Thế nào là trí thức?

27/01/2012 18:00

http://t1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcT8NKCuYHv_faXnVlPo_ufeZipR_ju1fs0hHebDGmTwmEpqHsWW


(TNO) Những ngày tết Nhâm Thìn 2012, cộng đồng mạng, đặc biệt là các blogger…, đã bàn tán và tranh luận không ngớt quanh phát biểu của giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu về định nghĩa “trí thức”.
 

hững tranh luận được mô tả là “sôi sùng sục” này bắt nguồn từ một đoạn phát biểu của GS Ngô Bảo Châu trên một tờ báo:
“… Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng…”. 

Trích:

“Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc 
GS Ngô Bảo Châu”

Blogger Quê Choa (tức nhà văn Nguyễn Quang Lập) tỏ ra “bứt rứt không yên” trước phát biểu này và đưa ra ý kiến “phản hồi”: “Không thể nghĩ đơn giản: trí thức là người lao động trí óc, cũng như không thể nghĩ giản đơn con người là động vật biết tư duy”.
Để “thay lời muốn nói”, blogger Quê Choa đã trích dẫn bài viết của một blogger khác có tựa đề “Trách nhiệm trí thức”, bàn khá sâu về định nghĩa “trí thức”.
Bài viết này có đoạn: “Trí thức là một quy chuẩn giá trị, không phải là một quy chuẩn nghề nghiệp. Một người lao động trí óc chỉ là một chuyên viên, một công chức, một học giả, một nhà khoa học. Dù thành quả lao động của anh ta lớn đến đâu, đẳng cấp chuyên môn của anh ta cao đến đâu, nhưng anh ta vẫn không phải là trí thức cho đến khi thực hiện trách nhiệm xã hội của mình”.

Trích:

“Không thể nghĩ đơn giản: trí thức là người lao động trí óc, cũng như không thể nghĩ giản đơn con người là động vật biết tư duy

Blogger Quê Choa”

Tác giả bài viết trên cho rằng: “trí thức” đã bị đánh đồng với chuyên viên, học giả, công chức. 
Những dòng “bứt rứt” của blogger Quê Choa cùng bài viết “Trách nhiệm trí thức” vừa đề cập đã kéo theo hàng trăm ý kiến khác nhau để đi tìm lại định nghĩa của hai chữ “trí thức”.
Theo một blogger có nickname Khoai thì “Trí thức là những người có tri thức, có khả năng nhận thức nhanh nhạy, hiểu biết và nắm được quy luật vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng, quá trình… trong các lĩnh vực nhất định. Họ lao động nhiệt huyết và sáng tạo chủ yếu bằng trí óc. Những thành quả lao động của họ có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của xã hội, đất nước”.

Posted Image


Phát biểu của GS Ngô Bảo Châu về khái niệm trí thức và phản biện xã hội đã làm xôn xao cộng đồng mạng – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một blogger khác thì cho rằng trí thức phải hội đủ 2 điều kiện. Điều kiện cần: người có học vấn. Điều kiện đủ: dám dấn thân, có trách nhiệm và nghĩa vụ đấu tranh cho lẽ phải, chân lý vì sự tiến bộ của cộng đồng.
Thước đo để đánh giá một người có là trí thức đích thực hay không cần phải dựa vào hành động của họ gắn với thực tiễn lịch sử.
Về vấn đề trí thức và phản biện xã hội, một số cư dân mạng nhận định, không nhất thiết phải gán ghép “phản biện xã hội” với “trí thức”.
Một blogger trong số này lập luận: “Trí thức” là một tầng lớp xã hội, họ có trách nhiệm nghiên cứu, tìm tòi cái mới trong lĩnh vực chuyên môn của mình. “Phản biện xã hội” là hành động của những người có chính kiến và nghĩa khí, sẵn sàng lên tiếng đối với các vấn đề, sự việc không đúng xảy ra trong xã hội. Và các tầng lớp xã hội khác vẫn làm được chứ không riêng gì trí thức.

