“Thị trường Bất động sản chết lâm sàng” – đấy là dự báo trong Lời Tiên tri 2012.
Nhưng hậu quả của nó không phải từ bây giờ, mà từ lâu rồi. Trong khi cả cái thế giới này hồ hởi về những bước phát triển kinh tế thì Lý học Đông phương đã xác định một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ xảy ra bắt đầu vào năm 2008. Tất cả thế giới đang say sưa với những thành tích đạt được về kinh tế – mọi người từ phó thường dân đến các nhà doanh nghiệp tài ba và các quan chức – cứ ảo tưởng rằng đó là do tài kinh bang tế thế của mình. Những vị trí làm việc với lương cao ngất ngưởng đều thấy chưa xứng đáng, những tài sản kếch xù đều còn nhỏ với tham vọng của con người. Bởi vậy, chẳng ai thèm để ý đến tiếng nói lạc lõng đậm màu sắc huyền bí của Lý học Đông phương, mà một thời bị coi là “mê tín dị đoan” này.
Nhưng đúng như dự báo, những ngân hàng loại hàng đầu thế giới sụp đổ kéo theo một hệ quả cho tất cả thế giới đến tận ngày hôm nay.
Có thể xác định chắc chắn rằng: sự sụp đổ của những ngân hàng hàng đầu thế giới không phải là nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu một cách thảm hại như hiện nay. Mà nó chỉ là hiện tượng có thể dự báo được – phản ánh một nguyên nhân sâu xa hơn nhiều. Nguyên nhân sâu xa hơn cả là những thặng dư giá trị bởi những cuộc cạnh tranh để phát triển mang tính quy mô toàn cầu. Sự phát triển do cạnh tranh đã thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong những năm trước 2008 – (Tôi lấy năm này làm mốc, vì lời tiên tri của Lý học Đông phương xác định sự khủng hoảng toàn cầu bắt đầu từ năm này – Như một định mệnh – hay nói theo khoa học: như một quy luật ) – những giá trị hướng tới bất động sản. Điều mà Lý học gọi là “vạn vật quy ư Thổ”. Giá bất động sản trên toàn thế giới được đẩy lên cao ngất ngưởng. Những công trình kiến trúc đồ sộ và hoành tráng của những kỹ sư đầy tài năng ở Dubai, ở Bắc Kinh…là những nước phát triển trong thời gian trước 2008. Khiến cho cả thế giới cứ ngỡ rằng cõi trần gian này sắp thành thiên đường như lời Chúa Jesu đã hứa trong kinh Thánh; hoặc trở thành cõi trời Dục giới với Đức Di Lặc giáng sinh….. Nhưng đó lại là dấu hiệu kết thúc một chu kỳ của sự phát triển theo Lý học Đông phương.
Trong Lời tiên tri 2011, hay 2012 – tôi không nhớ chính xác – tôi đã nhân danh nền Lý học Đông phương có cội nguồn văn hiến Việt nhận định rằng: Đây là một cuộc lột xác để tiến hóa của nền văn minh toàn cầu.
Nhưng – như những hiện tượng của tự nhiên – không phải cuộc lột xác nào cũng sẽ dẫn tới sự tiến hóa. Hay nói rõ hơn: Không phải tất cả các con nhộng đều lột xác một cách thành công để trở thành con bướm. Đừng ảo tưởng rằng cả cái nền văn minh nhân loại này vĩ mô và cao cả hơn con nhộng đang lột xác và nó không chết trong quá trình lột xác. So với cả vũ trụ mênh mông gần như vô tận này thì so sánh giữa con bướm với địa cầu tỷ lệ chênh lệch là không đáng kể (Đây cũng chính là một trong những nguyên lý trấn yểm của Phong thủy Lạc Việt).
