PHÂN TÍCH TÍNH PHI KHOA HỌC CỦA LUẬN ĐIỂM PHỦ NHẬN VĂN HÓA SỬ TRUYỀN THỐNG VIỆT

Kính thưa quí vị quan tâm.

Trong blog của Thiên Sứ tôi sẽ mở chuyên mục “Phân tích tính bất hợp lý của luận điểm phủ nhận giá trị văn hóa sử truyền thống” trong thư mục “Những bài nghiên cứu & bình luận” trên blog này. Trong mục này sẽ gồm nhiều bài viết phân tích, chỉ ra tính bất hợp lý và phi khoa học của từng bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có quan điểm phủ nhận giá trị văn hóa sử truyền thống Việt. Để bảo đảm tính khách quan Thiên Sứ tôi đưa nguyên văn từng bài viết của các tác giả để quí vị tham khảo. Người đầu tiên trong chuyên mục này là ông Lê Văn Lan với bài viết của ông ta trong cuốn “Hùng Vương dựng nước – Tập IV – 7” do UBKHXHVN phối hợp với Viện Khảo cổ học xuất bản 1974 để quí vị tham khảo trước khi xem bài phản biện.

*

 

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam – Viện khảo cổ học
Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

Về khái niệm thời Hùng Vương

Lê Văn Lan

Thế nào và lúc nào là thời Hùng Vương? Thời gian vừa qua, các nhà nghiên cứu, mặc dù đã có nhiều suy nghĩ, nhưng chưa có dịp trực tiếp bàn bạc nhiều về vấn đề này, mà thường chỉ qua cách gọi tên cho quãng thời gian mà mình nghiên cứu, vắn tắt gọi quan điểm của mình, gián tiếp nói quan điểm của mình. Tẩn mẩn sa vào chuyện chữ nghĩa, chúng tôi đã thử thu nhặt những từ mà các nhà nghiên cứu đã chọn dùng để mệnh danh cho quãng thời gian lịch sử mà mình nghiên cứu. 

Và kết quả là thấy xuất hiện khá nhiều cách mệnh danh khác nhau: thời đại Hùng Vương, thời kỳ Hùng Vương, giai đoạn Hùng Vương, thời kỳ Hùng Vương – An Dương Vương, thời kỳ Hùng Vương và An Dương Vương… Dĩ nhiên, như vừa trình bày, vì chưa có sự bàn bạc, càng chưa có sự quy định cụ thể, nên không thể có sự thống nhất chặt chẽ.

Cho nên, có thể dễ dàng thông cảm với một số nhà nghiên cứu đã chọn lấy một cách mệnh danh khá chung chung là “thời Hùng Vương”, với chữ “thời” thật là “cơ động” trong các công trình của mình.

*
* *

Một số không ít tác giả đã cho rằng cách dùng tên Hùng Vương để mệnh danh cho một thời gian lịch sử, với nội dung là toàn bộ “thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên” (1) là một cách gọi tên truyền thống, bây giờ chỉ việc dùng lại. Và cũng không ít người cho rằng cái quan niệm 4000 năm về niên đại của “thời Hùng Vương” như thế cũng là một quan niệm cổ truyền của nhân dân.
(1) Thuật ngữ của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn. Chúng tôi tán thành cách dùng.