Trích:
“Trí thức là sự cảm nhận của người khác, là sự quan sát, nhận định từ bên ngoài, đánh giá một con người dựa vào những tiêu chí mà người quan sát, nhận định có sẵn trong đầu. Nếu không thấy được cái đặc điểm này thì cứ tranh cãi miết không dứt về hai chữ trí thức.
Blogger Nguyễn Vạn Phú”

Blogger Nguyễn Vạn Phú thì cho rằng: Trí thức cũng là một khái niệm tương tự theo nghĩa không ai có thể tự gán cho mình danh nghĩa trí thức được cả.
Trí thức là sự cảm nhận của người khác, là sự quan sát, nhận định từ bên ngoài, đánh giá một con người dựa vào những tiêu chí mà người quan sát, nhận định có sẵn trong đầu. Nếu không thấy được cái đặc điểm này thì cứ tranh cãi miết không dứt về hai chữ trí thức, theo Blogger Nguyễn Vạn Phú.
Blogger này phân tích thêm: “Như vậy lao động trí óc là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cái điều kiện đủ nó rất phong phú, tùy thuộc vào sự cảm nhận của người đánh giá.
Với người này, đó là phong cách sống, là ứng xử với thế sự và nhân cách con người. Với người khác, nó có thể đơn giản là trách nhiệm với gia đình, với mọi người chung quanh. Nhưng với xã hội lớn nói chung, cái điều kiện đủ đó chính là sự minh định rõ ràng tư thế, quan niệm, lập trường trước các vấn đề của xã hội. Nó không phải đơn thuần là sự phản biện (hiểu theo nghĩa cứ ai chăm chăm phê phán nhà nước là trí thức thì nông cạn quá). Phản biện chỉ là một phần và là một phần quan trọng trong tâm thế của một con người trước muôn vàn vấn đề của cuộc sống”…
Trích:

“Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam,
trí thức (TT) là tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc, trong đó, bộ phận chủ yếu là những người có học vấn cao, hiểu biết sâu rộng về chuyên môn của mình, có sáng tạo và phát minh.
TT bao gồm các nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật viên, thầy giáo, thầy thuốc, luật sư, nhà văn, nghệ sĩ…
TT xuất hiện cùng với việc tách lao động trí óc khỏi lao động chân tay, phát triển cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật.
TT không phải là một giai cấp riêng vì nó được thu hút từ nhiều giai cấp khác nhau, không có vị trí riêng trong hệ thống sản xuất xã hội.
TT nói chung, thường nhạy cảm với cái mới, tiếp thu và truyền bá những tư tưởng cách mạng, tiến bộ trong nhân dân, có vai trò rất lớn đối với sự phát triển lịch sử, nhất là trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật ngày nay…”



Trí Quang
(tổng hợp)

