Tôi về trên chuyến bay của hãng Việt Nam Airline lúc 1g 30. Tạm biệt Hanoi với những ngày mùa Đông tháng giá. Tôi cảm ơn những anh em Hanoi đã nhiệt tình với tôi trong lúc xa nhà với giá rét của mùa Đông.
Trên máy bay tôi làm một giấc thẳng cẳng và chỉ tỉnh lúc ăn cơm. Trên quãng đường bay vài ba giờ như thế này các hãng máy bay Hoa Kỳ không có ăn theo bữa. Tất cả đều phải mua.
Ra đón tôi tại sân bay là Mama Tổng quản. Tôi mệt quá, vì ăn uống thất thường, trời lạnh, làm việc cật lực….tất cả mọi thứ tôi chất lên xe đẩy và để Mama tổng quản đẩy đi. Ra gần cổng sân bay có cô Phượng phụ giúp chở vali. Về đến nhà tôi bị cảm, có lẽ do thay đổi thời tiết đột ngột. Nhưng tối hôm ấy, tôi có buổi nói chuyện tại Câu Lạc bộ “Những nhà Quản lý doanh nghiệp” về kiến thức của tôi.
Trung Nhân đến mời tôi đi ăn cơm, nhưng tôi từ chối. Vì người tôi rất mệt, nếu ăn nhậu nữa thì chắc tôi không nói nổi. Trung Nhân hẹn 18g 30 quay lại đón tôi. Chúng tôi đến thẳng quán Trà Việt ở đường Út Tịch. Đây là quán trà mà người chủ quán có ý tưởng là tạo nên một không gian thưởng thức trà theo phong cách Việt và mang hồn Việt. Tôi rất thú vị với ý tưởng này.
Đề tài của buổi nói chuyện lúc lên xe đi tôi mới biết. Đó là “Phong thủy Lạc Việt & Phong thủy cho doanh nghiệp”. Với tôi, những đề tài như thế này tôi không cần chuẩn bị cà tờ giấy gạch đầu dòng.
Các quan khách lần lượt đến. Lúc đầu nghĩ là sẽ không đông lắm, vì gần Tết, một số doanh nghiệp cũng bận rộn. Nhưng sau đó thì mọi người đến khá đông.
Phong cách uống trà ở đây khá độc đáo, có vẻ gần với phong cách trà đạo của Nhật Bản. Mọi người ngồi bàn thấp như các cụ đồ, hay nho sinh ngồi trước án thư. Nhưng tôi nhớ, án thư ngày xưa các cụ ngồi trên sập chứ không ngồi lên mặt sàn. Ngày nhỏ, còn ở Hàng Phèn, tôi cũng ngồi trên sập với cái án thư mặt đá để học. Bởi vậy, việc ngồi trên mặt sàn này gần giống phong cách trà đạo của Nhật Bản.
Mở đầu cuộc nói chuyện, bên quán có người thuyết trình về phong cách Trà Việt so sánh với trà Nhật, Hoa…..Ý tưởng này thật độc đáo, khi phân tích về thuyết Âm Dương Ngũ hành liên quan đến Trà Việt. Nhưng rất tiếc ý tưởng định hướng thì đúng, nhưng cách hiểu thì chưa thật thấu đáo về thuyết Âm Dương Ngũ hành và sự biến thiên của lịch sử, nên mặc dù coi uống trà có nguồn gốc phương Nam và người Trung Quốc tiếp thu. Nhưng vẫn coi sau đó du nhập vào Việt Nam và được người Việt biến thể thành phong cách trà Việt.
Cô thuyết trình viên nói: “Trong Trà Việt có đủ Ngũ hành: Đó là: Ấm đồng Kim, sinh Thủy là nước pha trà, Ấm trà thuộc Thổ, Hỏa là lửa nấu trà và trà là mộc”. Rất hay. Nhưng tôi lại cho rằng ấm nấu nước pha trà phải là Âm đất hoặc sứ mới giữ được vị tự nhiên thanh khiết nguyên hương của nước pha trà. Tuy nhiên phải ghi nhận rằng chủ quan đã sưu tầm và phân tích được những phong cách uống trà rất khác nhau giữa Việt, Hoa, Nhật và nêu bật được sự thanh khiết, hòa nhập thiên nhiên của Trà Việt.
