Thế giới tham nhũng tệ hại hơn

Cái này Lý học Đông phương nói lâu rồi. Gọi là “Mất cân bằng Âm Dương”.
===================================================================

Tuổi Trẻ Online – Chủ Nhật, 12/12

TT- – TT – Niềm tin của người dân vào nỗ lực chống tham nhũng của các chính phủ giảm sút mạnh trong giai đoạn trì trệ của kinh tế, theo kết quả khảo sát toàn cầu của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố ngày 9-12 – Ngày quốc tế chống tham nhũng. Hơn một nửa số người trả lời khảo sát cho rằng nạn tham nhũng ngày càng trở nên tệ hại.

Báo cáo về nạn tham nhũng Global corruption barometer 2010 của TI ghi nhận ý kiến của hơn 91.000 người thuộc 86 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khảo sát chủ yếu tập trung vào các khoản tham nhũng nhỏ.

Khoảng 56% ý kiến cho rằng nạn tham nhũng đang trở nên tồi tệ hơn trong vòng ba năm qua, trong khi chỉ 30% cho rằng đã có những tiến bộ. Khoảng 79% tin rằng các đảng chính trị có hoặc rất tham nhũng, tăng 10% so với năm ngoái.

Khoảng 1/4 thừa nhận đã đưa hối lộ trong một năm qua để tránh rắc rối hoặc giải quyết công việc nhanh chóng hơn. Nhiều nhất là trả cho cảnh sát, chiếm khoảng 30% số này, tiếp theo là các quan chức cấp giấy phép và đăng ký (20%), nhân viên ngành tư pháp (14%).

Ngoài ra, TI cũng thống kê các quốc gia có nạn tham nhũng cao nhất dựa trên tỉ lệ người đưa hối lộ. Các khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Á có tỉ lệ nghiêm trọng nhất với những nước dẫn đầu danh sách như Afghanistan, Campuchia, Cameroon, Ấn Độ, Iraq, Liberia, Nigeria, Palestine… Người có thu nhập thấp lại là những đối tượng trả tiền hối lộ nhiều hơn những người có thu nhập cao.

Trong khi đó, một khảo sát của Hãng tin BBC, do GlobeScan thực hiện, cho thấy tham nhũng là vấn đề được tranh luận nhiều nhất trên thế giới. Khoảng 20% người tham gia cho biết họ nói về nạn hối lộ trong vòng một tháng trước, nhiều hơn hẳn so với các đề tài biến đổi khí hậu, đói nghèo hay thất nghiệp, tăng giá lương thực, năng lượng.

Tại Ấn Độ, nơi TI báo cáo có 54% người thừa nhận đưa hối lộ, Ủy ban Cảnh báo tham nhũng trung ương (CVC) ngày 9-12 cũng chính thức giới thiệu một trang web đặc biệt cho phép người dân đăng tải tài liệu tố cáo các quan chức tham nhũng.

Trên trang web có tên Vig-Eye (Mắt cảnh giác), người dân có thể cung cấp các đoạn phim, ghi âm, thông tin về hành vi nhận hối lộ. “Lợi thế của Vig-Eye hoàn toàn được kỹ thuật số hóa, làm quá trình khiếu nại sẽ được đơn giản hóa và giúp người dân tiếp cận các thông tin cảnh báo tham nhũng trực tuyến” – ông P.J. Thomas, ủy viên CVC, giải thích.

Theo CVC, Vig-Eye là một phần trong nỗ lực phát triển các hình thức mới và hiện đại trong việc chống tham nhũng. Hồi cuối tháng 11, Ấn Độ đã phanh phui một loạt vụ bê bối tham nhũng hàng tỉ USD của cựu bộ trưởng viễn thông Andimuthu Raja.

TRẦN PHƯƠNG (Theo Reuters, AFP, Indian Express)

Bài này đã được đăng trong Bình luận. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.