Vào những ngày cuối tháng Giêng năm Mậu Tý, trên báo Thanh Niên đăng một loạt bài viết về những phát hiện của giáo sư Lê Mạnh Thát về Việt sử. Những phát hiện của giáo sư đuợc coi là mang tính chấn động. Cảm ơn giáo sư và báo Thanh Niên đã đang loạt bài khẳng định nền văn hiến Việt . Tuy muộn mằn nhưng vẫn hơn không. Với đẳng cấp và tên tuổi của giáo sư Lê Mạnh Thát thì tôi tin chắc rằng những kẻ trí thức nửa vời, bày đặt phản biện – chủ yếu để chứng tỏ mình cũng có khả năng tư duy – sẽ vỗ tay khen hay, chứ không hẩm hiu như Thiên Sứ tôi phải chịu cảnh trên đe dưới búa và dư luận đàm tiếu. Ngay từ năm 1998 – Mậu Dàn – Thiên Sứ tôi đã minh chứng cho Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, cho đến nay đã trọn 10 năm và gần chục đầu sách. Nhưng tiếng nói của Thiên Sứ rơi vào hư không. Có điều là Thiên Sứ tôi không tuyệt vọng vì chắc chắn rằng: Sẽ có ngày nền văn hiến Việt sẽ phải được vinh danh dưới hình thức này hay hình thức khác. Cái thế giới ta bà khốn khổ này sẽ phải tìm về những giá trị của văn hiến Việt như là một cứu cánh. Thiên Sứ chửi một lũ ngu dốt thì là kiêu ngạo, nhưng giáo sư Lê Mạnh Thát chửi thì không thiếu gì những kẻ ngạo mạn vội nhận mình ngu dốt nay chợt tỉnh ngộ bởi lời vàng ý ngọc của bậc Thiền Sư đắc đạo.
Những bài viết của giáo sư Lê Mạnh Thát tuy chưa phải là bức tranh hoàn hảo về nên văn hiến kỳ vĩ của Việt tộc và thực ra ông cũng đã viết từ lâu – Có lẽ cùng thời với Thiên Sứ tôi in sách cuốn sách đầu tiên, hoặc sau đó vài năm – Nhưng đến bây giờ mới thấy một tờ báo có uy tín đăng lên một cách muộn mằn. Vâng! Nhưng như thế đã đủ để Thiên Sú tôi cười mãn nguyện. một nụ cười “đểu đểu đến buốt lòng”(Cách nói của nhà văn nữ Phạm Thị Ngọc Diệp). Tôi hy vọng rằng: Những bài viết này trên báo Thanh Niên sẽ là sự mở đầu cho việc minh chứng và phục hồi nền văn hiến kỳ vĩ của lịch sử Việt và nó không như đốm lửa bùng lên rồi tắt ngấm. Nếu đúng như vậy thì Thiên Sứ tôi sẽ đứng bên cạnh ông. Sấm ký viết: Nhược đài sư tử thượng.
Thiên hạ thái bình phong.
Hình ảnh chiếc lư đồng này chính là lời giải cho câu sấm ký bí ẩn đó. Đấy là biểu tượng của Hà Đồ – con Long Mã – trong nền lý học cổ Đông phương, chính là nền tảng nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm lịch sử. Có ai còn nhớ lời bài hát “Hòn Vọng phu” của cố nhạc sĩ Lê Thương không nhỉ? Ta cố đợi ngàn năm. Một ngàn năm nữa sẽ qua. Vâng! Trải từ thời Bắc thuộc hơn 1000 năm, 1000 năm hưng quốc là đủ 2000 năm. Thiên Sứ tôi cũng chờ đợi ngày vinh quang của nền văn hiến Việt. Dưới đây là bài viết thứ 3 của giáo sư Lê Mạnh Thát đăng trên báo điện tử Thanh Niên Online.
THIỀN SƯ LÊ MẠNH THÁT VÀ NHỮNG PHÁT HIỆN LỊCH SỬ CHẤN ĐỘNG 00:45:11, 03/03/2008
Hoàng Hải Vân
|
|||
(Tiếp theo Thanh Niên thứ sáu 29.2.2008) “Bộ Việt luật còn đó. Bài Việt ca còn đó. Truyện trăm trứng còn đó… Thế mà cứ nhắm mắt nói càn nước ta thành ra nước văn hiến từ Sỹ Vương. Thật khốn nạn hết chỗ nói !” (Thiền sư Lê Mạnh Thát).