Tôi có cuốn tư liệu photo: Trà Việt thời Hùng Vương. Đây là tài liệu rất quý. Nhưng tiếc thay, cuộc sống vô gia cư, chuyển nhà nay đây mai đó, tôi không biết nay cuốn sách đó ở đâu trong đống sách của tôi. Tôi rất thận trọng trong việc xử lý tư liệu. Có những tư liệu chỉ mang tính định hướng và tôi chẳng bao giờ trích dẫn cả. Thí dụ cuốn này. Bởi vì, nếu tôi trích dẫn thì họ sẽ không thừa nhận. Tôi chỉ trích dẫn những gì xác đáng phản ánh hiện thực khách quan.
Chúng tôi vừa nghe thuyết trình viên nói truyện về trà Việt vừa thưởng thức trà. Cô bé nói: “Hai màu đen đỏ chủ đạo chính là hai hành Thủy Hỏa. Bởi vậy từ quần áo của tiếp viên cho đến màu sắc trang trí nơi đây màu chủ đạo đều là đen – đỏ. Các cụ thường nói “Cuộc đời đỏ đen”, hoặc “canh bạc đỏ đen”. Tại sao các cụ lại nói vậy. Thực ra Thủy biểu tượng là xanh Dương xậm. Màu đen bị cọi là Thủy chỉ là sự thất truyền sau này. Các bạn thấy những lá cờ Ngũ Sắc của Việt tộc không bao giờ có màu đen. Nhưng tại sao các cụ lại dùng hình tượng Đỏ đen để miêu tả cuộc đời? Màu đen là tượng của cực Âm, hành thủy cũng tượng của cực Âm. Nên khi thất truyền cả một hệ thống lý thuyết thì có sự lẫn lộn này. Màu đen còn là màu của sao Nhị Hắc có nguồn gốc từ quái Khôn thuộc Thổ với độ số 2 trên Hà Đồ (Bởi vậy gọi là Nhi Hắc). Quái Khôn thuần Âm trong Kinh Dịch, nên biều tương màu đen, nên các cụ còn nói “Đất đen”. Trong Tam Quốc chí, vào hồi Lã Bố hí Điêu Thuyền, nhà dịch thuật Việt Phan Kế Bính hạ hai câu thơ kết miêu tả Đổng Trác ngã lăn khi đuổi theo Lã Bố:
Khí căm xông tận lên mây tía.
Mình béo, lăn kềnh xuống đất đen.
Bởi vậy, cuộc Đỏ – Đen là cuộc đời lăn lóc, thua thiệt. Âm Thịnh, Dương suy. Chơi bạc cũng thế thôi. Đỏ Hỏa sinh Khôn Thổ đất đen. Nó không phải là biểu tượng của Âm Dương.
Sau cô thuyết trình viên Trà Việt thì đến lượt tôi. nói về Phong Thủy Lạc Việt.
Tôi xác định rằng: Phong thủy Lạc Việt là một danh xưng xác định nguồn gốc lịch sử thuộc về nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử. Về nội dung, nó là sự hiệu chỉnh những sai lầm của của Phong Thủy từ cổ thư chữ Hán, đã tiếp thu một cách không hoàn chỉnh những tri thức của thuyết Âm Dương Ngũ hành – thuộc về nền văn hiến Việt – mà một trong những phương pháp ứng dụng chính là phong thủy. Phong Thủy Lạc Việt không phải là sự phủ định toàn bộ những gì còn sót lại ghi nhận trong cổ thư chữ Hán. Nếu như thế thì không có Phong Thủy mà chính là một một học thuyết mới của cá nhân tôi. Phong thủy Lạc Việt là sự hiệu chỉnh nguyên lý căn để “Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt” để ứng dụng và giải thích một cách nhất quán, có tính hệ thống, hợp lý , có tính quy luật và tính khách quan tất cả mọi hiện tượng và vấn đề liên quan đến nó. Phong Thủy Lạc Việt cũng không phải là một trường phái đồng hạng với các trường phái Phong Thủy lưu truyền qua cổ thư chữ Hán.
