Cuộc ‘đại mặc cả’ Trung – Mỹ đi về đâu?

Bài bình luận này trên Baodatviet.vn nói về cuộc “Đại mặc cả”. Nhưng Thiên Sứ tôi nhận thấy chẳng có gì để mặc cả ở đây cả!
====================================================

Cuộc ‘đại mặc cả’ Trung – Mỹ đi về đâu?

Cập nhật lúc :6:00 AM, 14/01/2011
Trải qua một năm 2010 khá nhiều sóng gió, Mỹ và Trung Quốc giờ đây đang có những dấu hiệu xích lại gần nhau.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh đó. Giới phân tích đang theo dõi sát sao về khả năng một cuộc mặc cả, đổi chác lớn giữa 2 thế lực quan trọng bậc nhất trong quan hệ quốc tế hiện nay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Hồ Cẩm Đào (19/1/2011).Để trả lời cho câu hỏi liệu có một cuộc đại mặc cả hay không, cần làm rõ 2 vấn đề: 

– Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc có món hàng gì mà đối phương thèm muốn?
– Thứ hai là việc đổi chác đó có phá vỡ những mục tiêu chiến lược mà bấy lâu hai nước theo đuổi hay không?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào.

Những món hàng 2 bên thèm muốn

Về phía Mỹ, họ có 4 món hàng mà Trung Quốc thèm thuồng.

Thứ nhất là vấn đề Đài Loan, Trung Quốc muốn Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan. Sâu xa hơn là Trung Quốc muốn Mỹ đứng ngoài cuộc một khi Bắc Kinh dùng vũ lực “thu hồi chủ quyền” đối với hòn đảo này.

Thứ hai là vấn đề châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Kinh vốn luôn mơ tưởng sẽ được chia đôi khu vực này và mỗi bên kiểm soát một nửa. Đô đốc Mỹ Keating từng tiết lộ Trung Quốc đề nghị Mỹ để nước này lo gìn giữ hòa bình từ Hawaii về phía Tây, còn Mỹ lo từ Hawaii sang phía Đông.

Sâu xa là Bắc Kinh muốn rảnh tay giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với ASEAN, Nhật Bản theo yêu sách của mình. Bởi đây là hướng đột phá quan trọng ra đại dương, phối hợp với hướng trên bộ qua Đông Nam Á, hình thành 2 hành lang chủ đạo để Bắc Kinh tiến quân ra thế giới.

Thứ ba là vũ khí trang bị quân sự, Bắc Kinh đang “thừa tiền” với khoản dự trữ ngoại tệ khoảng 3.000 tỷ USD. Họ muốn sở hữu các loại vũ khí công nghệ cao, tạo một “cây gậy” tương xứng với “củ cà rốt” kinh tế ngày càng lớn của mình, phục vụ tham vọng vươn lên vị thế siêu cường và tránh phụ thuộc quá lớn vào Nga trong lĩnh vực này.

Hơn nữa, nếu mua được các sản phẩm ưa thích thì với “tài năng” của mình, Bắc Kinh sẽ nhanh chóng cho ra lò những bản sao “made in China” đầy kiêu hãnh.

Thứ tư là vấn đề dân chủ, nhân quyền với điểm chốt là Mỹ ủng hộ Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc muốn Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ, đặc biệt tại những khu vực nhạy cảm như Tây Tạng, Tân Cương… Đây là những “điểm huyệt” chính mà Bắc Kinh nỗ lực bảo vệ bởi nó chính là ngòi nổ có thể khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng chia năm xẻ bảy.

Về phía Trung Quốc, họ có 3 món hàng mà Mỹ muốn có.

Thứ nhất là vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên. Mỹ muốn Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình thuyết phục những quốc gia này từ bỏ tham vọng hạt nhân do quan ngại nguy cơ những vũ khí hạt nhân ở 2 quốc gia này rơi vào tay khủng bố và đe doạ tới an ninh, lợi ích nước Mỹ và đồng minh.

