BBC news có bài phân tích như dưới đây:
Bài học Afghanistan từ Liên Xô
Andrew North
BBC News
Hầu như tất cả các bộ trưởng cao cấp đều có mặt trong cuộc họp chiến lược về Afghanistan.
Họ biết rằng tình hình diễn ra không mấy sáng sủa, nhưng với nhà lãnh đạo của họ thì đó là nỗi kinh sợ.
“Chúng ta chỉ cần đảm bảo sao cho kết quả cuối cùng trông không giống như một sự thất bại nhục nhã: bị mất quá nhiều người rồi nay phải bỏ rơi kế hoạch… nói ngắn gọn thì chúng ta cần phải rút khỏi đó.”
Lãnh tụ Liên Bang Xô Viết khi đó, ông Mikhail Gorbachev, chính là người đã nói vậy. Ông cảm thấy thực sự bị báo động.
Khi đó là tháng Sáu 1986, gần một năm kể từ sau khi ông quyết định bắt đầu rút lính Liên Xô ra khỏi Afghanistan và bàn giao nhiều quyền lực hơn cho chính phủ tại chỗ.
Nhưng tổn thất nhân mạng của Liên Xô khi đó đã là trên 10 ngàn người, vẫn tiếp tục tăng.
Với những dấu hiệu xung đột trong tuần này về hướng đi của chính sách phương Tây tại Afghanistan, có chỉ dấu cho thấy hiện đang diễn ra sự lo sợ và do dự tương tự như cách đây hơn hai thập niên.
Chiến lược rút lui của Liên Xô
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vẫn đang cân nhắc xem liệu có nên tăng viện cho quân Mỹ hay không.
Nhưng Thủ Tướng Anh Gordon Brown, vốn đang phải đối diện với sự phản đối mạnh mẽ chưa từng có đối với cuộc chiến Afghanistan, đã tỏ ý có thể rút lính Anh ra khỏi một số khu vực trong năm tới.
Cách đây chưa đầy hai tuần, ông nói: “Chúng ta không thể, không được và sẽ không bỏ đi.”
Nhưng như ông Gorbachev nhận định thì việc rút lui khó chả kém gì việc ở lại.
Chúng ta chỉ cần đảm bảo sao cho kết quả cuối cùng trông không giống như một sự thất bại nhục nhã: bị mất quá nhiều người rồi nay phải bỏ rơi kế hoạch… nói ngắn gọn thì chúng ta cần phải rút khỏi đó
Lãnh tụ Liên Xô cũ, Mikhail Gorbachev
Moscow đã mất gần 4 năm để rút toàn bộ ra khỏi Afghanistan, bởi cả sự xáo trộn về chiến lược lẫn những nỗ lực vớt vát cuối cùng nhằm dựng chính phủ ở Kabul dậy với hy vọng sẽ tiếp tục duy trì được uy tín và ảnh hưởng của Liên Xô đối với nước này.
Những khó khăn của nhà cựu lãnh đạo Xô Viết được nêu chi tiết trong tài liệu mật trước đây từ các cuộc họp Bộ Chính Trị và từ các ghi chép hàng ngày, mới đây vừa được Phòng Lưu Trữ An Ninh Quốc Gia tại Washington công bố.
Các tài liệu này khiến giới lãnh đạo Anh – Mỹ thấy khó nhằn trong lúc họ đang cần quyết định xem nên tăng cường gấp đôi hay cắt bỏ tất cả các thiệt hại, hao tổn tại Afghanistan.
Trận chiến thất bại
Hồi cuối thập niên 1980, chiến lược rút lui của Moscow về cơ bản tương tự như của Nato ngày này – xây dựng một chính phủ đồng minh tại Kabul, huấn luyện đầy đủ cho quân đội và lực lượng cảnh sát để có thể tự bảo vệ mình, sau đó lính ngoại quốc sẽ ra đi.
Nhưng ngay cả khi có sự yểm trợ của chừng 100 ngàn lính Xô Viết cùng hàng tỷ đồng rúp viện trợ, chính quyền Afghanistan vẫn phải vật lộn trong việc xác định tính hợp pháp và quyền lực ra bên ngoài thủ đô, hầu như giống hệt với tình thế của chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai đang được Tây phương hậu thuẫn.
Nhận định về tình hình hồi cuối năm 1986 của chỉ huy lực lượng Xô Viết, Nguyên Soái Sergei Akhromeev có nội dung tương tự.
Ông Akhromeev nói với ông Gorbachev trong phiên họp của Bộ Chính Trị hồi tháng Mười Một 1986: “Hành động quân sự tại Afghanistan chuẩn bị được tròn bảy năm rồi.”
“Không còn mảnh đất nào tại Afghanistan chưa từng bị lính Xô Viết chiếm đóng. Thế mà phần lớn lãnh thổ vẫn nằm trong tay các phiến quân.”
“Toàn bộ vấn đề ở đây là các kết quả quân sự không được thực hiện từ các hành động chính trị. Ở trung ương thì họ có quyền lực, nhưng về tới các tỉnh thì không.”
“Chúng ta kiểm soát được Kabul và các tỉnh miền trung, nhưng ở phần lãnh thổ bị chiếm đóng chúng ta không thể thiết lập được quyền lực. Chúng ta đã thua trong trận chiến với người dân Afghansitan.”
Những vấn đề tương tự
Tính tới khi đó, các chuyên gia Liên Xô đã tạo dựng một đội quân Afghanistan gồm 160 ngàn người, gấp đôi quân số mà Nato đã huấn luyện được tính đến nay. Kèm theo là hàng ngàn cảnh sát chìm đáng sợ nữa.
Thế mà khi quân Liên Xô vừa rút thì các lực lượng này không làm được gì ngoài việc bảo vệ Kabul và một vài thành phố khác.
Chỉ viện trợ quân sự ồ ạt cùng sự yếu kém và đấu đá lẫn nhau trong các lực lượng thánh chiến do Hoa Kỳ hậu thuẫn mới giúp chính phủ Afghanistan mà Moscow bỏ lại đeo bám được tại Kabul thêm vài năm nữa, trước khi đổ sụp.
Các vấn đề về hỗ trợ tài chính cũng diễn ra tương tự như thời có Moscow.
Đây là khoản được hy vọng sẽ thúc đẩy khả năng hoạt động của chính quyền Afghanistan và chi trả cho các dự án có lợi cho người dân, nhằm tranh thủ tình cảm.
Thế nhưng nạn tham nhũng biến nó thành điều vô ích.
Thảo luận tại phiên họp của Bộ Chính Trị về yêu cầu viện trợ thêm từ phía Kabul hồi tháng Giêng 1987, Nguyên Soái Serget Sokolov nói: “Trong năm 1981, chúng ta đã trao cho họ các khoản hộ trợ miễn phí trị giá 100 triệu rúp. Nhưng tất cả các khoản này rơi vào túi giới cao cấp hết. Ở các làng quê, người dân chả nhận được gì, không có xăng dầu hay đến cả que diêm bật lửa nữa.”
NHỜI BÀN CỦA SƯ THIẾN:
So sánh này là khập khiễng. Sự khác nhau căn bản là Liên Xô không phải đối đầu chỉ với những người Hồi giáo Afghanistan chống chính phủ thân Liên Xô, mà là còn cả một sự hậu thuẫn phía sau của Hoa Kỳ với các nước đồng minh. Còn bây giờ những người chống chính phủ hiện tại ở Afghanistan lại đơn độc. Khác nhau căn bản ở chỗ này.