GIỌT LỆ THIÊN THU

GIỌT LỆ THIÊN THU

Phóng tác theo nội dung truyện Trương Chi,

luu truyền trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Phiên chợ hôm nay của làng Nghi Tàm, bên sông Tầm Dương hơi bị vắng, so với các phiên chợ khác. Thực ra, chợ Nghi Tàm ngày nào cũng có người mua, kẻ bán. Nhưng chợ phiên chỉ họp vào các ngày mùng 3, mùng 8 hàng tháng. Người đi chợ thưa thớt, nó không ồn ào, râm ran như mọi khi, kẻ rao bán, người mua hàng… Những cô bán hàng ế khách, nói chuyện với nhau. Ả Hoa bán củ cải, bên con đường mòn từ bên sông vào chợ, nói với ả Chúc, người bạn hàng cũng bán rau quả ngồi bên cạnh:

– Đã gần giữa giờ Thìn, mà sao chưa thấy chàng Trương đến nhỉ?

Hầu hết, những người buôn bán ở chợ Nghi Tàm này, đều biết đến chàng Trương. Chàng là người làng chài Vạn Phúc. Cả làng lênh đênh trên sông nước, sống bằng nghề chài lưới bắt cá. Hàng năm, dân làng chỉ tụ tập một lần vào ngày 26 tháng Chạp, trước miếu Thủy Thần trên khúc sông Tầm Dương này. Họ lập lễ Hội làng ở miếu Thủy Thần và cũng là Thành Hoàng làng Vạn Phúc. Cả làng vui vầy, gặp gỡ và ăn Tết, đến hết ngày 7 hạ Nêu thì lại tản ra và tiếp tục sống kiếp hải hồ.

Vào ngày 29 tháng Chạp, năm Nhâm Thìn, một cơn lũ quét bất ngờ đổ xuống sông Tầm Dương. Sóng lớn dữ dội, như một cơn Đại Hồng Thủy. Tất cả những cái gì trên sông, bị sóng cuốn đi hết. Toàn bộ dân làng chài, đang tụ tập chuẩn bị ăn Tết thì bị lũ cuốn trôi, chỉ còn chàng Trương Chi là thoát chết, vì đi đánh ca ở xa, nên đến chậm. Từ đó, chàng cô liêu một mình, không thân thích, không người ruột thịt, một mình lênh đênh sông nước, sống bằng nghề đánh cá quanh quẩn bên khúc sông gần bến Tầm Dương, kiếm ăn.

Mỗi khi làng Nghi Tàm có phiên chợ, chàng lại đem cá đến bán. Hình ảnh của chàng Trương Chi đã quá quen thuộc với những người bán hàng nơi đây. Hôm nay chàng đến muộn…

Chợt thằng cu Sếu đứng gần bờ sông, la lên: “Bác Trương đến rồi”. Từ phía bờ sông, một con thuyền nhỏ, cũ kỹ cập bến. Một chàng trai lực lưỡng, đội chiếc nón mê cũ, có khăn tràng mạng che mặt, bước ra mũi thuyền. Chàng vung tay quăng sợi dây thừng vào một gốc cây nhỏ bên sông, để cột thuyền. Từ con thuyền, chàng gánh hai thúng cá lên bờ, đến dưới gốc cây si đầu chợ và đặt hai thúng cá trước mặt chàng.

Đã thành một thói quen, sửa soạn xong hai thúng cá để bán, chàng Trương lại lấy trong người ra cây sáo. Tiếng sáo của chàng Trương, chính là dấu hiệu chàng đã xuất hiện ở chợ Nghi Tàm, để bán những con cá mà chàng chài lưới được. Cá của chàng thường rất tươi. Cho nên, những người sành ăn ở làng Nghi Tàm và các vùng lân cận rất thích mua cá của chàng. Chỉ khi nghe thấy tiếng sáo của chàng Trương cất lên giữa chợ, như báo hiệu chàng đã có mặt nơi đây, những người sành ăn đều tìm đến mua cá của chàng. Cá trên sông Tầm Dương rất ngon và béo, đặc biệt là loài cá chép Anh Vũ bốn vây, vốn gốc từ đây.

Ở chợ Nghi Tàm, chỉ có chàng Trương và chàng Chức bán thủy sản độc đáo.  Chàng Chức là người bán ba ba mo. Nhà A Chức nhiều đời ở làng Nghi Tàm, có vài sào ruộng, trồng dâu, nuôi tằm và cấy lúa. Anh ta có tài lội nước như cá. Ngày ấy, bên ven sông Tầm Dương rất nhiều ba ba. Chúng sống thành đàn. Nhờ tài lặn dưới sông như cá, chàng Chức coi đám ba ba dưới sông,  như của riêng mình. Anh lấy những mo cau, cắt thành hình vòng tròn bày phía trước mặt một túp lều dựng sơ sài. Ba ba là món ăn sang trọng vào thời bấy giờ, những ai muốn mua ba ba, chỉ cần đến chỗ chàng Chức ngồi chỉ vào một trong cái mo cau, là anh ta có thể lặn xuống sông bắt ba ba và đặt lên vừa khít lên chiếc mo cau rồi giao cho khách.
Đã vậy, A Chưc còn có một giọng hát mê hồn. Các bài hát nổi tiếng thời bấy giờ, như “Bát tiên tiến tửu”, Phượng Hoàng hàm thư”, “Ngọc Nữ dâng đào”…như chính hồn nhạc phẩm, được thể hiện qua giong hát mê hoặc của Ả Chức.
Đã nhiều lần A Chức được Lạc Hầu vời vào cung để hát trong các nghi lễ trọng đại của bô Dương Việt. Cũng nhiều lần, Lạc Hầu mời chàng tham gia ban nhạc của Hoàng Cung, Nhưng, chàng còn nhiều vướng bận ở thế gian. Cha mẹ đã già, vợ dại con thơ, nên chàng từ chối.