Ngẫm kỹ lại thì dường như không hẳn như thế. Chúng ta biết rằng cách tính tháng năm của thời gian lịch sử, phổ biến trong nhân dân thành một truyền thống, là cách tính theo đời, thậm chí cũng không thật cụ thể và chính xác đến con số của đời nữa (2), và ký ức dân gian về cổ sử, thường cũng chỉ tính theo các khái niệm: cổ, rất cổ, thượng cổ…, chứ không mấy khi tính cụ thể đến con số mấy trăm, mấy nghìn năm. Lối ghi nhớ thời gian có tính chất truyền thống dân gian như thế này, một ghi được văn bản phản ánh và ghi giữ, như trường hợp Lĩnh Nam chích quái chẳng hạn, cũng chỉ thấy áng thành một niên đại là “thời quốc sơ” mà thôi, chứ cũng không có con số tháng năm cụ thể. Thấy nói đến số năm tháng cụ thể, chỉ có sử sách. Như ở Đại Việt sử ký toàn thư chẳng hạn, dù Ngô Sĩ Liên đã theo công thức cổ của sử bút phong kiến, mà tính kỹ rằng quốc sử phần bản kỷ, đến đầu nhà Lê là 1634 năm, và ngoại kỷ, cộng 2672 năm, thì cũng chỏ mới gián tiếp gợi lên con số tháng năm chỉ “thời Hùng Vương, chứ chưa tạo nên một lối tính niên đại có giá trị cụ thể và phổ biến. Cho nên, những thơ văn vào loại cổ – thế kỷ thứ 15, thứ 17 chẳng hạn – đề vịnh Hùng Vương, cũng không thấy có việc tính toán đến con số cụ thể của sự lâu đời. Chỉ đến đầu thế kỷ này, với các tác giả như Hoàng Đức Trung, Nguyễn Đình Chuẩn, Lê Hữu Viện… và đặc biệt là Nguyễn Thuận Kế (3), mới thấy phổ biến sự tính toán cụ thể đến con số như “mấy nghìn năm trước” hoặc là “hai nghìn năm lẻ”, “hai nghìn năm sáu trăm năm có lẻ”, và rồi là “nước bốn nghìn năm” (4). (Những con số này hẳn là dựa vào việc phát hiện lại niêm điểm Nhâm Tuất 2879 trước Công Nguyên và sự gợi ý về cách tính niên đại từ thời Ngô Sĩ Liên. Chúng tôi ngờ rằng, theo những tài liệu đang nắm được như bây giờ, thì lối tính niên đại bốn nghìn năm cho “thời Hùng Vương” (5) có lẽ chỉ mới phổ biến vào thời gian đầu thế kỷ này, và cùng chung cái đà với các tác giả này. Đó là những điều kiện mới của trào lưu và sự chuyển hóa tư tưởng, văn hóa đầu thế kỷ 20 đặc biệt là sự phát triển của “tân thư”, “tân học”, “toán pháp” cùng với chủ nghĩa yêu nước đầu thế kỷ 20. Phổ biến mới từ đây, nhưng trong hoàn cảnh đấu tranh lấy lại nước bị mất, vì phù hợp và có lợi trước hết là cho những người yêu nước và cách mạng, rồi đến quảng đại quần chúng nhân dân, nên cách tính niên đại mở nước này mới nhanh chóng truyền bá đi, cho tới chúng ta ngày nay.

(2) “Việc ấy dễ đã đến mấy đời”, “Việc ấy đã có từ trước ông cụ mấy đời nhà tôi” – Chúng ta vẫn thường nghe nói thế trong dân gian.
(3) Với vế câu đối “Gây dựng trời Nam, nước bốn nghìn năm, nhà có nóc”.
(4) Xem thêm Lê Tư Lành: Văn thơ đề Vịnh đền Hùng – Khảo cổ học, Hà Nội, số 3-4, tháng 12-1969.
(5) Xin chú ý phân biệt lối tính cụ thể này với quan niệm hoàn toàn đúng đắn của nhân dân ta về sự lâu đời nói chung của thời Hùng Vương.

Cái tên Hùng Vương đang quen dùng với ý nghĩa hiện nay, cũng có vấn đề tương tự như thế. Hùng Vương có thể là một ông vua, những ông vua thực, nếu chúng ta biết tách rời cái khái niệm về ông vua thời phong kiến ra khỏi cái tên gọi “vua” đã được phóng từ đấy ngược lên thời Hùng Vương. Vương, Vua – Bua, Bô, Bố, những cái tên gọi đánh dấu từng chặng đường phát triển của khái niệm ấy, mặc dù cũng có lúc thấy được kết ngang lại với nhau, như ở thế kỷ 8 (6), nhưng, theo kết cấu về thực chất là chiều dọc của các chặng đường ngôn ngữ này mà lần lượt lên đến “thời Hùng Vương”, sẽ thấy rõ khái niệm “vua” trùng với “bố”: người đứng đầu một cộng đồng. Sách Lĩnh Nam chích quái cho chúng ta biết rằng người thời Hùng Vương, mỗi khi gặp khó khăn thì dùng tiếng “bố” để gọi người đứng đầu của mình cứu giúp.
(6) Trong trường hợp “Bố Cái đại vương”.

