“Quái nhân” ở bến Tam Cốc

Nguồn Vietnamnet
09:23′ 30/03/2008 (GMT+7)

– Nếu muốn gã đã mua biệt thự, ô tô sang và có vài cửa hàng ngoài Hà Nội. Đằng này gã lại gọi thêm chú út, để hai anh em dồn vốn, bỏ công sức suốt gần 20 năm trời với những cột, xà, rui, thượng lương… cũ bên bến thuyền Tam Cốc (Ninh Bình).

Xót lòng mua “rác” về chơi
Bây giờ gã đã có trong tay bộ sưu tập nhà cổ nhiều nhất Việt Nam. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ này chẳng còn nơi nào gã chưa đặt chân tới. Hễ nghe người ta bảo có nhà cổ là gã khăn gói đến tận nơi, mò mẫm tìm hiểu đến từng chi tiết hoa văn. Một trong những chuyến đi đó đã làm thay đổi cả cuộc đời gã.
Mô tả ảnh.
Khu nhà cổ nhìn từ trên cao.
Ngoài 30 tuổi, khi đám bạn bè đã yên bề gia thất thì gã vẫn nay đây mai đó tìm những thứ xưa cũ. Lúc đó, gã cũng chưa mê nhà cổ lắm mà chỉ có một hai căn dựng đó chơi chơi. Rồi bỗng một người rỉ tai ở huyện Yên Khánh( Ninh Bình) có căn nhà cỡ tuổi trăm năm, có một không hai ở miền Bắc. Đến nơi, gã thở dài chua xót biết mình đến muộn, chủ nhà đã xẻ hết hoa văn, họa tiết vất chỏng chơ một góc, lấy gỗ đóng cửa bano đời mới. Những họa tiết rồng hóa trúc, đục hồng, đục lựu mà tinh hoa cả đời người thợ tài hoa dồn nén đã bị cưa phá tan nát. Nếu bây giờ đặt làm lại thì theo thị trường giá 2 tỷ đồng chưa chắc đã làm nổi. Gã bảo: “với tôi, nó là vô giá”. Gã đành nói với chủ nhà: “Thôi, bác xẻ ra rồi thì cho em mua mấy thứ rác này về chơi”.
Sau chuyến mua rác về chơi, tâm tính đã thay đổi hẳn, gã thấy mình gắn bó với nhà cổ mà muốn giữ lại cho riêng mình một khoảnh. Bắt đầu từ đó gã dồn tâm sức săn lùng và mua trọn từng căn nhà về dựng lại một góc chân núi.
Ở tuổi ngũ tuần, gã có thể tự hào với bộ sưu tập 20 căn nhà cổ độc đáo nhất trưng bày ở nơi gọi là Cố Viên Lầu, vừa tựa lưng vào núi, vừa hướng ra bến thuyền Tam Cốc nhộn nhịp. “Tất cả đều là nhà ở Bắc Bộ, có tuổi trên trăm năm. Cái cổ nhất mà năm tháng ghi trên thượng lương đã lên tới 350 năm. Thời gian và con người có văn hóa chọn lọc kỹ lưỡng để những căn nhà này còn tồn tại”.
Lúc buồn gã gọi bạn đến ngồi ngâm nghê chén trà, chén vối. Của cải không nhiều nhưng được cái nhiều nhà. Thích thì ngồi sập nhà cổ Văn Hải (Kim Sơn – Ninh Bình), Ý Yên (Hà Nam), hứng lên lại đánh bệt ở hiên Nga Sơn (Thanh Hóa), Lưu Phương (Kim Sơn- Ninh – Bình)… Mới nghe, ít người hiểu đó là loại nhà cổ gì. Chẳng qua gã đặt theo tên địa phương sưu tập. 20 căn nhà là 20 tên đất khác nhau.
“Người nhà tôi cũng can ngăn, khuyên không nên mang cả đống tiền mua mấy căn nhà chẳng sinh lời gì cả, thời buổi mất giá như này càng thiệt hơn. Nhiều người gọi mình là gã, là ông hâm. Nhưng mình chơi cái gì mình thích nên chẳng bận tâm”.