Tôi miêu tả một cách khách quan cái nhìn hiện nay về lịch sử thuyết Âm Dương Ngũ hành và Phong thủy qua cổ thư chữ Hán.
Tất cả sách liên quan đến thuyết Âm Dương Ngũ hành – trong đó có Phong Thủy – đều thể hiện bẳng văn tự Hán và được gán cho những tác giả Hán sáng tác, có tên tuối, thời gian và cả quê quán. Khiến cho thế nhân với cái nhìn trực quan và chỉ quan tâm đến ứng dụng thì đều dễ dãi cho rằng nó có nguồn gốc từ văn minh Hán. Nhưng để có một học thuyết , hoặc thuần túy một phương pháp ứng dụng với phương pháp luận của một lý thuyết nào đó – kể cả lý thuyết khoa học hiện đại thì cần ba yếu tố sau:
1 – Lịch sử hình thành học thuyết.
2 – Tính hợp lý trong nội dung.
3 – Nền tảng tri thức xã hội làm nên học thuyết đó.
Nhưng tất cả ba yếu tố này đều không đáp ứng được yêu cầu nếu được coi là xuất xứ từ văn minh Hán.
Trước hết xin nói về lịch sử hình thành học thuyết Âm Dương Ngũ hành theo cổ thư chữ Hán:
– 4000 năm trước CN:
Vua Phục Hy tìm thấy Hà đồ trên lưng con Long Mã ở sông Hoàng Hà. Trên cơ sở này ngài Phát minh ra Bát Quái Tiên thiên.
– 3000 năm trước CN:
Vua Hoàng Đế cùng các đại thần làm ra cuốn Hoàng Đế nội Kinh tố vấn. Trong đó phương pháp luận hoàn toàn nói về Âm Dương Ngũ hành.
– 2000 năm trước CN:
Vua Đại Vũ đi trị thủy ở sông Lạc tìm ra con Thần Quy phát minh ra Lạc Thư và thuyết Ngũ Hành.
– 1000 năm trước CN:
Vua Văn Vương căn cứ vào Lạc Thư làm ra Hậu Thiên Bát quái Văn Vương. Ngài cùng con của Ngài soan ra Hào Từ và Soán từ, nói về nội dung của 64 quẻ Hậu Thiên.
– 500 năm trước CN:
Khổng tử san định lại Kinh Dịch viết Thương Hạ truyện, hệ từ, thuyết quái truyện…..lúc này trong văn bản kinh Dịch mới đề cập tới Âm Dương.
Như vậy, thuyết Âm Dương Ngũ hành đã được ứng dụng từ thời Hoàng Đế và sau đó hàng ngàn năm những khái niệm căn bản của học thuyết này mới ra đời. Trong khí đó, Ngũ Hành là khái niệm phân loại vạn vất trong vũ trụ nằm trong phạm trù Âm Dương thì chính Âm Dương lại ra đời sau cùng do Khổng tử trước tác. Tất nhiên đây là sự vô lý về tiến trình lịch sử hình thành thuyết Âm Dương Ngũ hành trong cổ thư chữ Hán.
Đấy mới chỉ là yếu tố thứ nhất.
Yếu tố thứ hai là nền tảng tri thức xã hội làm cơ sở cho sự hình thành học thuyết.
