Đọc bài “Mê tín dị đoan và tôn giáo”.

Có một bài viết với tựa như dưới đây, không thấy giới thiệu tác giả, nguồn dẫn vỏn vẹn có mấy chữ: dactrung.net. Xem qua thấy ngu. Nhưng ở trên diễn đàn chính thức lyhocdongphuong.org.vn tôi còn lịch sự một tý. Bởi vậy, tôi phải đưa nó vào đây cho dễ thể hiện thái đô.
Dưới đây là nguyên văn của bài viết này.
Mê tín dị đoan và tôn giáo

Bạn đọc nghĩ sao khi tôi kể là ở một số vùng quê của Trung Hoa, khi người cha đi vào rừng săn bắn thì không ai ở nhà được vẽ hình hay vạch lằn trên đất cát vì làm như vậy thì người đi săn trong rừng sẽ bị lạc đường? Hay là ở Ấn Độ, nếu một người đàn bà bị khó khăn khi lâm bồn mà uống một chén nước đã được bà mẹ chồng của cô ấy nhúng ngón chân cái vào thì sẽ sanh được nhanh chóng?

Chắc chắn sẽ có một số bạn đọc nghĩ là những người nầy sao lại mê muội một cách buồn cười. Làm sao mà những vết vẽ trên đất cát ở nhà lại có thể làm người đi săn trong rừng lạc lối được? Cũng như làm gì có chuyện ngón chân cái của bà mẹ chồng có thể làm cho con dâu sanh nhanh được!?

Vậy mà nếu có chổ, và thời gian, tôi có thể kể ra hàng trăm những tập tục lạ lùng khác mà quí bạn đọc cũng sẽ có những nhận xét tương tự. Những tập tục nầy xảy ra ở những lục địa khác, những quốc gia khác, hoặc trong một thời điểm khác.

Tôi xin kể thêm một vài tập tục nữa. Thí dụ như nếu lỡ làm đổ muối trên bàn ăn thì phải lấy thêm một nhúm nữa và thảy qua vai bên trái ra phía sau lưng mình, nếu không thì sẽ gặp điều không may mắn. Thí dụ nếu như một cái móng ngựa được treo trước cửa nhà mình ngửa lên giống hình chữ U thì nó sẽ mang đến may mắn; còn nếu treo chổng ngược đầu xuống thì nó sẽ mang đến xui xẻo.Cũng như thí dụ nếu ai lỡ làm vỡ tấm gương soi mặt của mình thì sẽ bị nhiều rủi ro trong 7 năm.

Không ít độc giả chắc đã nghe qua ít nhất một hay hai tập tục ở trên rồi; tuy không chắc là có tin hay thực hành chúng. Những tập tục nầy rất phổ thông trong xã hội Tây Phương ngay cả ngày hôm nay. Nhờ phương tiện truyền thông và di chuyển dễ dàng, nhiều phong tục tập quán trong đời sống Tây Phương đã trở thành khá quen thuộc với một số lớn người Á Đông.

Thêm một vài thí dụ nữa. Có một số ngày như ngày thứ năm, thứ mười bốn và thứ hai mươi ba trong mỗi tháng âm lịch được coi là những ngày không may mắn nếu khai trương tiệm quán hay đi chơi xa, cưới hỏi, v.v. Ngày, giờ và năm sinh của mỗi người có ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp, tình cảnh gia đình và cả tuổi thọ của người ấy. Khi hai người nam và nữ sinh ra vào những năm “kỵ” với nhau, nếu lấy nhau làm vợ chồng thì không thể nào hạnh phúc được; trong những trường hợp nghiêm trọng thì một trong hai người sẽ chết sớm hơn “tuổi thọ” của họ nếu hai người không lấy nhau. Trong những đám tang, hay lễ cúng, người ta đốt những hình tượng quần áo, giày dép, tiền bạc, xe hơi, nhà lầu, v.v. làm bằng giấy để cho người chết ở một cõi khác có thể xử dụng được.

Đến đây thì tôi chắc là hầu hết độc giả Việt Nam đều đã nhận ra những tập tục kể trên. Có khi chính một số chúng ta cũng thường xuyên tuân hành theo những tập tục nầy trong đời sống hàng ngày.