Hàng loạt những cuộc họp của các chuyên gia hàng đầu về kinh tế của các siêu cường – trong cái nhìn của Lý học Đông phương nhân danh nền văn hiến Việt – là chỉ tốn bia. Cả thế giới đang tìm một xu hướng cái cách dưới các mức độ khác nhau và các danh từ khác nhau. Có quốc gia trở nên cấp thiết, có quốc gia thì tìm biện pháp….vv….Nhưng nó phải bắt đầu từ đâu thì tôi tin rằng chưa một ý kiến nào trên thế giới này được coi là khả thi và mang tính nhân văn. Bởi vậy, sự khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn và có nguy cơ đẩy lùi sự tiến hóa của cả văn minh nhân loại và – tất nhiên – từng quốc gia sẽ suy kiệt và cho đến tận bà bán ve chai cũng có thể không còn gì để bán. Lời tiên tri 2012 đã xác định: “Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2012 sẽ ảnh hưởng đến tận đời sống hạ tầng xã hội”.Đây cũng chỉ là dấu hiệu cận đáy của cuộc khủng hoảng và chưa phải là đáy. Và đấy cũng mới chỉ là nhìn từ góc độ kinh tế, chứ chưa phải gồm cả những nguyên nhân khác như: Thiên tai ngày càng xấu đi, chiến tranh quy mô lớn…vv….
Vậy làm thế nào để con bướm lột xác một cách hoàn hảo và tiếp tục chu kỳ tiến hóa?
Thổ sinh kim & Nguyên lý tương thừa
Đấy là quy luật tiến hóa của Lý học Đông phương nhân danh cội nguồn văn hiến Việt được phân loại theo chu kỳ không/ thời gian.
Nhưng rất tiếc! Nếu cứ nói theo ngôn từ Lý học thì chắc khó thể chia sẻ. Vì cái người xưa thấy được, không phải cái người thời nay thấy được. Nên cái người xưa đặt tên thì không phải cái người thời nay biết được. Thí dụ như khái niệm “Khí” chẳng hạn. Thật vớ vẩn khi nghe mấy vị Phoengshui Tàu bàn về khí. Híc! Nhưng thôi – tôi cứ nói theo cách hiểu của tôi và miễn tranh luận. Nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Và tôi cũng cố gắng tránh dùng từ chuyên môn của Lý học Việt cho dễ tương ứng với nhận thức phổ biến.
Khi kinh tế phát triển để cân bằng với trạng thái phát triển đó và như là một sự cân đối trong phân phối thu nhập giá nhà đất sẽ phải tăng lên một cách tự nhiên – Trường hợp này tôi loại trừ yếu tố tăng dân số làm giá nhà tăng lên. Tất nhiên cộng với yếu tố tăng dân số, nhu cầu phát triển đô thị…..vv….thì việc tăng giá nhà đất là một trong những dấu hiệu của nền kinh tế phát triển. Nhưng đó phải là sự tăng trưởng tự nhiên với sự điều tiết của các chính sách ở mức độ cân đối và hài hòa, thông qua thuế, các dự án phù hợp với sự phát triển…..vv…. Đó là nguyên lý của Lý học gọi là “Vạn vật quy ư thổ” – kết thúc một chu kỳ phát triển. Đến đây mọi sự phát triển đạt đỉnh và chuyển hóa sang một chu kỳ mới gọi là: “Thổ sinh Kim” – tức là nền kinh tế tiếp tục phát triển sang một giai đoạn khác. Trong văn hóa dân gian Việt có câu “An cư lạc nghiệp” có ý nghĩa tương tự – Khi đến một giai đoạn nào đó của sự trưởng thành – phát triển – thì phải có nhà cửa ổn định thì mới có sự phát triển tiếp theo. Nhà đất – Lý học xếp vào hành Thổ trong sự phân loại theo Ngũ hành.