============================
Cổ thư ghi nhận:
Khi được hỏi: “Nếu thầy được ra làm quan thì thày sẽ làm điều gì trước?”. Tử viết: “Việc đầu tiên của ta là phải chính danh!”.
Nhưng hình như nền văn minh hiện đại không để ý đến câu này của “Tử viết”. Nó nói qúa nhiều mà không hiểu mình đang nói gì. Nói đến “khoa học” thì khái niệm khoa học chưa được định nghĩa rõ ràng. Vậy mà từ “khoa học” được sử dụng rất hùng hồn, cứ như là “Đúng rồi!”. Nào là: “Chưa được khoa học công nhận”; “Chưa được khoa học chứng minh”; “Cần thẩm định khoa học”…vv….Nói đến “văn hóa” thì khái niệm văn hóa cũng có đến ngót 400 định nghĩa về văn hóa chưa được xác định (Trong đó có một định nghĩa của Lý học)…vv..và …vv…Bây giờ đến khái niệm “Trí thức”. “Trí thức” là gì? Thế nào là một con người được coi là người tri thức?..vv…và ..vv. 
Thì ra chưa có một định nghĩa rõ ràng về trí thức! Nhưng người ta  ỏm tỏi về vai trò của trí thức trong xã hội. Cũng cứ như là đúng rồi! Nhưng hỏi: Trí thức là gì thì ngơ ngác nhìn nhau và lặng lẽ ….đi chỗ khác chơi như chưa có gì xảy ra!? Định nghĩa thế nào là tri thức không phải chuyên môn của những nhà…. tri thức?
Tất nhiên lại một chuyện hài đầu năm nữa.
Bởi vậy, sau khi được Lão tiền bối Chí Phèo cho phép. Sư Thiến tui mạn phép dán cái định nghĩa tri thức như sau ở cái lò gạch làng Vũ Đại:
K
hi chưa có một khái niệm mang tính chính danh – được thừa nhận tính chân lý và phù hợp với các tiêu chí liên quan đến một khái niệm đúng – mà cứ cãi nhau ỏm tỏi về hành vi của một trí thức cần phải có thì thật khôi hài. Nó giống như bàn về vấn đề “Thượng Đế khi buồn, Ngài có hát KaraOke không?”. Trong khi khái niệm về Thượng Đế và môi trường sống của Ngài – Thiên Đường – là sản phẩm của một trí tường tượng chưa hoàn chỉnh.
Theo cá nhân tôi cần phân biệt giữa “Tri” và “Trí” và khi chưa có chữ latin để phiên âm tiếng Việt thì người Việt còn sử dụng khái niêm “chi” và “chí” vì phát âm gần giống và chúng có mối liên hệ khá chặt chẽ trong việc mô tả sự hiểu biết, sự vận dung khả năng hiểu biết và nhu cầu cần hiểu biết. “Chi” là một trợ từ cổ dùng để thể hiện ham muốn hiểu biết, khi hỏi: “Cái chi?” tương tư như “Cái gì?”. “Chí” là từ thể hiện một mục đích cần đạt tới: Ý chí, tiêu chí, chí hướng…vv…..Phạm vi của chúng ta không bàn đến hai từ này mà chỉ bàn đến “tri” và “trí”.
Tôi luôn cho rằng: Tiếng Việt là một ngôn ngữ cao cấp nhất trong nền văn minh nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà triết gia nổi tiếng Phạm Công Thiện từ bỏ tất cả mọi hệ thống triết lý kim cổ Đông Tây và xác định chính tiếng Việt mang trong nội hàm của nó tính minh triết cao cấp nhất. Phải như vậy nó mới đủ khả năng để miêu tả một lý thuyết thống nhất vũ trụ. Nếu như ông Phạm Công Thiên chưa đủ uy tín để bảo chứng cho tính minh triết của ngôn ngữ cao cấp thuộc về Việt tộc thì tôi có thể đưa ra một bằng chứng rằng: Tiếng Việt có thể dịch tất cả các ngôn ngữ trên thế giới ra tiếng Việt, nhưng tất cả các ngôn ngữ trên thế giới khó có thể dịch hoàn chỉnh một bản văn từ tiếng Việt ra ngôn ngữ của bất cứ một dân tộc nào. Một trong những yếu tố để tiếng Việt là một ngôn ngữ cao cấp là tính phân loại. Từ “tri”; “Trí” là hai trong một tập hợp các từ cùng loại nhưng khác về thanh: Tri, trí, trĩ, trì, trỉ, trị.