Những thí dụ vừa rồi, và những thí dụ kể trên, cũng như bao nhiêu thí dụ khác mà tôi không thể nào kể hết ra được ở đây đều giống nhau ở một điểm: chúng đều là mê tín dị đoan.

Mê tín dị đoan, theo định nghĩa, là niềm tin rằng một hiện tượng xảy ra vì là hậu quả của một hiện tượng khác, trong khi thật ra không có mối liên hệ nguyên nhân hậu quả gì giữa những hiện tượng nầy. Trong thực tế, người ta thường làm (hoặc tránh làm) một hành động gì đó để một sự việc gì khác xảy ra (hoặc không xảy ra) trong khi thật sự là hành động nầy không tạo thành hay sinh ra bởi sự việc nầy.

Voltaire cho rằng một người mê tín cũng như một kẻ nô lệ bị trói buộc bởi những nỗi lo sợ vô cớ do chính mình áp đặt lên cho mình. Trên thế giới có hai nhóm người rõ rệt: một nhóm không mê tín, một nhóm mê tín; và phần đông ai cũng nghĩ là mình thuộc về nhóm thứ nhất.

Tùy một người là ai mà họ thấy cái gì là mê tín, cái gì là không. Một người Pháp chẳng hạn, khi đi qua nước Ý sẽ thấy hầu như mọi thứ chung quanh ông ta đều có dính dáng đến mê tín dị đoan. Như đã thấy ở trên, khi một người Á Đông đọc về những mê tín của Tây Phương chẳng hạn, họ sẽ cười mà cho rằng những dân tộc nầy quả thật là chậm tiến và mê muội. Cũng tương tự như khi một người Tây Phương đọc về những mê tín dị đoan của Đông Phương. Nhưng khi đọc bảng liệt kê những mê tín dị đoan của loài người, không bao lâu sau, hầu hết ai cũng sẽ nhận ra ngay rất nhiều thứ mà chính họ đang thực hành hằng ngày.

Khi một đứa trẻ mới sinh ra, trong người của nó không có sẵn một chút mê tín dị đoan nào cả. Nhưng khi lớn lên, đứa trẻ từ từ học được những hành động, những phản ứng, những cách suy nghĩ nầy qua gia đình và xã hội chung quanh. Đại đa số những tập tục mê tín trong gia đình của cha mẹ sẽ được truyền qua gia đình của con cái trong tương lai, cộng thêm (hay trừ bớt) một số những mê tín khác mà những đứa con nầy thu lượm từ kinh nghiệm trong đời sống của chúng. Những người có nghề nghiệp càng nguy hiểm, càng bấp bênh, càng tùy thuộc vào thiên nhiên thì thường càng có nhiều thủ tục mê tín gắn liền vào cách thức, lề lối sinh sống hàng ngày của họ.

Mê tín trở thành những thói quen phiền toái, tốn kém. Tuy vậy đây là những thiệt thòi người ta sẵn sàng đánh đổi để cho họ cảm thấy an tâm và “an toàn” hơn. Người ta tin tưởng một cách nghiêm cẩn và chăm chỉ về những hiện tượng huyền bí “nho nhỏ” nầy, tuy rằng không ai thật sự hiểu rõ nguồn gốc hay cách vận hành của chúng ra sao. Họ lý luận rằng thà là tuân theo những luật lệ siêu nhiên “nho nhỏ” nầy còn hơn là “lỡ có gì thì sao?”

Mê tín dị đoan sinh ra và tích lũy lại từ sự thiếu hiểu biết của con người trong những niên đại mà khoa học chưa được lập thành hay phát triển. Bản năng tự nhiên, và nhu cầu sinh tồn, của con người thúc đẩy họ phải tìm ra những giải thích “thỏa đáng” cho chính họ về những hiện tượng xảy ra chung quanh. Tại sao khi thì săn bắt được nhiều thú rừng, khi thì không? Tại sao năm nay cây trái mùa màng lại thấp kém hơn những năm trước? Tại sao nếu sáng nào bà X vào mua hàng đầu tiên ở cửa tiệm của mình rồi thì suốt ngày đó sẽ buôn bán ế ẩm? Tại sao cái computer trong văn phòng của mình lại hay bị hư khi mình mặc áo màu đen đi làm? Sự sợ hãi về các hiện tượng thiên nhiên và “siêu nhiên” vẫn còn tác động mãnh liệt trong tiềm thức con người ngày nay không khác gì trong ông cha họ lúc còn ăn lông ở lỗ.