Đến đây tôi muốn lưu ý quí vị khoa học là: Chỉ có thuyết Âm Dương Ngũ hành mới có tính phân loại rất cao cấp, chi tiết và trải rộng trong mọi lĩnh vực từ không gian, thời gian và mọi hiện tượng trong vũ trụ và trên quả Địa cầu này. Trong lịch sử tiến hóa của văn minh nhân loại đầy tự hào như hiện nay, chưa có một lý thuyết nào có sự phân loại sâu sắc như vậy để phân tích, đánh giá ảnh hưởng của những quan hệ tương tác như thuyết Âm Dương Ngũ hành – nhân danh nền văn hiến Việt. Nghịch lý Canto về tính chất của những tập hợp chỉ là một hiện tượng đã được ứng dụng trong học thuyết này. Bởi vậy, nó dễ dàng chấp nhận ngay lý thuyết của Canto và coi đó là lẽ đương nhiên. Tất nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cũng không nằm ngoài những quy luật của học thuyết Âm Dương Ngũ hành với khả năng tiên tri. “Không có tính quy luật thì không có khả năng tiên tri”. Cái gọi là Thuyết Bất định nổi tiếng hiện nay chỉ là một nhận thức thực tế của tự nhiên trong sự phát triển của tri thức hiện đại – chứ không thể coi là một lý thuyết. Tôi phát biểu như vậy – Kính thưa các quí vị khoa học.
Bất động sản đã suy thoái nghiêm trong, không chỉ ở Việt Nam – dễ thấy nhất với tôi – mà còn ở cả các nước siêu cường như Hoa Kỳ, tuy mức độ khác hẳn nhau. Sự tăng giá nhà đất vượt qua giá trị thực của nó trong tính tăng giá tất yếu mang tính tự nhiên mà tôi trình bày ở trên, chính là nguyên nhân xảy ra khủng hoảng. Với đồng lương trung bình 5 triệu đồng một tháng, trừ các chi phí cần thiết và có tính tiết kiệm, một đời người không đủ sức mua một căn nhà giá rẻ giành cho người nghèo. Sự vô lý hơn, khi những căn hộ cao cấp giá hàng chục tỷ, hoặc cà vài triệu Dol xuất hiện giành cho những đại gia ảo, trong khi sự tăng giá nhà đất tự nhiên mang tính cân bằng thu nhập. Những căn nhà giá cao ngất ngưởng lại chứng tỏ sự phân hóa khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn . Đây là điều phi tự nhiên trong sự tăng giá có tính cân bằng thu nhập ở xét ở bình diện xã hội. Bởi vậy, tất yếu khủng hoảng xảy ra. Còn xảy ra chính xác vào lúc nào thể hiện qua những hiện tượng gì thì do….quẻ bói.
Đến đây tôi xin phép được có một Bổ đề – tất nhiên không vĩ đại như bổ để toán học của ông Ngô Bảo Châu – rằng: Quẻ bói là một phương pháp khoa học thuộc về nền văn minh phương Đông. Tính khoa học của nó được thể hiện qua những vấn đề sau đây:
* Quẻ bói là một phương pháp ứng dụng có thể lưu truyền trong nền văn minh qua các thế hệ. Có tính quy luật, tính khách quan, có hệ thống phương pháp luận và khả năng tiên tri.
* Có yếu tố dự liệu đầu vào, gồm: Thời gian năm tháng ngày giờ lập quẻ – hay nói rõ hơn – yếu tố thời gian này liên hệ chặt chẽ với không gian vũ trụ tương ứng.
* Có nội dung và phương pháp giải quẻ liên quan đến câu hỏi và khả nặng tiên tri có thể kiểm chứng trên thực tế của thời gian ứng nghiệm.
Có nhà khoa học có tên tuổi cho rằng tính phi khoa học của quẻ bói vì nó mang tính cảm ứng nhiều hơn…?! Tôi cho rằng: Ngay cả một bài toán lớp 3 ở trường phổ thông trung học thì các học sinh giải toán cũng rất cần đến cảm ứng. Cháu nào cảm ứng tốt thì bài giải hay và xuất sắc. Cháu nào cảm ứng kém nhậy bén thì định hướng bài toán sai. Huống chi là một quẻ bói mà mọi hiện tượng thiên nhiên, xã hội cuộc sống cho đến từng hành vi của con người với hàng tỷ, tỷ trường hợp xảy ra trên thế gian thì tất yếu việc giải quẻ cần một cảm ứng sâu sắc. Tất nhiên ở đây tôi loại trừ đám thày bà vớ vẩn, bịp bợm lấy tiền. Không thể căn cứ vào đám này để hiểu sai về ý nghĩa đích thực của một gía trị ứng dụng thuộc nền văn minh Đông phương – vốn đã thất truyền những giá trị đích thực của nó, khi nền văn hiến Việt sụp đổ ở bờ nam sông Dương Tử từ hơn 2000 năm trước.