Thứ hai là lá phiếu của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mỹ muốn Bắc Kinh ủng hộ trong nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu hay cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Sự ủng hộ của Bắc Kinh sẽ giúp Mỹ xây dựng một hình ảnh thân thiện hơn, giảm bớt tính đơn phương và hiếu chiến trong quan hệ quốc tế dưới thời Bush “con”.

Thứ 3 là tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD, Mỹ muốn Trung Quốc nâng giá đồng NDT nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương và giảm bớt sức ép thất nghiệp trong nước. Nicholas Lardy, một học giả về Trung Quốc làm việc ở Viện Kinh tế Quốc tế Petersen (Petersen Institute for International Economics) cho rằng đồng NDT bị định giá thấp khoảng 25-30% so với tiền tệ của các đối tác thương mại. Đồng NDT nâng giá cũng giúp làm giảm đáng kể khoản nợ gần 2.000 tỉ USD của Mỹ đối với Trung Quốc.

“Thế giới đã nói về một cuộc chiến giữa siêu cường “diều hâu Mỹ” và “rồng Trung Quốc”. Nhưng nên nhớ là diều hâu thì tồn tại thật trên đời, còn rồng thì chỉ có trong tưởng tượng”.

Việc đổi chác những món hàng trên có phá vỡ mục tiêu chiến lược của Mỹ, Trung?

Nghiên cứu những món hàng trên cùng chiến lược của mỗi nước có thể khẳng định 2 món hàng đầu tiên của Mỹ là “hàng trưng bày không bán”.

Thứ nhất, vấn đề Đài Loan sẽ được Mỹ sử dụng trong trường hợp muốn đánh từ trong đánh ra, phá vỡ khái niệm mà Trung Quốc luôn theo đuổi về “một nước Trung Quốc”. Vấn đề châu Á – Thái Bình Dương sẽ được Mỹ sử dụng để đánh từ ngoài đánh vào, bao vây “sự trỗi dậy của rồng”.

Thứ hai, Mỹ đang hướng trọng tâm về châu Á – Thái Bình Dương và dè chừng một Trung Quốc mới lớn khá ngạo mạn. Muốn vậy Mỹ phải xây dựng và củng cố được các điểm tựa chiến lược tại khu vực thông qua các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan và một số quốc gia ASEAN.

Bất kì một động thái thoả hiệp trên lưng các nước trong khu vực của Mỹ sẽ khiến những quốc gia vốn ủng hộ Mỹ quay lưng lại với Washington. Khi đó Mỹ sẽ bị cô lập và không tìm đâu ra cái cớ để can dự. Và tất nhiên khi đó Bắc Kinh có thể một mình một ngựa tung hoành trong khu vực, cứ đường ta rộng thênh thang ta bước mà chẳng e ngại điều gì. Đây là viễn cảnh mà Mỹ không hề muốn.
Do đó, hai món hàng đầu tiên sẽ không thể đổi chác trừ trường hợp dùng vũ lực để lấy, nhưng Bắc Kinh chưa đủ sức để làm điều này.

Thứ ba không kém phần quan trọng là Bắc Kinh không có món hàng nào ngang giá với 2 món hàng đầu tiên của Mỹ.Những món hàng còn lại không mang tính sống còn đối với lợi ích và mục tiêu chiến lược của mỗi bên, nên có thể được thoả hiệp, đổi chác ở mức độ nhất định. Vũ khí Mỹ có thể đổi lấy vấn đề Triều Tiên, Iran. Dân chủ, nhân quyền có thể đổi bằng lợi ích kinh tế và lá phiếu của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an.
Tất nhiên là liều lượng đổi chác sẽ được hai bên suy tính thấu đáo để đảm bảo luôn cầm đằng chuôi, tránh bị trở mặt. Và do đó, tính thoả hiệp và đổi chác sẽ chỉ là tương đối, tuỳ thời điểm và dễ bị phá vỡ.
Hơn nữa, việc thoả hiệp thực sự sẽ chỉ diễn ra giữa hai thế lực tương đối cân bằng sức mạnh, nếu không rất có thể bên mạnh sẽ chèn ép bên yếu hơn để giành lấy những gì mình muốn. Thế giới đã nói về một cuộc chiến giữa siêu cường “diều hâu Mỹ” và “rồng Trung Quốc”. Nhưng nên nhớ là diều hâu thì tồn tại thật trên đời, còn rồng thì chỉ có trong tưởng tượng.
Với những suy tính trên, chuyến đi của ngài R.Gates tới Bắc Kinh và sắp tới là chuyến thăm Mỹ của Hồ Cẩm Đào không hứa hẹn giải quyết được những bất đồng chiến lược giữa hai nước. Tính chủ đạo trong cặp quan hệ này sẽ vẫn là cạnh tranh và cọ sát chứ không phải là hợp tác.

