VÌ SAO PHẢI BỎ KHẨU HIỆU “TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN”.

Thưa quý vị và các bạn.
Trong buổi hội thảo về giáo dục ngày 21/ 11/ 2021, Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã đề xuất các trường học bỏ khẩu hiệu “Tiên học Lễ, Hậu học Văn”, gây nên sự chú ý của dư luận xã hội, trong đó có tôi.
Thưa quý vị và các bạn.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm là một người tôi rất trân trọng, qua trước tác của ông “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”. Trong cuốn sách đầu tay của tôi “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại” Bản in đầu tiên 1998 NXB VHTT, tôi có dẫn chứng tư liệu từ cuốn sách này.
Hơn 10 năm sau, nhân duyên khiến tôi hân hạnh ngồi chung bàn với Ban tổ chức Hội thảo khoa học về Giáo Sư Lương Kim Định, gồm: Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy và tôi. Ngày ấy, Giáo sư Trần Ngọc Thêm có nhã ý mời tôi nói chuyện tại một cuộc tọa  đàm sẽ được ông đề nghị tổ chức tại DHKH XH &NV. Tôi đồng ý (*).
Tôi nghĩ Giáo sư Trần Ngọc Thêm có ý hướng phục hồi những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống Việt, nên rất cảm tình với ông. Tình cảm đó còn nguyên đến ngày hôm nay. Nhưng vì tôi không thể đồng tình với cách nghĩ của ông, nên phải có bài viết này thể hiện quan điểm của cá nhân tôi. Tôi không ném đá giáo sư Trần Ngọc Thêm, nhưng coi đó là một nguyên nhân, để tôi trình bày luận điểm của mình. Cá nhân Giáo sư Thêm không phải đối tượng để tôi ném đá. Tôi rất tiết kiệm gạch đá.
Trong bài viết đăng trên VTC New của giáo sư Thêm, quý vị và các bạn có thể tham khảo theo đường link dưới đây:
https://vtc.vn/gs-tran-ngoc-them-nhieu-nguoi-chua-doc-het-bai-cua-toi-da-lao-vao-nem-da-ar648627.html?fbclid=IwAR1M-VFFgGCUJz0mbDaYSleJuj-mg6EZ_F0KgnS6DBtfF49nZdumXIZ4F64
Trong đó, giáo sư Thêm xác định “nhưng nhiều người chưa đọc hết đã lao vào “ném đá”. Tôi xin khẳng định ngay: Giáo sư thêm đã sai lầm ngay từ mục đích bỏ khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học văn”, cho nên những luận cứ kèm theo chỉ để biện minh cho mục đích của ông. Tôi sẽ phân tích điều này, qua ngày chính những luận cứ của ông trong bài trích dẫn trên và cả ý kiến của ông trên báó mạng Tuổi Trẻ. Quý vị và các bạn xem đường link dưới đây:
https://tuoitre.vn/kien-nghi-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-giao-su-tran-ngoc-them-noi-gi-20211125092912027.htm
Quý vị và các bạn đọc lại ngay câu đầu tiên của bài báo về quan điểm của gs TNT:
Trich:
(VTC News) –

[“GS.TSKH Trần Ngọc Thêm khẳng định, ông đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” chứ không phải bỏ dạy lễ, nhưng nhiều người chưa đọc hết đã lao vào “ném đá”].
Tạm thời tôi chưa bàn đến nội dung của Lễ mà GS Thêm và trong nhà trường dạy có nội dung như thế nào. Vì tôi thấy mỗi người có một cách hiểu về Lễ khác nhau, nên chưa bàn vội. Tôi cũng chưa hề thấy thời khóa biểu của bất cứ cấp nào – từ mẫu giáo đến hết Đại học – có chương trình dạy về Lễ.
Nhưng với cách biện minh của Gs Thêm, xác định Lễ vẫn được dạy. Nhưng nếu thế thì vì sao lại phải bỏ “Tiên học Lễ”? Vậy Gs Thêm muốn “”Tiên học văn, hậu học Lễ” chăng? Nếu thế thì khi ý kiến của Gs Thêm được sự đồng thuận của cả xã hội – trừ tôi ra – chỉ việc kẻ  lại cái khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học văn” nói trên, thành “Tiên học văn, hậu học Lễ” là xong. Chính Gs Thêm xác định vẫn dạy Lễ mà?!
Nhưng xem tiếp cả bài viết thì rõ ràng Gs đã coi Lễ chỉ là một sản phẩm của chế độ phong kiến suy tàn và lạc hậu, không có chỗ đứng  trong xã hội hiện đại cần phát triển.
Mời quý vị và các bạn đọc tiếp đoạn trả lời phỏng vấn của Gs Thêm:

[“- Quan điểm của giáo sư về việc bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Vì sao giáo sư lại đề xuất như vậy?

Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã gắn bó rất lâu đời với nền giáo dục và trong xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, không phải cứ lâu đời thì phải giữ, mà phải xem khẩu hiện này có còn phù hợp hay không, mặc dù tôi không phủ nhận, khẩu hiệu này trong một thời gian dài đã có ích cho giáo dục, cho xã hội. Nó xuất phát từ Nho giáo, bảo vệ chế độ phong kiến, mà chế độ này chỉ cần người dân biết lễ nghĩa, biết trên dưới là đủ chứ không cần một xã hội phát triển, dân chủ và sáng tạo.
Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử nói rằng: “Con em ở nhà thì hiếu thảo, ra ngoài thì kính nhường, thận trọng và thành thực, yêu thương khắp mọi người, gần gũi người nhân đức; làm được những việc trên rồi mà còn dư sức thì học văn”. Nghĩa là người ta chỉ cần học lễ là đủ (còn dư sức thì mới học văn). Mà lễ là khuôn phép, là biết trên biết dưới, biết kính nhường, đó là quan niệm kính nhường một chiều, từ dưới lên trên.
Với xã hội truyền thống, điều đó là cần, là đủ, là có ích. Thế nhưng xã hội bây giờ cần phát triển, mà sự phát triển cần sự đóng góp của mỗi người, chứ không phải coi người dưới là công cụ, là cỗ máy để người trên sử dụng, vì như thế thì xã hội không thể nào phát triển được. Quan niệm trọng lễ, coi lễ làm đầu không còn thích hợp nữa, vì vậy tôi mới đề nghị bỏ khẩu hiệu này”].

Có thể nói câu trả lời của GS Thêm rất tự mâu thuẫn. Quý vị và các bạn đọc lại đoạn này:
[“Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã gắn bó rất lâu đời với nền giáo dục và trong xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, không phải cứ lâu đời thì phải giữ, mà phải xem khẩu hiện này có còn phù hợp hay không, mặc dù tôi không phủ nhận, khẩu hiệu này trong một thời gian dài đã có ích cho giáo dục, cho xã hội”].
Như vậy rất rõ ràng: Gs Thêm đã nhầm lẫn nội hàm của phạm trù Lễ ứng dụng trong xã hội, cuộc sống và hành vi của con người với nguyên lý giáo dục liên quan đến Lễ và được mô tả là: “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Ở trên, ông chỉ coi như là một khẩu hiệu cần bãi bỏ và vẫn dạy Lễ. Nhưng phần trả lời câu hỏi của phóng viên thì rõ ràng ông coi Lễ thuộc chế độ phong kiến không còn phù hợp? Vậy thì ông dạy cái gì cho thế hệ sau, mà ông gọi là Lễ với nội dung được mô tả: “Mà lễ là khuôn phép, là biết trên biết dưới, biết kính nhường, đó là quan niệm kính nhường một chiều, từ dưới lên trên.
Với xã hội truyền thống, điều đó là cần, là đủ, là có ích. Thế nhưng xã hội bây giờ cần phát triển, mà sự phát triển cần sự đóng góp của mỗi người, chứ không phải coi người dưới là công cụ, là cỗ máy để người trên sử dụng, vì như thế thì xã hội không thể nào phát triển được”
?
Tôi xin nhắc lại: Tôi cũng chưa hề thấy thời khóa biểu của bất cứ cấp nào – từ mẫu giáo đến hết Đại học – có chương trình dạy về Lễ.
Xin xem lại đoạn này:
[“GS.TSKH Trần Ngọc Thêm khẳng định, ông đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” chứ không phải bỏ dạy lễ”]
Quý vị và các bạn đọc tiếp luận điểm của Gs Thêm trong đoạn tiếp theo đây:
Trích:
[“– Vậy theo giáo sư, việc bỏ khẩu hiệu này ảnh hưởng như thế nào đến xã hội và liệu có làm xã hội cởi mở, sáng tạo hơn?

