔ LIÊN QUAN

Qua sự trình bày ở bài trước đi đến một sự nhận xét rằng: những hình ảnh con người ở trần đóng khố – nếu như có được nhắc tới trong các di vật có từ thời Hùng Vương – thì đó chỉ là thể hiện hình ảnh của lễ hội, hoặc miêu tả cảnh đang làm việc. Bức tranh sau đây thể hiện lễ hội dân gian có tựa đề “Đánh vật” thuộc dòng tranh Đông Hồ, miêu tả trang phục người tham gia lễ hội ở trần đóng khố, nhưng chắc chắn bạn đọc sẽ không nghĩ rằng y phục phổ biến trong sinh hoạt xã hội ở thời điểm xuất hiện bức tranh này đều ở trần đóng khố. Tương tự như võ sĩ Sumô của Nhật Bản hiện đại, nhưng điều chắc chắn là y phục của người Nhật Bản hiện đại không phải là y phục của võ sĩ Sumô thượng đài, tức là cũng “ở trần đóng khố”.

Một thời đại đã đi vào huyền sử, chịu sự tàn phá của thời gian lịch sử hàng ngàn năm với đội quân chinh phục của các triều đại phong kiến Bắc phương. Những di vật khảo cổ tìm được thuộc về thời đại này, không còn đủ để chứng minh một cách sắc xảo cho y phục phổ biến của con người trong nền văn minh Văn Lang. Những giá trị văn hóa trong trang phục tìm thấy trong di vật khảo cổ chỉ duy nhất có chiếc cán dao đồng, thể hiện một mẫu y phục của thời Hùng Vương. Làm sao có thể tìm thấy những bộ quần áo trong những ngôi cổ mộ có niên đại cách đây vài thiên niên kỷ? Bởi vây, hết sức ngạc nhiên và thật sự đau lòng trước một kết luận võ đoán, dốt nát về y phục dân tộc khi cho rằng: ”Không có một di vật khảo cổ nào tìm thấy chứng minh được truyền thống lịch sử 5000 năm của dân tộc Việt”.

Người viết bài này hoàn toàn không phủ định giá trị cao của những di vật khảo cổ tìm thấy được. Nhưng, hoàn toàn cần đặt vấn đề:

“Di vật khảo cổ là một yếu tố cần. Nhưng không phải bằng chứng duy nhất chứng minh cho một luận điểm lịch sử”. 

Sự chu đáo của tổ tiên đã để cho con cháu có những cơ hội tìm về cội nguồn của nền văn hiến Việt Nam. Đó là những di sản văn hoá lưu truyền trong dân gian như những tia sáng mong manh – nhưng rất sắc nét – còn sót lại trong những cổ thư vẫn lưu truyền hàng thiên niên kỷ, đã chứng minh cho nền văn hiến của dận tộc Việt trải 5000 năm. Những sự trùng khớp những hình ảnh giữa cổ vật thời các vua Hùng với những di sản văn hóa dân gian còn lại, sự phát triển minh chứng tiếp nối với tính hợp lý giữa những hiện tượng liên quan, là một điều kiện cần yếu chứng tỏ khả năng phản ánh thực tế và là cơ sở khoa học của giả thuyết về y phục thời Hùng Vương trong bài viết này.

Trong sách Luận ngữ, thiên Hiến vấn, khi nhận xét về vai trò của Quản Trọng đối với nước Tề và ảnh hưởng của nó tới xã hội Trung Hoa, chính Khổng tử đã nói: 

“Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải búi tóc và vắt vạt áo bên tả như người Man Di” 

Quí vị có thể tìm thấy câu nói đã dẫn của Khổng tử ở trên trong hầu hết các sách dịch ra Việt ngữ liên quan đến Luận Ngữ, như:

Luận Ngữ – thánh kinh của người Trung Hoa. Nxb Đồng Nai 1996, Hồ Sĩ Hiệp biên soạn, Trần Kiết Hùng hiệu đính, trang 208; hoặc ngay trong cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa tác giả Witt Durant, do Nguyễn Hiến Lê dịch. Nxb Văn Hoá Thông Tin – 1997. trang 32 …). Không lẽ cái quan điểm phủ định giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt được “hầu hết những nhà khoa học trong nước” và cả cái gọi là “cộng đồng khoa học thế giới” ấy, chưa có một ai xem cuốn sách Luận Ngữ này chăng? Hay họ có đọc mà cố tình quên đi?

