Tác giả: Trương Hồng Tú
Tuanvietnam.vn
Bài đã được xuất bản.: 10/05/2011 05:00 GMT+7
Không gia đình, không bằng cấp, không bon chen đời thường… lấy vỉa hè là sân khấu, tiếng đàn là đôi cánh tâm hồn, cuộc đời ông là chuyến lãng du không có điểm kết.
Tôi gặp ông trong buổi chiểu ấm nắng tại Văn Miếu. Ông được mọi người – đặc biệt là giới sinh viên Sài Thành – biết đến với cái tên: nghệ sĩ du ca Tạ Trí Hải. Chưa một ngày học nhạc chính thống, bằng hai nhạc cụ violin và mandolin, ông phiêu bồng trên nhiều miền đất, chơi đàn trên mọi đường phố, vỉa hè, nơi công cộng… làm biết bao nhiêu trái tim không phân biệt già trẻ rung động với tiếng đàn tự nguyện, ngẫu hứng.
Phiêu bồng mãi tiếng đàn lãng du
Tôi nhận ra Tạ Trí Hải là một người nghệ sĩ rất khác. Ông không sống qua một truờng đào tạo âm nhạc nào. Vì vậy mà trên sân khấu, khi kéo đàn, lẫn khi ông ngồi cà phê vỉa hè ngâm nga hát, ông đều là chính ông – một người nghệ sĩ say mê với âm nhạc. Tôi nhớ mãi hình dáng ông trong một buổi ca nhạc, người ta sắp xếp chương trình theo thứ tự hay dở, phân vị trí cho ông như phân công một thợ đàn, quên chỉnh âm thanh cho ông, thậm chí quên giới thiệu tên ông, ông vẫn cứ say sưa kéo.
Không khí sân khấu ngoài trời, tiếng hát theo loa vang rất to, nhưng trong vô thức, chúng tôi, khán giả cứ tìm trong đó văng vẳng tiếng violin. Tiếng đàn của ông, theo như các sinh viên nhạc viện năm nhất bình luận, là “không có ăn có học”, nhưng lại đi thẳng vào cảm xúc người nghe, phá đi mọi khoảng cách xa lạ, ngại ngùng. Tình yêu mãnh liệt với âm nhạc là phẩm chất mà không phải cứ học là có.
Ngày hôm nay, trở về Hà Nội, lặng đi trước sự thay đổi của quê nhà, người nghệ sĩ già chậm rãi ôn lại cuốn phim đời mình.
Sinh năm 1940 tại phố Hàng Điếu, lần đầu tiên ông tiếp xúc với violin khi lên 8. Sau này khi nhập ngũ ông vẫn không dứt được cái tình với âm nhạc mà tiếp tục chơi Arcordion. Năm 1977, ông đuợc điều đến Sài Gòn, làm việc tại Tổng cục cao su. Thời “Hạt bo bo rắn lắm, phải ngâm mấy tiếng mới ăn được” như ông tâm sự.
Ông kể, thời ấy ông có hai vật đắt giá nhất: một là chiếc xe đạp Sipusnhic ông được cấp năm 36 tuổi tại Hà Nội, hai là chiếc đàn violin ông phải nhịn ăn nhịn mặc đến năm 25 tuổi mới có. Cho đến bây giờ, mối đã xơi mất cây đàn của ông, nhưng ông vẫn cất giữ như một kỷ vật tuổi trẻ.
Ngày đó ông vẫn nhận mức lương chuyên viên cấp 1 chỉ 105 đồng/tháng.
Năm 1980, ông tình cờ quen và yêu cô gái học sư phạm, biết chơi piano, là con một nhà khá giả. Ông hơn cô 22 tuổi. Tuổi tác cách biệt là nguyên nhân khiến gia đình của cô ngăn cấm chuyện tình yêu này. Ngày đó, ông từng đạp xe 30km để ném hàng trăm lá thư tình bên cửa sổ. Những lá thư ấy, đến bây giờ, ông coi chúng là những mảnh vàng của đời ông. Kết thúc 2 năm tình yêu trẻ dại là chuyến bay sang nước ngoài của cô gái. Từ ngày đó, ông ở vậy, như trân trọng một tình yêu vô giá đích thực.