Xin hỏi tất cả quí vị ngồi đây, có trình độ từ Đại học trở lên và kể cả tiến sĩ chuyên ngành toán học: Các quý vị có hiểu được nội dung của “Bồ đề toán học” mà giáo sư Ngô Bảo Châu chứng minh không? Tất nhiên là không! Tại sao chúng ta vẫn thừa nhận đấy là một bước tiến của tri thức toán học. Bởi vì toán học là tri thức phổ biến có tính nền tảng xã hội hiện đại. Trên cơ sở kiến thức nền tảng đó, có những nhà tri thức cao cấp về toán học mà các nhà khoa học chuyên ngành thừa nhận và họ đã công nhận việc chứng minh “Bổ để toán học” của giáo sư Ngô Bảo Châu. Nên chúng ta tin trên cơ sở tri thức nền tảng này và chúng ta có thể hiểu được, nếu chúng ta học chuyên ngành sâu trong tri thưc toán học.
Ngược lại, cho đến nay là hàng ngàn năm trôi qua, ngay người Trung Hoa vẫn không hiểu gì về “Khí”, không biết khái niệm mà chính họ nói đến và coi như của họ. Thí dụ tên gọi các quái: Càn, Khảm, Cấn . Chấn……Đối với họ đó là danh từ riêng của Dịch học. Ngược lại, trong Ngôn ngữ Việt nó lại là những từ phổ biến và thông dụng. Thí dụ: Khảm – trong nghề khảm, tức là khoét lõm xuống và đặt một vật gì trong đó. Quẻ Khảm cũng có nghĩa là khuyết hãm. Cấn – trong tiếng Việt có nghĩa là lấn cấn, vướng…..Quẻ Cấn cũng có nghĩa là sự cản trở. Chấn có nghĩa là đè xuống, Chấn chỉnh chẳng hạn. Tốn nghĩa là tốn kém….vv…..Hoặc rõ hơn: Chính ông Thiệu Vĩ Hoa phát biểu: “Bảng Lục Thập hoa giáp dựa trên nguyên lý gì để tạo thành thì từ hàng ngàn năm nay, cổ nhân đã bàn tới, nhưng không bàn được rõ ràng, Cho đến nay vẫn là huyền bí khó hiểu”. Đấy chỉ là một vài ví dụ. Điều này cho thấy rằng: Nền văn minh Hán hoàn toàn không có cơ sở nền tảng tri thức để tạo nên thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Nhưng tác giả với thời gian cụ thể và con người cụ thể thực chất chỉ là những người chuyển ngữ từ một văn bản khác ra tiếng Hán và nghiễm nhiên được coi là tác giả. Thí dụ: Bây giờ mà bạn ra hiệu sách hỏi mua cuốn Bát Trạch Minh Cảnh của Hoàng Thạch Công – vốn được coi là tác giả phát minh ra trường phái Bát trạch minh cảnh từ văn minh Hán thì chắc chắn người bán sách sẽ nói là không có. Nhưng cũng cuốn ấy, bạn nói của Kim Oanh thì có ngay. Trong khi Kim Oanh chỉ là người dịch. Đại để vậy. Hàng ngàn năm đã trôi qua, việc dịch giả biến thành tác giả không có gì là lạ.Nhưng tại sao nó phải chuyển văn thành chữ Hán? Bởi vì: Một đế chế thống trị thuộc dân tộc nào thì tiếng nói và chữ viết chính thống phải thuộc về dân tộc đó. Không thể nói chuyện với quan Hán bằng tiếng Việt được, khi dân tộc Việt bị mất nước cả ngàn năm và nền văn minh Văn Lạng sụp đổ ở bờ Nam Dương tử. Chỉ mới hơn 30 năm, hầu hết các trẻ em Việt sinh ở Hoa Kỳ đều không rành tiếng Việt. Còn đây, người Việt đã mất nước hơn 1000 năm. Một con số không thể so sánh với ba mươi năm, Do đó, một nền văn minh muốn được lưu truyền thì nó phải chuyển sang văn bản chữ Hán.