Thiền sư nổi giận Ngoài việc phát hiện việc Lục độ tập kinh chữ Hán “không chấp hành” nguyên tắc ngữ âm tiếng Trung Quốc như trường hợp cấu trúc “trung tâm” trong khi dịch tập kinh này ra tiếng Việt, hiện nay giáo sư Lê Mạnh Thát còn phát hiện các trường hợp Khương Tăng Hội dùng “tá âm” hoặc dùng thuần túy tiếng Việt, chỉ phiên âm ra nó lập tức biến thành những câu tiếng Việt dễ hiểu. Ông lưu ý do Khương Tăng Hội “sinh ra, lớn lên và đào tạo thành tài ở nước ta” cho nên khi phiên dịch và trước tác dứt khoát không thể nào không chịu ảnh hưởng của tiếng Việt trên cả ba mặt ngữ vựng, ngữ pháp và cú pháp, song Khương Tăng Hội lại là người sử dụng tiếng Trung Quốc tới mức “nhuần nhuyễn của một diệu thủ” thì lẽ ra những ảnh hưởng đó phải bị hạn chế tối đa, thế thì tại sao Lục độ tập kinh tồn tại nặng nề và sâu đậm đến vậy những “tàn dư” của ngữ vựng, ngữ pháp và cú pháp tiếng Việt ? Chỉ có thể giải thích là tập kinh đó đã được dịch ra chữ Hán bằng một nguyên bản tiếng Việt. Tôi hỏi giáo sư Lê Mạnh Thát: “Khi đối chiếu cấu trúc “trung tâm” trong Lục độ tập kinh chữ Hán với ngôn ngữ của Trung Quốc, thầy viết rằng, “kiểm soát toàn bộ văn liệu” tiếng Trung Quốc (do người Trung Quốc viết) từ đầu thế kỷ thứ I sau dương lịch trở về sau cho đến thế kỷ thứ III, trong khoảng thời gian 300 năm, cấu trúc “trung tâm” chỉ được dùng đúng 3 lần, trong khi cấu trúc này được dùng phổ biến trong Lục độ tập kinh. Nói như vậy có nghĩa là để đối chiếu chỉ hai chữ “trung tâm”, thầy đã phải đọc hết tất cả của Trung Quốc trong 3 thế kỷ?”. Ông bảo: “Đúng vậy. Không đọc hết thì làm sao mà khảo sát, đối chiếu được!”. Liên quan đến tiếng Việt trong Lục độ tập kinh, ông còn chỉ ra một nguồn tài liệu quan trọng thứ hai. Đó là sách Thuyết Uyển của Lưu Hướng, tồn tại từ năm 16 trước dương lịch mà “không có nhà nho nào là không biết”. Đây là bộ sách duy nhất chép lại nguyên văn một tác phẩm văn học khác với tiếng Trung Quốc, đó là bài Việt ca. Thuyết Uyển không phải là một cuốn sách thường, nó là cuốn sách được viết để “dâng vua”, cho nên tài liệu được nó sử dụng phải là những tài liệu được kiểm chứng, trong đó có tài liệu lấy từ “Trung thư”, tức là một loại thư viện của hoàng gia. Điểm hết sức thú vị của bài Việt ca chép trong Thuyết Uyển là nó “ghi bằng chữ Hán mà người Hán không đọc được”, phải “dịch ra tiếng Sở”, tức là kèm theo một bản dịch tiếng Trung Quốc. Dù Lưu Hướng nói rõ đó là bài ca “do người Việt ôm mái chèo mà ca”, nhưng hơn hai ngàn năm nay chưa một ai nghiên cứu giải mã bài ca này, ngoài sự cố gắng tìm hiểu của Quách Mạt Nhược (từng là Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc) cho rằng bài ca này là của người Choang vùng Quảng Tây Trung Quốc ngày nay, và một học giả người Nhật cho bài ca đó là của… Chiêm Thành. Giáo sư Lê Mạnh Thát đã dành nhiều thời gian, thông qua nhiều tài liệu để giải mã và bước đầu phục chế diện mạo tiếng Việt của bài Việt ca này (xem Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguồn của dân tộc ta, chương IV, sđd, và Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát, NXB Tổng hợp TPHCM, trang 41-47). Như đã nói, mỗi lần tràn sang là mỗi lần kẻ xâm lược hủy diệt một cách tàn độc tất cả những gì có thể để cho văn hóa được lưu truyền, đặc biệt là việc tận diệt bia đá một cách có hệ thống sau khi “thu gom” hết sách vở, nhưng với những gì còn lưu lại của bốn ngàn năm văn hiến và những nỗ lực mới nhất của những nhà khoa học đầy tâm huyết và trách nhiệm với tổ tiên như Lê Mạnh Thát, chúng ta có cơ sở để khẳng định chắc chắn là chúng ta đã có chữ viết từ thuở các vua Hùng. Kẻ xâm lược quyết không cho người Việt biết đến “mặt chữ” của tổ tiên, nhưng dấu tích nó vẫn còn đó: trong kinh Phật, trong chính sách vở của Trung Quốc và còn lẩn khuất ở đâu đó nữa. Cùng với việc khảo sát trong lòng đất và “dưới nước” như hướng mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn đề nghị, hướng nghiên cứu của giáo sư Lê Mạnh Thát rất cần được sự đồng hành, phối hợp của nhiều nhà sử học khác. Tôi hỏi ông: “Thầy nghĩ gì về ý kiến cho rằng có thể tìm vết tích chữ viết thời Hùng Vương trên mặt trống đồng?”