Hôm nay tôi hoàn tất mọi thủ tục và được mời “fỏng zdân”. Để đề phòng tôi tập mấy câu tiếng Anh đối thoại: “Hế lô” = Chào. “Chưa được. Bố béo phải cao giọng lên”. “Hé é lô” . “OK! Được rồi! Tốt lắm!” . “Ô kê!”. “Chưa được! “Nói thế giống phiên âm Hán Việt quá! Mà là Ố kề”. Áh! Ố kề. Hi! Bố béo rất thông minh”.”Tất nhiên!”. “Thế cám ơn nói làm sao?” “Then kiu”. “Hà? Phát âm còn cứng lắm! Mà là “thén kìu”. Ôh! Dễ ợt! Thiến cừu!”.” Gấn được rồi đấy!”.”Vâng thì thế nào?” “rét? Sang Mỹ bây giờ lạnh lắm!”. “Sai rồi! Bố béo phải nói: Zdé sờ. Sờ nhẹ thôi, như nuốt chữ vậy”. “Đương nhiên là sờ nhẹ”…
Xong Thiên Sứ hiên ngang đến nơi phỏng vấn!
Đấy là cái nhà một tầng số 4 đường Lê Duẩn. Trông rất chi là kiên cố. Thôi chết cha! Tôi giất mình – lỡ nó hỏi ngân hàng của mình có tài khoản tọa lạc ở đường nào thì nói làm sao? Tôi lập tức goị điện cho một đệ tử hỏi địa chỉ ngân hàng. Ố kề! Thế là yên tâm rồi. Tôi thuộc lòng địa chỉ chỉ trong một giây. Thực tình với tôi thì đi cũng được, không đi cũng được. Đi thì thật là tốn kém. Không khéo nhịn cơm. Không đi thì không hiểu cái nước Mỹ nó ra làm sao mà cả cái thế giới này bàn tán. Với tôi thì chẳng có quốc gia nào gọi là siêu cường cả. Chỉ cần vài trận bão kiểu Katrina, hoặc động đất kiểu sóng thần Indo 2004 là ra cám hết.
Khi bước qua cửa căn nhà – việc đầu tiên là cấm hút thuốc. Híc! Đây là sự tra tấn đầu tiên với tôi. Một người mỗi ngày hút hết 2,5 cho đến 3 gói thuốc lá. Ố kề! Không sao. Tôi vốn chịu được cả việc nhịn cơm đến gần 10 ngày trong quá khứ. Bảo vệ họ yêu cầu thu giữ cả máy ảnh và điện thoại, mà đưa có mỗi một miếng nhựa, ghi nhận có giữ đồ mà không rõ là giữ cái gì? Bước vào phòng chờ, có cả trăm người ngồi đấy. Người nào người nấy im lặng và cố tỏ ra một phong cách điềm đạm, lịch sự. Híc! Làm gì mà lắm thằng xin đi Mỹ thế? Chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt…lấy vân tay. Chu cha! Tôi tưởng tượng đến phải ấn tay vào một miếng thấm mực đen ngòm và lăn trên hồ sơ. Nhưng không phải, rất hại điện. Chỉ đưa tay vào một cái máy nhình hơn cái gạt tàn thuốc của tôi. Xong! Hẹn chiếu 1 giờ đến fỏng zdấn.
Hi! Đây là màn hài hước nhất trong đời tôi. Thiên Sứ cứ y như diễn tuồng hài.
Chiều đến nơi lại chờ. Sau lưng tôi, mấy thằng người Việt như tôi mang mắt kiếng sì sồ nói tiếng Anh. “Sao nó không nói tiếng Việt nhỉ?” “Chắc nó tập nói tiếng Anh để chuẩn bị đi Mỹ đấy anh ạ”. Khó chịu với mấy thằng này, tôi đi lang thang xem ảnh. Có một khung ảnh trưng bày hình các tổng thống Hoa Kỳ. “Này em! Sao lịch sử Mỹ có 44 vị tổng Thống mà bức ảnh kia chỉ có 42 vị. Một vị là Obama chưa cập nhật đã đành, còn thiếu một vị?”. “Anh có biết thiếu ai không?” “Chịu! Anh đâu có quen mấy ông đó! Hay là lấy ảnh của anh đưa tạm vào đấy cho đủ số. Có ai biết mặt tất cả các vị tổng thống Hoa Kỳ đâu nhỉ?”….
