Sau khi tạm biệt thày Đức, tôi và Thế Trung mới đi ăn cơm. Tôi hỏi Thế Trung: Bài phat biểu của Thế Trung có thể cho tôi xem được không? Trung gửi email cho tôi. Bài phát biểu nói đền Việt sử 5000 năm văn hiến và khá sâu sắc. Tôi đưa lên đây để chia sẻ với các bạn ghé thăm blog này.
============================================
Tham luận soạn và phát biểu tại hội thảo CNTT và Tương lai đất nước
Do Ban Tuyên Huấn Trung Ương, Bộ Thông Tin Truyền Thông và VINASA tổ chức vào 23/04 tại Hà Nội
Nguyễn Thế Trung
Tổng giám đốc công ty DTT.
Tham luận này nhằm đưa ra một góc nhìn của thế hệ làm CNTT trẻ ( sau 1975) những người được tổ quốc và chính phủ tạo nhiều điều kiện phát triển mà chưa đóng góp lại được nhiều¸tuy nhiên chúng tôi tràn đầy lòng yêu nước và những mơ ước tươi đẹp về tương lai Việt Nam mà trong đó, CNTT là một thành phần quan trọng.
Trong báo cáo về tương lai 10 năm tới của Viện nghiên cứu về tương lai ( Institue for the future1) có đưa ra 3 tiêu chí của phát triển là “Hạnh Phúc”, “Kiên Cường” và “Di Sản” với 4 kịch bản phát triển: Phát triển tiếp tục như hiện nay; Phát triển và tự đặt ra các giới hạn; Đổ vỡ ( do thiên tai hay nhân họa) và Chuyển Đổi nên một hình thái phát triển mới. Tựu trung lại, từ góc nhìn của chúng tôi, có thể gói gọn trong 2 khái niệm là “Nhân Văn” và “Hình thái ý thức toàn cầu hóa mới”, trong đó hình thái ý thức toàn cầu hóa mới này không chỉ là tương tác người-người và về khía cạnh kinh tế mà phải là toàn cầu hóa mọi mặt của đời sống và tương tác của vạn vật trong thiên nhiên.
Trong một tương lai như vậy, thì CNTTi và tương lai đất nước cần được nhìn nhận thế nào?
Quan điểm của chúng tôi là, dự trù tương lai có nhiều biến và ta cần phải dựa vào yếu tố bất biến để quán xét. Trong chủ đề này, chúng tôi chọn yếu tố bất biến đó là “Tương lai của đất nước phải thuộc về những trái tim và bộ óc ưu tú nhất” để từ đó suy ra CNTT có vai trò thế nào.
Chúng tôi cho rằng, CNTT tại Việt Nam đã tự thân làm được nhiều việc và hiện tại đã có thể đứng vững và đi lên. Tuy nhiên CNTT vẫn là một thiếu niên trong nền kinh tế và xã hội nước nhà, và trong khi chúng ta đều mong muốn chàng thiếu niên này trở thành khổng lồ như Thánh Gióng thì cũng cần chú ý rằng một trong những điều đáng lo là “Thiếu niên đắc chí”, cụ thể là việc CNTT có khả năng trở nên ích kỷ và phát triển vì sự phát triển của nó mà xa rời mục tiêu cao cả hay không?
Mục tiêu cao cả đó là gì? Chúng tôi định nghĩa đó là “Sức khỏe quốc gia” 2 , bới vì đất nước là mãi mãi, nên chúng ta không chỉ nhắm đến một mục tiêu cụ thể trong khoảng thời gian tồn tại nào đó mà cách tốt nhất là phải luôn duy trì và nâng cao sức khỏe của mình. Sức khỏe đó theo góc nhìn Tây Phương thì có thể bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người … còn theo cách nhìn truyền thống Đông Phương thì sức khỏe quốc gia là bộ ba Tinh-Khí-Thần. Từ cả 2 góc nhìn trên, nếu CNTT chỉ phục vụ phát triển kinh tế hay tự nó là một ngành kinh tế thì có thể nó đang mang sở đoản ra đọ với sở trường của các nền kinh tế hiện hành khác ở Việt Nam, và có nguy cơ xa rời mục tiêu cao cả là đắp bồi “Sức khỏe quốc gia”.