Từ Vương (Vua) trong Hùng Vương (Vua Hùng) có nghĩa ấy, mà từ Hùng cũng có nghĩa ấy. Suốt mấy chục năm trước đây, và ở diễn đàn sử học Sài Gòn thì tới cả những năm gần đây, người ta đã dẫn toàn bộ công cuộc nghiên cứu thời đại dựng nước và giữ nước dầu tiên của dân tộc vào một ngõ cụt, ngay sau khi mở các cửa của các cuộc tranh luận về chữ Hùng, chữ Lạc. Không theo cái rớp ấy, mấy năm nay, các nhà nghiên cứu chúng ta đã mở những khoảng vấn đề rộng lớn, đồng thời, vẫn tạt qua, xem lại cái cửa cũ về chữ và nghĩa của cái tên Hùng. Dường như là Hùng, gọn lại cũng như Khun, Cun…, đều là tên gọi người đứng đầu một cộng đồng. Hùng Vương, danh hiệu đó, như vậy vừa là phiên âm, vừa là phiên dịch sang chữ Hán, cách gọi tên của những người Việt Nam thời cổ về người đứng đầu, những người đứng đầu của mình (1). Người đó, những người đó, chúng ta đã tìm được những dấu vết gián tiếp và đang hy vọng tìm được những dấu vết trựa tiếp ở những di chỉ và mộ táng trên vùng đất Tổ Phong Châu (Văn Lang) cũ. Cần chú ý là trước khi đi được đến chỗ nhận thức về thực chất những người đó, như vừa trình bày, thì, một lớp mây mù và vàng son của truyền thuyết và thư tịch cổ đã trùm phủ lên những nhân vật ấy. 
(1)
 Xem Trần Quốc Vượng: Về danh hiệu Hùng Vương – Khảo cổ học, Hà Nội, số 7-8, tháng 12-1970.

Nhưng bây giờ, hãy trở về cách dùng tên Hùng Vương để mệnh danh cho một thời gian lịch sử. Chúng tôi ngờ rằng, với khái niệm thời gian đang được hiểu là nội dung của các tên gọi “thời kỳ” – “thời đại” – “giai đoạn” Hùng Vương hoặc “Hùng Vương – An Dương Vương” như hiện nay, chúng ta đã thống nhất mở rộng cái khái niệm thời gian mà các nhà nghiên cứu trước đây đã hiểu về “thời Hùng Vương”. Mọi người đều biết, chính sử của ta, từ Đại Việt sử ký toàn thư trở đi, dù là đặt ở ngoại kỷ hay tiền biên, thì cũng đều mở đầu bằng một kỷ, gọi là kỷ Hồng Bàng thị. Chính trong cái kỷ đầu tiên dài đến hơn hai nghìn năm đó của quốc sử, nắm gọn một khúc thời gian là “thời Hùng Vương”. Người xưa, có đôi lúc lẫn cái “thời Hùng Vương” với cái kỷ Hồng Bàng kia (2), nhưng về cơ bản, “thời Hùng Vương” vẫn chỉ được coi là một phần sau của thời Hồng Bàng, thậm chí, có trường hợp còn được xác định rạch ròi tên gọi là “thời Á Hồng Bàng” như ở một câu đối cổ giữa Chùa Tổng, làng Tứ Xã (Vĩnh Phú) (3). Như thế, rõ ràng cái tên gọi “thời Hồng Bàng”, trước đây vẫn được hiểu là một thời lớn hơn, trùm lên “thời Hùng Vương”. Và cái “thời Hồng Bàng” đó mới là cái tên gọi của toàn bộ thời đại dựng nước vá giữ nước đầu tiên của chúng ta. Có thể thấy cái “truyền thống” gọi tên như thế vẫn tồn tại mãi cho đến năm 1967 (4). Còn việc dùng tên Hùng Vương để mệnh danh cho toàn bộ thợi đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của lịch sử ta, dường như chỉ mới trở nên phổ biến trong vòng vài ba năm nay, do sự chuyển khái niệm, mở rộng nội dung, gần như là không tự giác của các nhà nghiên cứu bây giờ.
(2) Ví như các tác giả những bản thần phả thời Lê sơ, mà trong đó đã xác định được “vai trò quan trọng” của các nhà hàn lâm Nguyễn Bính, Nguyễn Cố, v.v… cố gắng tạo cho các vua Hùng những tuổi thọ hàng mấy trăm năm để khớp với cả cái thời Hồng Bàng mà chuyện gốc – cái niên điểm mở đầu: Nhâm Tuất 2879 – lại cũng do chính người cùng thời với họ tạo ra.
(3) “Thời Á Hồng Bàng, thiên dân hóa dân thành thịnh ấp”.
(4) Chẳng hạn như thấy ở lời kêu gọi: Nên nghiên cứu vấn đề hời đại Hồng Bàng của tạp chí Nghiên cứu lịch sử, cũng như ở Vài suy nghĩ về việc tìm hiểu thời đại Hồng Bàng của Nguyễn Linh.