Mãi đến gần 2 giờ mới được gọi. Tôi cứ tưởng được vào phòng nào đó ngồi nghiêm chỉnh trước mặt những nhân viện đại sứ quán mặt lạnh như tiền. Nhưng không phải. Chúng tôi chỉ đứng trước một cái cửa sổ như người mua hàng, cách hai nhân viên phỏng vấn một tấm kính. “Xin chào co , chuu”. Một thiếu nữ Mỹ nói tiếng Việt lơ lớ chào chúng tôi. “Thiến Cừu! Zdé sịt”. Bà xã hích nhẹ vào người tôi. “Ơ! Anh có làm gì đâu? Em không thấy cô ta mỉm cười kìa!”. Cô nhân viên người Việt Nam vẻ mặt cau có hỏi tôi” Cô chú sang Hoa Kỳ thăm thân nhân phải không?” “No!” Tôi nhún vai, lắc đầu rất Tây. Bà xã tôi trả lời” Dạ! Đúng rồi!”. Tôi cãi lại: “Mình còn sang thăm thằng con trai nữa mà?”. “Cô chú sang bằng tiền tự túc hay có ai tài trợ?” “Bằng tiền tự túc!”. “Cô chú thu nhập hàng tháng bao nhiêu tiền để có thể sang Hoa Kỳ”- cô nhân viên người Việt hỏi tôi. “Tám ….” tôi định nói tám triệu. Nhưng chợt nhớ đến số tiền gửi ngân hàng kếch sù của tôi. bèn nói rất nhanh, Tất cả chỉ không đầy 1/ 10 giây – Trong lý thuyết của tôi chứng minh rằng: Tốc độ giới hạn của vũ trụ = /0/ – Tám mươi triệu! ” – tôi trả lời. “Cô nhân viên người Việt trợn tròn mắt: “Bây giờ ấy hả?”. “Chứ gì nữa” – tôi kiêu hãnh trả lời – “Đấy là con số còn dưới sự thật vì thống kê chưa đầy đủ!” . Tôi trả lời cứ y như trên báo thời bao cấp, vì đã học thuộc lòng. “Cô chú có gì chứng minh không?” “Nô có gì chứng minh! Vì tôi thuộc một tổ chức nghiên cứu khoa học, nên không có mã số thuế?”. Hai cô nhìn nhau …” Xin lỗi! Cô chú chờ cho một lát”. Nói xong cả hai bước vào trong. Bà xã tôi cằn nhằn: “Anh nói lung tung thế, không có gì chứng minh thế là nó không cho đi rồi!”. “Ơ! Anh nói thật đấy chứ! Mấy tháng trước em chẳng làm cho anh một vố vì thằng con rể hờ, tốn trong tháng đến 80 triệu, nợ mãi đến bây giờ trả chưa hết. Còn gì nữa?”. Hai cô lại ra: “Cô chú có người con trai là Nguyễn Vũ Tuấn Anh đang ở Hoa Kỳ. Anh ấy làm gì bên đó?”. Lần này thì tôi im. “Dạ! Con tôi sang đó tu nghiệp”. “Híc! Lại nói dối” – tôi nghĩ và vội cải chính: “Nó sang làm thuê bên đó. Nhưng sắp về rồi!”. Hình như họ không nghe thấy tôi nói gì, hỏi tiếp ” Cô chú đã đi nước ngoài lần nào chưa?” “Vợ tôi nói: “Chưa”. “Đâu có đâu! Chỉ có bà ấy chưa đi thôi. Còn tôi đã đi Trung Quốc!”. Cô nhân viên người Mỹ mỉm cuời:” Chúc cô chú một chuyến đi du lịch Hoa Kỳ vui vẻ”. “Thiến cừu! Thiến Cừu”. Cả hai chúng tôi đều mìm cười.
“Em thấy chưa? Họ hỏi gì mình cứ thật thà trả lời như anh ấy. Nó cho đi thấy chưa!”. “Thế sao anh nói dối là thu nhập hơn 80 triệu một tháng?” “Híc! Bởi vì mình có nói mình nghèo thì nó cũng đâu có cho mình tiền đi máy bay đâu!”. Tôi phản biện. Bà xã tôi im. Vì không lẽ lại tranh luận trong lãnh sự quán Hoa Kỳ, sẽ chẳng có ai làm chứng cho chân lý thuộc về bà ấy cả.
“Sang Hoa Kỳ bây giờ chắc lạnh lắm!”.
– Em yên tâm đi.
Bắt đầu từ cuối tháng Giêng cho đến hết tháng Hai Âm lịch – là thời gian chúng ta ở thăm Hoa kỳ. Sẽ không có một biến cố thời tiết xấu hoặc những sự cố lớn nào xảy ra trên đất nước này. Tất cả những thành phố như Hoa Thịnh Đốn, Nữu Ước và Ca li thời tiết sẽ như cuối thu ở miến Bắcvà nắng nhẹ. Tức là chỉ cần một bộ đồ ves và cùng lắm là một áo len nhẹ mặc bên trong. Em hãy tin anh điều này.