Nguồn: lyhocdongphuong.org.vn
Batin
Trong vòng 50 năm qua, nhiều người phương Tây từ Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ… cho đến nhiều nước châu Á, tất nhiên có Việt Nam, đã biết và thực hành phương pháp Thực dưỡng (tiếng Anh: Macrobiotics). Phương pháp này có một số cách thức mà chủ yếu nhất là cách ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, nổi tiếng do nhiều người trên thế giới đã áp dụng chữa khỏi nhiều trường hợp bệnh nan y, đặc biệt là ung thư, mà Tây y hiện đại bất lực. Cơ sở lý luận của Thực dưỡng do ông George Ohsawa (1893- 1966, người Nhật) đề xuất dựa hoàn toàn vào triết lý Âm Dương. Batin xin phép trích một bài viết của người Nhật này trong quyển “Chơi giữa vô thường – tác giả: George Ohsawa – dịch giả: Anh Minh Ngô Thành Nhân và Ngô Ánh Tuyết – NXB Thuận Hóa 2004” để hầu chuyện diễn đàn.
QUÊ HƯƠNG CỦA PHƯƠNG PHÁP THỰC DƯỠNG (1)
George Ohsawa – Anh Minh Ngô Thành Nhân dịch
Việt Nam ngày xưa từng gọi là An Nam, nghĩa là “Phương nam yên lành”. Chính ở xứ sở An Nam này dân chúng đã sống hoàn toàn đúng theo đạo trời Nguyên lý vô song (2), nghĩa là Vivere Parvo (3). Ở tận miền xa xôi của đại lục châu Á từ mấy nghìn năm nay, người An Nam vẫn sống trong cảnh thuận hòa khoáng đạt dù nghèo nàn, đi bộ, ăn bận đơn sơ và bằng lòng với những gì thiên nhiên ban cấp. Phần đông trú ngụ trong những căn nhà tranh vách lá và nuôi thân theo nguyên tắc chỉ dùng những thứ tuyệt đối cần thiết cho sự sống: không khí, nước, gạo không xát trắng tinh tức là cách ăn số 7 (4) trong phương pháp Thực dưỡng mà tôi đề xướng. Cách ăn như thế có thể phòng ngừa và chữa trị mọi chứng bệnh tâm thần lẫn thể chất dù là bệnh bị Tây y xem là “nan y, bất trị”.
Quyển sách phổ thông nhất của tôi “Le Zen Macrobiotique” được dịch sang tiếng Việt cách đây hai năm (5), lần xuất bản đầu tiên và thứ hai đã bán hết, tổng cộng có khoảng mười nghìn người áp dụng. Lời diễn giảng của tôi về dịch lý cổ xưa được lan truyền nhanh chóng, thật là một kỷ lục trong việc bán sách của tôi ở nước ngoài! Gần Huế có một làng quê độ 500 người đồng loạt thực hành phương pháp thực dưỡng sau khi chứng kiến hơn 10 trường hợp lành bệnh một cách “thần kỳ”!
Việt Nam là xứ sở “Vivere Parvo” từ mấy nghìn năm nay. Chính xứ sở đó là quê hương của phương pháp thực dưỡng! Người Việt Nam hiền dịu, mảnh mai, nhẹ nhàng, mềm mại, nhất là phụ nữ. Các bà các cô trông đơn sơ, yêu kiều, tươi tắn, đầy nữ tính, giỏi nấu ăn, siêng năng hơn phụ nữ của bất cứ nước nào trên thế giới, lại dẻo dai bền sức, có thể sinh đẻ và nuôi dưỡng nhiều con. Họ không ăn tợn uống nhiều. Tôi không gặp một phụ nữ nào to béo như thùng bia dù ở Huế hay Sài Gòn, thành thị hay thôn quê. Thật ngượng ngùng và khó chịu khi thấy một người đàn bà đi đứng khó khăn do sức nặng của cholesterol, chất đạm, chất mỡ tích tụ qua nhiều năm ăn thịt. Thực phẩm gốc động vật chỉ làm khoái khẩu chứ không cần thiết cho dân chúng ở xứ biết nghề nông. Không ai to tiếng. Họ nói nhỏ nhẹ gần như thì thầm, đi đứng không gây ồn ào dù mang guốc gỗ…
… Việt Nam đang lâm cảnh chiến tranh! Chẳng lẽ người ta tin rằng có thể dùng bạo lực bình định một xứ sở? Chẳng lẽ công lý là bạo lực? Tôi thì tin ngược lại…
… Tôi thích làm người bé nhỏ, yếu ớt, nghèo nàn, vô danh sống theo trật tự vũ trụ hơn là người vĩ đại quyền uy nhưng vi phạm đạo sống và luật thiên nhiên. Mọi đế chế lẫy lừng được tạo lập bằng bạo lực đều biến mất và không có ngoại lệ. Mọi sắc đẹp đều tàn phai. Mọi danh tiếng đều hư rỗng và mờ tan.
Có khởi đầu thì có kết thúc. Có bề mặt thì có bề trái. Càng khó càng vui. Các bạn đã học, hiểu và hành Nguyên lý vô song trong đời sống hàng ngày, vui vẻ chấp nhận mọi khó khăn và bạo lực thì cứ việc tiến bước thong dong trên con đường dù đơn độc của mình. Chỉ cần thấy ngắm nhìn một cách toàn diện những hỗn loạn điêu tàn, bạn sẽ thấy trật tự vũ trụ phô diễn trong từng khoảnh khắc.
Chú thích:
(1) Giáo sư Ohsawa viết bài này cuối tháng 5 năm 1965 sau khi đến Việt Nam thăm “Nhóm gạo lứt Việt Nam” – ND.
(2) “Nguyên lý vô song” là hệ thống lý luận của phương pháp thực dưỡng mà nội dung cơ bản không ngoài thuyết Âm Dương. – Batin.
(3) Vivere Parvo: sống theo cảnh nghèo, dù giàu nghèo cũng sống vừa đủ, không xa hoa phung phí; “thiểu dục tri túc” – ND.
(4) Cách ăn số 7: thức ăn hàng ngày chỉ gồm cơm gạo lứt và muối mè – Batin.
(5) Năm 1963 – Batin.
Lời bàn của Batin: “Cha đẻ” phương pháp Thực dưỡng, một người Nhật, đã xác nhận Việt Nam chính là quê hương của Thực dưỡng. Nếu những lời trên là ông nói thật lòng thì không biết nên cười hay mếu khi ngày nay người Việt đi học cách ăn, cách sống lành sạch từ người… Nhật! Và khi chính quyền ngày càng kêu gào dẹp hàng rong, hàng gánh còn người dân ngày càng đổ vào các KFC, Lotteria…, ngày càng xơi nhiều pizza, sushi… thì biết đâu trong tương lai xa xa chuyên gia Việt Nam ta xuất dương sang Tàu, sang Nhật học gói bánh chưng cũng không có gì là lạ.
Cọp chết để da, người chết để tiếng. Còn cái hồn nếu chết đi rồi biết để lại gì đây?