Quí vị quan tâm thân mến.
Quí vị đang xem và tìm hiểu những đồ hình Mandala của các nền văn minh cổ đại và của cả thiên nhiên. Khi tôi hân hạnh giới thiệu xong với quí vị những bài viết liên quan thì chúng ta sẽ có một khái niệm về Mandala và lúc đó quí vị cùng tôi sẽ khảo sát chiếc trồng đồng huyền vĩ của nền văn minh Lạc Việt từ 5000 năm trước.
Thiên Sứ
Các đồ hình Mandala của người Ấn Độ và Tây Tạng.
Theo truyền thống, các đồ hình Mandala là một công cụ thiền định hữu hình, hướng đạo cho người tìm kiếm chân lý hiểu biết nhiều hơn về bản thân họ và vũ trụ. Ở khắp châu Á, cả những người theo đạo Hindu lẫn các tăng ni Phật tử đều dồn tâm để đạt được sự thông thái và kiến thức tự thân thông qua thiền định, nhằm đạt đến sự hài hòa và thoát khỏi vòng cương tỏa của cái chết cũng như những khao khát trần tục.
Các đồ hình Yantra của Hindu giáo
Những người mộ đạo Hindu giáo sử dụng các đồ hình Yantra trong lúc thiền và trong các nghi lễ. Mỗi một đồ hình Yantra đều có một biểu tượng hình học được vẽ chính xác quy ước một vị thần nào đó. Mỗi một vị thần lại có biểu trưng đặc biệt của riêng mình, gồm các hình tam giác dính liền với nhau, hướng lên trên hay xuống dưới lại phụ thuộc vào việc vị thần này là nam hay nữ. Xung quanh biểu tượng này còn có các vòng tròn tượng trưng cho sự bảo vệ và một vòng tròn viền hình cánh hoa biểu thị cho những người hầu của vị thần. Tất cả các biểu tượng và vòng tròn này lại nằm bên trong một vòng tròn thành phố trái đất gọi là bhu-pura. Bhu-pura lại được rào xung quanh bởi các bức tường, ở các bức tường này có những người bảo vệ cho tám hướng, ngồi canh giữ liên tục.
Các Yantra có thể là một hình tròn, được vẽ và sử dụng trực tiếp trên mặt đất, hay một kim tự tháp. Có một chỗ chứa hình vòng tròn được đặt ở trung tâm. Vị thần sẽ xuất hiện ở bên trong chỗ chứa này. Các Yantra chỉ có thể được chạm trổ trên 8 chất liệu Tantra: vàng, bạc, đồng xu, tinh thể, gỗ bulô (birch), xương, da (da này bao gồm cả giấy) và một hòn đá đặc biệt được gọi là vishnu. Chỉ cần những vật liệu này, khi kết hợp với việc sử dụng đúng màu sắc trong thiết kế hình vẽ, là sẽ tạo ra được sự cân bằng và hài hòa giữa các năng lượng để thần linh tồn tại ở trung tâm Yantra này.
Người ta cho rằng các đồ hình Yantra cần phải có được sự sống với sự xuất hiện của linh hồn thần linh và phải được “ban cho hơi thở” trong buổi lễ. Có những mùi thơm tỏa ra khắp Yantra, trong lúc người ta đọc đi đọc lại một câu thần chú cầu khẩn nào đó. Ở các Shri Yantra (một loại đồ hình Yantra) các chữ cái được vẽ ở bên ngoài, xung quanh vòng tròn để tượng trưng cho âm thanh của đấng sáng thế Shakti, vị thần được cúng lễ. Khi Yantra đã có được hơi thở và sự sống, thì người ta tin rằng nó sẽ đạt đến tri giác để nhận thức thế giới và một thực thể linh hồn nào đó để sống ở đấy. Đồ hình Yantra là những hình vẽ thiêng liêng, được sử dụng nhằm hướng sự chú ý tới nó khi thiền. Khi đặt mình vào giữa một Yantra, các tín đồ mộ đạo mong muốn vào được khu vực trung tâm trong tồn tại tổng thể của họ.
Các đồ hình Mandala của Phật giáo
Các tín đồ Phật giáo mong muốn đạt đến sự giác ngộ để họ có thể đến được cõi Niết bàn trong vũ trụ ở kiếp này hoặc ở kiếp sau. Họ phải rèn luyện cả cơ thể lẫn tâm trí để biết cách đi giữa sự hài hòa, khi giải phóng mình khỏi những kiềm tỏa của bản ngã và những khát vọng trần tục. Các đồ hình Mandala được vẽ ra theo những quy luật nghiêm ngặt để tạo ra sự cân bằng và hài hòa tuyệt đối, giúp cho việc thiền định. Có nhiều con đường đạt đến sự giác ngộ, và mỗi một con đường lại có một đồ hình Mandala và một vị Phật riêng hướng đạo cho nó.
Các tín đồ đạo Phật ở Tây Tạng vận dụng các đặt tính chữa bệnh và răn dạy của các đồ hình Mandala trên một tấm vải cuộn, gọi là thang-ka. Các Mandala này thường là các bức tranh hình chữ nhật miêu tả những lời răng của vị Phật đó, bánh xe cuộc đời, cây vũ trụ, các vị thần linh và những người hướng đạo tinh thần khác bằng những hình ảnh đẹp đẽ đầy màu sắc. Người Tây Tạng còn vẽ những đồ hình Mandala để phục vụ cho việc thiền, được gọi là kyilkhor. Mỗi một kyilkhor chứa trong mình rất nhiều biểu tượng và ý nghĩa.
Các nhà sư có thể thiền trên đồ hình Mandala bằng cách lần lượt đánh giá từng biểu tượng, khi đi từ rìa ngoài vào bên trong đồ hình. Đầu tiên, người thiền phải vượt qua bốn rào cản bên ngoài để đạt đến giác ngộ, tương đương với tiêu trừ hỏa khí, có được sức mạnh trí tuệ, đạt đến tám trạng thái nhận thức cao nhất và trái tim trong sáng, rộng mở. Sau đó họ đến với bốn cánh cổng đi vào cung điện của Phật. Ở mỗi một cánh cổng này, đều có một linh hồn bảo vệ đứng gác nơi lối vào, và các nhà sư phải đối mặt với các linh hồn bảo vệ này trước khi vào được bên trong cung điện và trung tâm Mandala, nơi có Phật ngự tọa.
Còn tiếp