Quẻ bói chỉ có tác dụng xác định thời điểm và hiện tượng xảy ra. Nó phản ánh tính quy luật của hiện tượng chứ không phải mô tả bản chất hiện tượng. Phân tích bản chất thật giữa các mối tương tác dẫn đến hiện tượng có thể tiên tri lại là một vấn đề khác.
Trong nguyên lý của Lý học có nguyên lý tương thừa. Nguyên lý này xác định rằng: Thổ sinh Kim – hoặc bất cứ một hành nào sinh ra hành tiếp sau đó – nếu thổ quá vượng thì kim không thể sinh. Hiện tượng này gọi là nguyên lý tương thừa.
Sự phát triển có phần bừa bãi các dự án và giá cao ngất ngưởng của nhà đất, xét về góc độ khác của thuyết Âm Dương Ngũ hành chình là hiện tượng Thổ quá vương, Kim không thể sinh, nên xảy ra bế tắc trong sự lưu chuyền mang tính quy luật tự nhiên phản ánh trong những khái niệm của học thuyết này.
Phong thủy học cho rằng: Một khu đô thị hoặc một cụm cư dân lèo tèo vài ba căn nhà, đều phải là sự tụ khí tự nhiên và cuốn hút sự sinh hoạt tự nhiên của con người. Nhưng chính sự áp đặt các dự án không theo quy luật này đã xảy ra những sự phát triển phi tự nhiên. Và kết quả là những khu đô thị ma, nhưng siêu thị bỏ không và cho đến cả những chợ nông thôn dùng để chăn bò,….. Với những địa điểm phát triển khu đô thị không theo quy luật tự nhiên cần phải cắt bỏ.
Ngoài những dự án đã thực thi hoàn chỉnh mang tính duy ý chí phi quy luật ra thì sự tồn đọng của những dự án treo các loại không đơn giản chỉ là chưa có tiền thì chưa làm. Mà nó là một vấn đề liên quan đến sự phát triển của vùng miền liên quan đến các dự án treo này. Thật là vô lý khi các dự án treo cả 10 năm khiến cho cuộc sống và sự phát triển tự nhiên của những người dân sống trong khu vực dự án gần như ngưng đọng sự phát triển tự nhiên. Họ không thể sang nhượng, phân đất xây cất, chuyển đổi mục đích sử dụng…vv…Nếu như chỉ có một vài cái dự án treo trong toàn lãnh thổ Việt Nam thì không có gì đáng quan tâm ở cấp độ quốc gia. Nhưng tiếc thay nó lại khá phổ biến đến mức độ chọi cục đá xuống ruộng chắc cũng chạm dự án. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trong trong việc góp phần thêm vào sự trì trệ của tính phát triển nền kinh tế. Những ý tưởng xây dựng dự án thuộc Dương. Nếu như những ý tưởng này thực sự xuất phát từ nhận thức nhu cầu phát triển tất yếu để xây dựng dự án thì “Âm thuận tùng Dương” – sự phát triển sẽ mang tính hài hòa . Nhưng nó lại không hoàn toàn như vậy. Không ít dự án xuất phát thuần túy một yếu tố lợi nhuận tưởng tưởng ra sau khi dự án hoàn tất, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu tự nhiên. Kết quả là những khu đô thị ma, những siêu thị nuôi bò và sự ngừng trệ phát triển qua những dự án treo.
Ý tưởng thuộc Dương – Thổ trước thuộc Dương , Kim sau thuộc Âm – Ý tưởng phát triển không theo quy luật tự nhiên – ngôn ngữ hiện đại gọi là “Duy ý chí – “Dương thịnh Âm suy tắc bế”.
Cân bằng Âm Dương – Kim sinh
Có thể nói rằng: Nếu không có một dự án giúp vốn có chọn lọc của Bộ Xây Dựng nhằm cứu nguy bất động sản thì không gây cảm hứng cho tôi viết bài này.