Chàng Chức, tính hiền lành, nên cũng nhiều người mến vì tài năng của chàng.
Nhưng hầu hết mọi người trong chợ đều mê chàng Trương, vì tiếng sáo đặc biệt của chàng. Mỗi khi chàng đến chợ và lấy cây sáo ra thổi thì tiếng sáo êm ả, mượt mà, tiếng trầm, tiếng bổng luôn là thanh âm đặc biệt, len vào trong những thanh âm ồn ào của người mua, kẻ bán nơi phiên chợ. Tiếng sáo lúc đầu nghe văng vẳng từ xa, Nhưng nó làm tiếng chợ búa như lắng dần và thanh âm của tiếng sáo chàng Trương lớn dần lên, như che lấp tiếng ồn ào kẻ chợ. Những người trong chợ tươi hẳn lên: “Chàng Trương đã đến bán cá rồi đấy!”

Tiếng sáo lưu luyến, tài hoa của chàng Trương, hơn hẳn so với nhiều tài tử trong giới đàn, phách khác trong vùng. Khiến hầu hết, những nghệ nhân trong làng Nghi Tàm và vùng lân cận, đều cảm phục tiếng sáo của chàng Trương. Chưa một ai trong vùng, có đủ tài năng để họa với tiếng sáo chàng. Giữa tiếng ồn ào của chợ đời với những con người tất bật mưu sinh, tiếng sáo của chàng cất lên, như làm lòng người ta phải trùng xuống và như đưa hồn người vào trong tĩnh lặng của cuộc đời.

Nhưng kì thực chẳng mấy ai hiểu được nỗi lòng chàng Trương gửi trong tiếng sáo. Chàng cô đơn tận cùng trong cõi đời này. Đã vậy chàng lại có bộ mặt cực kì xấu xí, nửa mặt bên phải của chàng nổi những cục sần với một màu đen kịt, như cục than trên nước da của chàng trai hải hồ vốn đã ngăm đen, đậm màu sương gió. Đây chính là lý do vì sao, chàng phải dùng tràng mạng che mặt dưới cái nón mê. Buôn bán ở chợ đã lâu, cả chợ ai cũng biết điều này, nhưng họ vẫn cảm mến chàng, bởi vì tiếng sáo liêu trai của chàng.

Có những đêm, chàng neo thuyền lại bến chợ Nghi Tàm và cất lên tiếng sáo. Trong đêm khuya thanh vắng, cả một tâm hồn trầm mặc u uẩn, như gửi trọn vào trong giai điệu du dương phát ra từ cây sáo, hòa cùng với tiếng sóng nước Tầm Dương đang dập dềnh, như ru ánh trăng trôi về phía biển. Cũng có lúc tiếng sáo vút cao, như xé toạc màn đêm, mang những ước vọng của con người vươn tới trời cao. Tiếng sáo của chàng mượt mà, luyến láy, mang theo một trời tâm sự, đã cùng không gian mênh mông nơi đây, như hòa thành một bản hòa tấu của trời đất và lòng người. Nếu như A Chức, hát lên để khẳng định giọng hát mê hồn của chàng. Thì chàng Trương thổi sáo cho chính mình, cho cả một kiếp nghèo cô liêu của chàng.

Một thời gian sau, chàng Trương không đánh cá gần vùng đó nữa. Thuyền của chàng xuôi theo sông Tầm Dương về phía hạ lưu, để tìm một vùng cá mới. Chỗ chàng đánh cá, cách bến Tầm Dương khoảng hai mươi dặm. Bên tả ngạn sông, ngay cạnh mé sông, chính là tư dinh của Lạc Hầu tộc Nguyễn Phúc,. Đây cũng chính là khuê phòng của Mỵ Nương Quỳnh Giao, con gái  Lạc Hầu Nguyễn Phúc. Cũng như các Mỵ Nương và lang của các vị vương hầu, Mỵ Nương Quỳnh Dao được theo học cầm, kỳ, thi họa của các bậc tài danh trên đất Văn Lang xưa…

Nàng đã vào tuổi cài trâm với một vẻ đẹp “chim sa, cá lặn”, là mơ ước của bao nhiêu lang và những anh hùng cái thế. Nhưng tâm hồn Mỵ Nương Quỳnh Giao như cả bầu trời trinh trắng, nàng chưa hề rung động trước hình ảnh bất cứ chàng trai nào. Khuê phòng nàng bên cạnh lầu Vọng nguyệt. Mỗi khi trăng lên chiếu sáng cả một vùng sông nước, Lạc Hầu Nguyễn Phúc cùng người thân thường ra uống trà, rượu thưởng trăng. Nhưng lầu Vọng nguyệt chủ yếu là dành cho Mỵ Nương nhiều hơn. Vị Lạc Hầu thường bận việc quân, quốc, nên ít khi về tư dinh.

