Hôm nay, bên Trung Tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông – tiền thân là Câu Lạc Bộ Thăng Long Dịch học nghĩa kỳ – mời tôi dự buổi họp mặt Tất Niên. Cũng theo thông lệ từ nhiều năm nay, chúng tôi thường có bài tiểu luận tiên tri về năm tới. Nhưng phải nói càng ngày thì không khí họp mặt vào những kỳ cuối năm như thế này lại càng buồn. Ngày xưa, những cuộc gặp mặt như vậy rất đông các cao thủ và những nhà hoạt động văn hóa xã hội tầm cỡ. Ngày nay chỉ còn lại ít người cũ, phần lớn các vị cao tuổi lần lượt ra đi về thế giới bên kia, như: Giáo sư Lê Văn Sửu, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo..vv….Mặc dù, Câu Lạc Bộ Thăng Long nay đã phát triển thành một Trung Tâm có pháp nhân.
Tôi và Hoàng Triều Hải đến nơi thì hơi muôn khoảng 15 phút. Họ có người đón các khách mời ngay phía dưới khách sạn của Bộ Giáo Dục ở 23 Lê Thánh Tôn. Buổi gặp mặt vẫn chưa bắt đầu…..
Ra đón chúng tôi là anh Vũ Minh Hải – Tổng giám đốc Tribeco. Chúng tôi biết nhau từ trước, anh mời tôi uống trà vì cũng còn sớm.
Chúng tôi lên đến phòng họp tuy đã quá giờ, nhưng quan khách vẫn chưa đến đủ……Tôi đến chào giáo sư Hoàng Tuấn. Người rất quý tôi vì những công trình nghiên cứu của tôi….
Thày trò tôi được mời ngồi ở hàng ghế đầu cùng với các khách mời quan trọng. Họ tỏ ra quý mến Hải. Nhưng tôi nhận thấy trên gương mặt của Hải có những nét lo lắng và không tập trung. Có thể vì Tết nhất đến nơi, nên cậu ta có nhiều việc phải lo.
Được một lát, quan khách đến đông đủ. Tiến Sĩ Hoàng Sơn – phó giám đốc thường trực Trung tâm lên khai mạc. Anh ta mới bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2010 với để tài liên quan đến tôn giáo. Hôm bảo vệ luận án, anh ta có mời tôi tham dự.
Giáo sư tiến sĩ Đại tá Hoàng Tuấn mở đầu buổi thảo luận. Đáng chú ý là trong bài nói của ông có đoạn viết:
“Rất nhiều học giả Tây phương hiện nay quan tâm nghiên cứu những điều bí mật của nền văn hóa cổ Á Đông. Chúng ta, những thế hệ hậu sinh bản địa, hãy cố gắng bảo tồn những di sản quý giá của cha ông để lại, để không bị đánh mất mình trong phong trào hội nhập ngày nay. Không nên vội vàng – khi chưa tìm hiểu – đã cho là “mê tín dị đoan” để chê bai và loại bỏ”.
Cũng trong buổi nói chuyện này, ông cũng cho rằng hệ can chi thuộc về văn minh Lạc Việt. Ông cũng xác định rằng:
“Lạc thư là sách của người Lạc Việt”.
Nhà nghiên cứu Xuân Cang lên phát biểu những dự báo của mình. Ông là người nổi tiếng với những cuốn sách đã xuất bản liên quan đến Bát tự Hà Lạc và tứ trụ. Trong bài phát biểu của ông có đoạn viết:
“Quẻ còn cho biết đến mùa hè này, Tháng Tư Âm lịch trở đi, “nguyên thần” tức sự phù trợ của tổ tiên (Quốc tổ) mới đủ sáng, đủ vượng để giúp chúng ta vượt qua nhưng gián cách, trở ngại”.
Nhà nghiên cứu Khương Văn Thìn. Ông có tác phẩm được chú ý là “Dịch học phong thủy”, tôi cũng hân hạnh được ông tặng cuốn sách này. Bài phát biểu của ông dài, nhưng chủ yếu là phân tích có tính lý luận học thuật. Kết luận và dự báo của ông chỉ là khí hậu năm 2011 khắc nghiệt. Ông cho rằng:
“Về mùa Xuân tuy có ẩm ướt nhưng sẽ nhanh chóng qua đi. Mùa Đông cũng có những ngày nắng nóng. Mùa Thu sẽ có mưa nhiều, nhưng là mưa chợt đến, chợt đi, tạo nên sự bất cập của thời tiết, lượng mưa cũng sẽ thất thường. Vì thế mà lượng nước lũ nhanh chóng đổ về các vùng miền là điều khó mà lường trước được”.
