Khoa học là gì?
Có một vấn đề được đặt ra bởi nguyên nhân sâu xa từ cuộc hội thảo ấn tượng “Tính khoa học của phong thủy” gây chú ý trong giới khoa học và Lý học Đông phương thuộc cộng đồng người Việt. Phong thủy thì từ trước đến nay có nhiều cách nhìn, nhưng hầu hết đều cho rằng: Nó thuộc vê những hiện tượng huyền bí và phi khoa học. Nay cuộc hội thảo lại chứng minh tính khoa học của nó theo tiêu chí khoa học. Và thế là vấn đề được đặt ra:
Thế nào là khoa học?
Vấn đề đặt ra với mục đích phản biện Thiên Sứ một cách rõ ràng. Nhưng rất tiếc. Nó không đủ tầm để phản biện. Chắc chắn là như vậy. Tôi đã phân tích điều này trong bài viết trước. Nhưng nó lại chứng tỏ một sự việc rất hiển nhiên là khả năng thẩm định một kiến thức vượt trội, khiến cho tri thức khoa học phải tự thẩm định mình khi đặt vấn đề cơ sở khoa học cho một học thuyết huyền vĩ và cao cấp hơn sự hiểu biết của nó.
Có người cho rằng: Khoa học là một phương pháp tiếp cận với những quan sát trực quan, có người cho rằng khoa học là một quan niệm phi tín ngưỡng tôn trong thực tiễn khách quan….vv…Nói tóm lại, chưa có một định nghĩa thật sự về khái niệm “Khoa học”. Tôi tin là công động khoa học thế giới chưa có một định nghĩa nội dung khái niệm này. Cơ sở nào để tôi tin tưởng khá chắc chắn như vậy?
Chưa có định nghĩa khái niệm khoa học.
Ngay sau khi hội thảo với sự góp mặt của các nhà khoa học trong nước và với những nhà khoa học tầm cỡ đều không có ý kiến gì. Nhưng ở nước ngoài thì nhà khoa học tên tuổi Nguyễn Văn Tuấn đã đặt vấn đề một cách thận trọng. Ông đưa ra một loạt những tiêu chí khoa học có tính thẩm định. Chỉ cần như vậy, tôi xác định được ngay: Công đồng khoa học chưa có một định nghĩa chuẩn về khái niệm khoa học. Bởi vì: Nếu có một định nghĩa chuẩn về khái niệm khoa học thì một nhà khoa học đẳng cấp như ông Nguyễn Văn Tuấn không cần phải đưa ra một loạt tiêu chí khoa học để thẩm định một phương pháp có phải là khoa học hay không – Mà ông sẽ đưa ngay định nghĩa và khái niệm khoa học để xác minh. Chính vì không có một định nghĩa chuẩn về khái niệm khoa học, nên ông mới phải đưa tiêu chí khoa học để thẩm định. Một suy luận đơn giản và hợp lý.
Điều này cũng chẳng có gì là lạ. Khi mà có hàng trăm ngàn nhà hoạt động – chưa nói đến hàng triệu – nhà hoạt động văn hóa trên thế giới với những tên tuổi được giải Nobel, mà chưa hề có một định nghĩa chuẩn về khái niệm văn hóa. Có gần 400 định nghĩa về khái niệm văn hóa khác nhau trên thế giới. Vậy thì đối với cộng đồng khoa học tự nhiên chưa có một định nghĩa chuẩn về khái niệm khoa học, cũng là lẽ tất nhiên.
Suy nghĩ đến đây, tôi mới nghiệm ra một điều rằng: Sở dĩ một thời người ta coi Phong thủy, Tử Vi….là mê tín chính vì khái niệm khoa học không rõ ràng. Cái gì khoa học không giải thích được thì nó rất dễ thành “mê tín dĩ đoan”. Vì chính các nhà khoa học thực sự cũng chưa có khái niệm rõ ràng về “Thế nào là khoa học?”. Thế thì trách chi đám lôm côm, coi khoa học là “Không uống nước lã, không ăn quả xanh” và “rửa tay trước khi ăn cơm”, hoặc “Không sợ ma” được coi là có tinh thần khoa học.