Trong quá khứ, từ xã hội phong kiến cho đến bây giờ, chúng ta vẫn giữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Từ khi đổi mới đến nay, xã hội đã phát triển nhiều về kinh tế, nhưng trong văn hóa thì nhiều giá trị lại đang đi xuống. Kinh tế phát triển không phải nhờ “tiên học lễ”. “Tiên học lễ” không đảm bảo cho xã hội lành mạnh, phát triển. Giữ tiên học lễ mà trong xã hội vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái, trong đó không thể có tư duy phản biện được.
Phương Tây tuy không hề có “tiên học lễ” nhưng xã hội rất phát triển, trong nhà trường hoàn toàn dân chủ, cởi mở và sáng tạo. Câu chuyện cậu bé người Mỹ Osman Yahya 11 tuổi, học lớp 6, với tư cách người dẫn chương trình, đã hai lần thẳng thắn ngắt lời Tổng thống Barack Obama vì ông trả lời quá dài dòng trong chương trình hỏi đáp giữa Tổng thống với học sinh trung học ngày 30/4/2015 (Telegraph, 8/5/2015) là một minh chứng.
Rõ ràng chuyện như thế không thể xảy ra ở xã hội “tiên học lễ” như chúng ta. Ở các nước phát triển, người ta không trọng lễ nghĩa theo kiểu người dưới phải phục tùng người trên một chiều, giáo dục dân chủ đã giải phóng sức sáng tạo một cách mạnh mẽ. Trong gần 120 năm tổ chức giải Nobel (1901-2018), các quốc gia phương Tây có 744/816 người được giải (không tính giải Nobel Hòa bình), chiếm tỷ lệ áp đảo là 91,2%.
Văn hóa truyền thống đề cao “tiên học lễ” và đề cao quá mức vai trò của người thầy. Người thầy xưa có vị trí sau vua và trên cha (Quân – Sư – Phụ). hơn nửa chữ đã là thầy. Việc đề cao quá mức vai trò của người thầy có thể kéo theo hệ quả là một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình, dẫn đến những hiện tượng như cô giáo này không nói suốt ba tháng đứng lớp, cô giáo kia bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng,…
Điều đó cho thấy không nhất thiết phải khư khư giữ lấy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Giữ “tiên học lễ” nhưng  vẫn còn bộ phận cán bộ suy thoái; không thể có tư duy phản biện được khi còn trọng lễ nghĩa. Để có con người sáng tạo, cần đề cao dân chủ trong giáo dục, khuyến khích tư duy phản biện, khai phóng, khuyến khích sự sáng tạo trong giáo dục con người.
Chú thích ảnh:[“Giáo sư Trần Ngọc Thêm: “Bỏ khẩu hiệu ‘Tiên học lễ hậu học văn’ không có nghĩa là từ bỏ dạy lễ, dạy văn, mà chỉ là từ bỏ cách dạy lễ theo kiểu phục tùng một chiều”].