Rõ hơn hết, chính là phương pháp dự đoán theo Tử Vi vốn được coi là của Trần Đoàn Lão tổ phát minh vào đời Tống. Nhưng chúng ta qúa rõ, nó không có một nền tảng tri thức xã hội nào và cho đến nay vẫn còn bí ẩn vì người ta không thể hiểu được vì sao lại có phương pháp đó?
Mối liện hệ giữa Thiên Văn học hiện đại với khoa Tử Vi này rất mơ hồ.
Nếu cho rằng Tử Vi không có cơ sở khoa học thì tại sao nó có khả năng dự báo – mà dự báo là một tiêu chí cho một lý thuyết hoặc phương pháp được coi là khoa học? Phương pháp lập trình tử vi – chưa biết cơ chế và phương pháp lập thành – nhưng hoàn toàn có tính qui luật, tính khách quan – tức là những yếu tố thầm định cho một phương pháp khoa học. Nhưng rõ ràng , nền văn minh Hán không hề có một nền tảng tri thức xã hội để làm cơ sở cho sự xuất hiện phương pháp Tử Vi này. Và cho đến nay, không có một cơ sở nền tảng có tính lý thuyết nào để hiệu chỉnh, thẩm định các phương pháp lập thành môn Tử Vi khi chúng có sự khác biệt ở một số cách an sao Tử Vi trên lá số khác nhau. Đây là một ví dụ nữa để xác định rằng:
Nền văn minh Hán không có cơ sở tri thức xã hội nền tảng để tạo ra thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Vấn đề thứ 3 là tính mâu thuẫn trong nội dung.
Lịch sử môn phong thủy cũng lặp lại những mâu thuẫn như trong lịch sử hình thành thuyết Âm Dương Ngũ hành trong cổ thư chữ Hán. Theo truyền thuyết thì Hoàng Thạch Công phát minh ra trường phái Bát Trạch từ thế kỷ thứ II trước CN. Các bạn cũng biết: Chính môn phái này qui định tuổi các bạn nam hay nữ thuộc về cung gì trong tám cung bát quái. Và từ đó quyết định hướng xấu tốt của các bạn. Đây là trường phái phong thủy ứng dụng phổ biến nhất. Nhưng tại sao lại có phương pháp qui ước tính chất phân loại tuối theo tám cung đó? Không ai tìm hiểu cả và người ta cứ dở sách ra ứng dụng. Chính tính hiệu quả cục bộ của trường phái này và kể cả các trường phái khác trong môn phong thủy từ cổ thư chữ Hán khiến nó được tín nhiệm và lưu truyền đến ngày nay. Nhưng điều đáng lưu ý là trường phái gọi là huyền không phong thủy, được coi là do Tưởng Kính Hồng phát minh vào thế kỷ thứ XV sau công Nguyên thì chính phương pháp phi tinh huyền không thuận nghịch lại là cơ sở phân loại trạch mệnh của gia chủ theo Bát quái. Như vậy, cái ra đời sau 1700 năm lại là cơ sở của cái xuất hiện trước nó 1700 năm trước. Quả là vô lý.
Các bạn cũng biết rằng các cái gọi là trường phái trong phong thủy có nguồn gốc từ cổ thư chữ Hán nhiều có nhiều tiêu chí tùy từng trường phái và mâu thuẫn lẫn nhau. Thí dụ Dương trạch tam yếu cho rằng bếp phải đặt ở một phương vị phong thủy tốt, thì Bát trạch cho rằng nó cần đặt ở phương vị xấu.
Chúng ta cũng biết rằng: Trong một hệ thống lý thuyết – bất kể lý thuyết nào – với phương pháp luận nhất quán của nó thì không được tạo ra những hệ quả mâu thuẫn với chính nó.
Bởi vậy, chính vì những mâu thuẫn cục bộ giữa các phương pháp ứng dụng, mâu thuẫn và huyền bí trong lịch sử hình thành, mâu thuẫn vì sự khó hiểu do thiếu một tri thức nền tảng để xác định bản chất thực của những khái niệm, ngôn từ thể hiện; cho nên, một thời tất cả những giá trị của nền văn minh Đông phương bị coi là huyền bí và bị phủ nhận; thậm chí bị coi là mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học.