Hỏi người dân ở Tam Cốc ai cũng biết tên gã, ông chủ Cố Viên Lâu là Nguyễn Minh Thoa cùng cậu em Nguyễn Văn Hải. Nhưng lạ đời lại chẳng mấy người biết mặt bởi gã luôn đi lại kín đáo, ít khi xuất hiện chốn đông người…
Nhìn nhà ống bê tông để biết mình người Việt?
Đi mỏi gối mới hết được khu Cố Viên Lầu rộng 2200 m2. Ngoằn ngoèo theo những con đường gạch đỏ là từng nếp nhà ba gian hai chái khiêm nhường gần gũi. Điểm xuyến hai mái đình cổ rộng thênh thang đón gió, thêm một điểm nhấn Nghênh Tân các để bầu bạn ngắm hoa sen, hoa súng. Tất cả từ cổng vào, đường đi, đống rơm, vại nước… đều phải theo lối cổ.
“Mình tập hợp một khu để lấy cái cho người ta trông xuống, nhìn vào mà nhận diện. Suốt dải đất cong cong hình chữ S này đang phải cõng trên mình những ống bê tông nặng trĩu, ngột ngạt. Chẳng nhẽ sau này con cháu nhìn vào nhà ống bê tông đó và bảo với nước ngoài tôi là người Việt?”.
Mô tả ảnh.
Họa tiết trên cái bẩy ở nhà cổ Gia Viễn.
Đặt chén nước xuống, gã nhắc đi nhắc lại: Nhà của các cụ mình hay lắm, mỗi chi tiết là một điều gửi gắm, càng ngẫm càng thấy hay. Nó hài hòa ở cấu trúc, thân thuộc bởi chất liệu, tinh tế ở hoa văn và cũng đầy giáo dục. Như cái ngạch cửa dạy người ta biết bước chân trái vào nhà và cúi đầu chào gia chủ. Nhà không sáng quá, không tối quá và đặc biệt thông thoáng. Ăn uống đáng bao nhiêu, cái không khí để thở mới nhiều, mới đáng coi sóc.
Nhiều lần buổi tối gã lang thang ra đường để xem người trẻ chơi gì, chơi ở đâu. Chúng rặt ở trong quán net. “Người trẻ làm thế là đúng, họ phải lựa chọn chỗ cho mình khám phá. Nhưng chỉ sợ khi chúng cần nhận biết về bản thân, lại phải xem quá khứ qua tranh ảnh, phim truyện dựng sơ sài”.

Trên đầu đã hai thứ tóc, vậy mà gã lại lóc cóc đi học tiếng Anh, tiếng Pháp. Gã bảo: “Không thể bỏ qua cái mới, phải học để tiếp thu của họ chứ. Nhưng nên chọn lấy cái hay mà giữ lại”.

Chùm ảnh: Một vòng Cổ Viên Lầu

 

Mô tả ảnh.
Đường vào từ cổng Áng Ngoại

 

 

Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Nhìn ra bến thuyền Tam Cốc

 

 

Mô tả ảnh.
Mỗi nhà một tên trùng với nơi sưu tập.

 

 

Những hoa văn, họa tiết tinh tế.
Những hoa văn, họa tiết tinh tế.
Những hoa văn, họa tiết tinh tế.

 

 

Bên trong nhà cổ Gia Viễn
Bên trong nhà cổ Gia Viễn

 

 

Xót xa trước những khối trạm trổ bị xẻ nát.
Mô tả ảnh.
Xót xa trước những khối trạm trổ bị xẻ nát.

 

  • Nguyễn Hữu Bắc
Bài này đã được đăng trong Các Đề Tài Khác. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.