Mê tín có thể phát xuất từ những luật lệ trong xã hội ngày xưa, nhưng lâu ngày rồi ý nghĩa của những luật lệ nầy bị quên lãng đi và người ta chỉ còn biết rằng “không được làm việc đó, nếu làm sẽ đem lại hậu quả xấu”. Thí dụ như trong phong tục Việt Nam, nếu bị “đòn vông” của những nhà hàng xóm đâm chỉa vào hướng nhà của một người thì gia đình người ấy sẽ gặp nhiều điều kém may mắn. (Trong lối kiến trúc xưa của một căn nhà thông thường trong dân gian, đòn vông là thanh gỗ nằm cao nhất trên nóc, dọc theo chiều dài của nhà). Thuở xưa khi làng xóm, quận lỵ mới được thành lập, vì muốn cho nhà cửa nằm tương đối có thứ tự lớp lang, vua quan ra lệnh là dân chúng phải xây cất nhà làm sao cho đòn vông của nhà hàng xóm không đâm xỉa vào nhà mình. Dần dần rồi người ta quên mất đi lý do trên và biến đổi luật lệ thực dụng nầy ra thành một mê tín vẫn còn thông dụng ngày nay. (Và trong những trường hợp không tránh được đòn vông của láng giềng xỉa vào nhà mình thì ngày nay người ta thường treo một tấm gương lên đầu tường hướng ngược lại phía cây đòn vông để “phản chiếu vận xui đi nơi khác”!)

Có người tin rằng nhiều mê tín dị đoan ngày nay là dấu tích của những tín ngưỡng tôn giáo trong thời xa xưa. Thí dụ như nhiều người tin rằng Thứ Sáu mười ba là một ngày rất xui xẻo. Một trong những cách giải thích là theo Kinh Thánh, ngày thứ Sáu là ngày Eva dụ Adam phạm tội, cũng như là ngày trận Hồng Thủy bắt đầu, cũng như là ngày Jê-Su bị đóng đinh; kết hợp với việc trong buổi ăn cuối cùng của Jê-Su có 12 người tham dự, với người thứ 13 là Ju-da, kẻ đã phản bội Jê-Su. Một thí dụ khác là người Tây Phương hiện nay vẫn thường buột miệng nói “Xin Chúa ban ơn!” sau khi thấy một người nhảy mũi. Vào thế kỷ thứ 6, người ta tin rằng khi nhảy mũi thì ma quỷ trong người sẽ bị văng ra ngoài. Về sau, khi có bệnh dịch lan tràn, nhiều người bị nhảy mũi dữ dội khi bị nhiễm bệnh, Đức Giáo Hoàng đương thời ra lệnh phải xin Chúa độ ơn khi thấy một người vừa nhảy mũi (vì với trình độ y khoa sơ đẳng của thời ấy, rất nhiều người sẽ chết khi bị nhiễm dịch).

Theo tôi, nếu nhìn từ một phương diện khác thì mê tín dị đoan và tôn giáo đều được bắt đầu từ một nguồn gốc chung. Cả hai đều có những đặc điểm rất tương đồng với nhau như sau:
– Cả hai đều được thành hình từ nhu cầu cần thiết để cố gắng giải thích về những hiện tượng khó hiểu chung quanh con người.
– Cả hai đều gán ghép những liên hệ nguyên nhân hậu quả vào một số hiện tượng mà không hề chứng minh rõ ràng được về những mối liên hệ nầy.
– Cả hai đều dựa lên một nền tảng chung để truyền bá và vận hành, đó là sự sợ hãi.
– Cả hai đều chỉ có giá trị giới hạn trong một tập thể, một địa phương nào đó. Bên ngoài biên giới của những tập thể hay địa phương nầy, cả hai đều có thể bị coi là vô căn cứ, chậm tiến hay thậm chí mê muội, mù quáng.