Một lý thuyết khoa học được coi là đúng phải giải thích hầu hết những hiện tượng và vấn đề liên quan một cách hợp lý. Đấy mới chỉ là một yếu tố trong tiêu chí khoa học. Vậy cái “Cộng đồng khoa học thế giới” và cái “hầu hết đó” giải thích vấn đề này như thế nào?

Quản Trọng – tướng quốc nước Tề thời Xuân Thu – sống vào giai đoạn đầu thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, không rõ năm sinh, mất năm 654 tr.CN, người đưa nước Tề trở thành một cường quốc, bá chủ các chư hầu nhà Chu. Đây là thời điểm tương đương với thời kỳ mà không ít những nhà nghiên cứu đă căn cứ vào Việt sử lược, cho rằng: “Đó là giai đoạn khởi đầu của thời Hùng Vương“.

Việt sử lược viết: 

Vào thời Trang Vương nhà Chu (698 – 682 tr.CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật khuất phục các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương” 

Như vậy, qua sự trích dẫn ở trên quí vị cũng nhận thấy sự tương đương sát sao về niên đại của thời Quản Trọng (mất năm 654 tr.CN và thời Trang Vương nhà Chu: 698 – 682 tr.CN) và thời điểm lập quốc của các Vua Hùng theo cái nhìn mới – mà họ cho rằng: 

“Thời Hùng Vương chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ VII tr. CN”. 

Thật là một sự vô lý, khi chính Khổng tử gián tiếp thừa nhận một nền văn minh phát triển ở ngay bên cạnh địa bàn cư trú của người Hoa Hạ, có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa của nền văn minh này. Đã có nhà nghiên cứu cho rằng: “Người Man di ở phía Bắc Trung Quốc“(?). Trên thực tế, trong các thư tịch cổ chữ Hán chưa lần nào dùng từ “Man di” để chỉ giống người phương Bắc Trung Hoa. Ngược lại, trong các thư tịch cổ chữ Hán, “Man di” là từ được dùng nhiều lần để chỉ người Việt. Từ “người Man” trong câu nói của Khổng tử không phải là một danh từ chung để chỉ những tộc người có trình dộ phát triển khác nhau, cư ngụ ở miền Nam sông Dương Tử. Ở đây, Khổng tử đã nói đến nền văn minh Lạc Việt. Để chứng tỏ điều này, xin bạn đọc xem những hình di sản văn hóa dân gian Việt Nam sau đây: 

Hình ảnh mà người viết trình bày với quí vị ở dưới đây được chép lại từ tạp chí Heritage số tháng 9/ 10 năm 1996 của Cục Hàng không Việt Nam . Hoàn toàn không có sử dụng kỹ thuật vi tính để lật ngược lại bức tranh. Quí vị có thể kiểm chứng điều này qua tay phải của một số nhân vật cùng đứng trong tranh.

 

Chắc chắn quí vị nhận ra ngay: đây chính là hình nhân vật trong các trò múa rối nước, một nghệ thuật dân gian độc đáo của người Lạc Việt. Quí vị cũng thấy vạt áo của nhân vật rối nước này ở phía bên “tả”(trái) và mấy cái búi tóc của những hình rối nước này. Cho đến đầu thế kỷ 20, phần lớn đàn ông của dân tộc Việt vẫn búi tóc. Điều này chắc không cần phải chứng minh. Đến đây, vấn đề được đặt ra tiếp tục là: 

Căn cứ vào đâu để những nghệ nhân rối nước truyền thống tạc hình nhân vật có vạt áo bên “tả”này? Hiện tượng các con rối nước có vạt áo bên trái là một sự ngẫu nhiên, hay xuất phát từ một thực tế đã tồn tại từ cội nguồn văn hóa đã sản sinh ra nó? 