Đến đây, Thiên Sứ tôi viết ra ngoài lề một chút cho đỡ “sì troét” – đến bây giờ thì “Ma” đang là đối tượng nghiên cứu khoa học. Không chỉ ở Việt Nam mà còn có cả ở “cộng đồng khoa học quốc tế”. Hi. Không thiếu gì những nhà khoa học xác định là có ma, chụp ảnh hẳn hoi. Vậy bản chất của vấn đề là gì? Hiện tượng thì là như vậy, là khách quan và không thể phủ định. Khoa học nghiên cứu các hiện tượng khách quan mà. Vậy thì cái vấn đề chính là cách giải thích hiện tượng. Giải thích những hiện tượng này cũng tương tự như trò chơi “cái gì đây?” ở mục giải trí của các tập san. Cao cấp hơn thi nó là một phương pháp luận giải thích hiện tượng, hơn nữa thì nó là một hệ luận giải thích những hiện tượng, siêu hơn nữa thì là cả một hệ thống lý thuyết giải thích hiện tượng bằng những khái niệm của nó – được chứng nghiệm bằng phương tiện kỹ thuật hoặc theo tiêu chí khoa học – nếu coi nó là khoa học. Đến đây, vần đề lại trở lại “Thế nào là khoa học?”.
Như vậy, cũng đủ thấy rằng: Khi sự phát triển của tri thức đạt đến đỉnh cao của nó – từ nhận thức thực tại khách quan – phải là một hệ luận giải thích một cách hoàn chỉnh, nhất quán, hợp lý, khách quan, có tính quy luật và khả năng tiên tri những hiện tượng liên quan đến nó. Vậy thì chúng ta hãy xét đến nền Lý học Đông phương mà cốt lõi của nó là thuyết Âm Dương Ngũ hành đã đáp ứng đúng như vậy. Nó giải thích tất cả mọi hiện tượng từ vi mô đến vĩ mô, từ khởi nguyên vũ trụ đến các vấn đề liên quan đến con người với khái niệm của nó và khả năng tiên tri. Chỉ cần những phương pháp ứng dụng của nó thồi – chứ chưa phải là hệ thống lý thuyết của nó – là Đông y, tử vi, phong thủy, bốc dịch…..vv …cũng đủ vượt thời gian trải hàng thiên niên kỷ, xuyên qua mọi không gian văn hóa lịch sử cho đến hôm nay và chắc chắc còn mai sau, cũng đủ cho thấy sự huyền vĩ của nó. Do đó, nếu như nền Lý học Đông phương không phải là kết quả của một tri thức thật sự cao cấp và chính là lý thuyết thống nhất vũ trụ thì chỉ có thể giải thích rằng: Tại vì trí thức khoa học hiện đại không đủ tầm cỡ để nhận thức được nó.
Bởi vậy, đâu phải ngẫu nhiên mà Thiên Sứ tôi phát biểu rằng: Thiên Sứ mà sai thì toàn bộ tri thức khoa học sẽ sụp đổ.
Mà kể cũng lạ! Cái thế gian này đổ bao nhiêu tiền của để gọi là “ngâm cứu khoa học”. Nào là tìm “nền văn minh ngoài trái Đất”, Tìm bản chất của UFO, tìm “nước trên mặt Trăng”, Điển hình tốn kém nhất là đi tìm “Hạt của Chúa”….và chắc còn nhiều thứ nữa. Nhưng nó lại bủn xỉn đến mức không thèm bỏ ra một số tiền ít hơn nhiều – tính bằng tiền Việt thôi – để xác định ngay nội dung công việc nó đang làm. Thí dụ như : Văn hóa là gì? Hoặc khoa học là gì?