Vào những đêm trăng rằm, nàng thường ra lầu Vọng nguyệt để ngắm trăng, thưởng trà cùng với vài thị nữ. Ngón đàn sở trường của Mỵ Nương là Dương Cầm. Nàng thường chơi đàn trong khuê phòng. Thi thoảng mới cùng đám thị nữ hòa đàn ở Vọng Nguyệt lầu. Tiếng đàn Dương cầm của nàng cũng thuộc hàng tuyệt kỹ. Đêm nay, đúng trăng rằm tháng Tám, nàng cùng đám thị nữ, mang nhạc cụ ra sảnh Vọng Nguyệt lầu chơi đàn, uống trà và thưởng trăng. Mỵ nương đang say xưa với bản “Phượng Cầu Hoàng”. Đôi bàn tay trắng muốt của nàng như múa trên phím đàn với hai bộ gõ, thoắt ẩn, thoắt hiện, như hai đôi bướm trắng bay lả lướt trên phím đàn. Bản nhạc vừa dứt với một tiếng trầm lênh đênh trong không gian. Không gian Vọng Nguyệt lầu như trầm mặc dưới ánh trăng rằm…
Bỗng nhiên, văng vẳng từ bên kia sông, có tiếng sáo như xa, như gần…lưu luyến một trời trăng nước Tầm Dương. Đấy là tiếng sáo của chàng Trương. Cũng đang tấu lên bản “Phượng Cầu Hoàng”. Ả Minh nói với Mỵ nương:  “Mỵ Nương có muốn tiếp tục chơi một bản nhạc khác không?”. Mỵ nương khoát tay, ra hiệu ngừng chơi đàn. Nàng đang lắng nghe tiếng sáo của chàng Trương…

Thật ra đối với Mỵ Nương và hoàng tộc của nàng, không thiếu gì những nhạc công tài ba để thưởng thức những tuyệt kỹ âm nhạc đương thời. Nàng có thể triệu một nghệ nhân, đến Vọng Nguyệt lầu để mua vui. Nhưng nàng đã quá nhàm chán với những thanh âm vô hồn, cho nên nàng thường ra thưởng thức ánh trăng một mình, uống trà và tự chơi đàn với đám thị nữ phụ họa.
Nhưng đêm nay, tiếng sáo của chàng Trương như quyện lấy tâm hồn cô liêu của chàng chầm chậm tỏa trên sông nước Tầm Dương, Tiếng sáo u mặc, trầm buồn như cả một cuộc đời đầy mơ ước không thành đạt… Cả một trời sông nước Tầm Dương, như lồng vào tiếng sáo chàng Trương….

Tiếng sáo chàng Trương chạm vào tâm hồn nàng Mỵ nương, khiến nó ngây ngất, run rẩy. Rồi hai tâm hồn hòa vào tiếng sáo, nhập vào cõi Thiên Thai…

“Mt chiu xưa, trăng nước chưa thành thơ
Trm trm không gian, mi rung đường tơ
Vương vn heo may, hoa yến mong chờ”.
Ôi tiếng cầm ca…Thu đến bao giờ…?*

Công chúa Mỵ Nương ngây ngất vì tiếng sáo tài hoa. Nàng bất giác xúc động, quay lại hỏi mấy thị nữ theo hầu nàng:

“Ai thổi sáo mà nghe hay quá?”

Ả Nhài nói: “Bẩm Mỵ nương, người này chắc ở đâu mới đến đây. Hôm nay mới được nghe tiếng sáo này, chúng con cũng không biết ạ”.

Mỵ Nương Quỳnh Giao nói:

– Thật là tuyệt vời! Ta chưa bao giờ nghe tiếng sáo hay đến thế này! Đó không phải tiếng sáo ở cõi trần gian, mà là những thanh âm của thiên thần. Nó cũng không phải là phép thổi sáo của những nhạc công tầm thường. Mà là cả hồn người trao trọn trong tiếng sáo.

Nói đến đây, bỗng tiếng sáo chàng Trương im bặt. Trời cũng khuya, chỉ còn những cơn gió hiu hắt bên bờ sông. Mỵ nương, nói: “Cũng khuya rồi, có lẽ họ đã nghỉ ngơi. Thôi ta và các người về. Nếu mai, còn có người thổi sáo bên sông thì các người gọi ta”.

Hôm sau, cũng cuối Dậu đầu giờ Thìn

Trăng khuya bến giang đầu vừa hé

Nghe gió than khe khẽ bên bờ…

Phía đối diện Vọng Nguyệt lầu của Lạc Hầu, một con thuyền lướt đến với đốm lửa chài hiu hắt. Đó chính là thuyền chàng Trương trở về, sau một ngày kiếm sống mệt nhọc. Một lát sau, tiếng sáo của chàng Trương lại vút lên, như ôm cả sông nước Tầm Dương.

Nghe tiếng sáo, Mỵ Nương bước ngay ra Vọng Nguyệt lầu  cùng với một thị nữ. Nàng lại lặng người thưởng thức tiếng sáo tuyệt kỹ của chàng Trương. Tiếng sáo của chàng bên Vọng Nguyệt lầu  lúc này, chỉ dành cho chính chàng và Mỵ nương với người thị nữ. Và may mắn thay cho chàng, một trời thơ trinh trong tâm hồn Mỵ Nương, lại hòa nhập với tiếng sáo lồng lộng không gian của chàng Trương. Một trời thơ trinh, một không gian xao xuyến trong tiếng sáo lại hòa nhập vào nhau. Từ đó, hàng đêm Mỵ Nương lại ra Vọng Nguyệt lầu,  để nghe tiếng sáo của Trương Chi.