*
* *

Cùng với việc mở rộng thời gian thực tế của “thời Hùng Vương”, hay đúng hơn là việc chuyển khái niệm “thời Hùng Vương” như vừa trình bày, các nhà nghiên cứu hiện nay còn làm một việc quan trọng hơn, là chuyển trọng tâm nghiên cứu, từ chỗ chỉ về những ông “vua”, thậm chí chỉ mới về những tên gọi của những ông vua đó, ra thành cả xã hội, con người và văn hóa (văn minh) của một thời đại mang tên những ông “vua” đó. Và như thế, vấn đề đầu tiên phải giải quyết là xác định thời gian tồn tại cụ thể của thời đại đó.

Như đã có dịp trình bày (1), trước hết là từ những tài liệu truyền thuyết và thư tịch mà chúng ra đã có một khung thời gian về “thời Hùng Vương” mà từ lâu, đã có không ít người – từ những sử quan trong Quốc sử quán triều Nguyễn đến Trần Trọng Kim và Nguyễn Phương – đều tỏ ý nghi ngại.
(1) Xem Lê Văn Lan: Tài liệu khảo cổ học và viện nghiên cứu thời đại các vua Hùng, – Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, số 124, tháng 7-1969. – Trở lại vấn đề văn hóa Đông Sơn, – Khảo cổ học, Hà Nội, số 3-4, tháng 12-1969. – Về một khung niên đại hợp lý cho thời đại các vua Hùng, – Hùng Vương dựng nước, tập III, Hà Nội, 1973.

Thật ra thì không phải chỉ có một, mà là hai khung thời gian theo tài liệu thư tịch, nhưng sự quá tập trung chú ý vào cái khung thứ nhất của Đại Việt sử ký tòan thư đã khiến cho, một thời gian dài, người ta tưởng như không có cái khung thứ hai của Đại Việt sử lược.

Về cái khung niên đại bắt đầu từ năm 2879 trước Công nguyên cho “thời Hùng Vương” (tên gọi đúng, trong trường hợp này, là “thời Hồng Bàng”) của Đại Việt sử ký tòan thư, chúng ta đã thấy rằng chính là trong không khí tự cường thắng lợi giành lại độc lập ở thế kỷ thứ 15, muốn chứng minh về nguồn gốc lâu đời và ngang bằng với Trung Hoa phong kiến, tiền nhân ta ở thời Lê sơ đã tham bác sử sách đời Đường đời Tống với truyền thuyết dân gian của ta, dựa vào mối quan hệ thực tế đã có từ rất lâu đời giữa Việt Nam và miền Hoa Nam, nhào nặn theo ý muốn chủ quan của mình để tạo ra những sự kiện và niên đại của buổi đầu thời Hồng Bàng, mà rồi nối ngay sau đấy là thời Hùng Vương (1). Chúng ta lại cũng đã thấy rằng có một vạch cương giới thực tế đã ngăn đôi hai vấn đề và thời gian mà người thời Lê sơ đã gắng gượng nhập làm một. Sau và trước cái ranh giới đó: một bên là thời gian và những nhân vật nửa thần thoại nữa lịch sử là Hùng Vương mà bây giờ chúng ta đã làm cho tính lịch sử đè át tính thần thoại, và một bên là thời và nguồn gốc hoàn toàn thần thoại của những nhân vật nửa thần thoại nửa lịch sử đó (2). Ý nghĩa có thể khai thác của sự việc này là: nếu chúng ta chưa thể ghi nhận được phần đầu khung niên đại của Đại Việt sử ký tòan thư (tức là đầu thời Hồng Bàng) do chỗ thiếu cơ sở vững vàng ngay trên những tư liệu sử học, thì lại có thể tin được ở phần sau khung thời gian đó (cuối thời Hồng Bàng, tức chính là thời Hùng Vương).
(1) Xem thêm Nguyễn Linh: Phải chăng Hùng Vương thuộc giòng dõi Thần Nông? – Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, số III, tháng 6-1968.
(2) Về quãng thời gian và vấn đề này, nếu trong dân gian còn lưu hành những mẫu đề văn học dân gian có tính chất truyền thống của dân tộc là “một bọc trăm trứng” và “mẹ chim (đất, núi, Âu Cơ) – bố rồng (nước, biển, Lạc Long)” thì các nhà trí thức phong kiến đã chuyển sang nói bằng ngôn ngữ của văn hóa phương Bắc (gồm chữ và hình tượng): Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân… Xem thêm Cao Huy Đĩnh: Hình tượng khổng lồ và tập thể anh hùng dựng nước giữ nước trong truyện cổ dân gian Việt Nam, trong Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam, Hà Nội, 1971.