Cụ Lê Đông Phong – tự là Hồng Nguyên Tử. Cụ chuyên về khoa Thái Ất và Dịch học. Cụ có mở lớp dạy môn này. Bài viết của cụ cũng năng về lý luận học thuật. Hải ghé tai tôi nói nhỏ: “Các cụ này khoe chữ nhiều hơn là dự báo!”.
Cụ Hồng Nguyên Tử nói lâu quá. Cuối cùng cũng đến lượt tôi. Tôi đi thẳng váo những dự báo có tính xác định và chẳng có một chữ nào phân tích về học thuật. Tôi nói vo ngoài lề về Huyền Không Lạc Việt với Nhị Ngũ giao trì ở Đông Tây, tôi cũng giới thiệu sơ về quẻ Lạc Việt độn toán. Nhưng nhìn chung bài phát biểu của tôi cũng được cử tọa chú ý. Sau khi phát biểu xong, trong cử tọa có những người hỏi tôi về chứng khoán, nhà đất….Quan điểm của tôi là không mấy sáng sủa cho thị trường này.
Cuối cùng là Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, anh là tác giả của “Thái Cực hoa giáp”. Anh ủng hộ quan điểm của tôi về sự thay đổi Thủy Hỏa trong Lạc Thư hoa giáp và anh có ứng dụng trong cuốn “Thái Cực Hoa Giáp” của anh đã được xuất bản. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn được viện Duma Quốc gia Nga tặng danh hiệu “Người của Thiên niên Kỷ”. Còn tôi, người đầu tiên đưa quan điểm, nếu được công nhận thì sẽ làm thay đổi cách nhìn của cả thế giới về nền Lý học Đông phương, khi xác định nguồn gốc thuộc văn minh Lạc Việt – Lạc Thư Hoa giáp chỉ là chuyện nhỏ – thì hân hạnh được gọi là “Dị nhân”. Bài nói của anh chủ yếu dự báo về 60 tuổi trong Hoa giáp sẽ như thế nào trong năm 2011.
Sau buổi thảo luận là ăn tiệc Tất niên. Một thông lệ nhiều năm của Thăng Long Dịch học Nghĩa kỳ. Phải công nhân Hoàng Sơn có tài tổ chức. Cái này tôi chịu. Anh ta lúc nào cũng kiếm được tài trợ cho các buổi nói chuyện và tiệc tùng sau đó. Đã vậy các diễn giả đôi khi có cả bao thư gọi là tiền nhuận bút nữa chứ. Không nhiều, chỉ 2/ 3 trăm ngàn. Nhưng chứng tỏ anh ta rất chu đáo và cẩn thận. Có những lần tiệc tùng lên đến hàng trăm người , như năm nào ở Trung Tâm Hội nghị quốc gia. Tôi còn nhớ kỷ niệm của tôi hôm ấy là lúc cụng ly chúc Tết thượng tướng Hoàng Minh Thảo, ngài nói với tôi : “Cháu hãy cố gắng phục hồi nền văn hiến Việt”. Hải cáo từ về sau khi họp xong. Việc này làm tiến Sĩ Hoàng Sơn hơi buồn. Anh ta đích thân gọi điện thoại mời Hải. Nhưng chắc anh chàng bận, nên không đến được.
Tôi ngồi ở bàn toàn các ….cụ. Tả Thanh Long là cụ Hồng Nguyên tử.
Ngồi cạnh tôi – Hữu Bạch Hổ – là Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Thạch. Anh mời tôi đến dự một buổi bảo vệ luận án và đề nghị tôi tham gia phản biện. Anh cũng ở thành phố HCM với tôi. Tôi cười nói với anh ta: “Tôi không bao giờ chống lại đồng minh. Nhưng tôi sẽ tham gia phản biện để làm sáng tỏ vấn đề”. Anh ấy hứa sẽ đưa tài liệu cho tôi xem trước.
Zdô! Một năm mới vui vẻ!
Trong số những người quan tâm đến Lý học có cả những bóng hồng…..
Ông chủ khách sạn chúc Tết và bày tỏ lời cảm ơn mọi người đã đến đây!
Giáo sư Hoàng Tuấn có khuyên tôi nên tập trung vào lý luận học thuật và không nên nghiêng về ứng dụng thuần túy. Có lẽ ông muốn nói về việc “đuổi mưa” của tôi. Tôi cảm ơn ông về lời khuyên và hứa sẽ cố gắng thêm. Nghĩ lại thì đúng là mấy năm nay tôi chẳng ra được cuốn sách nào. Mặc dù khá nhiều tiểu luận có thể in thành sách trong nhiều năm qua.