Khi đã hàng ngàn năm trôi qua, chúng ta quen nhìn vạt áo cài bên “hữu”, thì vạt áo bên “tả” của hình rối nước liên hệ gì với câu của Khổng tử trong sách Luận ngữ: 

“Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải cài vạt áo bên tả và búi tóc như người Man di”. 

Những nhân vật rối nước lưu truyền trong dân gian, phải chăng đã phản ánh thực tế y phục sinh hoạt của thời kỳ Hùng Vương. Rất tiếc! Những con rối nước cài vạt áo bên trái ngày nay rất hiếm gặp. Người ta đã hiện đại hoá nó bằng cách tạo cho nó một cái vạt áo bên phải. Nhưng cũng may mắn thay! Đây không phải bằng chứng duy nhất cho y phục dân tộc thời Hùng Vương. Xin quí vị tiếp tục xem hình dưới đây: 

Y phục dân tộc Dao ở Phú Thọ 
 
Trích từ bài “Cạy cửa tìm nhau” – Ngọc Vinh & Lương Ngọc An 
(Báo Tuổi Trẻ ra thứ 7 ngày 08/06/2002 ). 

Tất nhiên tác giả bài báo này không có nhã ý nhằm giới thiệu y phục dân tộc Dao và giúp minh chứng cho luận điểm của người viết. Dân tộc Dao là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời tồn tại trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam . Bởi vậy, y phục dân tộc này cũng còn giữ được những nét văn hoá cổ truyền của nước Văn Lang xưa: 

Trên y phục của cặp vợ chồng ở hình trên, quí vị cũng nhận thấy người đàn ông áo vạt đưa sang bên trái, người phụ nữ vạt đưa sang bên phải. 

Dân tộc Dao sống trong vùng rừng núi hẻo lánh, cho nên ít chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán. Do đó, hiện tượng cài vạt áo bên trái của người đàn ông trong y phục dân tộc này còn lại đến nay, cùng với các tư liệu đã trình bày ở trên cho thấy: Đó là những chứng cứ khoa học thật sự – với những tiêu chí khoa học rõ ràng là: 

“Một giả thuyết khoa học chỉ được coi là đúng; nếu nó lý giải một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó; có tính khách quan; tính hệ thống, tính quy luật và có khả năng tiên tri.” 

Những vấn đề được hân hạnh tường với quí vị, nhằm chứng minh cho một nền văn hoá cao cấp tốn tại ở miền Nam sông Dương tử mà chính Khổng tử nói tới.

Qua sự liên hệ ở phần trước, sự minh chứng “Y phục dân tộc thời Hùng Vương” được tiếp tục qua những hình ảnh sau đây. 

Hình dưới đây là một hình ghép được chép lại trong sách Thời đại Hùng Vương (sách đã dẫn) chiếc cán dao bằng đồng miêu tả y phục thời Hùng Vương và hình nhân vật rối nước trong trò “Múa Tiên”. 

 

Qua hình ảnh trên, chắc quí vị sẽ nhận thấy một sự trùng hợp hoàn toàn về hình thức cái mũ trên đầu hình rối nước và cái mũ trên cán dao đồng. Ngoài sự trùng hợp về cái mũ, còn một số nét tiêu biểu khác trên y phục của hai vật thể này cũng trùng hợp gần như hoàn toàn. Từ đó có thể dẫn đến sự liên hệ hợp lý cho một cấu trúc đặc thù chung của y phục thời Hùng Vương qua y phục rối nước. Hay nói một cách khác:

Hoàn toàn có căn cứ khoa học thực sự khi dùng những hình mẫu có chọn lọc của những con rối nước truyền thống để phục chế lại y phục thời Hùng Vương.

