Tiếp theo
Như vậy, trong ba tiêu chí trên thì tiêu chí “1- Sự cộng đồng về mặt ngôn ngữ (đã là một dân tộc phải hiểu được tiếng nói của nhau)” bị loại trừ. Bởi vì nó mâu thuẫn với tiêu chí 2 & 3 sau:
2- những nét tương đồng về văn hoá (đây là một cái khó-vì cũng có khi cùng một dân tộc nhưng khi tách ra khỏi cộng đồng mấy chục năm sẽ khác đi).
3- ý thức tự giác tộc người (thể hiện qua tộc danh tự gọi) – với dẫn chứng các dân tộc Phi Châu nói tiếng Pháp, hoặc các dân tộc ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ nói tiếng Anh, tức là họ thỏa mãn tiêu chí 1, nhưng lại có ý thức tự giác tộc người khác nhau.
Riêng tiêu chí 2, chúng ta thấy rằng nó liên quan đến “văn hóa”. Điều này lại nẩy sinh mâu thuẫn ngay chính trong nội hàm của tiêu chí này. Vì, văn hóa và dân tộc là hai phạm trù khác nhau. Sư tương đồng về văn hóa, không có nghĩa là sự tương đồng về chủng tộc. Sự giao lưu văn hóa sẽ xóa nhòa ranh giới văn hóa giữa các dân tộc. Thí dụ chúng ta có thể nói: Văn hóa Âu Mỹ, văn hóa Ả rập hoặc – mang tính bao trùm hơn – văn hóa thế giới. Nhưng một vấn nạn khác lại đặt ra trong tiểu luận này:
Văn hóa là gì?
Có ngót 400 định nghĩa khác nhau về văn hóa và chưa một định nghĩa nào được thừa nhận. Bởi vậy, người viết bài này đưa ra một khái niệm văn hóa riêng của mình để ứng dụng cụ thể giải quyết nội dung vấn đề được đặt ra. Có thể khái niệm này được coi là đúng và được ứng dụng phổ biến, hoặc bị coi là sai và bị loại trừ. Người viết cho rằng:
Văn hóa là một từ ghép thuần Việt gồm “văn” và “Hóa”. Từ “Văn” là một từ trong một tập hợp những từ gần đồng nghĩa và cùng một – tôi tạm gọi là âm tổ là V – trong tiếng Việt, nhằm thể hiện hậu quả được tạo ra do một chuyển động, là: vằn, vết, viết, vệt và “văn”. Văn là một khái niệm thể hiện hệ quả của một tư duy trừu tương và được diễn đạt bằng chữ viết. Còn “Hóa” là một từ trong tập hợp từ gần đồng nghĩa và cùng âm tổ trong tiếng Việt, là: Hiển, hiện và “Hóa”. Hóa trong tiếng Việt có nghĩa là chuyển đổi. Hai từ ghép “Văn hóa” có nghĩa là đen là chuyển đổi từ tư duy sang thực tế. Nghĩa rộng là từ một ý tưởng được thể hiện từ một hay của một tập hợp những tư duy trừu tượng trở thành phổ biến và chấp nhận trong một cộng đồng người, hoặc trong một quốc gia. Trên cơ sở định nghĩa này, người viết ứng dụng, lý giải trong luận đề “Dân tộc và Văn hóa”.
Trên cơ sở này, thì “văn” sẽ không thể “hóa”, nếu nó không mang tính phổ biến và được chấp nhận trong cộng đồng. Và cũng sẽ chẳng có gì để “hóa” nếu nó không có “văn”. Như vậy, xét theo định nghĩa trên thì khái niệm “văn hóa” chính là sự thể hiện tinh hoa của một cộng đồng , hay một quốc gia được thể hiện và được chấp nhận như một giá trị tinh thần của cộng đồng, hay quốc gia đó. Bởi vậy – cũng căn cứ vào khái niệm này với nghĩa rộng thì sự tôn trọng những gia trị văn hóa của một dân tộc, hay một quốc gia chính là tôn trọng những giá trị tinh thần của quốc gia hoặc dân tộc đó. Như vậy, với khái niệm văn hóa như trên thì – mọi phong tục tập quán, ngôn ngữ, y phục truyền thống, di sản vật thể , phi vật thể, văn học, nghệ thuật…vv..đều là những giá trị văn hóa, hoặc là tiềm năng của văn hóa. Với khái niệm văn hóa này, sẽ giải thích khái niệm văn hóa đặc thù của một dân tộc – gọi tắt là văn hóa dân tộc – và văn hóa phổ biến trong cộng đồng nhiều dân tộc, hoặc quốc gia. Từ đó chúng ta sẽ thấy rằng: Khái niệm “văn hóa ẩm thực” (Trần Quốc Vượng) , “văn hóa chửi”(Trần Ngọc Thêm)…không thể được coi là một giá trị văn hóa, nếu như người ta không xác định được tính hệ thống và phổ biến được thừa nhận của một loại hình ăn uống, hoặc….chửi, khi bản chất của ăn uống và chửi chỉ là sự thể hiện tính sinh hoạt phổ biến (Nếu theo định nghĩa của Đào Duy Anh – văn hóa là sinh hoạt – thì cái gì cũng có thể gọi là văn hóa và khái niệm “văn hóa” trở thành không có nội dung). Nhưng ẩm thực và chửi vẫn có thể coi là văn hóa, nếu như nó thể hiện một loại hình xuất phát từ một tư duy trừu tượng, sáng tạo và phổ biến trong cộng đồng. Thí dụ: Ăn cơm bằng bát và đữa là hình thức văn hóa ẩm thực của dân tộc châu Á; ăn bằng dao và muỗng, đĩa là nét văn hóa ẩm thực của các dân tộc châu Âu. Tính văn hóa ẩm thực cao cấp hơn chính là v/d mời trước khi ăn, niệm Chúa hay Phật. Đức Ala….đều là những hiện tượng văn hóa ẩm thực. Một người đầu bếp nấu ăn giỏi vì khả năng tư duy sáng tạo, không thể coi là “văn hóa” nếu khả năng ấy không trở thành một phương pháp nấu ăn phổ biến trong cộng đồng người liên quan.
Từ định nghĩa này, cho thấy tính văn hóa cao cấp của nền văn hiến Việt chỉ trong lĩnh vực ẩm thực qua chiếc bánh chưng bánh dầy. Dân tộc Việt là dân tộc đầu tiên trên thế giới từ thời Hùng Vương thứ VII – 1500 năm BC – đã ứng dụng một tri thức vũ trụ quan – “văn” – trong thực phẩm và trở thành một giá trị văn hóa của dân tộc. Đến bây giờ – thời hiện đại – chưa có một dân tộc gọi là văn minh nào có một giá trị văn hóa ẩm thực cao cấp như vậy.
Như vậy, cho thấy rằng văn hóa và dân tộc là khái niệm thuộc hai phạm trù khác nhau. Và vấn đề tồn tại trong bài viết này tiếp theo là: Khái niệm “dân tộc” khi mà những tiêu chí về khái niệm này của những nhà dân tộc học tiền bối đã chứng tỏ là những tiêu chí không hợp lý.
Còn tiếp