Quý vị và các bạn cũng đã đọc hết luận điểm của Gs Thêm, thì chắc cũng như tôi cho rằng: Ông không chỉ đề nghị “chỉ bỏ cái khẩu hiệu và vẫn dạy Lễ”, như ông nói. Mà ông đã xác định các vấn đề xã hội liên quan đến phạm trù Lễ của nền văn minh Đông phương. Điều này thể hiện qua đoạn trả lời phóng viên – xin trích lại như sau:
[“Phương Tây tuy không hề có “tiên học lễ” nhưng xã hội rất phát triển, trong nhà trường hoàn toàn dân chủ, cởi mở và sáng tạo. Câu chuyện cậu bé người Mỹ Osman Yahya 11 tuổi, học lớp 6, với tư cách người dẫn chương trình, đã hai lần thẳng thắn ngắt lời Tổng thống Barack Obama vì ông trả lời quá dài dòng trong chương trình hỏi đáp giữa Tổng thống với học sinh trung học ngày 30/4/2015 (Telegraph, 8/5/2015) là một minh chứng.
Rõ ràng chuyện như thế không thể xảy ra ở xã hội “tiên học lễ” như chúng ta”].
Luận điểm của Gs Thêm cũng đã xác định: Tiên học Lễ không có tác dụng làm xã hội lành mạnh và phát triển trong giáo dục thể hệ tương lai. Ông đưa ra bằng chứng – xin xem lại đoạn trích dưới đây:
Trích:
[“Từ khi đổi mới đến nay, xã hội đã phát triển nhiều về kinh tế, nhưng trong văn hóa thì nhiều giá trị lại đang đi xuống. Kinh tế phát triển không phải nhờ “tiên học lễ”. “Tiên học lễ” không đảm bảo cho xã hội lành mạnh, phát triển. Giữ tiên học lễ mà trong xã hội vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái, trong đó không thể có tư duy phản biện được’].
Có vẻ như theo Gs Thêm thì mọi cái trì trệ, tiêu cực trong xã hội, mà ông nêu ra đều có nguyên nhân “Tiên học Lễ”. Để chứng minh cho luận điểm của mình, Gs Thêm nhắc tới một sự kiện ở Hoa Kỳ và cho rằng: “Rõ ràng chuyện như thế không thể xảy ra ở xã hội “tiên học lễ” như chúng ta”. Và ông cũng đưa luận điểm nhằm xác định: “không thể có tư duy phản biện được khi còn trọng lễ nghĩa. Để có con người sáng tạo, cần đề cao dân chủ trong giáo dục, khuyến khích tư duy phản biện, khai phóng, khuyến khích sự sáng tạo trong giáo dục con người”.
Rất rõ ràng, đây là những luận điểm phủ nhận Lễ, trong đời sống xã hội với luận cứ cho rằng  “không thể có tư duy phản biện được khi còn trọng lễ nghĩa”?! Đến đây tôi cần xác định ngay Gs Trần Ngọc Thêm có lẽ ít có thời gian tìm hiểu về bản thể nội hàm của phạm trù Lễ. Nên đã hiểu sai nghiêm trọng về Lễ.
Bây giờ quý vị và các bạn, nếu có điều kiện theo dõi, sẽ thấy những trí thức có nhận thức về tính quan hệ xã hội tối thiếu về phép lịch sự khi giao tiếp (Một hình thức của Lễ) – khi phản biện học thuật, vẫn phản biện tranh luận sôi nổi với phép lịch sự tôn trọng người đối thoại (Lễ). Tôn trọng ý kiến phản biện (Lễ) không hề có sự cản trở nào trong phản biện học thuật cả. Còn việc chú bé ở bên Mỹ dám ngắt lời Tổng Thống Mỹ, là do xã hội Mỹ cho phép một hình thức quan hệ (Lễ) như vậy. Chủ bé ấy là người dẫn chương trình, chú ấy có quyền ngắt lời bất cứ ai làm phiền đến chương trình đó. Việc đề cao dân chủ trong giáo dục và Lễ là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Dân chủ trong giáo dục là do cơ chế và phương pháp giáo dục, còn Lễ là hình thái quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. Trong lịch sử văn minh nhân loại, tôi chưa thấy một thể chế nào – dân chủ hay độc tài – lại do Lễ mà ra.