. Ông nói: “Có giả thiết như vậy, nhưng khảo sát những hoa văn trên trống đồng chúng ta không thấy chúng có liên quan đến chữ viết, vì chữ viết phải có quy luật về cấu trúc của nó. Suy đoán từ những giả định không có cơ sở sẽ khó có sức thuyết phục”. Việc nghiên cứu ngôn ngữ cổ, nhất là ngữ âm cổ rất phức tạp. Chẳng hạn người Trung Quốc cũng như người Việt 2.000 năm trước phát âm như thế nào ngày nay chúng ta không biết được, để nghiên cứu nó giáo sư Lê Mạnh Thát đã phải dùng hệ phát âm tiếng Trung Quốc thời Hán của Karlgren, là công cụ mà các nhà Hán học đều thống nhất, rồi đối chiếu với những tài liệu đánh dấu sự biến đổi ngôn ngữ để truy lùi về thời điểm nghiên cứu, và cũng bằng phương pháp tương tự, ông đối chiếu những mối liên hệ giữa tiếng Trung Quốc, tiếng Việt và các loại ngôn ngữ khác trong vùng (chữ Phạn, Chăm, Khmer, tiếng nói các dân tộc Trung Quốc giáp giới với Việt Nam…) để phác thảo diện mạo tiếng Việt của bài Việt ca, bác bỏ kết luận sai trái của Quách Mạt Nhược và học giả người Nhật nói trên… (bạn đọc muốn tìm hiểu sâu hơn, xin xem các sách đã dẫn).
Tiếp theo và cùng với chữ viết là lịch pháp. Lâu nay chưa ai biết dân tộc ta thời đại Hùng Vương sắp xếp ngày tháng như thế nào. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từng đoán: “Văn hóa Trống đồng của nước Văn Lang chắc đã dùng năm 12 tháng, tháng lần lượt 29-30 ngày cũng không hẳn là vô lý” (Lịch và lịch Việt Nam, Tập san Khoa học xã hội, Paris, 1982, trích từ Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, NXB Tổng hợp TP.HCM 2006, trang 71). Nay những phát hiện trong Lục độ tập kinh cho phép khẳng định được lời đoán của giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Những câu chuyện ghi trong tập kinh này cho thấy, nước ta thời Hùng Vương đã dùng hệ thống lịch chia năm ra 360 ngày, phân bổ thành 4 mùa, mỗi mùa có 3 tháng và đã dùng đơn vị tuần, mỗi tuần 7 ngày. Đối chiếu với những tài liệu cổ Trung Quốc thì thấy hệ thống lịch nước ta khác với lịch Trung Quốc cùng thời, vì lịch Trung Quốc thời đó mỗi năm 366 ngày và một đơn vị tuần của họ có tới 10 ngày. Nó cũng không giống Ấn Độ, vì tuần của Ấn Độ thời đó có 15 ngày. Phát hiện này cho phép kết luận nước ta thời Hùng Vương đã có lịch pháp riêng của một nhà nước độc lập. Giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng, để bảo lưu được một hệ thống lịch pháp như thế, các câu chuyện trong Lục độ tập kinh chắc chắn phải được lưu truyền “vào thời hệ thống lịch đó còn hiệu lực”, tức là từ năm 43 trở về trước, bởi vì sau năm đó nhà Hán đã chiếm nước ta, một sự bảo lưu như thế dứt khoát không thể nào xảy ra dưới bộ máy đàn áp của Mã Viện… Những kết luận của giáo sư Lê Mạnh Thát có thể và cần được các nhà sử học tiếp tục bổ sung, nhưng không có gì thái quá khi nói rằng với phát hiện đó trên nền tảng những thành quả quan trọng trong cuộc nghiên cứu lớn về thời Hùng Vương trong thời gian chống Mỹ, chúng ta có thể và phải dựng lại lịch sử thời đại Hùng Vương với những sự thật của nó. Nó một lần nữa chứng minh việc Nhà nước ta lấy ngày giỗ tổ Hùng Vương làm Quốc Giỗ là vô cùng đúng đắn. Là nhà tu hành nhưng thiền sư Lê Mạnh Thát đã không kìm nén tức giận khi thấy người ta “thóa mạ làm nhục tổ tiên mình với kiểu ăn nói của Ngô Sỹ Liên: Nước ta hiểu thi, thơ, tập Lễ Nhạc thành ra nước văn hiến, bắt đầu từ Sỹ Vương. Bộ Việt luật còn đó. Bài Việt ca còn đó. Truyện trăm trứng còn đó… Thế mà cứ nhắm mắt nói càn nước ta thành ra nước văn hiến từ Sỹ Vương. Thật khốn nạn hết chỗ nói!”. Sự nổi giận của vị thiền sư này rất cần được sự hưởng ứng của tất cả những ai còn coi mình là con cháu Lạc Hồng… Hoàng Hải Vân
|
Thiên Sứ giới thiệu