Vấn đề cũng không chỉ dừng lại ở đây, khi chúng ta tiếp tục so sánh chiếc mũ trên hình cán dao đồng – được khẳng định niên đại từ thời Hùng Vương – với chiếc nón trong hình rối nước “Múa Tiên” và chiếc nón trên hai bức tượng Tiên Dung và Ngọc Hoa công chúa hiện đang thờ ở đền Hùng Phú Thọ dưới đây:

 

TƯỢNG CÔNG CHÚA THỜI HÙNG
Hình tư liệu được chụp tại đền Hùng Phú Thọ

Hiện nay, có rất nhiều trò rối nước được sáng tác ngay thời hiện đại, hoặc vào những thế kỷ trước. Nhưng trò “Múa Tiên” là một trò truyền thống có từ rất lâu trong nghệ thuật rối nước Việt Nam, tất cả các đoàn rối đều có trò này. Do đó, hình rối nước trong trò “Múa Tiên” chắc chắn đã xuất hiện từ thời xa xưa. Qua một khoảng cách thời gian của hơn 1000 Bắc thuộc, nghệ thuật rối nước được ghi nhận lần đầu tiên trong văn bia Sùng Thị Diên Linh – đời Lý – của chùa Đội Sơn (Huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà), tức là vào đầu thời hưng quốc của Đại Việt, cách đây cả ngàn năm. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng múa rối nước chỉ xuất hiện vào thời kỳ này. Đền thờ Tổ 18 thời Hùng Vương xác định xây dựng (hoặc được trùng tu vào thế kỷ XIV). Chiếc cán dao bằng đồng có cách đây khoảng 2500 năm và chỉ mới được phát hiện vài chục năm gần đây. 

Trước hết chúng ta cần phải khẳng định rằng: Trò “Múa Tiên”, tượng công chúa đền Hùng và chiếc dao đồng là những sản phẩm của trí tuệ sáng tạo. Trò “Múa Tiên” và tượng công chúa đền Hùng đều có trước khi tìm ra chiếc cán dao đồng với khoảng cách hơn 2000 năm cho sự sáng tạo ra hai vật thể này. Do đó, nó không thể được coi là sự sao chép từ chiếc cán dao đồng hoặc là một sự trùng khớp ngẫu nhiên. Hình thức tồn tại giống nhau của những di sản văn hoá nói trên với khoảng cách tính bằng thiên niên kỷ, cho thấy chúng phải có cùng một cội nguồn văn hoá của sự sáng tạo ra nó, tuy chưa xác định được thời điểm bắt đầu cho hình thức tồn tại của nó. Nhưng chắc chắn không thể sau thời Hùng Vương. Những sự trùng khớp gần như hoàn toàn về hình thức y phục của những di sản văn hoá với di vật khảo cổ – được tìm thấy sau sự tồn tại di sản văn hoá – lại khẳng định cội nguồn văn hoá và thời điểm bắt đầu cho hình thức của nó là thời đại Hùng Vương. 

Tất cả sự so sánh và minh chứng ở trên, đã khẳng định rằng: y phục dân tộc người Lạc Việt thời Hùng Vương được phản ánh qua y phục của những nhân vật rối nước. Và chính câu nói của Khổng tử : 

Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải búi tóc và vắt vạt áo bên trái như người Man di rồi”, lại là một sự liên hệ hợp lý tiếp theo, cho thấy những y phục này có từ trước thế kỷ thứ VII tr.CN trong nền văn minh Lạc Việt. Những sự liên hệ trùng khớp những hiện tượng liên quan được bổ sung bằng một đoạn trong cuốn cổ sử trích dẫn sau đây: 

Tô Đông Pha chép rằng: 