Một tình cảm mơ hồ nhóm lên trong tâm hồn trinh trắng của nàng, như cả một trời thơ. Nhưng đó vẫn chưa phải là tình yêu đôi lứa của con người. Nó là một cảm xúc nghệ thuật, một sự hòa nhập giữa hai tâm hồn với thanh âm tuyệt mỹ. Mỵ Nương tưởng tượng đến một tài tử hiên ngang, khôi ngô, tuấn tú, nhưng nghèo với tâm hồn dạt dào cao thượng, qua tiếng sáo như từ cõi Thiên Thai của chàng Trương.

Nhưng trớ trêu thay, bỗng một hôm chàng Trương ốm bệnh. Cả trung tuần tháng cuối Thu năm ấy, chàng Trương không đến bến sông Tầm Dương đánh cá. Chàng ở lại bên chợ Nghi Tàm chữa bệnh. Mỵ Nương đêm nào cũng ra Vọng Nguyệt lầu  chờ tiếng sáo của chàng, nhưng chỉ thấy một không gian cô liêu, mênh mông trăng nước.

“Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ…?”
Không có tiếng sáo chàng Trương, trời nước Tầm Dương như hoang vắng, cô liêu. Một ngày dài đằng đẵng như một năm, khiến công chúa Mỵ Nương khắc khoải đợi chờ. Sự nhớ nhung tiếng sáo, khiến nàng phát bệnh. Nàng bỏ ăn, bỏ ngủ, làm cả Hoàng tộc xôn xao.

Lạc Hầu Nguyễn Phúc sinh được 8 người con, nhưng có duy nhất chỉ có một con gái là nàng. Bởi vậy, ngài rất thương nàng. Ngài lập tức ra lệnh các cung nữ hầu hạ nàng đến gặp ngài, để hỏi chuyện và mời các vị lang y tài năng trong bộ Dương Việt, đến chữa bệnh cho nàng.

Các cung nữ tâu: “Bẩm Chúa công. Gần đây có một chàng làm nghề đánh cá, ở bên kia sông, đối diện Vọng Nguyệt lầu, thường neo đậu thuyền nơi đây. Người này có tài thổi sáo rất hay, khiến Mỵ Nương phải lòng với tiếng sáo đó. Gần đây, người này không thấy đến bên sông thổi sáo nữa, chúng con cũng không biết vì sao. Đây là nguyên nhân để Mỵ Nương ngã bệnh ốm”. Lạc Hầu Nguyễn Phúc nghe tấu xong, bèn nói:

– Thảo nào các lang y giỏi nhất của ta nói, đây là tâm bệnh. Phải chữa lâu dài.

Lạc Hầu Nguyễn Phúc cho triệu quan Đại Tư Mã lên ra lệnh “ Lấy bến Tầm Dương làm mốc, theo dọc bờ sông để tìm người thổi sáo làm Mỵ Nương phát bệnh, khiến ta rất lo lắng”.

Chỉ vài ngày sau, quan Đại Tư Mã tìm được chàng Trương. Mặc dù chàng đang bệnh, nhưng những vị lang y giỏi nhất của trong vùng, đã được gọi đến chữa bệnh cho chàng. Chàng mau chóng khỏi bệnh và hẹn ngày đến để thổi sáo hầu Mỵ Nương. Lạc Hầu ra lệnh quân lính dẫn chàng đến sân trước khuê phòng Mỵ Nương và đặt cho chàng cái đôn tuyệt đẹp, làm chỗ để chàng có thể thổi sáo, chữa tâm bệnh cho nàng.
Ra lệnh xong, Lạc Hầu thầm nghĩ: “Con gái ta, cũng bậc tài danh, học đủ cầm, kỳ, thi, họa. Trong bộ Dương Việt, trị vì của ta, không thiếu những nhạc công tài ba. Nhưng làm cho con gái ta, phải nhớ thương tiếng sáo đến lâm bệnh thì phải là một người tài năng tuyệt kỹ. Ta thử đến xem sao?”. Nghĩ đến đấy, ngài ra lệnh cho lính khênh kiệu, tiền hô, hậu ủng, đưa ngài đến Vọng Nguyệt lầu.

Mỵ Nương vẫn nằm trăn trở trên giường bệnh. Bỗng thị nữ chạy vào quỳ tấu:

“Bẩm Mỵ Nương! Chúa công biết Mỵ Nương nhớ mong tiếng sáo, nên đã tìm người này về thổi sáo cho Mỵ Nương nghe, ngay dưới sân khuê các của Mỵ Nương. Mỵ Nương có cần gặp người này không?”

Mỵ Nương nói: “Các người đưa ta đi”.

Đám thị nữ đỡ Mỵ Nương đến sảnh lầu. Nàng ngồi bên cửa sổ che rèm và nhìn xuống sân. Dưới sân, là một chàng trai thân hình vạm vỡ, đầu đội chiếc nón mê cũ và chiếc khăn che mặt. Chàng đang ngồi trên chiếc đôn gỗ quý cẩn xà cừ thất bảo và bắt thổi sáo. Tiếng sáo chàng Trương lúc này không réo rắt trong không gian bao la, ôm trọn một trời trăng nước Tầm Dương xưa. Nhưng nó vẫn là thanh âm quen thuộc mà Mỵ Nương hằng lưu luyến.