Để dẫn giải cho nhận định trên, tôi sẽ lấy thí dụ về một người có tôn giáo (nhất là các tôn giáo độc thần như Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo). Người nầy răm rắp thi hành những điều luật mà Thượng Đế của họ đặt ra vì nếu không thì họ sẽ bị trừng phạt; trong khi chính họ không thể giải thích hay chứng minh rõ ràng được về nguồn gốc, tính chất của những Thượng Đế nầy. Để lấp vào lỗ hổng đó, họ dùng cái gọi là “đức tin” để biện hộ cho hành động của họ. Một thí dụ nữa là tín đồ nầy tin rằng có một nơi chốn gọi là “thiên đàng” để ban thưởng họ sau khi chết, cũng như có một nơi chốn gọi là “địa ngục” để trừng phạt những kẻ không tuân lời Thượng Đế, kể cả những kẻ “ngoại đạo”. Dĩ nhiên là không ai biết hay tin chắc chắn là có những nơi chốn như vậy. Nếu không thì tại sao các tín đồ Thiên Chúa giáo chẳng hạn, khi mắc bệnh hiểm nghèo thì họ lại cầu nguyện để được sống lâu thêm trên cái trần gian đầy đau khổ nầy thay vì được mau đưa về Thiên Đàng an hưởng đời đời với Thiên Chúa? Nếu tin ở Hỏa Ngục thì tại sao lại có vô số người rất sùng đạo lại vẫn cố tình phạm những tội lỗi mà Thượng Đế của học đã nghiêm cấm không được làm?

Một nhận xét khá lý thú là ngay chính tôn giáo cũng nhìn nhận sự hiện hữu của mê tín dị đoan, và phần lớn công khai bài bác những tập tục “mê muội, mù quáng” nầy. Có điều là chữ “mê tín” trong tôn giáo thường được dùng đồng nghĩa với “những lễ nghi, giáo điều, tín ngưỡng, v.v. của các tôn giáo khác”. Nếu một hiện tượng không giải thích được xảy ra trong một tôn giáo, người theo tôn giáo ấy cho đó là một “phép mầu”; nếu một hiện tượng giống như vậy xảy ra trong tôn giáo khác, theo họ đó là “điều huyễn hoặc”. Mỗi tôn giáo đều tự cho rằng tôn giáo mình không mê tín vì họ có “bằng chứng” để hỗ trợ cho những lễ nghi, giáo điều, tín ngưỡng, v.v. của họ. Và “bằng chứng” duy nhất và tối quan trọng nhất là “đức tin” của họ. Như đã nói ở trên, với “đức tin”, họ không cần phải giải thích được bằng kiến thức khoa học hiện thời về bất cứ điều gì. Phương cách nầy rất tiện lợi và hữu dụng, nhưng lại có một khuyết điểm rất lớn. Đó là hầu như mỗi tôn giáo, mỗi nhóm phái đều có một đức tin khác nhau, và nhiều khi hoàn toàn đối nghịch nhau.

Điều nầy gây ra nhiều sự rối loạn trong hàng ngũ của các tôn giáo.

Nếu lại lấy Thiên Chúa giáo làm thí dụ, thì ngay những nhóm người cùng coi mình là con chiên của Jê-Su cũng đã luôn có những quan điểm khác nhau khi nói về mê tín. Trong Thiên Chúa giáo, hình như không ai đồng ý với ai về việc cái gì là mê tín, cái gì là không. Khi viết về mê tín dị đoan, Voltaire nói “mê tín dị đoan phát sinh từ tục lệ trong nhân gian hoặc những đạo đa thần, nhập vào Do Thái giáo rồi lan truyền sang toàn thể Thiên Chúa giáo ngay từ thời buổi ban đầu. Tòa Thánh luôn luôn chê trách pháp thuật, nhưng lúc nào cũng tin vào phép mầu. Tất cả những linh mục trong Tòa Thánh, không ngoại trừ bất cứ ai, đều tin vào huyền lực của phép mầu”. Voltaire cũng nhận xét thêm rằng ở thời ông ấy thì “Ngài Tổng Giám Mục của địa hạt Canterbury cho rằng Ngài Tổng Giám Mục của địa hạt Paris là mê tín, nhóm Tin Lành cho rằng Ngài Tổng Giám Mục của Canterbury là mê tín trong khi chính họ cũng bị những người Quakers cho là mê tín. Trong khi đó, nhóm Quakers lại bị coi là những người mê tín dị đoan nhất bởi mọi nhóm khác trong Thiên Chúa giáo”.