Theo tôi, căn cứ theo những nguyên lý của Lý học Đông phương thì đây là một sai lầm và sẽ để lại những hậu quả chưa lường trước được.
Nguyên lý Lý học mà tôi đã trình bày ở trên là: Thổ quá vượng không thể sinh Kim. Hay nói rõ hơn: Chu kỳ phát triển đang bế tắc. Bởi vậy, căn cứ vào nguyên lý tương thừa này thì việc chi tiền mặt để cứu bất động sản trong lúc này không khác gì làm cho Thổ thêm vượng, tức là đẩy sự bế tắc thêm nặng nề và không có lối thoát. Chưa nói đến việc tiền đâu để chi vào việc cứu nguy một con bệnh gần chết do sự phát triển thiếu tính tư nhiên và duy ý chí xuất phát từ tham vọng của con người. Cứ hơi một tý thì người ta viện dẫn nước ngoài đã làm thế này, đã làm thế kia….để biện minh cho các dự án từ ách tắc giao thông đến bất động sản – Trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga , Mỹ, Đức Pháp, Ytaly…không phải Việt Nam. Híc!
Nhưng ở đây tôi cũng theo cách lập luận này mà phát biểu rằng: Hoa Kỳ chưa sốt sắng lắm trong việc cứu bất động sản. Trong cuộc khủng hoảng lớn này – năm ngoái, hay năm kia gì đó – họ đã ra tay cứu ngành công nghiệp ô tô bằng cách đổi xe cũ lấy xe mới và nhà nước Hoa Kỳ bù tiền (Chứ không phải bỏ tiền cứu bất động sản). Đây đã là một sai lầm của họ và tôi đã phân tích điều này trên blog của tôi (Hay trên diễn đàn này). Quả nhiên, sau đó họ đã ngừng lại và sửa chữa bằng cách khác và cũng chưa phải là cách rốt ráo nhất. Nếu cứ tiếp tục chính sách này thì không biết nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ đi về đâu.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tôi xác định trong “Lời tiên tri 2012” đại ý rằng: Năm nay kinh tế Hoa Kỳ sẽ ổn định hơn – đại ý vậy. Bởi vì, thế giới này khi khủng hoảng tới đáy thì nó lại vượt lên, nhưng sẽ không thể vượt qua trần – nói theo ngôn ngữ chứng khoán – Hay nói theo Lý học là nó không thể lột xác hoàn toàn để thành con bướm. Và cứ mỗi lần như thế nó lại lùi dần về quá khứ.
Bởi vậy đừng thấy Hy Lạp được hoãn nợ, kinh tế nước A, nước B tăng trưởng mà vội cho rằng thế giới đã ổn định và tiếp tục phát triển. Quên nhanh đi quý vị.
Ở tầm nhìn toàn cầu hóa thì nó đang thiếu hẳn một hình thái ý thức toàn cầu để hoàn tất sự hội nhập. Nó chưa có Dương để cân bằng với Âm đang phát triển trên quy mô toàn cầu. Đó là lý do mà tôi xác định một cách chắc chắn rằng:
Tất cả các cuộc họp của tất cả các chuyên gia tài ba trên thế giới này để giải quyết khủng hoảng chỉ tốn bia. Và quẻ bói theo khoa học của Lý học Đông phương nhân danh nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm đã chứng nghiệm. Nhưng đấy là chuyện của thế giới… Còn đây là chuyện bất động sản ở Việt Nam có ảnh hưởng từ kinh tế thế giới đang thời kỳ hội nhập với quy mô toàn cầu.
Theo tôi, không thể bơm tiền để cứu nguy bất động sản hiện nay dưới bất cứ hình thức nào. Mà phải điều chỉnh bằng chính sách thích hợp nhằm rút dần hoặc hạn chế những bất cập.