Có thể từ chỗ này mà nhận xét thêm về giá trị của khung niên đại bấy lâu vẫn chưa được nhiêu người chú ý, là khung niên đại của Đại Việt sử lược. Cuốn sách cổ hơn Đại Việt sử ký tòan thư ít nhất là 100 năm này đã không nói gì về thời Hồng Bàng, mà mở đầu ngay bằng việc xuất hiện của vua Hùng đầu tiên, với thời điểm gọn gàng là đời Chu Trang Vương: đầu thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên (3). Vì cho đến nay, vẫn chưa có ai chỉ ra được cơ sở của trường hợp ghi chép như thế của tác giả, mà cũng cho đến nay vẫn còn là khuyết danh, của bộ sách có giá trị về nhiều mặt này, cho nên, nếu tin vào khung niên đại cho thời Hùng Vương của sách này, thì cũng không khác gì đã tin vào nhiều điều ghi chép quan trọng khác của cuốn sách đó.
(3) Năm 696 – 682 trước Công nguyên.

Tuy vậy, hiển nhiên là dù sao, những điều ghi chép của tài liệu thư tịch cũng chưa thể làm thỏa mãn người ta về thời gian tồn tại của “thời Hùng Vương” được. Nhưng bù lại chính là tử những tài liệu thư tịch này, những ấn tượng đầu tiên, bao quát và cơ bản, những hiểu biết đại thể về một không khí chung của “thời Hùng Vương” đã được ghi nhận. Và chính là cái diện mạo, cái thần sắc của một thời đại như thế đã là cơ sở, tạo điều kiện để động viên một nguồn tư liệu khác, có khả năng rất quyết định trong việc xác định những niện đại tuyệt đối, cụ thể, là tài liệu khảo cổ học. Sở dĩ có thể coi những niên đại tuyệt đối, chẳng hạn như 3405 ± 100 năm của di chỉ Tràng Kênh, 3328 ± 100 của di chỉ Vườn Chuối, 3046 ± 120 của di chỉ Vinh Quang hay 2350 ± 100 năm của di chỉ Chiền Vậy (1) là nằm trong niên đại chung của “thời Hùng Vương”, chính là vì ở các địa điểm khảo cổ đó, cũng thấy xuất hiện cái diện mạo, cái thần sắc, của một thời đại giống như cái diện mạo, cái thần sắc mà tài liệu thư tịch đã nói về “thời Hùng Vương”. Hơn thế nữa, chẳng phải là chỉ có cái không khí chung như vậy, mà còn có cả sự tương đồng đến những chi tiết cụ thể. Chẳng hạn như khi thư tịch về “thời Hùng Vương” nói có nhà sàn, thì khảo cổ học cũng tìm thấy di tích nhà sàn; khi thư tịch nói: có tục giã cối, thì hình ảnh khảo cổ học về cối chày xuất hiện; khi thư tịch nói: cắt tóc ngắn và ăn cơm nếp thì khảo cổ học cũng lại tìm thấy tượng người có mớ tóc ngắn và cái chõ đồ xôi!
(1) Tất cả đều trước năm 1950.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng vuông tròn, ràng rẽ như vậy. Từ ba năm nay, hàng chục cuộc tranh luận đã diễn ra, chính là để cho quan niệm của các nhà khảo cổ học và niên đại những di tích thuộc “thời Hùng Vương” có thể được làm sáng tỏ và tốt nhất là nhích lại gần nhau. 2 văn hóa hay 4 văn hóa hay chỉ 1 văn hóa là điều đã tranh luận và sẽ còn phải tranh luận. Cũng như, trong khi chưa hoàn toàn giải quyết được vấn đề này, thì một phương hướng “hòa hoãn” khác là tránh “văn hóa” mà tìm “giai đoạn”, lại cũng dẫn ngay đến sự tranh luận 4 giai đoạn hay 6 giai đọan. Những công việc thuần túy khảo cổ học này chính là nhằm đảm bảo tính chính xác và độ phong phú của những