Tất cả những điều này có một nguyên nhân sâu xa chính là cội nguồn lịch sử đích thực của nó không thuộc về văn minh Hán. Vậy nó từ đâu mà ra? Tất nhiên không thể từ trên trời rơi xuống. Cũng không thể do người ngoài hành tinh ban cho con người chúng ta vì nó phục vụ cho con người trên trái đất này.
Giả thiết của tôi đặt ra là:
Thuyết Âm Dương Ngũ hành thuộc về nền văn hiến Lạc Việt một thời huy hoàng bên bờ nam sông Dương Tử của đất nước Văn Lang dưới thời Hùng Vương, tổ tiên của người Lạc Việt. Mà hậu duệ chính là người Việt Nam hiện nay.
Vấn đề còn lại là chứng minh cho giả thuyết này.
===============================================
Để minh chứng cho lịch sử Việt trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử, nó không chỉ giới hạn ở việc minh chứng thuyết Âm Dương Ngũ hành thuộc về nền văn minh Việt. Đối với tôi thuyết Âm Dương Ngũ hành mà tôi xác định chính là lý thuyết thống nhất vũ trụ mà những tri thức hàng đầu của nhân loại đang mơ ước, cũng chỉ là một phương tiện cho mục đích cuối cùng :Minh chứng Việt sử 5000 năm văn hiến. Tôi tin rằng tôi đã đúng khi tôi dùng chính lý thuyết đó để thẩm định một thì nghiệm khoa học vĩ đại và tốn kém nhất của tri thức khoa học hiện đại: “Không có Hạt của Chúa”. Tôi đã đúng. Thí nghiệm đã tiến hành ngày mùng 7. 11. 2010 và người ta đã không tìm thấy Hạt Của Chúa với một năng lực gấp 3, 5 lần cỗ máy ở Hoa Kỳ. Tôi sẵn sàng chứng minh với các nhà khoa học thuộc trung tâm CERN về tại sao họ thất bại. Nhưng nó cần một cái giá xứng đáng với nó để quý vị không tốn kém thêm vài triệu Dol. Còn các quí vị tự tin thì tôi sẵn sàng chờ sự thí nghiệm tiếp theo của quí vị, như đã chờ hơn hai năm nay, kể từ ngày tôi xác định sự thất bại của LHC trước khi nó khởi động vào tháng 9. 2008:
LHC có thể hoãn lịch đóng cửa nâng cấp để chạy đua săn tìm boson Higgs
Viết bởi 123physics
360.thuvienvatly.com
Thứ ba, 14 Tháng 12 2010 16:20
Các nhà vật lí đang xem xét khả năng hoãn lịch dừng hoạt động như dự kiến của Máy Va chạm Hadron Lớn(LHC) lại một năm để tiếp tục lần tìm vết tích của hạt boson Higgs vốn hay lảng tránh trong các thí nghiệm.Tọa lạc ở gần Geneva, Thụy Sĩ, LHC là cỗ máy va chạm hạt mạnh nhất mà loài người từng xây dựng, được thiết kế để tạo ra những va chạm ở những năng lượng lên tới 14 nghìn tỉ electron volt (TeV). Nó được xây dựng để tìm kiếm hạt Higgs, hạt giả thuyết đã mang lại khối lượng cho các hạt hạ nguyên tử khác, thí dụ như electron.Nhưng việc tăng tốc của LHC lên mức năng lượng trọn vẹn đã diễn ra chậm hơn dự kiến. Một sự cố xảy ra hồi tháng 9 năm 2008 đã làm hoãn ngày khởi động cỗ máy đi hơn một năm trời, và để tránh sự thiệt hại có thể có, các nhà điều hành cỗ máy đã và đang cho nó chạy ở mức chỉ 7 TeV, tức mới một nửa mức năng lượng thiết kế của nó. Kế hoạch là thu thập dữ liệu ở mức năng lượng này cho đến cuối năm 2011, sau đó cho cỗ máy dừng hoạt động trong 15 tháng để thực hiện các công đoạn sửa chữa cần thiết để đạt tới 14 TeV.