Tình trạng đó cũng vẫn không khác gì mấy ngày nay. Đạo Tin Lành vẫn cho rằng những thánh vật, sự hiện thân của Đức Mẹ Đồng Trinh, sự cầu nguyện cho người chết, nước thánh, v.v. cũng như hầu hết những nghi lễ của Công Giáo đều là mê tín dị đoan. Đối với họ, mê tín là lấy những việc không cần thiết mà thực hành như những việc tối cần thiết. Ngay trong Công Giáo cũng có những nhóm đã gạt bỏ bớt đi nhiều hình thức rườm rà mà nhiều người Công Giáo khác cho là thiêng liêng và cần thiết. Tuy vậy, nhóm nầy thường không công khai đả kích những người vẫn đeo giữ những thủ tục cổ hủ, vì theo họ thì những lễ nghi nầy “cũng không có gì nguy hại hay tội lỗi cả”.

Trong cái gọi là Phật giáo ngày nay, chúng ta cũng có thể kể ra một lô dài bất tận những thủ tục, nghi lễ nằm đúng hoàn toàn trong cái định nghĩa của mê tín dị đoan ở trên. Tôi tin rằng điều nầy cũng có thể áp dụng cho tất cả các tôn giáo Đông Phương khác từ Ấn Độ giáo, Hồi giáo cũng như những tôn giáo nhỏ như Cao Đài, Hòa Hảo, v.v. Những tôn giáo nầy (trừ Hồi giáo) thường không kình chống lẫn nhau công khai và có khi đầy tính cách bạo động như trong trường hợp của Thiên Chúa giáo. Tuy vậy trong nhóm tôn giáo Đông Phương, các nghi lễ, phương cách tụng niệm, hình tượng của một tôn giáo cũng vẫn thường bị xem là mê tín dị đoan bởi người trong những tôn giáo khác.

Có người cho rằng nhóm phái nào có ít nghi lễ nhất thì có lẽ là ít mê tín nhất. Nhưng theo tôi thì nói như vậy đâu có khác mấy với nói rằng “con mèo nào có đuôi càng ngắn thì càng có ít tính chất ‘mèo’ hơn”.

Chúng ta hãy áp dụng cái định nghĩa của mê tín dị đoan ở trên vào những tính chất đặc thù của tôn giáo. Khi phân tích những thí dụ ở trên, chúng ta thấy rõ ràng là trong tôn giáo, người ta làm (hoặc tránh làm) những hành động gì đó chỉ vì để được tưởng thưởng (hoặc không bị trừng phạt) bỡi một đấng Tối Cao. Trong khi đó, người ta thật sự không có cách nào biết rõ về sự hiện hữu của nhân vật Tối Cao nầy, chớ đừng nói gì đến có thể giải nghĩa thích đáng được về sự liên hệ giữa những hành động và sự thưởng phạt nầy. Yếu tố nầy chúng ta đã thấy nằm trong trường hợp của mê tín dị đoan.

Từ những nhận xét trên, nhiều người không khỏi đi đến kết luận rằng tôn giáo chỉ là những tập hợp của một số mê tín đã được hệ thống hóa lại. Nói chung, tôn giáo thường là các tổ chức có chính sách truyền bá với kế hoạch và quy củ chặt chẽ trong khi mê tín dị đoan thường chỉ là những “kiến thức” truyền miệng trong dân gian. Yếu tố khác biệt nầy làm cho nhiều người trong chúng ta không thấy được là cả hai đều liên quan rất mật thiết với nhau từ nguồn gốc cho đến cách vận hành.