Đi sâu vào khái niệm “Sức khỏe quốc gia” và về Tinh-Khí-Thần, chúng tôi đưa ra định nghĩa: Khí của quốc gia chính là tổng thể mọi sự tương tác trong quốc gia đó 3, và nhiều phần ( mà thực ra là tất cả) trong tương tác này nằm ở thông tin, như một quan điểm khoa học hiện đại cho rằng, cả vũ trụ thực chất là trường thông tin. Vì vậy, nói rộng ra, CNTT chính là cách thức phương pháp để quản lý và tác động phát triển Khí của quốc gia. Ai đó có thể sợ rằng phát triển Khí lực thì đâu có giàu được, câu trả lời là cần quay lại với các tiêu chí “Hạnh Phúc” – “Kiên trì” và “Di Sản” với các tiêu chí này thì rõ ràng việc phát triển để Khí chất thịnh vượng rất xứng đáng được mong đợi.
Với cách hiểu như vậy, thì giải pháp cụ thể là gì? Chúng ta cùng quay trở lại hai yếu tố “Trái Tim” và “Bộ Óc”. Việt Nam chúng ta có nhiều thứ để tự hào, nhưng có lẽ sáng rõ nhất là tinh thần yêu nước, và không hề là tinh thần yêu nước chung chung mà rất cụ thể, đó là yêu những gì gần gũi quanh ta và đặc biệt là rất riêng biệt Việt Nam. Nhưng gốc của việc đó là gì? Xin thưa ngay đó là “Tính nhân văn”, một tiêu chí sẽ phải là gốc cho một hình thái ý thức toàn cầu hóa mới. Tính nhân văn của chúng ta thấm đẫm trong tình yêu tôn thờ thiên nhiên khi ngọn cây, hòn đá được nhân cách hóa và thậm chí thần thánh hóa; Tính nhân văn cũng thể hiện trong quan điểm lấy gia đình làm hạt nhân xã hội, lấy sự tiếp nối làm nguyên tắc phát triển thể hiện mạnh mẽ qua việc thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng cha mẹ. Nói như vậy, nhưng các kết quả cụ thể là gì? Các di sản đó chính là 1. Một ngôn ngữ tiếng Việt kỳ diệu 2. Một thời đại Hùng Vương huyền vĩ kéo dài trên 2000 năm ( ít có một thời đại nào trên thế giới làm được việc này) 3. Những cuộc kháng chiến gìn giữ độc lập thần thánh. Chỉ những di sản này chúng ta đã thấy tự hào và tự tin về sự đóng góp của chúng ta trong tương lai, nền tảng của sự phát huy tri thức qua CNTT.
Trên những cơ sở ở trên, chúng tôi đề nghị 3 giải pháp cụ thể như sau:
1. CNTT phải đặt mục tiêu phát triển khí chất của quốc gia thông qua việc phát huy sức mạnh của thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống đóng góp vào Sức khỏe quốc gia, cụ thể là việc đầu tư vào xây dựng tri thức trên nền tảng thông tin, hay còn là sự song hành giữa khoa học thông tin và công nghệ thông tin.
2. CNTT cần là ngành kinh tế đột phá và là nền tảng phục vụ cho các ngành kinh tế khác đột phá thay vì là một ngành kinh tế theo sau sự tăng trưởng chung ( nước lên thuyền lên).
3. CNTT phải tập hợp được những bộ óc tốt nhất và chung một tấm lòng phát triển. Cũng cần thấy rõ là hiện nay, theo đánh giá của chúng tôi thì 80% những bộ óc xuất sắc này đang nằm ngoài nhân lực CNTT hiện nay. Đó là các chuyên gia tri thức các ngành khác, là du học sinh, là người Việt Nam ở nước ngoài, là các đối tác toàn cầu. Cụ thể là chúng ta cần cơ chế đầu tư thu hút chất xám với quan điểm không phải là làm việc ở đâu, làm gì mà là làm việc với ai, đạt được mục tiêu gì?
Để kết luận, thay vì đưa chàng thiếu niên lên ngồi cùng mâm với lão làng thì hãy để những Trần Quốc Toản biến nung nấu và quyết tâm thành những thắng lợi trở thành ngọn cờ Thánh Gióng trong công cuộc xây dựng và hưng thịnh đất nước.
============================================
Chú thích:
1. Institue for the future – 10 years forecast : http://www.iftf.org/tyf
2. Khái niệm National Health – sức khỏe quốc gia của Yun Ta Chun và William Hieo – chuyên gia chiến lược Singapore
3. Định nghĩa về khí và các nghiên cứu về Lý học của Nguyễn Vũ Tuấn Anh – Trung tâm nghiên cứu Lý học đông phương
i. Ở đây chúng tôi dùng thuật ngữ CNTT chung cho lĩnh vực CNTT, ngành CNTT … để chỉ khái niệm bao trùm của CNTT, độc giả có thể hiểu theo từng ngữ cảnh cho phù hợp.