Còn luận cứ để bác bỏ Lễ của Gs Thêm cho rằng:
Ở các nước phát triển, người ta không trọng lễ nghĩa theo kiểu người dưới phải phục tùng người trên một chiều,
Một lần nữa tôi cho rằng Gs Thêm đã lầm lẫn về Lễ. Không có Lễ nào buộc người dưới phải phục tùng người trên cả. Chỉ có luật pháp mơi có quyền xác định điều này. Ngay cả khi một vị quan quỳ sụp xuống đất, khấu đầu lạy vua thì đấy cũng chỉ là một nghi thức của Lễ theo thời đại cổ xưa (Theo Sử Ký – Trần Bình Thế gia – thì chính tể tướng Trần Bình đặt ra nghi lễ chầu vua. Khiến cho Hán Cao Tổ nhìn bá quan quỳ rạp trước sân rồng, thích quá, nói: “Làm vua sướng thật”). Lịch sử cũng chứng tỏ rằng: Nhiều trung thần nghĩa sĩ rất giữ Lễ với nhà vua vẫn bị trảm. Điều này cho thấy Lễ không phải dạy người ta phải phục tùng cấp trên. Đó là Pháp trị. Cũng thời đại phong kiến cổ, được mô tả trong Đông Chu Liệt quốc, cho thấy một vị vua, qua suồng sã với vị cận thần (Không giữ Lễ), khiến xúc phạm người này. Vị cận thần bị xúc phạm, lấy bàn cờ đá đang chơi với vua, đập vào đầu vua chết ngắc. Điều này chứng tỏ rằng: về bản chất của Lễ thì vua cũng phải có Lễ của vua với thần dân của mình. Tổng Thống Mỹ rất giữ Lễ khi được chú bé điều khiển chương trình yêu cầu ngưng lại. Đấy là Lễ của Hoa Kỳ. Do đó, việc Gs Thêm cho rằng “người dưới phải phục tùng người trên một chiều” là sai lầm của ông. Gs Thêm cho rằng: “giáo dục dân chủ đã giải phóng sức sáng tạo một cách mạnh mẽ. Trong gần 120 năm tổ chức giải Nobel (1901-2018), các quốc gia phương Tây có 744/816 người được giải (không tính giải Nobel Hòa bình), chiếm tỷ lệ áp đảo là 91,2%”.
Tôi thật sự không hiểu nổi cái gì thuộc về Lễ cản trở giáo dục dân chủ cả? Tôi xin nhắc lại quan điểm của tôi là “Giáo dục dân chủ, khai phóng” hay không, do cơ chế và phương pháp giáo dục. Ngay bây giờ có bắt các cháu học sinh khi vào lớp đều phải rất khắt khe về nghi lễ, hoặc rất suồng sã về nghi lễ, mà cơ chế và phương pháp giáo dục sai cũng không thể phát triển được.
Tóm lại, cho đến đoạn này trong bài phỏng vấn với GS Thêm, tôi vẫn chưa thấy một luận cứ nào xác đáng của Gs Thêm đề nghị bỏ ““Tiên học lễ, hậu học văn” đủ tính thuyết phục. Và tôi khẳng định ngay rằng: Giáo sư Thêm không hiểu bản chất của nội hàm khái niệm phạm trù Lễ. Qua quan sát các phản biện và ủng hộ quan điểm của Gs Thêm về Lễ trên mạng xã hội, của những người gọi là nhân sĩ trí thức, tôi cho rằng không còn ai hiểu sâu bản chất của phạm trù Lễ.
Cách đây cũng ngót 10 năm, Gs Lại Nguyên Ân cũng bàn về bỏ khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học văn”. Tôi cũng đã phản biện ông. Nay đến Gs Trần Ngọc Thêm. Đẳng cấp hai vị Gs này mà còn không hiểu về Lễ thì nói chi đến dạy Lễ trong nhà trường? Làm gì có thời khóa biểu nào trong trường dạy về Lễ đâu?
Có lẽ chỉ cần phân tích đến đây là đủ để xác định rằng: Có sự nhầm lẫn về bản thể nội hàm khái niệm Lễ với Đạo Đức và Pháp luật.
Vậy bản thể phạm trù Lễ là gì? Tôi sẽ đưa vào bài tiếp theo.

BẢN THỂ NỘI HÀM KHÁI NIỆM LỄ TRONG VĂN MINH PHƯƠNG ĐÔNG
Xin cảm ơn vì đã đọc.

Bài này đã được đăng trong Các Đề Tài Khác. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.