tài liệu khảo cổ học cho các nhà nghiên cứu có thể sử dụng rộng rãi trong việc nghiên cứu “thời Hùng Vương”. Và điều quan trọng rất đáng ghi nhận là đến lúc này, hầu hết các nhà khảo cổ học, tuy còn những “tiểu dị” nhưng đã “đại đồng” xác nhận hai cái mốc lớn cho thời gian đầu và cuối “thời Hùng Vương” về mặt khảo cổ học, là Phùng Nguyên và Đông Sơn. Chính vì vậy mà chúng tôi rất phấn khởi khi được đọc những dòng chữ cô đọng mà đầy đủ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói trực tiếp về vấn đề này: “Phát hiện một nền văn hóa lâu đời hơn văn hóa Đông Sơn, sản sinh trên đất nước ta, cùng với văn hóa Đông Sơn hình thành một sự diễn biến văn hóa và lịch sử liên tục từ khoảng cuối thời đại đồ đá mới, qua thời đại đồ đồng đến thời đại đồ sắt sớm” (2).
(2) Phạm Văn Đồng: Nhân ngày Giỗ tổ Vua Hùng, – Khảo cổ học, Hà Nội, số 1, tháng 6-1969, tra. 17.

Đối với những nền văn hóa với ý nghĩa như thế, những người làm công tác khảo cổ đã cố gắng tiến hành nhiệm vụ đầu tiên của mình là xác định niên đại.
Có nhiều người, từ năm 1960 cho tới bây giờ (3), đã đoán định niên đại tuyệt đối cho văn hóa Phùng Nguyên là khoảng thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên, cách ngày nay khoảng từ 3 đến 4 nghìn năm. Những kết quả phân tích các bon phóng xạ đồng vị (C14) mới đây đã góp phần xác nhận rằng điều đoán định này căn bản là chính xác.
(3) Đào Tử Khải (ý kiến đầu tiên), Nguyễn Linh, Hoàng Xuân Chinh, Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan…

Cũng có nhiều người làm công tác khảo cổ, ngay từ năm 1961 cho đến bây giờ (1) đã xác định niên đại tuyệt đối của văn hóa Đông Sơn là khoảng thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên, cách ngày nay khoảng từ 2 đến 3 nghìn năm.
(1) Lê Văn Lan (ý kiến đầu tiên), Nguyễn Linh, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Đào Duy Anh…

Với tính chất và ý nghĩa quan trọng của “một sự diễn biến văn hóa và lịch sử liên tục”, chúng ta có một khoảng thời gian liền hai thiên niên kỷ, từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, cách đây từ 4 đến 2 nghìn năm. Như đã trình bày ở trên, giới khảo cổ học nói chung thống nhất nhận thấy rằng từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn là cơ sở khảo cổ học của “thời Hùng Vương”.

Vậy là, khảo cổ học, bằng những phương pháp của “một khoa học, gần như khoa học chính xác” đã đầu tiên xác định được một khung niên đại chắc chắn cho “thời Hùng Vương”. Khung niên đại này phù hợp, đúng hơn là trùng hợp, rõ hơn là ngẫu nhiên trùng hợp với khung niên đại phổ biến của thư tịch – khung niên đại còn mang nhiều nghi vấn, mà vì những lí do vừa trình bày ở trên, đã truyền lan rộng rãi từ trước tới nay về “thời Hùng Vương”. Một ý nghĩa rất đáng ghi nhận ở chỗ này là: nếu có thể nói đến một đóng góp, thì chính là khảo cổ học, bằng những thành tựu mới của mình, đã đem lại cái bộ xương, cái nền tảng khoa học cho những cách nhận thức và những tình cảm của chúng ta về niên đại lâu đời của “thời Hùng Vương”.