Tiếng sáo của chàng Trương, rung lên đầy cảm xúc, như luyến láy sự khao khát tình yêu con người. Tiếng sáo ấy đưa cả hồn người hòa với trời xanh. Nó vượt qua khỏi những ước vọng của sự tầm thường nhân thế. Nó phá vỡ sự tráng lệ của cung vàng, điện ngọc với những uy quyền của thế gian, mà nàng như đang bị giam cầm trong đó.

Mỵ Nương ngây ngất bởi tiếng sáo của chàng và bệnh dường như khỏi hẳn.

“Ta về giữa cõi vô thường

Đào trong kỉ niệm tìm hương cuối mùa”.

Lạc Hầu Nguyễn Phúc, cũng như ngất ngây trong tiếng sáo chàng Trương. Lần đầu ngài được nghe những thanh âm trác tuyệt. Tiếng sáo trong trẻo, vút cao, khiến như chim ngừng hót, mây ngừng bay, khi tiếng sáo trầm lắng, khiến cỏ cây như cũng run rẩy đợi chờ… Trương Chi đã đưa cả hồn chàng vào tiếng sáo và ôm trọn cả trời xanh bao la…

Nghe xong vài bản nhac, Lạc Hầu phán: “Ta rất mến phục tiếng sáo của người và ta cảm nhận được tiếng sáo của người không phải là phép thế gian. Mà là một tiếng sáo liêu trai thu hút lòng người. Thấy ngươi có tài năng đặc biệt, ta muốn đưa nhà người vào cung với đội nhạc công của ta. Nhà ngươi bằng lòng nhé?!”.
Trương Chi quỳ tấu: “Bẩm Chúa công! Kẻ hèn này, chỉ nhờ chút tài mọn. Nay được bước vào cung vàng, điện ngọc của Chúa công đã là một sự vinh hiển. Nên không dám có tham vọng gì hơn. Tôi vốn quen cuộc sống lênh đênh sông nước, vui với trăng sao. Nay phải vào cung điện với những nghi lễ gò bó. E rằng không hợp. Mong Chúa công đại xá!”.
Lạc Hầu cố gắng thuyết phục chàng Trương. Nhưng chàng nhất mực từ chối. Biết không thể thuyết phục được chàng, Lạc Hầu ra lệnh cho quân lính đem tặng chàng lộc của Hoàng Cung.

Trong khi chờ đợi, Lạc Hầu phán: “Nhà ngươi quê quán ở đâu? Nhạc sư dạy người thổi tiêu sáo là ai? Sao nhà người lại có tiếng sáo tuyệt kỹ như vậy?”.
“Bẩm Chúa công! Tôi là người làng chài Vạn Phúc. Cả làng tôi đã chết hết đêm Hội Làng, vì lũ quét. Tôi đi đánh cá ở xa, nước ngược, nên về chậm và không bị chết. Bây giờ, người làng chài Vạn Phúc chỉ còn một mình tôi. Tôi không theo học nhạc sư nào cả, nhưng đam mê tiêu sáo từ nhỏ và tự tập thổi sáo, tiêu với cảm hứng của riêng tôi”.
Lạc Hầu phán: “Ta thấy nhà người thân hình vạm vỡ, nhưng thanh tú khác hẳn người thường. Nhưng tại sao nhà ngươi lại phải lấy tràng mạng che mặt vậy? Có gì uẩn khuất ở đây không?”.
Trương Chi nói: “Bẩm Chúa công! Bởi vì tôi có một bộ mặt cực kỳ xấu xí. Nên phải dùng tràng mạng che mặt, để khỏi kinh động đến thế gian!”
Lạc Hầu phán: “Xấu như ‘ma chê, quỷ hờn’ thì cũng không vượt khỏi những hình tướng xấu của tha nhân. Nhà ngươi hãy mở chàng mạng cho ta xem mặt. Ta không muốn tin nhà ngươi lại có một bộ mặt xấu xí, đến gớm ghiếc”.
Trương Chi nói: “Tôi có bộ mặt xấu xí, không chỉ gớm ghiếc, mà còn kinh dị. Tôi sợ khi mở khăn che mặt ra làm kinh động đến Chúa công”.
Lạc Hầu cười, nói: “Ta một đời trải nghiệm với tha nhân, tiếp xúc với nhiều người. Ta không tin về vẻ mặt xấu xí của ngươi, đến mức kinh dị. Hôm nay, trời đất đã khiến cho nhà ngươi và ta gặp nhau. Ta có thể giúp nhà ngươi phát huy hết tài năng thổi sáo hiếm hoi trên cõi trần gian này. Nhưng ta muốn nhà ngươi bỏ cái chàng mạng che mặt, trước khi ta có những quyết định. Nhà ngươi hãy tuân lệnh ta, mở tràng mạng cho ta xem!”.

Công chúa Mỵ Nương, nghe được, nàng tò mò, phá lệ, vén chiếc rèm thưa bên cửa sổ và nhìn xuống chàng Trương.

Trương Chi hơi cúi đầu, từ từ vén tấm chàng mạng che mặt vắt ngược lên chiếc nón. Một nửa bộ mặt gớm ghiếc của chàng Trương, như ma quỷ hiện hình giữa ban ngày.

