Tác giả: Phan Chí Thắng
Tuanvietnam.net
Bài đã được xuất bản.: 17/10/2010 06:00 GMT+7
Những lực cản nội tại. Những ấu trĩ và nhỏ nhen trong quản lý. Tất cả những cái đó là có. Song vẫn có động lực phát triển. Vẫn có những người Hà Nội tài năng và thông minh. Những người đó biết nhìn lại một ngàn năm phía sau để biết phải làm gì cho tương lai.
Một góc độ đẹp của lễ hội
Ngày đầu tiên của năm thứ 1001 theo lịch Thăng Long- Hà Nội, mưa lắc rắc. Mưa nhẹ nhàng và dịu dàng vừa đủ để làm ướt mặt đường thay cho các xe tưới nước đã quá vất vả trong 10 ngày lễ hội. Và cũng vừa đủ để tạo ra một chút gì man mác đậm sắc mùa thu.
Hình như ông trời có ý nhắc cho người dân Hà Nội biết là 10 ngày qua trời đã chiều lòng người Hà Nội, đã không mưa, để cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội được thêm phần mỹ mãn.
Kỳ lạ, suốt 10 ngày Đại lễ, thời tiết đẹp như “đặt hàng”. Không nắng, không mưa, gió thổi vừa tầm để những lá cờ bay phần phật.
Thời tiết đẹp đến nỗi có nhiều người nghi ngờ là nhà nước đã chi mấy tỷ đô-la đuổi mưa nhưng không dám công bố cho dân biết.
Đáng buồn, tâm lý nghi ngờ và phao tin đồn nhảm là một cái gì đó đã trở nên quen thuộc trong xã hội hiện nay. Đêm mồng 9, một người quen gọi điện hỏi có tin đồn một lãnh đạo cao cấp vừa mất nhưng vì Đại lễ nên chưa thông báo? Rồi mới đây, tin hoang đường hàng chục người chết vì pháo hoa, khiến các báo lại một phen phải… cải chính.
Diễu binh trong Đại lễ năm nay không có khí tài và các phương tiện chiến tranh, ngoài 10 chiếc máy bay trực thăng lướt qua Quảng trường Ba Đình. Ban tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội có ý nhấn mạnh yếu tố con người hơn là yếu tố vũ khí, qua đó bày tỏ ý chí sắt đá bảo vệ độc lập dân tộc nhưng vẫn đầy thiện chí hoà bình.
Lâu lắm người dân cả nước, người dân Hà Nội mới được xem diễu binh. Thanh niên Việt Nam ngày nay cao to hơn trước, “dày cơm” hơn nên hình thức khỏe mạnh, đẹp một cách khá hiện đại. Vì thế mà các lực lượng, binh chủng…diễu binh trông thật oai phong hơn những lần trước. Đặc biệt, khối nữ sĩ quan thông tin xinh xắn và hiện đại.
Lễ bế mạc Đại lễ được tổ chức ở sân vận động Mỹ Đình. Điều đáng nói là buổi lễ được kết thúc bởi màn bắn pháo hoa rực rỡ trong những âm thanh hoành tráng của bản hợp xướng của nhạc sỹ thiên tài Bach. Con gái tôi thắc mắc: “Sao Đại lễ lại dùng nhạc nước ngoài?”. Vợ tôi bảo: “Chắc là muốn tỏ ra ta phát huy truyền thống văn hoá dân tộc nhưng sẵn sàng hội nhập quốc tế?” . Tôi thì nghĩ đơn giản, có lẽ vì ta chưa có bản hợp xướng nào phù hợp để dùng cho thời điểm cao trào kết thúc một lễ hội lớn.
Thế là 10 ngày Đại lễ đã qua. Nhiều người có ý kiến là tổ chức Đại lễ to thế làm gì cho tốn kém, để tiền lo việc khác thiết thực hơn. Bây giờ bất cứ việc gì cũng đều có nhiều ý kiến thuận nghịch khác nhau. Tôi nghĩ đó là hiện tượng đáng mừng. Điều đó chứng tỏ sinh hoạt dân chủ đã bắt đầu xuất hiện trong đời sống xã hội.
Nhà văn Trần Nhương đề nghị ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ngừng bắn pháo hoa để lấy tiền ủng hộ đồng bào các vùng đang bị bão lụt. Ý kiến của nhà văn đã biến thành một chủ trương đột xuất của thành phố. Được nói ra ý nguyện của mình, còn gì thích hơn?