Một thí nghiệm tại LHC
Hiện nay, các nhà điều hành LHC đang xem xét khả năng lùi ngày đóng cửa cỗ máy lại một năm nữa, vào cuối năm 2012. Sự hoạt động kéo dài thêm này sẽ cho LHC cơ hội tìm ra vết tích của hạt Higgs trước kì đóng cửa bảo dưỡng dài ngày. Các ý kiến cân nhắc đã được đăng tải trên tạp chí Nature.
“Một khám phá có thể đã nằm đâu đó rồi và chúng tôi muốn tiếp tục giữ lấy khí thế”, phát biểu của Ian Shipsey thuộc trường đại học Purdue ở West Lafayette, Indiana, Hoa Kì. Shipsey lãnh đạo một nhóm nhà vật lí làm việc với LHC từ xa, từ Fermilab ở Batavia, Illinois – nơi có cỗ máy va chạm danh tiếng Tevatron. Nhiều nhà vật lí hiện đang làm việc với cả hai thí nghiệm trên.
Có tin tức loan báo về sự thay đổi có khả năng xảy ra trong kế hoạch hoạt động của LHC là do hồi tháng 9 và tháng 10, đã có những khuyến nghị yêu cầu kéo dài thời gian hoạt động của Tevatron nhằm săn tìm boson Higgs. Cuộc săn tìm boson Higgs của Tevatron theo lịch định sẽ dừng lại vào tháng 9 năm 2011, nhưng hai ủy ban bao gồm các nhà vật lí, một ủy ban trong đó có Shipsey, đã đề nghị kéo dài thời gian hoạt động của nó đến hết năm 2014.
Mặc dù các va chạm của Tevatron, ở mức 2 TeV, có năng lượng thấp hơn nhiều so với năng lượng của LHC, nhưng cỗ máy va chạm của người Mĩ đã hoạt động trong thời gian lâu dài và thu thập được nhiều dữ liệu hơn – đó là một lợi thế có thể tỏ ra quan trọng trong cuộc săm tìm những sự kiện hiếm trong vô số kết quả có vẻ bình thường hơn. |
Shipsey cho biết ông muốn cả hai đề nghị kéo dài thời gian hoạt động đều được thông qua. Việc có bằng chứng của hạt Higgs từ cả hai thí nghiệm sẽ giúp khẳng định chắc chắn cho sự tồn tại của nó.
Phát ngôn viên CERN, James Gillies, cho biết việc kéo dài chế độ hoạt động ở mức năng lượng thấp của LHC là “một khả năng dễ thấy”, nhưng ông cho biết quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại một cuộc họp của các nhà vật lí LHC ở Chamonix, Pháp, dự kiến diễn ra vào ngày 24 đến 28 tháng 2 tới.
Nguồn: New Scientist
===============================================
Các bạn thân mến!
Tôi đã chứng minh với các bạn rằng: Phong thủy và tất cả những sản phẩm của thuyết Âm Dương Ngũ hành với bản thân học thuyết đó không thuộc về nền văn minh Hán. Nó không thể từ trên trời rơi xuống hoặc do người ngoài hành tinh đem lại. Vậy thì nó phải thuộc về một nền văn minh nào đó gần gũi với nền văn minh Hán. Trong cổ sử và huyền thoại Việt có nhắc tới một nền văn minh này đó chính là nền văn minh Văn Lang dưới thời đại của các vua Hùng. Nước Văn Lang – Bắc giáp Động Đình hồ, Nam giáp Hồ Tôn, Tây giáp Ba thục, Đông giáp Đông Hải (Tất nhiên nó bao gồm cả Trường Sa và Hoàng sa ngày nay với vịnh Bắc bộ).