… Nước Nam Việt từ Tam Đại trở xuống, không đời nào dẹp yên cả. Đời Tần (246 – 207 tr.CN), tuy có đặt quan chức cai trị, xong rồi trở lại tình trạng mandi. Bị Ly mới diệt được nước ấy và chia làm chín quận. Nhưng đến đời Đông Hán, lại có người con gái là Trưng Trắc, khởi binh rung động hơn 60 thành. Đương thời vua Thế Tổ mới dẹp yên thiên hạ, thấy dân đã mỏi mệt và chán việc dụng binh, bèn đóng cửa Ngọc Quan từ tạ Tây Vực. Phương chi Nam Việt là chỗ hoang viếng, không đáng phiền lụy đến quân đội nhà vua nếu không phải Tuân Tức Hầu (Mã Viện) chịu khó đánh dẹp thì dân chín quận vẫn khoác áo bên trái đến bây giờ. (*)

———————- 
* Chú thích: An Nam chí lược; Lê Tắc; Quyển đệ nhất; mục “Cổ Tích”. Viện Đại hoc Huế 1961. Giáo sư Linh mục Cao Văn Luận.

Qua đoạn trích dẫn trên, chúng ta lại một lần nữa thấy tính hợp lý giữa các hiện tượng và vấn đề liên quan đến việc vạt áo cài bên trái của chín quận Nam Việt. Điều này chứng tỏ tính thống nhất về văn hóa ở vùng đất nam sông Dương Tử này hoàn toàn khác biệt với văn hóa Hoa Hạ. Đây cũng chính là vùng đất:

Bắc giáp Động Đình hồ; Nam giáp Hồ Tôn; Tây giáp Ba Thục; Đông giáp Đông Hải của nước Văn Lang xưa.

Sự hiện hữu của văn hóa y phục cài vạt bên trái của Nam Việt, liên hệ với sách Luận ngữ của Khổng Tử đã chứng tỏ rằng: Từ trước thế kỷ thứ 7 tr.CN, và xa hơn – Từ thời Tam Đại – nền văn hóa Lạc Việt đã là một nền văn hóa ưu việt cho khu vực. Ảnh hưởng của nền văn hóa này rất lớn, để “Nếu không có Quản Trọng thì người Hán đă phải cài vạt áo bên trái” . Đây chính là điều mà Khổng Tử cũng đã thừa nhận. Đây cũng là điều mà chính các nhà nghiên cứu Trung Hoa hiện đại cũng thừa nhận. Xin quí vị xem đoạn trích dẫn dưới đây: 

Phát hiện mộ cổ bí ẩn ở Trung Quốc 

Các nhà khảo cổ nước này vừa khai quật một ngôi mộ hơn 2.500 tuổi, có thể thuộc về một vị vua của triều đại Ba (Ba Kingdom) bí ẩn. Ngoài 500 đồ vật bằng đồng, trong mộ còn có bộ xương của 2 người đàn bà và một người đàn ông, mặt ngửa lên trời và hướng về phía đông.Nhóm nghiên cứu cho rằng đó có thể là những tuỳ tùng hoặc chư hầu được chôn cùng vị vua. Nếu được xác nhận, đây sẽ là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất liên quan tới triều đại Ba. Ngôi mộ nằm ở Luo Jiaba, tỉnh Tứ Xuyên, mang đặc điểm điển hình của một ngôi mộ thuộc đẳng cấp cao nhất trong số các ngôi mộ thuộc triều đại Ba đã được tìm thấy. 31 ngôi mộ khác cũng đã được khai quật ở khu vực. Hầu hết các đồ đồng là vũ khí (như giáo, gươm, dao găm và rìu), hay các vật cúng tế tương ứng với vị trí tối cao của chủ nhân ngôi mộ. Triều đại Ba bao trùm các vùng Tứ Xuyên, Hồ Nam và nhiều nơi khác ở miền nam Trung Quốc trước khi biến mất một cách bí ẩn khoảng 2.000 năm trước đây. Người dân thời đại này được miêu tả là những chiến binh hiếu chiến và gan dạ. Tuy vậy, nguồn gốc, cấu trúc xã hội và văn hoá của họ vẫn còn là một điều bí ẩn. 