Nếu bạn bắt gặp những người nông dân từ Lai Châu, Thái Bình, Nghệ An và nhiều nơi khác cơm đùm cơm gói, vợ chồng con cái cõng dắt nhau về Hà Nội ăn sương ngủ gió chờ xem Đại lễ thì bạn sẽ hiểu ra một điều. Người dân bình thường rất cần những giây phút bứt ra khỏi cuộc sống thường nhật nhàm chán chuyện cơm áo gạo tiền.
Họ cần có những lễ hội, để được sống những giờ phút thanh thản, quên đi cái vất vả đời thường mưu sinh, quên đi chuyện học phí, viện phí, chuyện giá thóc gạo rẻ như bèo, quên đi một ngày công lao động một nắng hai sương của họ cũng rẻ không kém. Cái vất vả của con người dường như tan biến trong cái không khí trẩy hội 1000 năm mới có một lần. Xin hãy vì những điều đó, để thấy một góc độ đẹp của lễ hội.
Tôi mừng vì mình là người Hà Nội
Nếu ai đó nói tổ chức Đại lễ để một số người nhân cơ hội đó “tiêu tiền và ăn tiền” thì thật là khó đồng ý cũng như khó phản bác. Không có số liệu đầy đủ và chính xác, rất khó kết luận một điều gì. Nhưng phải thấy một điều là chính quyền thành phố Hà Nội đã cố gắng hết sức và có trách nhiệm để tổ chức lễ hội cho chu đáo. Dù trong thực tế, thì từ khâu chuẩn bị cho tới tổ chức không tránh khỏi những bề bộn, những lúng túng và bất cập, thậm chí kém cỏi…
Cùng với Hà Nội, trên thế giới chỉ có 28 thủ đô là những thành phố có truyền thống 1000 năm tuổi trở lên, với những cái tên “lừng lẫy” như Paris (Pháp), Rome (Italia), London (Anh), Athens (Hy Lạp), Prague (CH Séc) ở châu Âu… hay Bắc Kinh (Trung Quốc), Delhi (Ấn Độ), Cairo (Ai Cập)… Có những thành phố thật sự lâu đời như Bratislava (5000 năm trước Công nguyên), Jerusalem (thiên niên kỷ thứ 4 trước CN), hay Damascus (Siria) (tới 8000 – 1000 năm trước CN).
Hà Nội của tôi dẫu sao vẫn là một thành phố có thâm niên, cổ kính và đáng yêu vì bề dày lịch sử.
Đọc những dòng tin trên khắp thế giới, tôi mừng mình là người Hà Nội – Hà Nội với những khó khăn và lúng túng trong quá trình phát triển. Thành phố thủ đô của một đất nước đang đan xen tồn tại ba nền văn minh: Văn minh lúa nước, văn minh công nghiệp và văn minh thông tin. Hình ảnh điển hình là chiếc xe Mersedes đời mới nhất đi bên cạnh mấy chiếc xe thồ và mấy bà quang gánh. Nhà cao tầng lấp lánh chen giữa đám nhà lộn xộn lố nhố phi quy hoạch.
Những lực cản nội tại. Những ấu trĩ và nhỏ nhen trong quản lý. Tất cả những cái đó là có. Song vẫn có động lực phát triển. Vẫn có những người Hà Nội tài năng và thông minh. Những người đó biết nhìn lại một ngàn năm phía sau để biết phải làm gì cho tương lai.
Hà Nội thân yêu là của tôi, là của những người “dân vạn đại” như tôi. Hà Nội không phải của một số ít nào đó đang muốn làm gì thì làm với Hà Nội. Và cũng không phải của những kẻ cố tìm mọi dịp để chê bai Hà Nội.
Tháng 7 vừa rồi, cậu em họ tốt nghiệp một khoá chuyên tu nghiệp vụ tại thủ đô một nước từng là xã hội chủ nghĩa hùng mạnh. Câu đầu tiên khi nó về nước gặp tôi là sống ở Hà Nội bây giờ sướng hơn hẳn ở bên đó anh ạ. Không phải sợ hãi cướp bóc chém giết khi ra đường buổi tối. Người nước ngoài không bị cảnh sát vô cớ chặn lại giữa đường kiểm tra giấy tờ để moi tiền. Hà Nội thanh bình, không đắt đỏ…
Tâm lý con người luôn “nhìn lên”, luôn cố so sánh với những kẻ thành đạt hơn. Nhiều người so sánh Hà Nội còn lâu mới bằng Paris, New York… Đúng là còn lâu.
Đúng là còn lâu thằng cháu ngoại tôi mới sẽ thành một chàng trai cao lớn cường tráng. Song tôi yêu nó vì nó là cháu tôi, mặc dù bây giờ nó còn bé tí, đôi khi vẫn còn tè dầm.