Trên cơ sở sự phân tích ở trên từ Phong Thủy Lạc Việt thì những nguyên tắc căn bản có thể ứng dụng đầu tiên là do Dương thịnh gây mất cân bằng Âm Dương thì việc đầu tiên là phải điều chỉnh Dương trước – tức là dùng các quy định, quy chế, chính sách….để điều chỉnh sự mất cân đối hiện nay. Còn nếu như bơm tiền thì không khác gì kích thích Âm Vượng lên và thiếu sự hòa nhập Âm Dương (Cô Âm, cô Dương). Việc đầu tiên để tránh việc khủng hoảng, bế tắc do sự phát triển qúa vượng đến mức bất hợp lý vì nhiều nguyên nhân, có thể ứng dụng theo nguyên lý này là hạn chế sự vượng phát của hành Thổ. Đại để về chi tiết có thể là:
* Hoặc phải đưa những giá trị bất động sản ngất ngưởng hiện nay về đúng gía trị của nó một cách hợp lý.
* Hoặc phải có sự bồi thường hợp lý với những gía trị của bất động sản tạo ra so với giá trị đất chuyển nhượng do dự án. Phương án sau phù hợp hơn với quy luật tăng gía tự nhiên trong việc phát triển nhà ở khu đô thi thể hiện sự phát triển và cân bằng thu nhập.. .
* Xóa bỏ những dự án treo không thực hiện đúng tiến độ hoặc thậm chí chưa có chủ đầu tư. Điều chỉnh hoặc bổ sung những quy định, quy chế…vv…. trong các khu vực bị dự án treo.
* Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng của dự án đã hoặc đang dở dang, Thí dụ: Nhà cao tầng, khu Đô thị có thể dùng làm bệnh viện, trường học…
* Những dự án đang chuẩn bị triền khai và có kế hoạch kinh phí ổn định thay thế vào những dự án đang chết với mục đích sử dụng khác. Tức là mua lại các dự án chết và thực hiện dở dang bằng những dự án mới.
Tóm lại, nguyên tắc của Lý học là thuận theo tự nhiên để thị trường Bất động sản tự điều tiết. Suy cho cùng đấy chính là nội dung của câu: “Thuận thiên thừa vận. Hoàng đế chiếu viết:…”. Các nhà nghiên cứu về sau thường có xu hướng giải thích câu “Thuận thiên thừa vận. Hoàng đế chiếu viết:…” rằng: Đấy xuất phát từ ý tưởng huyền bí, mỵ dân của vua chúa phong kiến, tự nhận mình là con trời và việc của vua là làm theo ý Trời…vv…. Theo tôi đấy là một cách hiểu sai – Do sự sụp đổ của nền văn minh Lạc Việt một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử – Nên những nguyên lý của nền văn minh Đông phương trở nên thất truyền và chỉ còn lại những cách giải thích mơ hồ ngớ ngẩn của đám Hán nho. Nên nó trở thành huyền bí với cách giải thích mang yếu tố thần quyền và “mê tín dị đoan”. Chứ còn dưới thời Hùng Vương – cội nguồn của nền văn hiến Việt từ gần 5000 năm về trước – câu trên có nghĩa là: Thuận theo quy luật của vũ trụ – “phụng thiên” – vào từng chu kỳ của nó – “thừa vận” (Thí dụ đang vận 8 / 2004 – 2023. Sao Thái Tuế Quản trung cung) để đưa ra những quyết định phù hợp (Hoàng Đế chiếu viết) . Cụ thể: Vào mùa Xuân, không được phép lật tổ chim, vào mùa thu mới được săn bắn chẳng hạn….
Như vậy, về nguyên lý theo Lý học không thể cứu bất động sản bằng cách duy ý chí, mà chỉ nên là dùng qui đinh, quy chế, pháp luật….vv….Tức là dùng các hình thái ý thức xã hội để cân bằng lại sự vượng phát thái quá của các vấn đề liên quan đến bất động sản hiện nay. Sự ổn định trở lại của thị trường này sẽ là tiền đề để phát triển tiếp theo.
Vần đế còn lại sẽ là sự phát triển trong tương lai như thế nào riêng ở Việt Nam?
Kim sinh – Thế giới đi về đâu?