Khái niệm Tri có nghĩa là biết có xu hướng tĩnh; do tính tìm hiểu và tích lũy kiến thức. Trí là hiểu có xu hướng động; do tính sử dụng khả năng hiểu biết của mình. Thức có nghĩa là tỉnh táo, đối lập với mê muội. Từ kép trong trường hợp này là “thức tỉnh”. Đã có giai đoạn ngôn ngữ Việt dùng từ kép “Trí tri” trong “Trí tri cách vật”. Ngày xưa ở Hanoi đã có một trường tư thục ở phố hàng Quạt lấy tên là trường “Trí tri”. Tức là “hiểu biết”. Vậy nghĩa đen của khái niệm tri thức và trí thức là:
Khái niêm Tri thức: 
* Nghĩa đen:Tình táo để nhận biết.
* Nghĩa bóng là những kiến thức trực quan hay trừu tượng thu nhập sau khi đã tỉnh táo (sàng lọc) và ghi nhận làm nên sự hiểu biết.
Khái niệm Trí thức:
* Nghĩa đen: Ứng dụng sự hiểu biết (Nhận biết) một cách tỉnh táo.
* Nghĩa bóng: Những người có sự hiểu biết và đem ứng dụng sự hiểu biết đó một cách tỉnh táo trong cuộc đời để mưu lợi cho cá nhân hoặc cộng đồng.
Khái niệm trí thức& trí thức:
cả hai danh từ này đều có một động từ “thức” trong cấu trúc danh từ này. Thức là tỉnh, nghĩa đen là sự hoạt động, vận động của não. Do đó toàn bộ hai từ trên đều hàm nghĩa trong khái niệm của nó đến sự vận động của trí não với những kiến thức tích lũy được.
Như vậy – với cách hiểu của tôi – thì bất cứ ai có hiểu biết về một vấn đề gì đó đều là tri thức và bất cứ ai đem ứng dụng hiểu biết của mình cho cá nhân hoặc cộng đồng đều là “trí thức”.
Với khái niệm  “trí thức”, “tri thức” ở cái lò gạch làng Vũ Đại của tui thì nó đã có từ lâu trong lịch sử văn minh nhân loại và không phân biệt giáo sư, tiến sĩ với hiểu biết của anh nông dân thật thà chất phác, hoặc con mẹ ve chai, lông vịt (Không có hiểu biết – tri thức – về nghề nghiệp chuyên môn thì làm sao đi bán ve chai lông vịt?). Tuy nhiên, trong thời hiện đại thì nó xác định trong bộ nhớ của các vị giáo sư, tiến sĩ ấy có nhiều kiến thức chuyên môn sâu hơn mà thôi. Tức là nó chỉ xác định “tri thức” của giáo sư, tiến sĩ nhiều hơn người phàm về lĩnh vực chiên môn.
Như vậy, bất cứ ai nằm trong phạm trù trên – tức là có tích lũy kiến thức – đều có thể là người tri thức. Và bất cứ ai ứng dụng kiến thức của mình đều là “trí thức”. Từ định nghĩa căn bản này, dẫn đến một hệ luận giải thích rằng:
Do sự phát triển của cuộc sống, xã hội nên có sự phân công lao động xã hội, từ đó phân biệt những người hiểu biết mang tính phổ thông (tri thức phổ thông) thí dụ như bán ve chai, lông vịt và mang tính chuyên sâu, chuyên ngành, – thí dụ như giáo sư , tiến sĩ – nên phân biệt những người có học vị cao đều là những người có tri thức rộng (Biết rộng) về chuyên ngành của họ. Và có thể gọi họ là người tri thức. Nhưng vấn đề còn lại là họ đã ứng dụng những hiểu biết của họ như thế nào để xác định tính “trí thức” của họ.
Bởi vậy, có người dù nhiều chữ – tri thức cao – nhưng không ứng dụng vì: Hoàn cảnh không thể phát huy được tài năng; vì không muốn phát huy tài năng (Ẩn dật), hoặc phát huy tài năng đó không đúng với hiểu biết của họ, mà chỉ lợi dụng bằng cấp để mưu cầu một việc khác thì không thể gọi là “trí thức” được.
Cũng từ sự phát triển xã hội dẫn đến tính phân biệt giữa trình độ phổ thông (tri thức phổ thông) và tri thức chuyên ngành, chuyên sâu được thể hiện với bằng cấp cao, nên tạo ra một khái niệm mới là “tầng lớp tri thức” và những “nhà tri thức”. Nhưng đại đa số những tầng lớp tri thức này sống bằng hiểu biết của họ, nên có sự nhầm lẫn giữa “tri thức” và “trí thức”.
Bởi vậy dù tri thức cao, bằng cấp đầy mình, nhưng không đóng góp được gì thì – nói theo haithienha – chỉ có thể gọi là “trí ngủ”