Tôn giáo thay đổi với thời gian. Những thay đổi trong tôn giáo thường cần thiết để đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, với nhu cầu đời sống của xã hội, và có khi với áp lực chính trị bên trong cũng như bên ngoài tổ chức tôn giáo. Nhờ có luật lệ, quy củ rõ rệt, những thay đổi trong tôn giáo thường xảy ra tương đối nhanh chóng. Thí dụ như sau nhiều thế kỷ truyền dạy theo lời Kinh Thánh rằng mặt đất là một mặt phẳng, khi phải đối diện với bằng chứng khoa học không thể chối cải được, Tòa Thánh đã ban lệnh là từ đó mọi người phải tin rằng mặt đất thật ra có dạng một quả cầu. Thí dụ như hôn nhân đã từng được coi là một giao kèo bất di bất dịch giữa hai người trước mặt Thiên Chúa; sự ly thân của hai vợ chồng, bất cứ vì lý do gì, là một tội nghiêm trọng không thể tha thứ được. Ngày nay, với lề lối sinh sống và quan niệm tình cảm hiện đại của đa số tín đồ, Tòa Thánh cũng đã phải sửa đổi cái nhìn về vấn đề nầy; nhờ vậy mà ly dị không còn là một tội lỗi đáng bị trừng phạt bởi Thiên Chúa nữa.

Mê tín dị đoan, trên mặt khác, thường ít thay đổi; hoặc nếu có thì cũng chỉ với một tốc độ rất chậm. Như đã nói, mê tín dị đoan thường chỉ được thực hành ở lãnh vực cá nhân hơn là một cách tập thể, công khai, với văn bản, luật lệ hẳn hoi như trong trường hợp tôn giáo. Người ta thường dễ dàng chấp nhận hơn nếu một mê tín không chạy theo kịp kiến thức khoa học kỹ thuật hay quan niệm xã hội. Vì không có tổ chức, cơ cấu, ban điều hành, v.v. như tôn giáo, mê tín dị đoan thường không cần lo lắng đến việc có thể bị chỉ trích công khai bởi báo chí, dư luận, nhà cầm quyền, v.v. Vì không có những áp lực chính trị nầy, mê tín dị đoan tương đối được “bỏ lơ” để tồn tại không thay đổi mấy từ thế kỷ nầy qua thế kỷ nọ.

Mê tín dị đoan có thể gây ra phiền phức, tốn kém cho cá nhân và xã hội. Những phiền phức, tốn kém nầy thường tương đối nhỏ hẹp và giới hạn. Tuy nhiên, vì tôn giáo thường có tổ chức công khai, cơ cấu chặt chẽ, hàng ngũ rõ rệt, tài chính dồi dào, uy quyền to lớn nên ảnh hưởng của tôn giáo có thể nghiêm trọng và sâu rộng rất nhiều cho cá nhân và xã hội. Có người nói “tôn giáo vô hại cho đến khi có kẻ trở thành mù quáng vì nó”. Rất ít trường hợp một cá nhân hay tập đoàn tàn sát một cá nhân hay tập đoàn khác vì họ bất đồng ý với nhau về ý nghĩa của một điều mê tín gì đó. Tuy nhiên, lịch sử đã có biết bao nhiêu trang đẫm máu chỉ vì những bất đồng ý kiến về cách giảng giải khác nhau về vài chi tiết trong kinh sách tôn giáo.

Nói chung, tùy một người tin vào những gì mà một hành động, một hiện tượng đối với người đó có thể là mê tín dị đoan hay tín ngưỡng chính đáng. Trình độ giáo dục, bằng cấp văn hóa, kiến thức kỹ thuật không chắc có thể đem đến khả năng chống cự lại ảnh hưởng của mê tín dị đoan. Chúng ta đã từng thấy bác sĩ, kỹ sư, bác học, triết gia, v.v. cũng vui vẻ tuân theo các điều mê tín không khác gì những người buôn bán, chạy xe ôm hay ăn xin ngoài đầu chợ. Viên chức cao cấp trong tổ chức chính trị hay lãnh tụ quốc gia cũng không miễn nhiễm trong vấn đề nầy. Tất cả đều ít nhiều, trực tiếp hay gián tiếp công khai thi hành những thủ tục “cần thiết” nầy hàng ngày mà không hề thắc mắc.

Nguồn dactrung.net

Bài này đã được đăng trong Các Đề Tài Khác. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.