Công chúa Mỵ Nương la lên một tiếng, rồi ngã người phía sau, bọn thị nữ phải đỡ nàng. Ngay cả bọn thị nữ cũng sợ hãi với khuôn mặt chàng. Họ run rẩy, dìu nàng vào khuê phòng.

Tiếng động trên Khuê Lầu, khiến Trương Chi ngước mắt nhìn lên. Chàng kịp nhìn thấy một tiểu thư sắc nước, hương trời với nét đẹp “chim sa, cá lặn”. Một thoáng ý nghĩ chạy trong tâm trí chàng: “Phải chăng, đây chính là người đã hòa cảm với hồn ta?!”.

Lạc Hầu và đám tùy tùng cũng phải thốt lên: “Ôi! Bộ mặt kinh quá!”…Một nửa khuôn mặt chàng Trương trông như ma quỷ…Lạc Hầu phẩy tay, ra hiệu chàng Trương che mặt lại.

Quân hầu mang lễ vật đến. Lạc Hầu phán trao cho chàng Trương và sai lính hộ tống chàng về lại bến Tầm Dương…

Toàn thể dân chúng Nghi Tàm và các vùng lân cận, đã được nghe tiếng sáo chàng Trương, đều cảm phục chàng. Lạc Hầu và Mỵ Nương còn phải cảm xúc với tiếng sáo và mời chàng đến tận Hoàng Cung. Mọi người đều trân trọng chàng. Nhưng họ đâu có biết rằng, khi Trương Chi trở về bến Tầm Dương, đã mang một tâm hồn nặng trĩu ưu tư. Người cảm thông được với tiếng sáo của chàng lại là một giai nhân với hương sắc của Trời, lại đang ở tuyệt đỉnh nhân gian. Phải chi sự hòa nhập tâm hồn với chàng là một tài tử, thì chàng Trương có thể kết bạn, như Bá Nha với Tử Kỳ. Tử Kỳ chết, Bá Nha đập cây đàn. Hoặc như đẹp như Tiêu Sử, Lộng Ngọc, đôi tài tử giai nhân cùng hòa nhịp trong tiếng tiêu, tiếng sáo. Khi họ cất lên những thanh âm từ nhạc khí của họ thì không gian như lắng đọng, chim ngừng kêu, hạc, công phải ngừng múa. Đấy là những thanh âm của những thiên thần. Họ đã về trời trên đôi cánh hạc.

Dịch kinh viết: “Chim hạc kêu trên chín tầng mây, thanh âm không xuống tới mặt đất”.
Chuyện không hợp ý cười thêm gượng.
Đời thiếu tri âm sống cũng thừa…
Ngân Giang.

Nhưng oái oăm thay! Người cảm nhận và chia sẻ cả một trời cô liêu của thân phận chàng Trương  trong tiếng sáo, lại là một tuyệt thế giai nhân, đứng ở đỉnh cao vòi vọi trong cõi thế nhân. Cái nghèo của chàng, không phải nguyên nhân để chàng phải ngậm ngùi vì số kiếp. Với quyền uy của vị Lạc Hầu, chàng có thể đổi đời khi làm phò mã của ngài. Nhưng chàng quá xấu, nên không thể đến với nàng, xứng đáng với một cặp tài tử, giai nhân, như Lộng Ngọc, Tiêu Sử.
Tiếng sáo Trương Chi trên sông Tầm Dương, ngày càng ai oán. Chàng sẽ cô liêu đến tận cùng của cuộc đời. Nhưng không ai có lỗi với cuộc đời chàng.

Đây là sự bất công của Tạo Hóa.

Trong một đêm trăng vằng vặc trên bến Tầm Dương, chàng Trương đã nhảy xuống sông tự tử. Chàng mang theo xuống suối vàng, một sự khao khát tình yêu con người và một nỗi niềm đi tìm tri âm tri kỷ, trong kiếp cô liêu của chàng. Còn ai nữa ngoài Mỵ Nương?

Không thể đến với giai nhân bằng một hình hài xấu xí. Trương Chi đã chết, thể xác không còn. Sự khao khát tình yêu con người của chàng Trương, không phải là tình yêu đôi lứa, hòa nhập thân xác như dưới cõi trần gian. Nhưng chàng đã đem cả linh hồn u uẩn của chàng với những xúc động đầu đời của Mỵ Nương và khắc khoải đợi chờ…
Dân làng Nghi Tàm làm phúc chôn chàng ở gần bến sông, nơi chàng hay cập bến bán cá với tiếng tiêu sáo, một thời mê hoặc lòng người.

Thân xác chàng Trương, chôn vùi ba thước đất đã trở về cát bụi. Nhưng linh hồn chàng Trương vẫn tha thiết với tình yêu con người và chờ đợi sự đồng điệu, tri âm của Mỵ Nương. Linh khí và máu huyết của chàng Trương dồn về trái tim, hóa thành một viên hồng ngọc trong suốt. Hình hài của chàng Trương tuy tan nát với thời gian. Nhưng trái tim hóa đá của chàng Trương, vẫn thách thức với thiên thu, khắc khoải đợi chờ …
Thời gian trôi đi, ngôi mộ làm phước cho chàng Trương trở thành bình địa.