Posted Image

. Hoặc tệ hơn, không đủ khả năng thể hiện những tri thức của mình vì tầm tư duy thuộc loại “Ở trần đóng khố” thì quả là tai hại. Tức là ứng dụng sử hiểu biết của mình không tình táo.
Cũng vì lẽ đó – với định nghĩa theo chủ quan của tôi – không thể gọi tri thức và tri thức là một giai cấp trong xã hội được. Bới vì nó có thể có ở bất cứ giai cấp nào. Những người tri thức có thể sống ở giai cấp cần lao hoặc ở giai cấp thượng tầng.
Vài lời góp ý. Không tự cho là đúng. Xin để tham khảo. Ấy là vì tôi vốn khiêm tốn.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi cao kiến của các bậc trí thức đặt lại vấn đề, thì với định nghĩa trên về “tri thức” và “trí thức” – công bố chính thức ở lò gạch làng Vũ Đại – để xem các vị “trí thức” tranh luận vấn đề: “Trí thức” trong việc phản biện xã hội và cái vấn đề “kinh tế trí thức” bản chất nó như thế nào?

============================
PS: Bài viết dưới đây của tiến sĩ Trần Đình Bá là một thí dụ về khái niệm “tri thức” – được mô tả ở lò gạch làng Vũ Đại – nhưng chưa phải “Trí thức”.

Giao thông hỗn loạn thì… học Tiến sỹ để làm gì!?

01/02/2012 10:56:29

 

– “Dũng cảm, thông minh và sáng tạo “đang là mệnh lệnh lịch sử – cấp bách mà tân Bộ trưởng Đinh La Thăng đang chiếu thẳng hướng trách nhiệm vào 1000 giáo sư tiến sỹ GTVT phải giải được bài toán giao thông nước ta! 
Đó là tâm huyết của Tiến sỹ Trần Đình Bá trong thư gửi 1000 giáo sư tiến sỹ ở các Viện nghiên cứu , trường Đại học, Cục, Vụ, viện Bộ GTVT, các Hội Kinh tế vận tải ĐS VN, hội Cầu đường VN, học viện Hàng không… nhân tranh luận về trí thức phản biện khoa học và phản biện xã hội đầu năm 2012, năm An toàn Giao thông. Để rộng đường dư luận, Bee.net.vn xin trích đăng bức thư trên. Bức thư không thể hiện quan điểm của tòa soạn.
 

Kính thưa 1000 giáo sư tiến sỹ GTVT! 
Giữa lúc Việt Nam phóng thành công vệ tinh VINASAT khẳng định chủ quyền về không gian vũ trụ, ngành viễn thông phủ sóng khắp toàn quốc và cả ba nước Đông Dương , các ngành về khoa học công nghệ đều phát triển, nông nghiệp đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu lúa gạo, nhất thế giới về sản lượng cà phê, cao su … bơi ra biển lớn WTO hội nhập thế giới văn minh thì giao thông nước ta đang tụt hậu đến mức tồi tệ nhất trong tất cả mọi ngành kinh tế quốc dân và đang đứng ở đáy của khoa học công nghệ. 

Vậy mà đã 25 năm sau đổi mới Đường sắt quốc gia được coi là mạch máu giao thông chiến lược, chủ lực, hiện đại phải đảm đương thị phần vận tải cao nhất hiện đang rệu rã xuống cấp gây ra nhiều vụ lật tàu, thị phần vận tải chỉ còn đảm đương chỉ được 6%, thua xa cả loại hình vận tải đường sông. Đã thế, hiện nay các giáo sư tiến sỹ đường sắt lại đi kiên cố hóa toàn bộ hệ thống bằng tà vẹt BTCT dự ứng lực khổ 1 mét, sự kiện theo suy nghĩ của tôi, sẽ kéo dài sự lạc hậu của đường sắt quốc gia thêm 110 năm nữa, quay lùi bánh xe lịch sử trở về thế kỷ thứ XIX…

Nghẹt thở vì tắc đường ở Hà Nội.
Nghẹt thở vì tắc đường ở Hà Nội.