Minh Thi (theo Tân Hoa Xă) 
Trích VnExpress 1/ 7/ 2003. 

Như vậy, cùng với tất cả những vấn đề được minh chứng liên quan đến thực trạng xã hội thời Hùng Vương đã cho thấy một sự tương quan hợp lý, khẳng định tính chân xác của cổ sử Việt Nam về một nền văn hiến gần 5000 của dân tộc Việt (tính từ 2879 tr.CN đến 2001) và một nước Văn Lang cội nguồn của dân tộc Việt. Tây giáp Ba Thục; Bắc giáp Động Đình Hồ; Nam giáp Hồ Tôn; Đông giáp Đông Hải. Thời điểm được coi là “biến mất một cách bí ẩn vào khoảng 2000 năm trước đây”, chính là thời điểm sụp đổ của nền văn minh Văn Lang. 

Hiện tượng “Vắt vạt áo bên trái” lại phù hợp với sự ứng dụng mang tính phổ biến có tính nguyên tắc, liên quan đến con người của học thuật Đông phương cổ là thuyết Âm Dương Ngũ hành. Đó là nguyên tắc “Nam tả, nữ hữu”.

Thuyết Âm Dương Ngũ hành quan niệm rằng: 

Sự vận động của Âm Dương luôn chuyển hoá cho nhau. Trong Âm có Dương và ngược lại. Phái Nam thuộc Dương nên cài áo vạt bên trái thuộc Âm; phái nữ thuộc Âm nên cài vạt bên phải thuộc Dương. Hiện tượng “vắt vạt áo bên trái” lại là một chứng tích nữa chứng tỏ thuyết Âm Dương Ngũ hành thuộc về người Lạc Việt và đã ứng dụng một cách chi tiết trong sinh hoạt và đời sống xã hội. Hiện tượng này bổ sung cho luận điểm về nguồn gốc của những học thuật cổ Đông phương có xuất xứ từ nền văn hiến Lạc Việt. Đây cũng là những dấu chứng để khẳng định rằng: 

Nền văn minh Lạc Việt vào thời điểm thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên đã phát triển rực rỡ về nhiều mặt. 

Việc liên hệ y phục của các con rối nước và xuất xứ của nghệ thuật dân gian Lạc Việt này với di vật khảo cổ và thư tịch cổ, còn dẫn tới những sự liên hệ tiếp nối về rất nhiều vấn đề văn hoá xã hội liên quan ở thời Hùng Vương, như: âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật tạo hình v.v… là những hình thức nghệ thuật liên quan một cách hữu cơ đến một sân khấu rối nước. Từ những luận điểm và dẫn chứng ở trên, hoàn toàn có cơ sở để để khẳng định rằng: 

Y phục thời Hùng Vương đã hoàn chỉnh và định hình ở tất cả các tầng lớp trong xã hội, ở các tầng lớp trên đă có những y phục trang trọng trong những nghi lễ quốc gia.

Người Việt Nam hoàn toàn có cơ sở khoa học để chứng tỏ một cội nguồn gần 5000 năm văn hiến về mọi phương diện.

Thiên Sứ

PHỤC CHẾ Y PHỤC XÃ HỘI THƠI HÙNG VƯƠNG

Bài đang viết:

Y PHỤC THỜI HÙNG VƯƠNG magnify

 

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

ROI11.jpg picture by lacvietdontoan

Untitled-1.jpg picture by lacvietdontoan
Bài này đã được đăng trong Lý Học Đông Phương và được gắn thẻ , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Có 1 bình luận về Y PHỤC THỜI HÙNG VƯƠNG (2)

  1. Pingback: Y PHỤC THỜI HÙNG VƯƠNG – Lời giới thiệu | Thiên Sứ Lạc Việt

Không cho phép ghi chú.