*
* *

Nhìn vào Phùng Nguyên với hiện trạng tư liệu như bây giờ về diện phân bố các di tích và các mặt phát triển kỹ thuật, kinh tế, văn hóa…, có thể nghĩ đến một cái mầm. Để cho cái mầm quý này nảy nở và mọc lên xanh tốt, những cư dân cổ ở đây đã phải mất khoảng 1000 năm lao động và đấu tranh. Và kết quả là những tiền đề cơ bản và trực tiếp đã được tạo ra cho một cái gốc vững vàng. Cảm nghĩ về cái gốc kỳ diệu này dễ dàng nảy ra khi nhìn vào Đông Sơn.

Từ lâu và nhiều người đã nói vê Đông Sơn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá chính xác sự “nổi tiếng thế giới” của văn hóa này, kèm với lời biểu dương công tác khảo cổ thời gian gần đây đã “làm thêm rực rỡ” nền văn hóa đó. Và không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu chúng ta đã tập trung khai thác tư liệu về mọi mặt của văn hóa này để nghiên cứu về “thời Hùng Vương”. Việc đã hình thành một hệ thống các luận điểm về các mặt tự nhiên, con người, kinh tế, chính trị và nhất là văn hóa, xã hội của “thời Hùng Vương” dựa trên những tư liệu của Đông Sơn như hiện nay, cho thấy dường như rất đông đảo các nhà nghiên cứu đã mặc nhiên coi Đông Sơn là cơ sở khảo cổ học của bước phát triển đáng chú ý nhất của tòan bộ “thời Hùng Vương”, nếu không phải là chính ngay thời Hùng Vương – hiểu với nghĩa cụ thể, không mở rộng, của từ này.

Niên đại của văn hóa Đông Sơn đã được xác định là khỏang thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên, và bước phát triển cao nhất của bước văn hóa này là những thế kỷ giữa thiên niên kỷ đó. Chính ở đây đã có sự không thể gọi là “trùng hợp ngẫu nhiên” nữa mà phải gọi đúng là sự ăn khớp kỳ lạ giữa tài liệu khảo cổ học và tài liệu thư tịch. Như đã nói trên, Đại Việt sử lược đã chép về sự xuất hiện của các Vua Hùng, sự thành lập nước Văn Lang với những khẳng định về niên đại tuyệt đối là từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên.

Một cái gốc vững vàng đã hình thành để rồi chồi cây có thể mọc tiếp lên (1). Thời kỳ nước Âu Lạc và An Dương Vương cùng với những cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống sự xâm lược và thống trị của nhà Triệu, nhà Hán, cho đến thời Hai Bà Trưng, đã được ghi chính thức trên sử sách giấy tờ từ lâu rồi. Ở bước phát triển này của lịch sử, chỉ có những Vua Hùng cụ thể là không thấy nữa, nhưng “thời Hùng Vương” với toàn bộ cấu trúc của nó vẫn còn. Khảo cổ học cũng cho thấy từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến đầu Công nguyên, văn hóa Đông Sơn đang tồn tại ở bước phát triển cuối cùng.
(1) Đỗ Văn Ninh: Chồi Âu Lạc mọc từ gốc Văn Lang – Khảo cổ học, Hà Nội, số 3-4, tháng 12-1969, tr. 89.

Thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên là niên đại báo hết của văn hóa Đông Sơn, đồng thời cũng là lúc mà cuộc khởi nghĩa và kháng chiến oanh liệt do Hai Bà Trưng lãnh đạo bị dìm trong máu. Cái chồi cây đến đây bị chém gãy, nhưng cũng chính từ đây, những hạt quả, rễ mầm, và ngay cái chồi của nó, cắm trở lại vào đất tổ, đã đối chọi với những thử thách khốc liệt để rồi lại vượt lên ngay trên gốc cũ, cả một rừng cây xanh tốt như đang thấy ngày nay.

