Saigon Ngày Tam Nương 3. 11. Quí Tỵ Việt lịch.
Hôm nay trên diễn đàn có hội viên Trần Phương đưa lên bài của ngài Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – trong đó có đoạn:
Nhưng quan trọng hơn, cần phải có những “cú huých” đủ mạnh từ phía luật pháp, chính sách và dư luận để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, ở đây tôi muốn kêu gọi cả sự thức tỉnh của đạo đức, của lương tâm để có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Những nội hàm của câu này cho thấy mọi vấn đề phải bắt đầu từ sự thức tỉnh của đạo đức, lương tâm. Nhưng suy cho cùng thì những giá trị của đạo đức và lương tâm trong một con người, một dân tộc và cả loài người này không thể tự trên trời rơi xuống. Đó chính là những kết tinh của sự giáo dục và những giá trị văn hóa truyền thống đã hình thành và được lưu truyền trong cả một quá trình lịch sử của dân tộc đó. Tất nhiên, nó phải có cội nguồn văn hóa sử để làm điểm dẫn xuyên suốt cả một quá trình lưu truyền văn hóa sử truyền thống của họ.
Nhưng cội nguồn văn hóa sử của dân tộc Việt trải gần 5000 năm văn hiến, lại bị một số kẻ tự nhận là học giả, trí thức có học hàm, học vị và quyền lực học thuật phủ nhận, nhân danh khoa học.
Nhưng cho đến giờ này, tôi vẫn chưa lý giải được: Sự phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt gần 5000 năm văn hiến nhân danh khoa học có thực chất là khoa học, hay chỉ là một âm mưu chính trị.
Nếu thực chất khoa học thì nó phải được có sự công bằng khoa học tối thiểu và những giả thuyết khoa học trái chiều phải có sự biện minh và phản biện công khai. Nhưng từ năm 1992, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng trong nước cũng như quốc tế và cả sách giáo khoa, đều không có một thông tin nào đầy đủ về những luận điểm phản biện sự phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt và chứng minh Việt sử 5000 năm văn hiến.
Như vậy phải chăng những giả thuyết nhân danh khoa học của những người phủ nhận Việt sử 5000 năm văn hiến là chân lý vĩnh cửu không được phép phản biện? Trong khi chính họ không định nghĩa được khái niệm “cơ sở khoa học ” của họ?
Vậy họ nhân danh cái gì để phủ nhân truyền thống văn hóa sử Việt với lich sử trải gần 5000 năm văn hiến?
Cũng trong bài viết trên của ngài Chủ Tích nước Công Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định Đảng và Nhà Nước trong thể chế cầm quyền hiện nay cho phép đóng góp ý kiến xây dựng – thì tôi nhân danh cá nhân – thành thật khuyên các ngài hãy phực hưng lịch sử văn hóa truyền thống Việt của dân tộc Việt – một cách khoa học, công bằng và công khai – như là một việc cấp bách nhất hiện nay. Bởi vì, đó chính là cội nguồn và là cơ sở của những giá trị đạo đức và lương tâm của người Việt – Điều được cho rằng tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho dân tộc Việt, trong bài nói trên.
Nhân bài của ngài Chủ tịch đăng trên web lyhocdongphuong.org.vn, nên tôi có ý kiến này, nhân danh cá nhân và là ý kiến đến chung với bất cứ ai trong những người có trách nhiệm trong thể chế cầm quyền. Tôi nghĩ rằng việc phục hưng văn hoa sử truyền thống nhân danh khoa học, công bằng và minh bạch trong nước và quốc tế – là trường hợp cụ thể ở Việt Nam – là trách nhiệm của những người đang lãnh đạo thể chế cầm quyền và cũng của bất cứ ai đã và đang, hoặc sẽ lãnh đạo của bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Bởi vì, đó là một trong những yếu tố cần thể hiện tính chính thống của một thể chế cầm quyền – nếu xét về mặt chính trị.
Cá nhân tôi sẵn sàng chứng minh và phản biện trước những con người được lựa chọn là tinh hoa của các hệ thống tri thức đại diện cho khoa học, chính trị và cả tâm linh, tôn giáo – để xác định nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm lịch sử, một thời huy hoàng ở miến nam sông Dương tử chính là chân lý. Hay nói rõ hơn: Việt sử 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương tử chính là một bộ phận cấu thành của chân lý tuyệt đối và nó luôn là chân lý trong mọi lĩnh vực tư duy của nhân loại, kể cả chính trị và tâm linh.
Tôi xác định rằng: Không có ngày Tận Thế 21. 12. 2012. Nhưng sự phủ nhận những gía trị văn hóa sử truyền thống Việt chính là một thảm họa khiến thế giới này sẽ tan rã trong một tương lai gần.
Tôi viết bài này trong ngày Tam nương – một điều kiêng cữ tuyệt đối trong Lý học Đông phương. Là người nghiên cứu Lý học, tôi hiểu rất rõ điều này. Nhưng tôi muốn dứt điểm vấn đề. Cho dù nó có thể rất tai hại với tôi. Thí dụ như bị chết, hoặc tiếp tục với một sức ép nặng nề hơn.