Anh Đỗ Văn Hiệp một doanh nhân thành đạt hiện là chủ Cty khách sạn Dạ Hương nổi tiếng ở Thái Nguyên (Đứng bên phải). Anh là người nhiệt tình ủng hộ các nhà nghiên cứu Lý học và là người thường xuyên tài trợ cho Thăng Long Dịch học Nghĩa kỳ từ trước. Người đứng bên trái là Trung tá Phạm Tuyên, anh đam mê kinh Dịch từ lâu, cũng là một nhà nghiên cứu ứng dụng Phong thủy. Nhưng anh ta nghiêng về huyền thuật nhiều hơn. Trong buổi tiệc, anh Chuyên giới thiệu tôi là nhà khí công xuất sắc. Đây là câu hay nhất trong ngày. Ít nhất nó cũng làm nhạt nhòa cái bí ẩn của khái niệm dị nhân với tôi. Khí công, hay “Đặc dị công năng” thì nhiều người cũng thực hiện được. Cụ thể là ở Trung Quốc, những người có khả năng này còn kinh hơn về các khả năng khác. Như dùng ý nghĩ để nướng chín cá, làm cong thìa, cách không chữa bệnh….vv…..
Mọi người gặp gỡ chúc mừng nhau một năm mới vui vẻ.
Buổi tiệc Tất niên của chúng tôi đã kết thúc vui vẻ.
=============================================
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý Học Đông phương
Kính thưa quí vị.
Trước hết tôi xin bày tỏ sự cảm ơn đối với ban tổ chức đã tạo điều kiện để tôi trình bày những dự báo của mình trong cuộc họp tất niên của Trung Tâm Nghiên cứu văn hóa Đông Phương. Có thể những dự báo dưới đây của tôi có nhiều điểm trùng khớp với những dự báo của quí vị và cũng có thể có những điểm khác biệt. Nhưng tôi cũng xin mạnh dạn trình bày những dự báo của tôi cho các mặt của thế giới trong năm 2011 như sau:
Kinh tế:
Nếu như năm 2008, tôi đã dự báo về một sự suy thoái kinh tế toàn cầu thì đó là năm mà nhiều đại Cty đã sụp đổ trên thế giới. Qua năm 2010 tôi cũng xác định và dự báo cho rằng đây là năm mà sự khủng hoảng kinh tế mang tầm cỡ quốc gia. Thực tế đã cho thấy nhiều quốc gia nợ công cao ngất ngưởng và họ phải có những gói cứu trợ và tiếp tục vay nợ của nước ngoài .
Năm nay 2011 cũng sẽ là một năm chịu hậu quả tiếp tục của sự suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Những nỗ lực của các nhà kinh tế đi tìm một giải pháp thoát khỏi sự khủng hoảng đều tỏ ra không hiệu quả. Ảnh hưởng của sự suy thoái lần này sẽ thấm đến hạ tầng cuộc sống của con người. Nạn thất nghiệp sẽ tăng mạnh, những khoản trợ cấp và an sinh xã hội sẽ bị giảm. Đời sống dân chúng nhiều nước lâm vào khó khăn. Lạm phát tăng cao ở nhiều nước mà chủ yếu ở khu vực của những quốc gia có nền kinh tế mạnh trước đây như Âu Mỹ. Đương nhiên hậu quả của nó sẽ là kéo theo những nước có nền kinh tế liên quan đến khu vực này. Mối tương quan gía trị chuyển đổi của các loại tiền tệ sẽ bị xáo trộn. Khiến ảnh hưởng đến các hoạt động xuất, nhập khẩu. Môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn vì tỷ giá đồng tiền thay đổi thất thường làm đội giá trong sinh hoạt, đời sống và các hoạt động kinh tế khác. Dấu hiệu của sự kiện này sẽ rõ ràng bắt đầu từ tháng 8 Việt lịch kéo dài đến cuối năm và ảnh hưởng sang cả năm 2012. Có thể nói năm 2011 là năm khủng hoảng kinh tế thể hiện ở sự xáo trộn giá trị đồng tiên trong các mối liên hệ tương quan.
Thiên Tai:
Nếu như năm Canh Dần đã là năm mà thế giới phải chứng kiến những sự kiện thiên tai tăng nặng về những trận lũ lụt, nắng hạn, động đất đều mang tính kỷ lục thì năm Tân Mão 2011 thiên tai còn tăng nặng hơn vì mức độ tàn phá của nó.