Nhiều năm gần đây xuất hiện cụm từ “Đi tắt, đón đầu”. Một ý tưởng rất hay và thông minh – tôi không hề có ý nghĩ mỉa mai ý tưởng này. Nhưng nó phải là một sự thông minh xuất sắc mới thực hiện được. Bởi vì. điều kiện cần và đủ để thực hiện ý tưởng này là phải biết rõ hoặc chí ít cũng định hướng được xu hướng phát triển trong tương lai của nền văn minh nhân loại trong xu thế hội nhập toàn cầu. Nếu như không thể phân tích được trên cơ sở một hệ thống phương pháp luận với những luận cứ chắc chắn và khoa học (Hiện nay nền văn minh nhân loại chưa đủ tầm để có được điều này) thì ít nhất cũng có thể ….dự báo được – tức xem bói được theo Lý học Đông phương, hoặc các phương pháp dự báo khác của nền văn minh khác. Vị thày bói này cũng cần phải có một kiến thức rất rộng về nhiều mặt của tri thức hiện đại mới có thể dự báo chính xác.
Theo tôi vấn đề phải được xét từ tổng thể và đi đến chi tiết – đây là nguyên lý của Phong Thủy Lạc Việt và cũng là của Lý học Đông phương nói chung.
“Muốn giải thích một hiện tượng dù rất nhỏ, cũng phải viện dẫn đến toàn bộ lịch sử hình thành vũ trụ”.
Ngài Trịnh Xuân Thuận đã phát biểu như vậy. Nếu như không có một cái nhìn tổng hợp thì mọi giải thích và ứng dụng sẽ chỉ mang tính cục bộ, chắp vá kiểu chống tắc đường hiện nay và căn cứ vào Tây nó cũng làm như vậy.
Trên cơ sở những quy luật của vũ trụ từ những quy luật sinh học – sự phát triển từ đơn giản đến phức tạp, quy luật vật lý về cấu trúc các vật thể….vv….thì xã hội loài người sẽ không thể không hội nhập toàn cầu trong những kỷ nguyên này – (Vài ngàn năm sau, nếu ko có thiên tai hủy diệt toàn thể nhân loại thì nó lại tan rã dưới một hình thức khác. Nhưng đó là chuyện của vài ngàn năm sau, chưa bàn vội). Vấn đề được đặt ra là nó sẽ có sự diễn tiến hội nhập như thế nào và nó sẽ tiếp tục phát triển ra sao?
Sự hội nhập hiên nay – với cái nhìn của cá nhân tôi – nhân danh những hiểu biết về Lý học thuộc về văn hiến Việt – thì nó mới ở giai đoạn manh nha, sơ khởi. Nó chưa đủ những điều kiện nền tảng cần thiết về các cấu trúc xã hội để tiến tới một sự hội nhập thực sự. Nhưng những dấu hiệu đầu tiên để xác định một xu hướng này đã xuất hiện và không thể thay đổi. Một cuộc hội nhập chỉ mang tính cục bộ là nền kinh tế châu Âu với khối EU cũng có vẻ như rất khó khăn chứng tỏ điều này. Họ đã quá chủ quan duy ý chí khi áp đặt một ý tưởng cho một sự kiện sẽ xảy ra và quên mất những điều kiện cần và đủ để thống nhất châu Âu – một phần của thế giới. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo là chưa đủ nhân duyên, một thứ đẻ non do quá nôn nóng.
Nay để sản xuất một cái hộp quẹt ga, chúng ta thử tưởng tượng chỉ cần thiếu một yếu tố phát triển tri thức làm ra cái hộp quẹt ga đó là công nghệ hóa lỏng ga thì cái hộp quẹt ga bán với giá 3000VND cũng không thể ra đời. Huống chi đây là một cuộc hội nhập của toàn châu Âu. Đáng nhẽ ra họ không nên sốt sắng in ra một loại tiền châu Âu ngay như vậy và phải có một biện pháp thúc đẩy sự hội nhập tự nhiên bằng những biện pháp hành chính. Nhưng đấy không phải chủ đề của bài viết này, tôi chỉ xin phép giới thiệu như một dấu hiệu cục bộ của xu hướng hội nhập toàn cầu. Thực tế xu hướng hội nhập toàn cầu hiện nay chính là sự giao lưu kinh tế toàn cầu với phương tiên thông tin và giao thông (Đương nhiên không phải đường sắt cao tốc. Đấy chỉ là sản phẩm mơ ước của con người thời kỳ hàng không chưa phát triển. Nó giống như mơ ước của bác nông dân thật thà chất phác – nhưng có chỉ số IQ cao – mơ ước tậu được con trâu vậy. Và khi đất của bác được bồi thường dự án xây siêu thị thì bác ta lập tức mua con trâu mà đáng nhẽ ra bác ta phải mua máy cầy – mà có lẽ máy cầy có người điều khiển bây giờ cũng lạc hậu rồi
).