Chính cổ sử Trung Hoa, trong Sử Ký Tư Mã Thiên cũng ghi nhận: “Nam Dương Tử là nơi Bách Việt ở”. Các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Hoa hiện đại cũng thừa nhận rằng: Nam Dương Tử đã tồn tại một xã hội văn minh và nền văn minh này đã biến mất một cách bí ẩn vào thế kỷ thứ III trước CN. Điều này hoàn toàn trùng khớp với chính sử và truyền thuyết Việt. Như vậy, việc đặt vấn đề Văn Minh Lạc Việt là chủ nhân đích thực của thuyết Âm Dương Ngũ hành và tất cả mọi hệ quả ứng dụng của nó hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Trên cơ sở này, tôi đã căn cứ vào những mâu thuẫn trong nội dung và sự mơ hồ huyền bí từ cổ thư chữ Hán; tôi căn cứ trên nền tảng tri thức xã hội thuộc về văn hóa truyền thống phi vật thể Việt Nam hiện nay – một cơ sở theo tiêu chí khoa học cho việc xác định sản phẩm của một nền văn minh để phục hồi lại những gía trị đích thực phù hợp với tiêu chí khoa học của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Đó chính là sự xác định nguyên lý căn để của hệ thống phương pháp luận trong ứng dụng của thuyết Âm Dương Ngũ hành là “Hậu Thiên Lạc Việt – Đổi chỗ Tốn Khôn- phối Hà Đồ, Thay vì Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư”.
Từ nguyên lý căn để “Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ”, tôi đã phục hồi, hiệu chỉnh lại tất cả các bộ môn trong khoa phong thủy với danh xưng xác định cội nguồn lịch sử của nó, gọi là “Phong Thủy Lạc Việt”. Phong thủy Lạc Việt hoàn toàn có tính hệ thống, tính nhất quán, tính quy luật, khách quan và khả năng tiên tri. Những cái gọi là trường phái, rời rạc và mâu thuẫn trong cổ thư chữ Hán, thực chất là những mảnh vụn còn lại của nền văn minh Lạc Việt sau khi sụp đổ ở miền nam Dương tử. Thực tế chúng phản ánh 4 yếu tố tương tác riêng phần và là những bộ môn nghiên cứu chuyên sâu trong khoa Phong Thủy Lạc Việt. Bốn yếu tố đó là:
1 – Bát trạch Lạc Việt: Định hướng tương tác của từ trường trái Đất lên những con người sống trong ngôi gia.
2- Cấu trúc hình thể (Tương đương Dương trạch tam yếu): Xác định sự tương tác giữa hình thể ngôi gia và ảnh hưởng tới con người sống trong đó.
3 – Cảnh quan môi trường: Xác định sự tương tác của môi trường đến ngôi gia.
4 – Huyền Không Lạc Việt: Xác định chu kỳ có tính quy luật của các vì sao gần trái đất lên ngôi gia.
Một phong thủy gia Lạc Việt khi xem xét Phong Thủy cho một ngôi gia phải tổng hợp tất cả các yếu tố trên.
Trên cơ sở từ nguyên lý căn để này, Phong Thủy Lạc Việt hoàn toàn giải thích được hầu hết những vấn đề liên quan đến nó theo tiêu chí khoa học cho một giả thuyết và phương pháp khoa học được coi là đúng. Nó chọn lọc và phát hiện những sai sót, hiệu chỉnh những gì và đưa ra những định nghĩa cho những khái niệm còn mơ hồ do thất truyền và tạo ra một khoa ứng dụng có tính tổng hợp, hoàn chỉnh .
Thời gian có hạn, nên tôi chỉ có thể trình bày với các bạn một cách khái quát nhất về Phong Thủy Lạc Việt với các bạn ở đây.
Xin cảm ơn vì đã quan tâm.