Bãi sông hoang vắng. Một vài nông gia trong làng Nghi Tàm ra đây trồng dâu, nuôi tằm. Nhà A Sò trong lúc đào gốc dâu, chợt thấy một khối ngọc lóa sáng. A Sò đem xuống sông rửa sạch đất, thì ra là một khối hồng ngọc trong veo, lấp loáng dưới ánh mặt trời. Chàng đem về nhà khoe với vợ con, báu vật chàng đào được. Ban đêm, viên hồng ngọc tỏa ánh sáng, rực cả một góc phòng. Biết là quý vật, chàng bàn với vợ đem dấu đi làm của gia bảo. Cả nhà chàng đâu biết, đó chính là tất cả linh khí của chàng Trương, đã kết tụ vào đó.

Vợ chàng nói: “Nhà ta nghèo, may mắn nhặt được báo vật. Không khác gì khoe của để cướp đến nhà. Nhà thì tường tre, vách đất, không ai che chở. Theo ý thiếp, chàng nên đem dâng vào nơi quyền quý, như nơi của Lạc Hầu. Ngài đức cao, vọng trọng, thế nào cũng ban thưởng cho chàng. Lấy tiền thưởng đó để làm ăn. Như vậy nó thuận theo luật đất trời”.
Nghe vợ nói một hồi, A Sò nghe ra và vợ chồng đem viên ngọc quý đến tư dinh Lạc Hầu dâng lên ngài.
Lạc Hầu ngắm nhìn viên ngọc trong veo, lung linh tỏa sáng. Thật là thứ báu vật vô giá dưới trần gian, nên rất lấy làm vừa ý. Ngài bèn sai quân hầu, mang cả ngàn lượng vàng trả lễ cho vợ chồng A Sò. Hai vợ chồng sung sướng, tạ ơn ngài và cáo biệt ra về.
Lạc Hầu ra lệnh mời quan Bồ Chính đến gặp ngài. Ngài muốn quý vật phải được chế tác thành một vật dụng xứng đáng với nó. Quan Bồ Chính vốn người lầu thông kim cổ, chắc chắn sẽ giúp ngài dụng viên ngọc tuyệt thế này, đúng với giá trị của nó.

Quan Bồ Chính đến. Vua tôi phân vị xong, quân hầu dâng trà nước. Lạc Hầu phán: “Ta vừa được một thần dân dâng viên ngọc quý. Lúc đầu, định làm ấn truyền quốc. Nhưng thấy không tiện, vì nó trong veo, không có uy vũ. Nhưng cũng chưa biết nên dùng như thế nào? Bởi vậy, nhờ ngài có cao kiến giúp ta”.
Quan Bồ Chính đặt tay lên viên ngọc, ngắm nhìn một lúc, rồi nói: “Bẩm Chúa công! Ngài nói chí phải! Viên ngọc này không thể dùng làm ấn. Vì tính trong suốt của nó, nên không có uy lực. Nó sẽ như một cái ấn của cõi khác, mờ ảo dưới trần gian. Dùng nó làm ấn sẽ bị sái”.
Ngẫm nghĩ một hồi, quan Bồ Chính nói tiếp: “Viên ngọc này, làm bát thố ngự dụng thì chỉ được một cái, dư ngọc lại quá nhỏ, không dùng được việc gì. Làm chén khánh ngự dụng thì thiếu bộ, cũng dư ngọc quá nhỏ. Theo thiển ý của hạ thần, chúa công, nên tiện thành bộ đồ trà để ở Vọng Nguyệt lầu. Bộ đồ trà này sẽ như báu vật hoàng cung. Chúa công dùng thưởng trà, rượu nơi đây!”.Quan Bồ chính vừa nói đến đấy, viên ngọc như lóe sáng trong phòng.

Từ ngày bộ chén ngọc, được các thợ rành nghề đưa lên hoàng cung. Lạc Hầu Nguyễn Phúc, vì việc dân, việc nước bận rộn. nên chỉ thi thoảng mới ra Vọng Nguyệt lầu thưởng trà, Chỉ có Mỵ nương, từ ngày bặt tiếng sáo chàng Trương, nàng không ra Vọng Nguyệt lầu thưởng trà, đàn địch ngắm trăng nữa. Bộ chén ngọc giá ngàn vàng, trái tim chàng Trương, vẫn im lìm nằm trong tủ gỗ quý sang trọng. Nó vô tri, như mọi vật ngự dụng khác. Nhưng trong đó là cả một tâm hồn của chàng Trương.

Nơi đặt bình trà ngàn vàng của Lạc Hầu, chỉ cách khuê phòng của Mỵ nương không quá vài chục bước chân. Trong phòng Mỵ Nương, tiếng tiêu, tiếng sáo, đàn phách, vẫn vọng ra, do các tì nữ tấu lên hòa theo đàn của nàng. Nhưng tiếng đàn của Mỵ Nương vẫn như trầm buồn, như tiếc nuối, thở than của người trinh nữ. Một tuyệt thế giai nhân vẫn đang lưu luyến những xúc động đầu đời qua tiếng sáo Trương Chi. Từ ngày chàng Trương mất đi, nàng ít ra Vọng Nguyệt lầu.
Thời gian lặng lẽ trôi đi…

Rồi đến một mùa thu năm ấy, trăng thu lồng lộng tên cao, vằng vặc trong không gian bao la, soi sáng trên bầu trời Tầm Dương mênh mông sóng nước. Cả không gian như ngập trong ánh trăng vàng.  Cuối trời, sóng nước Tầm Dương, tung khói bụi mù mịt, khiến như cuối chân trời, trăng nước như hòa với nhau trong ánh trăng mờ ảo.