Hình tượng về cái – cây – quý – Hùng Vương như vừa trình bày không có gì khác hơn là nhằm hình dung ra các bước phát triển của “thời Hùng Vương” từ mầm đến ngọn, từ đầu đến cuối của khoảng thời gian hai thiên niên kỷ trước Công nguyên, với bước phát triển quan trọng nhất là những thế kỷ giữa thiên niên kỷ thư 1 trước Công nguyên. Chúng tôi đã có lần dùng từ thời kỳ Hùng Vương (2) để mệnh danh cho bước phát triển quan trọng nhất này, so với các tên gọi thời kỳ tiền Hùng Vương và thời kỳ hậu Hùng Vương, mệnh danh một cách ước lệ cho các bước phát triển trước và sau của nó, gắn bó hữu cơ trong một chỉnh thể.
(2) Hiểu với nghĩa chặt chẽ và cụ thể từ: có thể có những Vua Hùng thật sự ở thời này, bởi nếu tính kỹ vào con số 18 đời vua của truyền thuyết thì cũng thấy họ vừa đủ sống trong khoảng thời gian mấy thế kỷ này.

Chỉnh thể đó chính là một thời đại, gồm nhiều thời kỳ, hết sức quan trọng của lịch sử nước ta, có nội dung là sự tan rã xã hội nguyên thủy và sự xuất hiện xã hội có giai cấp đầu tiên, là sự hình thành và tập hợp những mầm mống của dân tộc, là sự phát hiện và khẳng định con đường vượt qua những thử thách quyết liệt, là sự xây dựng vẻ cao đẹp của nền văn minh đầu tiên mang tính dân tộc của chúng ta ở miềng Đông Nam Á.

Chính Hồ Chủ tịch kính yêu là người đầu tiên đã, bằng ngôn ngữ đặc sắc của Người, gợi lên bản chất và cả tên gọi nữa của thời đại này, qua câu nói đã trở thành tiêu đề cho nhiều trường hợp và sự kiện: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Có lẽ đồng chí Nguyễn Khánh Tòan đã từ chỗ này mà đề nghị tạm gọi bằng một tên chung là “thời đại bắt đầu dựng nước và giữ nước” (1) cho “thời Hùng Vương” mà có lúc chúng tôi đã mệnh danh cho phổ cập là “thời đại các Vua Hùng”, và các nhà nghiên cứu khác thì gọi tên như các cách mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên.
(1) Nguyễn Khánh Toàn: Vài gợi ý về việc biên sọan cuốn sử Việt Nam – Khảo cổ học, Hà Nội

Trở lại với chuyện chữ và nghĩa, chúng tôi muốn một lần nữa nhắc đến những ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Hội nghị lần thứ nhất nghiên cứu thời Hùng Vương năm 1968. Thủ tướng đã thận trọng “suy nghĩ không biết nên dùng tiếng “thời đại” hay “thời kỳ”, tuy vẫn cho rằng “những vấn đề này không quan trọng”. Lý do cân nhắc của Thủ tướng tức là “dùng “thời đại” thì nó có ý nghĩa và nội dung, về thực chất của cái thời gian đó” mà “về cái khoảng thời gian đó, ta chưa biết rõ nó ra sao mà gọi nó là “thời đại”.
Sau ba năm tập trung tìm tòi, suy nghĩ, những người làm công tác khoa học, như đã thấy, đã không chỉ khẳng định được rằng “thời Hùng Vương” là có thực, mà còn có thể bước đầu hiểu được một số điều về thời đó. Vì vậy mà có lẽ bây giờ, nếu chúng ta dùng thuật ngữ khoa học là “thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên” song song với cái tên “thời Hùng Vương”, và để cho cái tên này chủ yếu dùng trong các trường hợp phổ cập, thì chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một cách để những nhà nghiên cứu báo cáo với đồng chí Thủ tướng kính mến, với các đồng chí và bạn bè về những thành tựu bước đầu, sau ba năm nỗ lực làm việc của chúng ta, về một thời đại có ý nghĩa hết sức trọng đại của lịch sử dân tộc Việt Nam ta.

Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam – Viện khảo cổ học

Bài này đã được đăng trong Các Đề Tài Khác. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.