Nếu xét về cá nhân từng nhà khoa học, hay một nhóm nghiên cứu thì họ ý thức rất rõ công việc cụ thể họ đang làm và mục đích của họ. Nhưng cả cộng động khoa học thế giới thì lại chưa có một định nghĩa về khái niệm khoa học. Theo quy luật phát triển tự nhiên thì đến một lúc nào đó, sẽ phải xuất hiện một định nghĩa rõ ràng về danh từ khoa học. Đến lúc đó thì tôi tin rằng Thiên Sứ đúng. Chắc cũng không lâu – nếu như một nhà khoa học nào đó đưa ra định nghĩa này. Còn nếu tự Thiên Sứ đưa ra định nghĩa khái niệm khoa học thì lại không thiều gì kẻ lên tiếng là không khách quan.
Cũng chình vì tính không chính danh đó, mà thế gian cứ loạn cào cào cả lên. Thật buồn!
Tính chính danh
Hồi còn nhỏ, Thiên Sứ tôi xem sách Luận Ngữ (Hình như vậy, không nhớ tên sách vì lâu quá), phần Chính Danh. Có một học trò hỏi thầy:
– Thưa thầy, nếu thày làm quan thì thày sẽ làm việc gì trước.
– Nếu ta làm quan thì việc đầu tiên là ta phải chính danh.
– Thưa thầy thế nào là chính danh?
– Tức là gọi tên đúng như sự vật, sự việc nó đang có.
Ngày ấy, với tri thức non nớt của gã thanh niên mới lớn, còn đang vỡ giọng, Thiên Sứ tôi không thể nào hiểu nổi tại sao vị thày đó lại làm một việc thừa như vậy? Cái gì trên thế gian này mà chẳng có tên gọi của nó? Nhưng phải cho đến gần đây – khi tìm hiểu về nền văn hóa cổ Việt, tôi mới hiểu được bản chất của tính chính danh cần thiết như thế nào. Bàn về vấn đề này, lại tốn kém thời gian và tiền bạc nữa. Ít nhất cũng lại một cuốn sách. Rồi lại tranh luận, ấy là chưa kể bao nhiêu thứ phiền phức gọi là “tế nhị và nhậy cảm”. Híc. Trong khi chỉ mỗi việc “Y phục thời Hùng Vương” không thôi, cũng đủ muốn rối tinh lên. Mặc dù đó cũng mới chỉ là một vấn đề trong hàng trăm vấn đề liên quan đến Việt sử 5000 năm văn hiến. Chưa nói đến cái Lý Học Đông phương này còn kinh hơn. Chưa định nghĩa được thế nào là khoa học, tức là chưa chính danh thế thì lấy đâu ra sự tiêu chí để phán xét. Cũng như chưa hiểu Âm Dương là gì đã dùng nó để giải thích hiện tượng. Cho dù đó là một cái hiểu sai thì nó cũng cần phải có một định nghĩa cho nó. Tức là có danh vậy (Còn chính hay tà tính sau – vì còn tranh luận mà). Bởi vậy, không loạn cào cào lên sao được. .
Mệt mỏi.
Vì thế Thiên Sứ tôi rất thông cảm với những người không muốn tranh luận. Bản thân tôi cũng chui vào cái blog này. Đến một lúc nào đó chắc cũng nó cũng chỉ toàn là thơ “Con cóc”.
Vài dòng tâm sự chia sẻ cho những ai vào cái blog “cốc” này của Thiên Sứ và cảm thông, hoặc lại có vấn đề tranh biện nữa
. Nhưng may quá. Cảm ơn ai đó đã tạo ra chương trình viết blog có chỗ khóa “miễn bình luận”.
Bài viết này có thể coi như chưa hoàn chỉnh vì một kết luận lãng nhách, Nhưng cũng chẳng còn cảm hứng để viết tiếp, nên dừng ở đây.
.
Huế.
12 – Tháng Giêng Canh Dần.