Mỵ Nương ra Vọng Nguyệt lầu ngắm trăng. thả hồn đến tận cuối trời. Cảnh cũ vẫn còn đây bên nàng. Nhưng sự bất công của Tạo hóa trên khuôn mặt của chàng Trương, như đã chặn lại những cảm xúc của nàng trong tiếng sáo ru hồn trinh nữ. Một thoáng u buồn trên gương mặt Mỵ Nương.

Cả một không gian lồng lộng bao la, khoáng đạt  bên Vọng Nguyệt lầu, nhưng chứa chất đầy cô liêu trong tâm tư nàng. Mỵ nương sai thị nữ pha trà, thưởng trăng.
Lần đầu tiên, nàng sử dụng bộ trà Hồng ngọc của Hoàng cung. Thị nữ cầm ấm trà tiến tới trước mặt nàng, nghiêng ấm, rót nước vào chén. Mùi trà thơm thanh khiết, đậm đà tòa ra từ chén trà.
Khi trà được rót vào chén ngọc, thì bất ngờ vẳng vẳng, như xa, như gần, tiếng sáo chàng Trương năm xưa, chập trờn men theo trăng gió, đến bên nàng. Chén trà còn nóng, nàng chưa kịp thưởng trà. Nhưng bất giác, nàng chạm tay vào chén trà. Một hình ảnh xa xăm chợt hiện ra trong chén trà của nàng. Đó chính là con thuyền năm xưa của chàng Trương. Cả không gian Vọng Nguyệt lầu như thảng thốt trong tiếng sáo của chàng, khiến đám thị nữ cũng phải kinh ngạc. Họ biết đây chính là tiếng sáo tuyệt kỹ của chàng, đã từng làm Mỵ Nương mê mẩn đến ngây ngất trên giường bệnh..

Rót nước vào, chợt thấy bóng ngư lang.
Quanh chén trà thuyền trôi theo tiếng đàn (*)…

Sự bất công của Tạo hóa, khiến hai con người không thể đến được với nhau trong tình yêu đôi lứa. Nhưng cả một trời trăng nước bên bến Tầm Dương, như đang rung lên, réo rắt trong tiếng sáo ngày xưa của Trương Chi. Thanh âm lồng lộng, khi trầm mặc, khi cao vút, như ngấm vào từng  ngọn cỏ bên bờ, hòa vào sóng nước trên sông, bồng bềnh trong những đám mây lững lờ và cả vầng trăng vằng vặc trên cao…Hồn chàng Trương trong tiếng sáo, như ôm trọn cả trời mây bao la. Một bầu trời trăng nước mênh mông, như run rẩy, ngây ngất trong tiếng sáo chàng Trương Chi.

Một bầu trời đầy thơ rung lên trong tiếng sáo chàng Trương, như nhắc nhở người trinh nữ, nhớ tới cảm xúc, rung động đầu đời, khi hòa tâm tư của nàng trong tiếng sáo Trương Chi…
Một chiều xưa, trăng nước chưa thành thơ.
Trầm trầm không gian mới rung đường tơ.
Vương vấn heo may, hoa Yến mong chờ…
Ôi tiếng cầm ca…Thu đến bao giờ…

Một vùng kỷ niệm với xúc động đầu đời trong tâm hồn Mỵ Nương dâng trào, như ôm trọn cả không gian với hai tâm hồn cùng hòa trong tiếng nhạc. Bất giác, Mỵ Nương cầm lấy chén trà đưa lên gần mặt, nửa như muốn thưởng trà, nửa như muốn gần hơn với một trời kỷ niệm…Tiếng sáo chàng Trương, trầm buồn, u mặc, như ngập tràn trong tâm hồn Mỵ Nương. Một cảm xúc dâng trào trong tâm khảm nàng. Nàng ứa nước mặt. Giọt lệ đài trang đọng trong mi lớn dần và rớt xuống chén ngọc. Tiếng sáo chàng Trương nhỏ dần. Bóng con thuyền Trương Chi trong chén ngọc cũng như biến mất…
Bỗng đám thị nữ la lên: “Máu!”.

Chiếc chén trà trên tay Mỵ Nương tan ra thành huyết hòa cùng nước trà, lênh láng trên bàn trà của nàng. Trên mặt kỷ bên cạnh bàn trà của Mỵ Nương, bộ trà Hồng ngọc, báu vật ngàn vàng trên thế gian, cũng đang tan dần thành huyết. Linh hồn u uẩn của Trương Chi đã tìm được câu trả lời từ giọt nước mắt của Mỵ Nương. Chàng không cô liêu trên thế gian này. Vẫn có một tuyệt thế giai nhân chia sẻ và cảm thông với chàng qua tiếng sáo ôm cả một trời tâm sự của chàng. Của cải vật chất giá ngàn vàng trên thế gian cũng tan biến, chỉ có giọt nước mắt của Mỵ Nương đã đưa câu truyện tình Trương Chi Mỵ nương vào cõi thiên thu.
Ta về giữa cõi vô thường.
Đào trong kỷ niệm, tìm hương cuối mùa.

Bài này đã được đăng trong Các Đề Tài Khác. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.