Thế giới sẽ hội nhập thành một chỉnh thể thống nhất trong một tương lai không xa. Nhưng nó sẽ có một tiến trình hội nhập như thế nào (Một cuộc chiến khốc liệt giành ngôi bá chủ, hay một cuộc hội nhập hòa bình dung hòa được quyền lợi giữa các dân tộc…) và mô hình của một thế giới thống nhất ấy sẽ ra làm sao – để có thể điều hành được sự sống của con người trên hành tinh này, bảo vệ sự tiếp tục phát triển cân đối của nó và tiếp tục phát triển nền văn minh nhân loại? Tôi nghĩ đây là đề tài hấp dẫn. Nhưng nó lại không phải là nội dung của topic này.
Trong phần này của bài viết, tôi chỉ muốn đề cập đến sự tiến hóa tiếp theo của chu kỳ “Thổ sinh Kim” và nền kinh tế tiếp theo sẽ dựa trên nền tảng của sự phát triển khoa học kỹ thuật tiếp theo sẽ như thế nào?
Thế giới vô hình
Tôi mượn tam từ này đề làm tiêu đề cho đoạn tiếp theo. Nhưng mong các bạn đừng nghĩ tôi muốn nói đến các vấn đề mà thế gian tạm đặt tên là tâm linh. Với tôi thì thế giới này chỉ có một chân lý , không có vấn đề khoa học hay tâm linh. Và cũng mong các bạn đừng vội nghĩ là tôi cho rằng thế giới sẽ biến mất và không nhìn thấy nữa. Ở đây tôi muốn nói đến những sự tương tác của những dạng tồn tại của vật chất không nhìn thấy sẽ là xu hướng phát triển tiếp theo của một chu kỳ phát triển của nền văn minh. Nó sẽ bắt đầu từ: Tia lade; sóng điện từ, kỹ thuật điều khiển không dây, tự động hóa, các vấn đề kỹ thuật điện toán, phần mềm vi tính….Nó sẽ tiến tới và ứng dụng những phần chưa biết của vật chất như: “Hạt của Chúa”, phản vật chất….. – đây là thí dụ cho dễ hiểu vì nó là ý niệm tưởng tượng phổ biến mọi người đều biết – còn theo tôi không có phản vật chất và không có Hạt của Chúa…Về năng lương thì những dang năng lượng như hiện nay sẽ phải thay thế bằng những dạng năng lương vũ trụ như: Năng lượng mặt trời, năng lương gió…vv….(Tôi vẫn luôn quan niệm rằng: Việc sử dụng ồ ạt thủy điện là một sai lầm). Nếu cứ như thế này thì thế giới còn cần một hoặc hai chu kỳ nữa: Thổ sinh Kim, Kim sinh thủy….rồi “Quy ư thổ”….mới đạt được trình độ như những gì nền văn minh cổ Đông phương đang….ứng dụng để….xem bói (Do nền tảng kỹ thuật và xã hội của nền văn minh này đã bị hủy diệt).
Và tôi gọi những: Tia lade; sóng điện từ, kỹ thuật điều khiển không dây, tự động hóa, các vấn đề kỹ thuật điện toán, phần mềm vi tính…là thế giới vô hình.
Nếu những ý tưởng của tôi được coi là đúng – thì – sau khi ổn định những giá trị bất động sản – nên hướng những ngành công nghiệp của tương lai, gọi là “đi tắt, đón đầu”.
Xin cảm ơn sự quan tâm của quý vị.