Định Nam
====================================================
Việt Nam ta có câu “Ông giơ cái giò, bà thò chai rượu”.  Nhưng vậy một cuộc gọi là “mặc cả” thì phải là cả hai đều cần đến nhau, để rồi hợp tác , nhất tri, như “cái giò” và “chai rượu” là một sự hợp tác hoàn hảo trong một cuộc gây độ nhậu vui vẻ vậy. Nhưng trong ba điều mà bài bình luận trên nói tới để Trung Quốc có cái “mặc cả” thì lại có vẻ không ổn.  Đó là:

Thứ nhất là vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên. Mỹ muốn Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình thuyết phục những quốc gia này từ bỏ tham vọng hạt nhân do quan ngại nguy cơ những vũ khí hạt nhân ở 2 quốc gia này rơi vào tay khủng bố và đe doạ tới an ninh, lợi ích nước Mỹ và đồng minh.
Thứ hai là lá phiếu của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mỹ muốn Bắc Kinh ủng hộ trong nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu hay cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Sự ủng hộ của Bắc Kinh sẽ giúp Mỹ xây dựng một hình ảnh thân thiện hơn, giảm bớt tính đơn phương và hiếu chiến trong quan hệ quốc tế dưới thời Bush “con”.
Thứ 3 là tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD, Mỹ muốn Trung Quốc nâng giá đồng NDT nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương và giảm bớt sức ép thất nghiệp trong nước. Nicholas Lardy, một học giả về Trung Quốc làm việc ở Viện Kinh tế Quốc tế Petersen (Petersen Institute for International Economics) cho rằng đồng NDT bị định giá thấp khoảng 25-30% so với tiền tệ của các đối tác thương mại. Đồng NDT nâng giá cũng giúp làm giảm đáng kể khoản nợ gần 2.000 tỉ USD của Mỹ đối với Trung Quốc.

Xét thấy cả ba cái này đều chẳng có giá trị gì với Hoa Kỳ cả.
Thứ nhất: Hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên chưa đủ tầm vươn tới Hoa Kỳ. Và giả thiết nó có vươn tới thì đây là một cuộc chiến tự sát của hai nước này. Lúc ấy, nó lại là cái cớ chính đáng để một cuộc chiến hủy diệt xảy ra mà Hoa Kỳ gần như chỉ….gọi là tự vệ.
Thứ hai: Lá phiếu của Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An. Hic! Nếu tôi nhớ không nhầm thì sau năm 1992, một mẩu tin trên báo cho biết Hoa Kỳ định giải tán cả ……Liên hiệp Quốc.
Thứ Ba: Về vấn đề này thì một giải pháp chủ động hơn đỡ mất thời giờ bàn thảo tốn kém và thuận lợi nhiều mặt trong các vấn đề tài chính của nội bộ Hoa kỳ. Đó chính là hạ giá đồng Dola. Híc!
Bởi vậy, làm gì có mặc cả. Vấn đề là biết điều với nhau thôi.
Không có mặc cả thì vấn đề giữ gìn hòa bình thế giới ở Tây Thái Bình Dương – trong đó có Biển Đông Việt Nam – người Mỹ cũng chẳng thể chia sẻ với Trung Quốc. Bởi vậy, biển Đông phải là của Việt Nam là một sự xác định rất hợp lý nhằm củng cố hòa bình thế giới. Hiển nhiên là nó không phải là của Hoa Kỳ và Hoa kỳ thì cũng không thể coi nó là của Trung Quốc được.
Bởi vậy, biết điều với nhau thì hơn.
 

Bài này đã được đăng trong Bình luận. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.