Từ năm 2005 ông bắt đầu mang chiếc Mandolin, vật gần gũi duy nhất, ngồi chơi ở nhà thờ Đức Bà. Rồi một ngày, đoàn sinh viên trường nhạc đến giao lưu với ông, ông bèn mượn violin của họ. Nỗi khao khát được chơi lại violin trong ông ngày một mãnh liệt hơn. Không phụ nhiệt huyết người nghệ sĩ già, nhiều người hảo tâm đã cùng ông tích lũy 200$ để mua một cây đàn mới. Lúc ấy ông như tìm lại ý nghĩa của cuộc đời mình, sau hằng bao nhiêu đêm không có tiếng đàn chia sẻ.
Nghệ sĩ du ca Tạ Trí Hải
Ai cũng chỉ sống một lần thôi
Người ta gặp ông như một lẽ duyên tình cờ, ở Hà Nội, hay Sài Gòn; vào năm mới, hay Giáng Sinh. Đi nhiều nơi, gặp nhiều người thế, nên ông có rất nhiều cuốn sổ lưu bút, được viết bởi những con người không ngại tuổi tác sau khi được tiếp xúc với ông. “Cứ sống như bác thật là hạnh phúc“. Ông hiền hòa cười, đôi khi một niềm tin đơn giản lại hay. “Đời ta chỉ sống có một lần thôi. Phải sống sao cho ra sống. Để khi nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận với những năm sống hoài sống phí”, câu nói này đã tạo ý thành một bài ca, đây cũng là lý tưởng sống của đời ông. Bởi vì, hạnh phúc mà ông mang lại cho người khác, nụ cười ông đem đến bằng tiếng đàn, cũng là kết quả của cô đơn nhọc nhằn ông đã và đang có.
Ông đặc biệt thích chơi bài “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giữa căn nhà cấp 4 xuống cấp, ông mang trong lòng nỗi cô đơn không ai hiểu nổi. Còn nhớ đêm 28 Tết năm ngoái, con người không gia đình, không người thân thích là ông, mở cửa, mang đàn xuống đường Nguyễn Huệ chơi không biết mỏi.
Ông nói, khi chơi đàn, ông có ba cái được: Một là được giải tỏa tư tưởng. “Đời tôi không có cây đàn khéo phải vào nhà thương điên“, ông cười. Hai là ông có thể mang tiếng đàn, truyền tư tưởng sống cho mọi người. Ba là một lý do riêng tư, ông muốn gửi gắm tình cảm dành cho mối tình khó quên ấy.
Có những lúc ông ra vẻ đùa: “Bối cảnh xã hội hiện nay hóa ra lại lý tưởng nhất cho tôi chơi đàn”. Có lẽ vậy, cuộc sống cuốn người ta vào nhiều toan tính. Tâm chúng ta mấy khi được bình yên. Và ông đã chọn những năm tháng sau cuối của đời mình làm một nốt lặng, cất lên những bản đàn da diết kéo con người về với thanh thản.
Nghệ sĩ Tạ Trí Hải, tự thân cuộc đời ông không được nhận nhiều bảo bọc, yêu thương. Thế nhưng, ở những năm tháng về già, ông đã lựa chọn một cách sống tuyệt vời. Tiếng đàn khi vui vẻ, lúc da diết; một con người đã trải qua nhiều sóng gió cuộc đời giờ ôm đàn chơi một cách say sưa.
Hạnh phúc ông mang lại là hạnh phúc ông khát khao trân trọng. Sân khấu ông đang đứng rộng hơn bất cứ sân khấu nào. Đó là sân khấu truyền cho khàn giả không chỉ là giá trị nghệ thuật, mà còn là lý tưởng, hoài bão, là tình yêu cháy bỏng.
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai.
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi
============================================
Người nhạc sĩ trong đêm mưa
Thiên Sứ
Cảm tác hình ảnh người nhạc sĩ lang thang.
Đàn ai lả lơi
Ngả nghiêng chơi vơi
Mang mang sóng nhạc
Chen tiếng sầu rơi
Ru êm tình đời
Dập dờn sóng nhạc bên trời
Chia sầu nhân thế cho người nhớ nhau
Tình dâng ánh mắt
Buồn xuống bàn tay
Lâng lâng hồn vượt trời mây
Mưa rơi…..
trong tiếng đàn ngây ngất buồn