Hàng không với tiềm năng lợi thế đứng đầu các nước ASEAN mà năng lực chuyên chở hiện nay đạt 12 triệu hành khách/năm chỉ đạt 12% thị phần, xếp gần cuối bảng, sau Thái Lan, Malaysia, Philippines có dân số ít hơn ta, thua xa Singapore nước chỉ có 3 triệu dân và duy nhất chỉ có một sân bay, chất lượng phục vụ thua xa hàng không Lào .
Vận tải biển chưa phát huy được lợi thế hạ tầng, thị phần cũng chỉ đạt 10% . Như vậy, cả ba ngành giao thông vận tải công cộng, hiện đại chủ lực được toàn dân kỳ vọng nhất chỉ còn đảm đương được 28% thị phần, còn lại thị phần hàng khách và hàng hóa khác dồn lên đường bộ và đường sông mà đường bộ là chủ yếu phải gánh 65% . Trong khi diện tích của hạ tầng giao thông đường bộ có giới hạn nhất định thì phương tiện giao thông tư nhân phát triển ồ ạt tràn ngập phố phường gây chật chội, hỗn loạn về giao thông.

Nhìn thẳng vào sự thật, giá trị “chất xám “ trong 1000 luận án tiến sỹ chúng ta còn thiếu chiều sâu nội dung, chưa nắm bắt các nhu cầu thực tế của giao thông nước nhà, không ai chịu nghiên cứu mở rộng đường sắt, không có một luận án nào nghiên cứu hiện đại hàng không… Trong khi, thảm họa S1, E1, thảm họa cầu Ghềnh, thảm họa cầu Cần Thơ… vẫn còn ám ảnh. Đau đớn nhất là đại họa tai nạn giao thông đang đứng hàng đầu thế giới với mỗi năm trên 12000 người chết, hàng vạn người khác bị thương, thiệt hại kinh tế hơn 1 tỷ USD có phần trách nhiệm của tất cả 1000 GS-TS GTVT chúng ta!
Khi Tổ quốc lâm nguy, rất nhiều giáo sư, tiến sỹ, sinh viên giao thông vận tải đã tình nguyện xếp bút nghiên ở các trường Đại học, viện nghiên cứu để lao ra mặt trận, dùng trí thông minh và lòng yêu nước để vô hiệu hóa bom từ trường, thủy lôi, cây nhiệt đới…, “đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến” không tiếc máu xương cho mạch máu giao thông vận tải luôn thông suốt…

Trong thư gửi cán bộ nhân viên toàn nghành nhân 66 năm ngày truyền thống, Tư lệnh GTVT Đinh La Thăng đã đưa ra một quyết sách mới cho Bộ GTVT là “dũng cảm, thông minh, sáng tạo”. Đó sẽ là phương châm hành động cho Bộ GTVT trước một thời kỳ mới .

Khẩu hiệu này sẽ kích hoạt lương tâm và trách nhiệm, coi trọng tính mạng nhân dân và lợi ích cộng đồng để đẩy lùi các “nhóm lợi ích” trong đội ngũ GS-TS trong toàn ngành GTVT .

Cần phải đưa các GS-TS GTVT ra khỏi “tấm chăn” vị kỷ. Cần phải minh bạch về tư duy khoa học trong từng luận án tiến sỹ, công trình đó nghiên cứu về cái gì, phục vụ cho ai và hiệu quả sẽ mang lại những gì?! Phải có đạo đức nghề nghiệp của trí thức trong phản biện khoa học, phản biện xã hội và phải chịu trách nhiệm nghiêm túc về tính khả thi, hiệu quả của các luận án tiến sỹ, sự tương tác ảnh hưởng xấu tốt đến đời sống cộng đồng cho cả hiện tại và tương lai.

“Dũng cảm, thông minh và sáng tạo” là mệnh lệnh lịch sử – cấp bách mà Tư lệnh Đinh La Thăng đang chiếu thẳng hướng trách nhiệm vào 1000 giáo sư tiến sỹ GTVT phải giải được bài toán giao thông nước ta!
Kính thư! 

TS Trần Đình Bá
 
Hội Kinh tế & vận tải ĐSVN – Hội Khoa học kinh tế VN

Bài này đã được đăng trong Bình luận. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.