Những thiên tai liên quan đến động đất, sụt lở nghiêm trọng sẽ xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Trọng điểm là vùng thuộc Nam Á , Vùng Châu phi kế cận và cả Đông Á. Ngoài ra còn ở vùng đất giáp biển phía Tây của châu Mỹ cũng không thoát những thiên tai liên quan. Những quốc gia thường xuyên hứng chịu động đất, năm này cũng cần đề phòng như Nhật Bản, Phi Luật Tân, Indonesia ….và cần chuẩn bị trước khi thiên tai xảy ra.
Tai nạn và tệ nạn xã hội:
Những tai nạn do chính con người gây ra cho mình, như: Đắm phà, rơi máy bay, cháy nổ, lật tàu lửa …sẽ tiếp tục nghiêm trọng hơn so với 2010. Nhưng năm nay có thể nói rằng nó xuất hiện ngay từ đầu năm tăng nặng vào nửa cuối năm. Nhưng vụ tai nạn về máy bay sẽ xảy ra nhiều hơn.
Những tệ nạn xã hội như, cướp bóc, giết chóc…..sẽ giảm về mức độ tính chất phạm tội so với năm 2010, nhưng sẽ nhiều hơn năm 2010 về số lượng và tần xuất, cũng như sự táo tợn của những tội phạm. Các quốc gia cần có kế hoạch trấn áp những tệ nạn xã hội vì vì sự tràn lan của nó. Đặc biệt những nước mà những băng đảng ma túy hoành hành như Mexico thì mức độ táo tợn của những băng đảng này sẽ giảm và lại tăng nặng ở nước khác.Vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm gần như không có gì mới, nhưng không nghiêm trong như các năm trước.
Dịch bệnh:
Có những nguy cơ quay trở lại của một số bệnh dịch trên gia súc và người của nhiều loại bệnh như cúm gà….vv….. Từng vùng và quốc gia có thể bị bệnh dịch nghiêm trọng, nhưng không lan thành đại dịch mang tính quốc tế. Sẽ xuất hiện một số bệnh lạ, nhưng không mang tính phổ biến.
Xã hội:
Khủng hoảng xã hội do kinh tế suy thoái khá nặng nề ở một số nước vốn là cường quốc. Nó là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm bùng phát những mâu thuẫn xã hội. Sẽ xảy ra những cuộc trấn áp mạnh vì mâu thuẫn xã hội ở một số nước. Sẽ có nhiều nước bị rơi vào khủng hoảng chính trị, xã hội và để lại những dấu ấn lịch sử. Đặc biệt là những quốc gia ở châu Phi, sẽ có những khủng hoảng xã hôi nghiêm trong và mang tính khủng hoảng nhân đạo.
Văn hóa:
Xu hướng giao lưu văn hóa thế giới tiếp tục phát triển. Những giá trị văn hóa truyền thống được trân trọng. Những vấn đề phát triển văn hóa toàn cầu sẽ được đề cập đến với giá trị nhân bản được công nhận.
Khoa học kỹ thuật:
1) Quân sự: Nếu như năm 2010 là năm của các quốc gia đua nhau trang bị vũ khí kỹ thuật cao thì năm 2011 xu hướng này tiếp tục tăng mạnh.
2) Cũng như năm 2010 – Những phát minh khoa học kỹ thuật ngày càng có xu hướng đi vào chế tạo những phương tiện tinh vi. Năm 2011 sẽ xuất hiện một phương tiện kỹ thuật phục vụ nhân sinh mang tính đột phá tạo bước ngoặt lịch sử cho văn minh nhân loại. Có thể ví phát minh này như việc chế tạo ra máy hơi nước ở thế kỷ XVIII.
Nhân họa:
Năm nay nguy cơ chiến tranh mang tầm cỡ quốc gia có thể xảy ra. Nhưng mức độ chiến tranh ở những điểm nóng hiện hữu như Afganixtan, Nam Bắc Triều Tiên…. sẽ giảm hẳn. Những xung đột vốn tiềm ẩn trong một số quốc gia của một số tổ chức ly khai hay khủng bố ở một số nước lại bộc phát, nhưng không gây thành hậu quả nghiêm trọng. Nhưng khủng hoảng xã hội ở một số nước châu Phi lại rất nghiêm trọng.
=============================================
Nói chung tôi vẫn chưa vừa ý với lời dự báo này lắm, không phải vì tôi cho là nó sai, mà là chưa chi tiết và cụ thể hóa. Tôi có thể sẽ bổ sung chi tiết hơn và công bố chính thức trên website lyhocdongphuong.org.vn. Nhưng nhìn chung là toàn cảnh thế giới không mấy sáng sủa.
Không có ngày Tận Thế – đó là xác định của tôi. Nhưng thật sự là thiên tai ngày càng tăng nặng từ nay đến hết 2012 và sau đó giảm dần trong ba năm tiếp theo đó. Thế giới cần đề phòng.